TÌNH VÀ NGHĨAThích Nhất Hạnh
Trong tiếng Việt có chữ Tình 情 và chữ Nghĩa 義. Chữ Nghĩa rất là khó dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh. Chữ Tình mà viết ra chữ Hán thì có chữ tâm忄 tức là trái tim phía bên trái. Bên phải có chữ thanh 青 là màu xanh, trái tim màu xanh. Ban đầu thì màu xanh mà về sau nó có thể biến thành màu khác, nhưng làm sao đừng để nó thành màu đen.
Tình ban đầu thường rất bồng bột, nóng bỏng, có tính đam mê. Khi con người bị năng lượng của tình chiếm cứ thì họ không được an ổn lắm. Ăn không an mà ngủ cũng không an, họ như đang bị đốt cháy. Tình là ngọn lửa. Người nào qua cầu rồi thì mới hay. Vướng vào chữ tình rồi thì khó an trú trong hiện tại lắm. Cứ nghĩ tới giây phút mình sẽ được gặp người đó, được ngắm người đó, ngồi ngắm đủ no rồi, khỏi ăn. Càng nhiều trở ngại chừng nào thì đam mê đó càng lớn. Trở ngại là chất liệu làm cho tình càng lớn. Dễ dàng quá thì tình không lớn mạnh. Ngày xưa khi chưa có e-mail, chưa có téléphone, đôi khi mình đợi một lá thư tình cả tuần này sang tuần khác. Đáng lý hôm qua lá thư tới rồi, nhưng sao nó chưa tới? Mình đợi suốt hai mươi bốn giờ đồng hồ cho đến lúc ông phát thư đi ngang trước ngõ. Ông thường đến lúc mười giờ sáng, thì chín giờ mình đã bắt đầu đứng đợi. Ông phát thư sáng nay sao đi trể quá, đi chậm quá, mình đếm từng bước của ông đi. Nếu ông đi ngang mà không dừng lại thì mình buồn lắm, lại phải đợi thêm hai mươi bốn giờ đồng hồ nữa. Tây Phương họ ví khi yêu như bị té (tombé d’amour), đang đi bình thường tự nhiên té xuống. Người Việt Nam thay vì nói bị té thì nói ốm. Tây Phương cũng nói ốm. Nguyễn Bính có hai câu thơ : Gió mưa là bệnh của trời. Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. Trời đẹp thì không có bệnh mà hể có gió, có mưa là bị bệnh. Tương tư tức nhớ nhau, không làm ăn được gì hết. Tình thường thường không được thỏa mãn là tình sầu. Sầu tình. Ốm là ốm tương tư, tương tư là nhớ nhau. Tình yêu là một cơn bệnh, ốm tương tư tức là nhớ quá. Nhưng nếu tình yêu đó được thỏa mãn dễ dàng, nó bùng lên rất nhanh nhưng rồi nó chết cũng rất mau. Đam mê nó lên như một ngọn lửa cao và khi rơi xuống thì cũng rất là mau, tình yêu tàn lụi rất là mau. Một cặp ở với nhau được lâu dài, cái đó không phải là nhờ tình yêu mà nhờ yếu tố thứ hai. Đó là nghĩa, tình nghĩa. Cái tình nó đưa tới cái nghĩa. Nếu cái tình đàng hoàng, nếu mình biết yêu cho đàng hoàng, thì tự nhiên nó đưa tới cái nghĩa. Chính nghĩa là keo sơn gắn chặt hai người, để hai người có thể sống được với nhau. Cho nên phải có cái nghĩa để bổ sung cái tình. Người ta không thể sống trăm năm bên nhau với tình được. Bởi tình là một ngọn lửa tàn rất mau, nghĩa trái lại nuôi dưỡng lửa tình âm ỉ cháy. Chữ nghĩa thường đi đôi với chữ ơn: ơn nghĩa. Ơn đầu tiên mà mình nhận được là ý thức rằng : Có bao nhiêu người con gái, anh ấy không chọn mà anh chọn riêng mình? Biết bao nhiêu người con trai có bằng cấp, địa vị nàng không chọn mà nàng lại chọn mình? Ý thức đó là ơn. Tình yêu này nó không chỉ trong vòng nam nữ. Bạn bè cũng vậy, Cha mẹ cũng vậy, Thầy trò cũng vậy. Mình sinh ra một đứa con và đứa con đã chọn mình làm mẹ, chọn mình làm cha. Tại sao nó không sinh ra ở nhà khác? Cha mẹ có thể biết ơn đứa con, sự ra đời của đứa con có thể đem lại ánh sáng và hạnh phúc cho cuộc đời còn lại, nên cha mẹ yêu thương con. Cũng như thầy trò, tại sao có nhiều thầy, người đó có thể tới quy y mà người ta chọn thầy này. Người thầy cũng biết ơn người đệ tử. Ơn đó là yếu tố của hạnh phúc. Tại sao anh không chọn người khác? Sự lựa chọn đó là do đâu mà có? Nếu chỉ là sự ham muốn sắc đẹp thôi, không đủ, phải có cái gì đó. Ở bên Mỹ có anh chàng đó rất đẹp trai, tài ba, tốt nghiệp đại học thuộc hàng ưu tú và có việc làm lương rất lớn lại có rất nhiều cô bạn gái thật là xinh đẹp. Bà mẹ rất là ngạc nhiên khi thấy anh thân với một cô gái không phải là đẹp nhất. Cô này hơi thấp và nước da hơi đen, mà sao con trai của mình có vẻ thích cô này hơn các cô khác. Hôm đó hai mẹ con ngồi với nhau, bà hỏi có bao nhiêu người con không chọn, mà sao con chọn con nhỏ này vừa đen vừa thấp. Anh chàng không biết trả lời làm sao hết, anh chàng chưa suy nghĩ nên khi bị hỏi bất ngờ, anh không trả lời mẹ được. Nhưng ít lâu sau anh ta quán chiếu và tìm ra câu trả lời, cô này mỗi khi anh nói chuyện thì cô lắng nghe. Anh là nhà khoa học nhưng anh cũng ưa làm thơ. Mỗi khi anh đọc thơ, cô lắng nghe và cô chứng tỏ hiểu được thơ của anh. Còn những cô gái kia cũng nghe thơ anh nhưng mà nghe do phép lịch sự thôi, bị nghe thơ chứ không thích. Cô này thì khác, cô thích thơ, cô thưởng thơ, cô tham gia thơ và cô trở thành tri kỷ của anh chàng. Trên cuộc đời này có thể tìm được một người có thể hiểu mình được thì mình là người có hạnh phúc. Món quà quý nhất mà người kia có thể tặng cho mình là hiểu được mình. Có những người sống trong cuộc đời này nhưng chưa bao giờ tìm được một người có thể gọi là hiểu mình cả. Mà nếu mình là một người con trai hay một người con gái và trong cuộc sống này mình có thể tìm được một người có khả năng lắng nghe mình, có thể hiểu được mình, hiểu những khó khăn những khổ đau những ước vọng của mình, thì mình tìm thấy nơi người đó một tâm hồn tri kỷ. Đời một người là để đi tìm một người tri kỷ, một người biết được mình. Tìm ra được người đó thì hạnh phúc vô cùng. Ngày xưa có một người chơi đàn rất là hay, bạn hữu không có ai hiểu được tài năng của ông ta. Người này làm quan và chưa bao giờ trong giới quan chức bạn bè thân thuộc mà tìm được người có thể hiểu được tài ba của mình. Vì vậy mỗi lần đánh đàn ông thường đem theo vài người hầu cận lên trên núi, tìm một chỗ rất là đẹp, trải chiếu ra, pha trà, đốt trầm lên. Không khí trang nghiêm lúc đó ông mới chơi đàn. Ông cảm thấy như chỉ có suối, cây, mây, gió mới hiểu được tiếng đàn của ông. Một hôm đang đàn thì tự nhiên dây đàn bị đứt. Thay dây mới vừa đàn thêm một câu nữa thì nó đứt nữa. Ông ta nghĩ chắc có người đang nghe lén tiếng đàn. Ông đứng lên nói lớn có vị nào đang nghe lén tôi đàn xin bước ra, làm như vậy không có dễ thương. Thì tự nhiên có một anh tiều phu xuất hiện, anh tiều phu này đã nghe lén. Anh tiều phu này có lỗ tai rất là hay, nghe và hiểu được tất cả những cái hay, cái đẹp, cái quý, cái tài ba của người đàn. Vì vậy cho nên dây đàn bị đứt. Anh chàng tiều phu tên là Chung Tử Kỳ và người đánh đàn là Bá Nha. Bá Nha lần đầu tiên tìm ra được người hiểu được tiếng đàn của mình. Tử Kỳ chấp nhận làm bạn với Bá Nha nhưng không muốn về kinh đô, chỉ muốn làm tiều phu. Lâu lâu Bá Nha nhớ bạn, hẹn với bạn cùng uống trà, nghe đàn. Bá Nha đã tìm được người tri kỷ. Tình bạn đó lưu truyền cho tới ngày hôm nay với tên của hai người: Bá Nha và Tử Kỳ. Hồi thầy mới mười tám tuổi, thầy đã làm một bài thơ ca tụng tình bạn của Bá Nha, Tử Kỳ. Trên đời của mình mà có một người lắng nghe được mình, hiểu được mình thì mình là người may mắn nhất. Anh chàng ở Cali mới trả lời câu hỏi của mẹ, tại sao má biết không, tại vì người đó hiểu con. Đời người mà tìm ra được một người hiểu mình, thật là hạnh phúc vô cùng. Con mà hiểu cha, đệ tử mà hiểu thầy cũng làm cho cha, cho thầy hạnh phúc. Người mà hiểu được mình thì mình biết ơn người đó. Cảm ơn em đã hiểu được anh, cảm ơn con đã hiểu được cha, cảm ơn cha đã hiểu được con. Tu tập là làm thế nào để có thể hiểu được người khác. Muốn hiểu thì phải lắng nghe, phải quan sát mới hiểu được. Khi sống với một người có khả năng hiểu mình thì hạnh phúc lắm, vì hiểu là nền tảng của thương. Không hiểu thì không thể nào thương được. Cho nên trong tình yêu đôi lứa phải cẩn thận. Mà tình yêu đôi lứa mình chỉ cần làm vài cái test thì mình biết là người đó hiểu mình hay là không. Nếu người đó không hiểu được mình thì dù người đó có bằng cấp cao, lương tiền lớn, ô tô đẹp, có nhà cửa, bảnh trai, hay là có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cưới người đó mình cũng sẽ khổ suốt đời, gọi là khổ sai chung thân. Đó là một nhà tù, tình yêu là một nhà tù. Người nào mà khi mình mới nói đã cắt lời, thích khoe khoang cái riêng của họ, không có khả năng hiểu được những khó khăn, khổ đau của người khác, không biết lắng nghe mình, thì chỉ cần vài ba phút là mình có thể nhận ra được. Đừng để bị hấp dẫn bởi bề ngoài, những bóng sắc bên ngoài, địa vị danh lợi, xe hơi, nhà cửa, tiền lương, bằng cấp. Đừng để những cái đó làm mờ mắt mình. Hai mắt mình phải tỉnh táo để thấy rằng người con gái đó hay người con trai đó là một người có thể hiểu được mình và hiểu được mình thì sẽ thương mình, rõ ràng như vậy. Trong xã hội mới phát triển của chúng ta, một cô gái có thể đánh mất tiết trinh của mình để đánh đổi lấy một chiếc xe gắn máy. Thật là dễ sợ, đạo đức suy đồi đến như thế đó. Tại vì muốn thoát ra khỏi thân phận nghèo khổ, vì muốn có một chiếc xe giống như người khác họ đã đánh mất cái quý giá nhất của đời mình. Chuyện đó đã xảy ra, nó đang xảy ra. Trong đạo Phật, cái thương đích thực nó được làm bằng cái hiểu, không hiểu thì không có thương. Cha mà nếu không hiểu con thì càng thương con, con càng khổ. Vợ không hiểu chồng càng thương chồng, chồng càng khổ. Hiểu là nền tảng của tình thương. Sống với nhau như thế nào để càng ngày mình càng hiểu được nhiều hơn và người kia càng ngày càng hiểu được mình nhiều hơn. Nếu cái hiểu không lớn lên, thì cái thương nó cũng không lớn lên, nó dẫm chân tại chỗ. Nếu quý vị thấy tình thương của mình đang dẫm chân tại chỗ thì quý vị biết rằng quý vị không tu, bởi cái hiểu không lớn nên cái thương không thể lớn. Khi mà tình thương không lớn thêm thì từ từ nó co rút lại cho đến khi trở thành một cục cứng ngắt. Tình yêu có thể chết nếu mình không biết nuôi dưỡng nó bằng cái hiểu và cái thương. Còn khi người kia hiểu mình thì mình biết ơn người đó, biết ơn suốt đời. Chính cái ơn đó là chất liệu nuôi dưỡng mình và người đó cho đến suốt đời, cái đó là nghĩa. Không phải là cái bồng bột lúc ban đầu, cái tình, không phải là ngọn lửa nuôi dưỡng đâu. Ở Việt Nam ngày xưa người ta không nấu cơm bằng gas hay là bằng điện mà nấu bằng rơm và rơm cháy rất mau. Có cách để làm cho nó cháy chậm lại, mình cần một chiếc đủa. Đặt một nắm rơm vô bếp, lấy cái đủa đè xuống thì rơm sẽ cháy từ từ. Ngày xưa miền quê Việt Nam còn dùng trấu. Trấu tức là vỏ hạt lúa. Nhiều nhà không có hộp quẹt nên phải nuôi lửa. Muốn nuôi lửa lâu mình đổ vào bếp một ít trấu. Trấu cháy ngún, cháy lâu. Nó không cháy bùng như rơm mà cháy chầm chậm suốt đêm. Sáng mai mình khơi ra thì còn lửa ở trong đó, gọi là lửa trấu. Lửa rơm thì mau cháy, mau tàn. Đó là ngọn lửa tình. Còn nghĩa là lửa trấu, nó cháy suốt đêm dài. Ngày xưa Việt Nam còn có truyền thống đi xin lửa, vì không có hộp quẹt và cũng không có đèn dầu. Mỗi khi nấu cơm mình phải qua hàng xóm xin lửa, nếu mà nhà mình không có trấu. Các cháu có thể là chưa thấy con cúi. Con cúi không phải là một sinh vật mà mình vẫn gọi là con. Người ta lấy rơm bện lại thành ra một con rắn rất chặt và đốt một đầu, đầu kia để tay cầm. Nó cứ cháy ngún từ từ và cháy được nhiều giờ. Mỗi khi cần lửa nấu cơm thì mình tới con cúi lấy lửa. Còn nếu không có con cúi và cũng không có lửa trấu thì mình phải đi xin thôi. Thầy có làm một bài thơ về chuyện đi xin lửa. Chuyện đó xảy ra trong quá khứ. Thế hệ của các cháu giờ đây có thể không biết đi xin lửa là cái gì. Sáng hôm nay hộp diêm của tôi hết rồi. Buốt lạnh như trời cuối thu buốt lạnh. Tác phẩm vẫn đang còn đó. Tôi qua nhà láng giềng xin lửa. Xin các bạn đưa tay nói thật. Có phải tất cả chúng ta cuối cùng tin rằng. Trong xóm ta thế nào cũng có người còn lửa. Chúng ta hãy tin vào cái điều đó như một người tin vào lời ước của họ. Tôi biết có những nhà nghèo nhưng lửa hồng ngún cháy ngày đêm trong bếp hồng âm ỉ. Em hãy nhớ lời tôi căn dặn. Một nắm rơm đặt vào đợi khói tỏa màu xanh. Em nhìn xem như một hơi thở nhẹ của hồn tôi thôi cũng muốn gọi về lửa đỏ. Đi xin lửa thì mình phải biết cầm một nắm rơm. Tới bếp của người ta, mình đừng có quấy động cái bếp vì người ta đang nuôi lửa ở trong đó. Cầm nắm rơm của mình, dúi vào chỗ lửa trấu đang còn cháy và đợi. Chừng hai ba chục giây, mình thấy khói lên tức là biết rằng nắm rơm của mình đã được lửa bén vào rồi. Mình chỉ cần thổi một hơi thở nhẹ là lửa cháy lên rồi lấy một nắm rơm khác nắm lại, đem về thì nó tiếp tục cháy. Quý vị biết rằng ngày xưa xin lửa là chuyện mỗi ngày. Lửa có hai thứ một là lửa rơm hai là lửa trấu. Lửa trấu ngún cháy cả ngày đêm rất lâu. Lửa rơm được ví cho tình yêu, cho tình. Lửa trấu tượng trưng cho nghĩa. Ân nghĩa là cái tiếp nối của chữ tình. Cái tình bắt đầu cho khéo để từ từ nó đi tới cái nghĩa. Ân nghĩa là chất liệu nuôi dưỡng một cặp vợ chồng cho tới khi đầu bạc và răng long. Nghĩa là sự thực tập về tình yêu, mỗi ngày mình phải làm cho cái tình của mình lớn lên và nó biến thành nghĩa. Mỗi ngày mình phải xây dựng cái ơn và cái nghĩa. Mỗi lời nói mỗi cử chỉ săn sóc đều tạo ra ơn và nghĩa hết. Chính cái đó là keo sơn, nó giúp cho một cặp vợ chồng sống với nhau suốt đời. Tình bạn cũng vậy, tình bạn thì không có sự cháy bùng, không có sự đam mê như là tình yêu. Cho nên tình bạn nó dễ hơn nhiều. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói rất rõ là tình bạn lâu dài bền chắc, nó nuôi dưỡng mình nhiều hơn tình yêu. Vì vậy bí quyết là mình phải biến tình yêu lúc ban đầu trở thành tình bạn. Hai người ban đầu là hai người yêu nhưng mà từ từ sẽ trở thành hai người bạn. Khi trở thành hai người bạn thì đó là tình yêu đang còn. Còn nếu tình yêu không trở thành tình bạn được thì tình yêu sẽ chết, sẽ không thành công. Mà sở dĩ tình yêu trở thành tình bạn được là vì mình phát khởi được cái ơn và cái nghĩa. Ơn nghĩa đó như đã nói ở trên, nó bắt đầu từ chỗ ý thức được rằng tại sao giữa bao nhiêu người con trai người đó lại chọn mình, nên mình biết ơn người con gái đó. Giữa bao nhiêu người con gái đẹp mà mình chọn một người thôi thì cái đó là bắt đầu từ chọn. Cái chọn này không phải là nhất thời, cái chọn này là phải xãy ra trong một quá trình nào đó với trí tuệ của mình chứ không phải chỉ với đam mê mà thôi. Nếu tình chỉ chỉ có đam mê thì mình sẽ hối hận, phải có trí tuệ và phải biết lắng nghe. Lắng nghe bạn bè, lắng nghe cha mẹ, lắng nghe các em của mình. Tại vì họ cũng có cái thấy mà cái thấy của họ đôi khi khách quan hơn mình. Mình đam mê rồi thì mình không còn thấy được sự thật rõ ràng bằng những người khác. Xin quý vị giúp dịch chữ nghĩa ra tiếng Pháp, tiếng Anh. Nghĩa đi đôi với chữ ơn: Ơn nghĩa. Khi thương thì ranh giới giữa cá nhân không còn nữa. Hai người trở thành một. Mình không đi tìm cái hạnh phúc riêng của mình. Hạnh phúc phải là hạnh phúc chung. Ở làng Mai mình nói hạnh phúc chưa bao giờ là hạnh phúc của riêng một mình con, đó là bài hát của sư cô Giải Nghiêm. Hạnh phúc hay đau khổ trong tình yêu không còn là vấn đề riêng của một người nữa mà của cả hai người. Đó là yếu tố thứ tư ( từ, bi, hỹ, xả ) của tình yêu trong đạo Phật, tức là không phân biệt tôi khác, anh khác. Hai người là một thôi. Cho nên không có chuyện ông ăn chả bà ăn nem, ông đi tìm thú vui riêng của ông, bà đi tìm thú vui riêng của bà. Cái vui của ông cũng là cái vui của bà. Tuần thứ ba trong khóa tu, có một thiền sinh Tây phương hỏi một câu rất đáng thương. Ông nói rằng, con khổ quá đi. Con rủ nhà con đi tới khóa tu, bà không chịu ở, bà cứ đòi con phải đi, bây giờ con phải làm sao. Thay vì nói rằng vì bà chưa thấy được sự cần thiết của tu học thì tôi trả lời rằng tại vì ông mà ra hết. Tại những gì bà thích ông đã không thích. Nếu ông thích và ông yểm trợ bà những gì bà thích thì chắc chắn bà sẽ thích cái ông thích. Sở dĩ bà đòi đi là vì ông không chú trọng tới bà. Ông không để tâm tới, ông không hiểu được bà. Những gì bà yêu mến, bà mong ước, ông không để ý tới. Vì vậy cho nên bà cũng không để ý tới ông. Những thứ ông thích thì bà ghét, những thứ ông ghét thì bà lại thích cho biết tay. Thường thường nó xảy ra như vậy. Vì vậy vấn đề hạnh phúc cũng như khổ đau trong tình yêu chân thật không còn là vấn đề của cá nhân nữa mà là của chung. Chúng ta phải có thì giờ quan tâm. |
Sunday, June 18, 2017
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment