Wednesday, June 7, 2017

Ho vì cảm

Bác sĩ Nguyễn văn Đức, Chuyên Khoa Nội Thương

Image result for cough cold                                                                                                                                                 
Mùa này, nhiều người chúng ta đang bị cảm. Mấy bữa nay ho quá là ho, uống thuốc ho hoài không bớt, chúng ta muốn bác sĩ cho thuốc ho khác mạnh hơn, và thêm cả trụ sinh nữa. Chuyện không giản dị, khi cái ho do cảm đang trên đà mạnh, chẳng thuốc ho nào giúp nhiều, và trụ sinh càng vô ích thôi [vì cảm do siêu vi (virus), trụ sinh chỉ đánh được vi trùng (bacteria), chẳng ăn thua gì với các siêu vi]. Thậm chí, American College of Chest Physicians, một hiệp hội y khoa của các bác sĩ chuyên về lồng ngực ở Mỹ, còn khuyên chúng ta không dùng thuốc ho cho cơn ho vì cảm.
 
Bệnh cảm thường (common cold) là bệnh nhẹ đường hô hấp trên, rất hay xảy ra, trẻ em 5 đến 7 lần một năm, còn người lớn chúng ta cũng 2-3 lần một năm.
 
Chúng ta cần phân biệt cảm với các bệnh cúm (flu), viêm họng (pharyngitis), viêm ống phổi (acute bronchitis), viêm xoang do vi trùng (acute bacterial sinusitis), viêm mũi do dị ứng (allergic rhinitis), ho gà (pertussis). Trong các bệnh vừa kể, viêm mũi do dị ứng hay khiến chúng ta lẫn lộn với cảm nhất.
 
Có đến trên 200 loại siêu vi (virus) có thể gây bệnh cảm.
 
Siêu vi cảm ẩn trong nước mũi, nước miếng người bệnh. Chúng ta nhiễm cảm khi bắt tay người bệnh có dính siêu vi cảm, rồi vô tình đưa lên mắt, mũi chúng ta, hoặc chúng ta rờ phải các đồ vật chung quanh người bệnh có dính siêu vi. (Nhiều siêu vi cảm có thể sống vài tiếng đồng hồ bên ngoài cơ thể ta.) Bệnh cũng truyền từ người bị cảm sang ta khi những hạt nước nhỏ li ti có chứa siêu vi, bắn ra từ mũi, miệng họ trong lúc họ ho, hắt hơi, ...
 
 

Cảm không dữ bằng cúm, song cũng có thể gây các biến chứng viêm các xoang quanh mũi, viêm tai giữa, khiến suyễn trở lại, bệnh phổi, bệnh tim có sẵn nặng hơn.
 
Triệu chứng cảm:
Thời gian từ lúc mới lây bệnh đến lúc bệnh phát ra ngắn, chỉ khoảng 24-72 tiếng đồng hồ. Khác với cúm (triệu chứng rất đột ngột và nặng), triệu chứng cảm nhẹ và từ từ hơn.
 
Triệu chứng thay đổi tùy người, nhưng nói chung, khi bị cảm, chúng ta hay chảy mũi, nghẹt mũi, hắt xì, rát họng, ho, nhức đầu, thấy trong người ớn lạnh, uể oải không khỏe. Cúm gây sốt cao, còn cảm thường không gây sốt, hoặc chỉ sốt nhẹ. Rát họng khó chịu nhất trong ngày đầu, trong khi chảy mũi, nghẹt mũi, hắt xì nặng nhất khoảng ngày thứ 2 và thứ 3. Ho thường bắt đầu làm phiền chúng ta khoảng ngày thứ 4, 5.
 
Cảm thường kéo dài khoảng 10 ngày, người hút thuốc lá lâu khỏi hơn, khoảng 13 ngày. Một số người đến 2 tuần sau mới khỏi hẳn. Cũng có người tuy khỏe rồi, vẫn ho lai rai vài tuần sau khi cảm. Cảm không khiến ta mệt dữ như cúm.
 
Ngoài các triệu chứng vừa kể, khi thăm khám bạn, bác sĩ không thấy có những dấu chứng gì lạ lắm.
 
Chữa trị cảm:
Sự chữa trị bệnh cảm thường (common cold), trong những trường hợp không có biến chứng, gồm các phương cách giúp chúng ta dễ chịu, trong lúc chờ cho cơn cảm đi qua.
 
Trụ sinh (antibiotics) vừa tốn kém, lại chẳng ăn thua, không làm cảm sợ và đi mau hơn. Trụ sinh chỉ diệt được vi trùng (bacteria), không có kết quả trong những bệnh gây do siêu vi trùng (virus) như bệnh cảm, bệnh cúm. Chúng... "siêu" hơn vi trùng, nên không sợ trụ sinh. (Các tài liệu y học, và cả cơ quan y tế CDC của chính phủ Mỹ vẫn luôn đưa lời kêu gọi, yêu cầu các bác sĩ không nên dùng trụ sinh để chữa cảm, cúm). Việc sử dụng trụ sinh chỉ cần thiết, khi đã có các biến chứng (complications) do vi trùng, như viêm tai giữa (otitis media), viêm các xoang quanh mũi (sinusitis), ... Các khảo cứu cho thấy, nếu dùng sớm, trụ sinh cũng không ngăn ngừa được các biến chứng. Và một khi biến chứng xảy ra, vi trùng đã kháng, đã lờn mặt loại trụ sinh đang sử dụng; dĩ nhiên lúc đó chúng ta cần đổi trụ sinh, có khi phải dùng một loại trụ sinh khác độc hại hơn, đắt tiền hơn, làm thủng túi tiền chúng ta. (Người ta cũng nhận thấy, cộng đồng nào sử dụng nhiều trụ sinh, số vi trùng kháng thuốc trụ sinh trong cộng đồng đó cũng nhiều hơn các cộng đồng khác, chứng tỏ việc dùng trụ sinh bừa bãi không những hại cho mình, mà còn hại cho cả người chung quanh).
 
Ta dùng Tylenol hay các thuốc Aspirin, Advil, Nuprin, Aleve, … (mua không cần toa bác sĩ) để bớt nhức đầu, rát cổ, ớn lạnh. Các thuốc uống như Sudafed, Genaphed và các thuốc xịt mũi như Afrin, Dristan dùng vài ngày giúp chúng ta bớt nghẹt mũi; các thuốc xịt Ipratropium, Cromolyn giúp chúng ta đỡ chảy mũi. Những thuốc chữa dị ứng như Claritin, Loratadine, Clarinex, Allegra, Zyrtec không ăn thua, uống vào nước mũi vẫn chảy ròng ròng. Những thuốc mạnh hơn như Benadryl, Chlor-Trimeton giúp bớt chảy mũi song làm khô luôn môi, miệng, mắt, và ở các vị cao niên có thể nguy hiểm, gây bí tiểu, dật dờ, trí óc mất sáng suốt.
 
Còn ho? Ho ít chúng ta không cần uống thuốc ho, khi ho nhiều, các thuốc ho chứa chất dextromethorphan hay guaifenesin như Robitussin DM, Robafen DM giúp chúng ta bớt ho chút nào hay chút nấy, lúc ho dữ quá, chúng cũng chẳng giúp bao nhiêu, uống thường còn có thể khiến chúng ta mệt. Các thuốc ho chứa chất Codein không giúp cái ho do cảm, và gây nhiều tác dụng phụ hơn thuốc ho Robitussin DM, Robafen DM. American College of Chest Physicians không cổ võ việc dùng thuốc ho khi bị cảm, theo họ, ho cứ để cho ho, nhất là khi ho có đàm, vì ho là cơ chế tốt của cơ thể giúp chúng ta tống xuất bớt đàm nhớt dơ trong bộ hô hấp ra ngoài, không để chúng ứ đọng trong phổi gây sưng phổi. (Trong cơm cảm vừa qua, người viết ho dữ lắm, ngày lẫn đêm, song không uống ngụm hay viên thuốc ho nào, rồi cơn cảm qua đi, cái ho tự dứt, đâu có chết! Chúng ta không nên cuống lên, ho chút, vội kiếm thuốc ho uống. Tháng 3 tới này, MediCal của tiểu bang California sẽ chẳng còn cho thuốc ho nữa, chắc vì họ thấy nhiều người dùng thuốc ho không đúng, mùa này, ai đến bác sĩ cũng xin thuốc ho, bác sĩ khó từ chối, và như vậy đâm ra quá tốn kém tiền của đất nước.)
 
Bạn đang bị cảm (hay cúm), nóng lòng muốn "chích thuốc" để cảm mau hết. Đúng theo sách vở, các siêu vi cảm đâu có sợ kim chích, làm gì có thuốc chích để cảm cuốn gói đi nhanh hơn. Bạn đừng tin vào ai dụ bạn, bảo chích thuốc hoặc dùng trụ sinh cảm sẽ mau hết, tốn tiền vô ích, có khi còn hại. (Bạn nên hỏi lại, "Thuốc chích tên gì thế bác sĩ nhỉ, xin viết xuống đây cho tôi biết, để tôi tìm đọc trên internet xem thuốc chích này có thực chữa cảm không", hoặc, "Tài liệu nào nói trụ sinh trị cảm, xin bác sĩ cho xem").
 
Chúng ta khó tránh cảm 2-3 lần mỗi năm, vì khác với cúm đã có cách ngừa (chích ngừa, thuốc xịt Flumist), cảm chưa có cách phòng ngừa hữu hiệu. Nhưng xin đừng sợ lắm, cảm là bệnh nhẹ thôi, thường sẽ mau chóng ra đi. Đa số các trường hợp cảm, chúng ta có thể tự chữa lấy ở nhà, không cần đến bác sĩ. Còn thuốc ho, muốn dùng lúc ho nhiều không ngủ được hoặc sợ ho làm phiền người khác, bạn thử các thuốc ho Robitussin DM, Robafen DM (mua không cần toa bác sĩ), chúng giúp được chút nào hay chút nấy, không giúp thì thôi. Nếu nóng sốt, hoặc ho dữ trên 10 ngày chưa thấy bớt, bạn nên đi khám bác sĩ xem có bị biến chứng của cảm như viêm xoang quanh mũi (sinusitis), viêm ống phổi cấp tính (acute bronchitis), hoặc suyễn trở lại. Viêm xoang quanh mũi cần đến trụ sinh.
 
Cảm là bệnh xảy ra nhiều nên triệu triệu đô la đã được đổ ra để nghiên cứu. Nhưng càng nghiên cứu, người ta càng thấy việc chữa cảm không có nhiều lựa chọn: nghỉ ngơi, và nếu cần, dùng thuốc Tylenol, Aspirin, hoặc Advil, Nuprin, Aleve cho đỡ nhức đầu, rát cổ, ớn lạnh, dùng thuốc Sudafed, Genaphed, Afrin, Dristan cho bớt nghẹt mũi, dùng các thuốc xịt Ipratropium, Cromolyn cho bớt chảy mũi (các thuốc mạnh như Benadryl, Chor-Trimeton giúp bớt chảy mũi, song gây nhiều tác dụng phụ); ho nhiều thử dùng thuốc ho Robitussin DM hay Robafen DM xem nó có giúp chăng, không giúp thì thôi, ho cứ để ho, chờ cảm qua đi ho sẽ hết (thường khoảng 10 ngày nếu không hút thuốc lá), không nên nhờ bác sĩ cho thuốc ho khác "mạnh" hơn, chúng cũng chẳng giúp mà còn có thể gây các tác dụng phụ khó chịu, nguy hiểm. Cảm đi ho sẽ tự hết, không phải vì dùng thuốc ho này mạnh hơn thuốc ho nọ (và càng không phải vì trụ sinh).
 
Ngày nay, với phương tiện truyền thông internet, chúng ta dễ dàng tìm hiểu nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe chúng ta, chẳng hạn, chúng ta có thể vào các websites www.uptodate.com, www.webMD.com để đọc những tài liệu về các bệnh tật thông thường hay xảy ra. Nâng cao kiến thức về mọi mặt, bao giờ cũng tốt cho bản thân chúng ta và gia đình.
 
 
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Chuyên Khoa Nội Thương 8748 E. Valley Blvd., Ste. H Rosemead, CA 91770 (626) 288-3306
 
THUỐC HO GIA TRUYỀN GỐC RẠCH GIÁ. 
Ai đã từng đau khổ vì BỊNH HO... ho liên tu bất tận, ho đến muốn ngộp thở luôn; ho ran cả ngực, rát cổ họng, cái đầu như sắp bị nứt ra vậy !!! Có nhiều toa thuốc Nam chung qui về các món như chanh muối, mật ong và rượu mạnh.

NHƯNG CÓ MỘT MÓN THUỐC TRỊ HO THẬT ĐƠN GIẢN và CÓ HIỆU LỰC THẬT NHANH CHÓNG.
Hôm qua còn ho sụ sụ, chiều tối uống thuốc nầy và ngủ một giấc thật thoải mái , sáng hôm sau KHÔNG CÒN HO NỮA , mau chóng khỏi bịnh không ai ngờ.

1- Bốc chừng một nắm LÁ RAU MƠ - Loại DÂY MƠ nầy người Bắc rất thân quen và dùng làm thức ăn rất ngon miệng. Còn người NAM thì gọi bằng một cái tên nhà quê, thật thà là LÁ THÚI ĐỊT. Rất dễ trồng và người ta hay cho nó leo theo các hàng rào để hữu dụng và vừa làm cảnh nữa. 
Mặt trên của lá mơ có màu xanh lá cây và mặt dưới có màu tím và cả 2 mặt đều có lông mịn. Ở Nam Cali có nhiều nhà trồng dây mơ lắm và ở bên Úc lúc đầu tưởng khó tìm, nhưng khi gặp người nầy, người nọ hỏi thăm một chút là có ngay, bao nhiêu cũng có ở Vùng Springvale. Chắc các nơi khác cũng đều có người Việt mình trồng.

2- Giã nát lá mơ trong một cái cối, giã cho nát bấy ra. Sau đó vắt lấy  nước cốt, đựng trong một cái chén nhỏ, độ chừng 30 ml thôi ( Nếu uống  cả chén thì sẽ bị bón đấy).

3- Lấy một muỗng cà phê MẬT ONG, hòa tan vào 30 ml nước cốt lá mơ ( VẪN CÒN KẸO, KẸO ; vì mật ong khó tan vào nước lạnh).

4- Đem chén nước mơ và mật ong để trong Microwave, bấm chừng 15 giây  - Đem ra thấy ấm ấm và quậy cho mật ong thật hòa tan vào nước mơ. Uống từ từ cho hết, để cho thuốc thắm vào cổ họng, chừng 1 hay 2 phút sau rồi sẽ uống 1 ngụm nước tráng miệng thôi. Thuốc có mùi nồng nồng khó uống nhưng không làm lợm giọng như vị đắng của thuốc Bắc. 
Chỉ uống 1 lần trước khi đi ngủ và sáng hôm sau là sẽ thấy không còn ho nữa. Nếu còn ho chút ít thì trưa hôm sau uống thêm 1 lần nữa là chấm dứt hẳn ngay.

Bà con CỨ LÀM THỬ SẼ THẤY HIỆU QUẢ khó ngờ !!!
Người truyền bá Toa Thuốc Ho nầy là người Gốc Rạch Giá hiện sống ở Nam Cali. Còn người ghi lại toa thuốc nầy để phổ biến và để cám ơn Chị Yến Nguyệt đã tìm kiếm lá mơ và ra tay thực hiện chén thuốc hồi năm 2012. Uống xong đi ngủ không ho hen gì cả và sáng hôm sau trên chuyến bay từ Nam Cali qua Houston không ho 1 tiếng nào cả. Vì trước đó mấy ngày sợ sẽ làm phiền ghế hàng xóm trên chuyến bay nên suýt định hủy bỏ, chờ hết ho mới đi tiếp thì mọi dự định đều phải xáo trộn ! May quá nhờ toa thuốc ho vạn tuế !!! 
Về lại Úc, Mùa Thu 2013 cũng đang bị ho ráo riết cả tuần, hôm qua tìm được LÁ MƠ, cũng của người Rạch Giá và SÁNG NAY đã không còn ho, đã khỏi. Gia đình cho lá mơ hối thúc phải sớm phổ biến món thuốc ho gia truyền gốc Rạch Giá nầy. Nên hôm nay, toa thuốc ho được trình làng cùng bà con là như vậy ! vhd suu tam 25-6-2013

No comments:

Post a Comment