Thursday, June 15, 2017

Bệnh tay- Chân-Miệng

Image result for hand disease


(Câu Chuyện Thầy Lang-Bác sĩ Nguyễn Ý Đức)
Trong những năm vừa qua, thứ dân tại mấy quốc gia Đông Nam châu Á luôn luôn gặp phải những thiên tai, bệnh tật. Nào là cơn sóng thần tại Thái Lan, bệnh SARS, bệnh cúm gia cầm, bệnh Chân-Tay-Miệng…Bây giờ lại tới bão xoáy ở Miến Điện với nhiều chục ngàn tử vong, trên triệu người không nhà cửa, không lương thực, thiếu thuốc men, chăm sóc, động đất tại Trung Quốc với cả ngàn người thiệt mạng.
Riêng với bệnh Chân-Tay-Miệng thì bệnh đang là mối luu tâm của nhà chức trách y tế tại Trung Quốc, Việt Nam, Hồng Kông .
Theo báo cáo mới nhất, tại Trung Quốc hiện nay đã có 28000 người nhiễm bệnh Tay-Chân-Miệng với số tử vong là 42 người. Bệnh xảy ra từ tháng 3 mà mãi tới đầu tháng 5, chính quyền Trung quốc mới lên tiếng báo động và đưa ra các biện pháp phòng chữa. Dư luận thế giới có cảm tưởng rằng sự báo động này quá trễ, chẳng khác chi trước đây họ đã trì hoãn công bố về dịch cúm gia cầm. Nhưng đại diện Y tế Thế giới Hans Troedsson tại Trung Quốc nói là lúc ban đầu, các trường hợp xảy ra không rõ ràng. Ông cũng cho biết dịch bệnh Tay-Chân-Miệng không gây ảnh hưởng cho Thế vận hội vào tháng 8 tới, vì bệnh nhân hầu hết là trẻ em, sống xa thành phố Bắc Kinh.
Tai Việt Nam, bệnh Chân-Tay-Miệng đang phát triển nhanh ở các tỉnh phía nam như Sài Gòn, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Ninh Thuận, Quy Nhơn, Đà Nẵng và sẽ xảy ra ở các tỉnh phía bắc vào những tháng tới khi thời tiết ấm nắng. Trong tháng 4, riêng bệnh viện Nhi Trung Ương 1 ở Sài Gòn đã nhận từ 40-50 bệnh nhân một ngày, nhiều gấp đôi so với tháng 3. Bệnh viện Nhi 2 từ đầu năm nhập viện 800 trẻ trong đó 10% bị viêm thần kinh, tim. Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng Nguyễn Huy Nga, tới tháng 4 vừa qua, tại Việt Nam đã có khoảng 3000 trẻ em bị bệnh với 10 tử vong. Cũng như tại Trung Quốc, đa số bệnh ở Việt Nam do EV71 gây ra.
Cục Trưởng Cục Khám Chữa Bệnh Lý Ngọc Kính cho hay Hội đồng Chuyên Môn Bộ Y Tế sẽ đưa ra Hướng dẫn điều trị bệnh Chân-Tay-Miệng trong tuần này. Giới chức y tế đã phát động chương trình hướng dẫn dân chúng để ý tới bệnh và các phương thức phòng chống. Đồng thời, ban kiểm dịch tại phi trường Nội Bài đã được lệnh từ Sở Y tế thành phố Hà Nội, đo thân nhiệt khách nhập cảnh đến từ các quốc gia có dịch Chân-Tay-Miệng như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, nếu mang dấu hiệu bệnh như bóng nước trên da, miệng lở. Cũng theo các giới chức y tế Việt Nam, bệnh có hai thời kỳ xuất hiện: đợt dầu là tháng 4 tháng 6 rồi giảm dần cho tới đợt thứ hai từ tháng 9-12.
Tiếng Anh của bệnh Chân-Tay-Miệng là Foot-Hand-Mouth disease.
Nguyên nhân
Tác nhân gây bệnh là các virus đường ruột (enterovirus), thông thường nhất là loại coxackiesvirus A16, đôi khi loại enterovirus 71 (EV71). Các coxackiesvirus A9, A10, B1, B5 cũng gây ra bệnh tương tự như bệnh Chân-Tay-Miệng.
Bệnh xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, theo mùa tại vùng có khí hậu ôn hòa với cao độ là cuối hè đầu thu. Vùng nhiệt đới bệnh có quanh năm.
Hiện nay, tại Trung Quốc và Việt Nam virus đường ruột EV71 đang là tác nhân gây bệnh chính.
EV 71 được tìm ra đầu tiên tại tiểu bang California, Hoa Kỳ vào thời gian từ năm 1969- 1972, ở một số bệnh nhân Tay Chân Miệng với biến chứng viêm màng não, màng tim. Sau đó, EV71 xuất hiện tại nhiều quốc gia.
Năm 1975, dịch EV 75 xảy ra ở Bulgarie với 44 tử vong, năm 75 tại Hung Gia Lợi với 45 tử vong. Trong 5 năm vừa qua, dịch EV71 xuất hiện ở Mã lai năm 1997 với 30 tử vong, Đài Loan năm 1998 với 78 tử vong và năm 2001 với 26 tử vong, dải đất Gaza năm1997, Cyprus năm 1996. Thành phố Denver, Colorado Hoa Kỳ có một số trường hợp bệnh Chân-Tay-Miệng do EV71 gây ra vào thời gian từ năm 2003-2005.
Enterovirus EV75 gây ra nhiều tổn thương thần kinh như viêm màng não vô nhiễm (aseptic meningitis), liệt tương tự bệnh tê liệt cột sống (poliomyelitis), viêm cuống não và viêm cơ tim. Viêm cuống não là trầm trọng nhất với tỷ lệ tử vong rất cao, 40-80%.
Bệnh Chân-Tay-Miệng chỉ thấy ở loài người và xảy ra nhiều hơn ở trẻ em từ 4 tháng tới 6 tuổi. Trẻ nam có tỷ lệ bệnh cao hơn trẻ nữ. Tại các quốc gia yếu kém về kinh tế, trẻ đã bị nhiễm bệnh ngay từ tấm bé trong khi đó tại nơi có nền kinh tế khá hơn thì bệnh xuất hiện trễ, ở tuổi trung niên. Người lớn cũng có thể mắc bệnh nhưng rất hiếm.
Tác nhân Enterovirus tập trung trong đường ruột người bệnh và tồn tại trong phân tứ 1-18 tuần lễ sau khi lành bệnh, trong miệng từ 1- 4 tuần lễ. Virus cũng tìm thấy trong đất cát, nước, rau, tôm cua và là nguồn lây lan bệnh qua ăn uống với thực phẩm nhiễm virus.
Đôi khi có sự hiểu lầm giữa hai bệnh Tay-Chân-Miệng với bệnh Chân-Miệng (Foot-Mouth disease) ở súc vật như heo, cừu bò vì tên bệnh hao hao như nhau. Hai bệnh không liên hệ với nhau và do những virus khác nhau gây ra. Cả hai bệnh đều do họ virus Picornaviridae, nhưng bệnh Chân-Tay súc vật là do loại Aphthovirus còn bệnh Chân Tay Miệng ở người là do các virus đường ruột Enterovirus. 
Xin nhắc lại là virus khác với vi khuẩn hay vi trùng, (bacteria).
Vi khuẩn là các đơn bào, có nhân di truyền DNA, sinh sản bằng cách tự phân đôi, có thể sống ngoài không gian. Đa số vi khuẩn lành tính, chỉ có một số nhỏ gây bệnh. Bệnh chữa được bằng kháng sinh.
Virus là những hạt có một ít DNA bao bọc bằng màng protein. Virus rất nhỏ mà chỉ kính hiển vi điện tử mới nhìn thấy. Muốn sống, virus cần một tế bào “chủ trọ”. Khi đã ngự trị trong chủ trọ, DNA của virus tiêu hủy DNA của ân nhân và tạo ra nhiều phiên bản. Tế bào chủ tan vỡ, các phiên bản virus tung ra khắp cơ thể, gây bệnh. Virus có thể nằm yên cả mươi năm rồi một lúc nào đó bừng tỉnh và gây bệnh. Kháng sinh không chữa được bệnh do virus gây ra. Một virus bị tiêu diệt thì loại virus mới sẽ xuất hiện và nguy hại hơn.
Triệu chứng
Tay Chân Miệng có các dấu hiệu đặc biệt ở miệng và tứ chi.
Bệnh bắt đầu với cơn sốt nhẹ, người bệnh thấy mệt mỏi, chán ăn uống. Vài ngày sau, trên da nổi lên những chấm ban đỏ rất nhỏ, chừng vài mm. Các chấm này sẽ lớn lên thành mụn nước hoặc mủ mầu trắng đục, hình bầu dục với viền mầu đỏ. Dấu hiệu trên da tập trung ở:
- Trong lòng bàn tay, ngón tay
- Gan bàn chân, ngón chân
- Hai bên miệng, lưỡi, nướu răng, cuống họng có những vết loét lở.
- Bóng nước đôi khi có ở hai bên mông hoặc các vùng khác của cơ thể.
Các vết trên da không gây ngứa nhưng hơi đau khì đè ngón tay lên.
Loét trong miệng và cuống họng gây đau, khiến cho bệnh nhân từ chối ăn, uống và có thể đưa tới thiếu nước cơ thể.
Ở giai đoạn này, bệnh Chân Tay Miệng có thể nhầm với bệnh thủy đậu hoặc viêm mụn nước do vi khuẩn.
Nói chung bệnh Chân Tay Miệng không trầm trọng và hầu hết bình phục sau một tuần lễ.
Tuy nhiên nếu tác nhân là loại virus EV71 thì bệnh nặng hơn.
Virus EV71 gây tổn thương cho não bộ, đưa tới viêm màng não và não. Bệnh nhân rơi vào tình trạng rối loạn tâm trí, co giật và có thể đưa tới tử vong. May mắn là trường hợp này cũng hiếm.
Tuy nhiên, hiện nay, EV71 đang là mầm gây ra bệnh Tay Chân Miệng ở Trung quốc, Việt Nam.
Lây lan bệnh
Bệnh lây lan vừa phải từ người qua người, do tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, nước miếng, nước từ các bóng nước, khi bệnh nhân hắt hơi, nhảy mũi và trong phân người bệnh.
Những ngày đầu của bệnh là thời gian lây lan mạnh nhất và virus tồn tại trong phân cả mấy tuần lễ sau khi không còn dấu hiệu bệnh. Bệnh cũng có thể truyền qua đường hô hấp khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, sổ mũi. Nước miếng chẩy ra từ em bé bị bệnh có nhiều virus và rất lây. Cho tới khi các bóng nước trên da khô lành, bệnh nhân vẫn là nguồn lây lan quan trọng.
Là bệnh nhiễm nhưng không phải ai nhiễm virus cũng bị bệnh. Trẻ em dưới 10 tuổi thường hay bị bệnh hơn cả vì các em chưa có hệ thống miễn dịch hoàn hảo.
Phụ nữ có thai chưa mắc bệnh bao giờ, cũng có thể bị bệnh Tay-Chân-Miệng nhưng may mắn là bệnh thường nhẹ và không có triệu chứng. Nếu mắc bệnh trước khi sanh thì bệnh của mẹ có thể lây sang con nhưng không gây tổn thương cho các bộ phận của hài nhi..
Trẻ em sinh hoạt chung với nhau ở nhà giữ trẻ, mầm non, trường học cũng là môi trường tốt cho bệnh lan truyền từ em này sang em khác.
Đã mắc bệnh đều có miễn dịch với virus của kỳ này và vẫn có thể mắc bệnh với virus khác cùng nhóm.
Chẩn đoán
Chẩn đoán căn cứ trên tuổi tác của bệnh nhân, các dấu hiệu của bệnh, khám miệng và quan sát các mụn nước trên da.
Đôi khi, bác sĩ cũng làm thử nghiệm kiếm tác nhân gây bệnh với mẫu phết cuống họng và phân người bệnh. Trên thực tế, vì cần nhiều ngày mới có kết quả nên thử nghiệm ít khi được áp dụng.
Điều trị
Bệnh Tay Chân Miệng thường không cần điều trị vì đa số tự lành trong thời gian từ 7-10 ngày.
Bệnh không điều trị bằng kháng sinh vì kháng sinh không công hiệu với virus.
Bệnh có thể chữa và chăm sóc tại nhà với:
- Trẻ tham dự mẫu giáo, mầm non bị bệnh nên để ở nhà để tránh lan bệnh cho trẻ khác
- Cho trẻ uống nhiều nước lạnh để tránh khô nước. Có thể cho trẻ ăn kem, que nước đá có hương vị (popsicles).
- Để tránh đau thêm cho các vết lở ở miệng, không cho uống nước có chất chua hoặc cay, như nước cam hoặc thức ăn cứng.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng lỏng, tránh thực phẩm còn quá nóng.
- Giảm sốt và đau cơ thể với thuốc chống đau acetaminophen (Tylenol, paracetamol) hoặc ibuprofen (Advil).
- Không cho bé uống aspirin vì thuốc này có thể gây ra hội chứng Reyes rất trầm trọng với tổn thương hệ thần kinh.
- Nếu trẻ xúc miệng được, xúc miệng với dung dịch nước muối (một thìa muối pha trong một ly nước ấm) để giảm đau lở loét trong miệng.
- Thoa kem gây tê trên vết thương ngoài da.
- Không làm vỡ bóng nước để tránh nhiễm độc với các vi khuẩn khác. Bình thường, bóng nước tự khô lành trong mươi ngày.
- Tránh tiếp xúc với chất lỏng của mụn nước, có rất nhiều virus. 
Trẻ em cần được đưa vào bệnh viện cấp cứu nếu có các triệu chứng như:
- Trẻ dưới 3 tuổi liên tục nóng sốt quá 3 ngày.
- Dấu hiệu khô nước như miệng khô, mất cân, lơ đãng, đi tiểu ít.
- Mất ngủ, cáu kỉnh, hoảng hốt.
- Bụng trướng, ói mửa, sợ ánh sáng, co giựt cơ thể.
- Khó thở, đổ mồ hôi lạnh, nhịp tim tăng nhanh
- Đi đứng không vững, chân yếu.
           
Phòng tránh
Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa bệnh Chân Tay Miệng.
Ý kiến chung là bệnh Chân, Tay, Miệng cũng hơi trở ngại trong việc phòng tránh vì đa số nguồn gây bệnh không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, nếu giữ gìn được vệ sinh cá nhân thì nguy cơ lây nhiễm bệnh giảm rất nhiều.
Sau đây là các điều cần làm:
- Hướng dẫn mọi người trong nhà nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi thay tã cho trẻ bị bệnh vì virus có thể còn sống trong phân cả nhiều tuần lễ sau khi bệnh lành.
- Đừng để trẻ em chơi chung đồ chơi với trẻ khác
- Không ôm hôn khi trẻ đang bị bệnh.
- Hướng dẫn trẻ che mũi miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng giấy lau rồi vất riêng.
- Mang bao tay cao su khi thoa phấn, kem, chăm sóc thay tã cho trẻ.
- Tẩy rửa bàn ghế, sàn nhà, vật dụng nhiễm virus với dung dịch nước pha với chất tẩy chlorine.
- Không dùng chung chén bát, đũa thìa, khăn mặt với người bệnh.
- Trẻ em bị bệnh nên giữ ở nhà. Gia đình nên thông báo với trường học, lớp mẫu giáo, mầm non về tình trạnh bệnh của con em.
- Trẻ bị bệnh chỉ nên trở lại trường sau 2 tuần lễ hết dấu hiệu, triệu chứng.
           
Kết luận
Bệnh Chân-Tay-Miệng tuy lành nhưng rất hay lây, đôi khi nguy hiểm.
Để tránh lây lan, nên bảo vệ vệ sinh môi trường, vệ sinh dụng cụ đồ chơi của trẻ em, bảo đảm an toàn thực phẩm nước uống, loại bỏ phân trẻ bị bệnh.
Riêng với các em tại trường mẫu giáo, mầm non, nên cố gắng để các em không tiếp xúc quá gần với nhau và tẩy rửa đồ chơi khi các cháu chung vui.
Tuy là không bắt buộc khai báo, nhưng nếu bệnh Chân-Tay-Miệng xảy ra nhiều tại địa phương, trường học, nên thông báo cho cơ quan y tế để được theo dõi và áp dụng phương thức phòng tránh lây lan.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức  Texas-Hoa Kỳ 

No comments:

Post a Comment