Chánh Trí
“Cuộc đời như tốt sang sông
Tiến ngang tiến dọc chứ không được lùi”.
Tôi chưa bao giờ nghĩ người ta đối xử với tôi như con cờ trong cuộc đời 30 năm qua. Nhưng tối nay, sự nhắc nhở của một người bạn (Lê Bích Sơn), tôi bắt đầu suy ngẫm những con cờ như câu thơ trên mô tả.
Rất nhiều người từng trải nói với tôi về ván cờ cuộc đời. Trong ván cờ ấy, họ chỉ là một con cờ. Khi đã là một con cờ, họ không còn chủ động cuộc đời mình nữa. Khi đã là một con cờ, họ bị người khác lợi dụng. Khi là một con cờ, họ bị lừa mà họ không hề hay biết. Tôi đã gặp những con cờ bị động như thế. Tôi đã từng tiếp xúc những con cờ tội nghiệp như thế. Tôi cũng từng biết những con cờ ngu ngốc như thế. Tôi thực sự ngạc nhiên và sửng sốt khi bạn nói: “coi chừng biết đâu thầy là con cờ”.
Tôi ngẫm nghĩ rằng bao nhiêu phần trăm tôi chủ động được trong ba mươi năm qua? Tôi được sinh ra. Tôi được cha mẹ thầy tổ ban cho vài cái tên, cả đời lẫn đạo. Tôi được đi học. Tôi phải tuân theo những sinh hoạt truyền thống mà đôi khi tôi không hiểu lý do. Được và phải như thế tính ra ít hơn những gì tôi quyết định. Tôi quyết định đi tu. Tôi muốn ra Huế học. Tôi đã chọn trường học. Tôi chủ động học thật chăm chỉ. Tôi quyết định đi nước ngoài. Tôi phát tâm đến đạo tràng chùa Việt Nam. Tôi vui với việc tôi đang làm. Thế là, tôi chưa phải là con cờ bị động.
Tôi lục soát ký ức để xem ai đã lợi dụng tôi chưa. Ba mẹ sai tôi nấu cơm, giữ em, bẻ củi, gánh nước… chắc chắn không phải lợi dụng tôi. Thầy tổ dạy tôi pha trà quét sân, tụng kinh đi đám cũng hoàn toàn không phải lợi dụng. Bạn bè nhờ làm bài vở hay công việc, đó cũng chẳng phải lợi dụng. Nghĩ về hai chữ lợi dụng, tôi thấy tôi mới là kẻ lợi dụng người khác. Tôi đã lợi dụng thời gian tập thể để học bài riêng khi còn ngôi trên ghế nhà trường. Tôi đã dùng công sức và tiền bạc của cha mẹ, anh em, thầy tổ, bạn bè. Tôi đã sử dụng kiến thức của tiền bối để làm giàu tri thức cho mình. Trong mối tương quan giữa với vạn vật, tôi thấy tôi lợi dụng vạn vật nhiều hơn. Vì thế, tôi chưa phải là con cờ tội nghiệp, con cờ bị người ta lợi dụng.
Ai từng lừa dối tôi mà tôi không hề hay biết? Tôi từng dối lừa ai mà họ cũng chẳng từng hay biết? Ký ức nhắc nhở rằng: tôi lừa người nhiều hơn là người lừa tôi. Tôi từng quay tài liệu khi học phổ thông. Tôi cũng từng mượn tiền quên trả. Tôi nhiều lần hứa mà không thực hiện. Chắc chắn tôi đã từng làm nói không làm, biết nói không biết, không làm nói làm, không biết nói biết. Đó là tôi đã lừa người khác. Thế là, khi nhìn lại, tôi vẫn thấy tôi không thật với người nhiều hơn là người không thật với tôi. Cho nên, tôi vẫn chưa là con cờ ngu ngốc, bị lừa mà không biết.
Tu hành là để giành phần chủ động trong cuộc đời: chủ động ngoài hành động và trong tâm ý. Ngoại duyên lôi kéo bao nhiêu ta càng phải tự chủ bấy nhiêu. Phiền não cột thắt bao nhiêu ta phải cương quyết bấy nhiêu. Trong ý nghĩa tự chủ và cương quyết ấy, ta luôn ý thức: đời ta ta sáng tạo, chuyện ta ta giải quyết, việc ta ta phải làm. Bao nhiêu trách nhiệm cá nhân đều nhờ sự chủ động ấy mà thành tựa. Bấy nhiêu nghĩa vụ tập thể cũng nhờ sự cương quyết ấy thành công.
Cuộc sống là tương quan. Trong vô cùng vô tận những mối tương quan cuộc đời làm sao nói được ai lợi dụng ai, ai cống hiến ai, ai trả nợ ai, ai hy sinh cho ai? Bằng tuệ giác, ta thấy lợi dụng nhau khi đang tu tập là ý niệm sai lầm. Tương thử thâm tâm phụng trần sát, lời của tôn giả A Nan, mang máng ý nghĩa xin để cho tất cả chúng sanh sử dụng con, lợi dụng con. Có duyên với nhau, có ân có oán với nhau chúng ta mới gặp và làm việc cùng nhau. Một khi đã kết duyên trong ngôi nhà Phật Pháp thì chúng ta đừng nên nói lợi dụng nhau nữa. Hãy nói là phụng sự, là phục vụ, dâng hiến, hy sinh. Nếu ai đó đang lợi dụng tôi, mà tôi vẫn có thể hoàn thành tâm nguyện của mình và tạo niềm vui cho người khác, thì tôi cam tâm, hoan hỷ và chấp nhận sự lợi dụng ấy.
Một khi ta còn tạo nghiệp se duyên thì đừng nói chuyện chủ động tuyệt đối. Một khi chưa rèn luyện cho trí tuệ sáng tỏ thì đừng bàn đến tự chủ thân tâm. Vì thế, tu hành là nỗ lực chuyển hóa ác nghiệp, xây dựng thiện nghiệp, loại trừ hữu lậu nghiệp, thiết lập vô lậu nghiệp. Chỉ có tuệ giác mới giúp ta nhận ra ai chủ ai khác, ai lợi dụng ai, ai lừa dối ai. Và cũng chỉ với tuệ giác ta mới vượt lên trên cái giới hạn ta và những gì khác ta.
Nếu được làm con cờ trong ván cờ cuộc đời, tôi sẽ làm con chốt, con tốt. Nó là con cờ có địa vị thấp nhất và có số lượng đông nhất trong bàn cờ. Nó là con cờ đi chậm nhất, một lần một ô mà thôi. Đặc biệt, dù chưa qua sông hay đã qua sông, nó không bao giờ được đi lui. Nó chỉ có thể đi ngang bên trái bên phải và tiến về phía trước mà thôi. Dù thường bị đem ra để làm vật cản đường hay vật hiến tế, thí tốt, nhưng nó là những chàng ngự lâm tiên phong trong trận địa. Vì địa vị thấp, bởi số lượng đông, do tiên phong và đi chậm ấy mà con tốt có giá trị thấp so với xe mã pháo tượng. Tôi thích vị trí tiên phong của nó. Tôi yêu địa vị bé nhỏ của nó. Tôi phục tính cách chỉ tiến chứ không được lùi của nó. Tôi chuộng kiểu đi chậm mà chắc của nó.
Mỗi người đã kinh qua nhiều kiếp sống nên đã tham gia nhiều ván cờ cuộc đời. Trong những ván cờ ấy, đôi khi ta là xe là ngựa, lắm lúc ta là pháo là tốt. Với bất cứ vai trò nào, ta hãy tiến ngang tiến dọc chứ không được lùi. Với bất cứ hiện thân nào, ta nắm phần chủ động cho những quyết định và hành động. Với bất cứ vị trí nào, ta quyết hy sinh bản ngã vị kỷ phục vụ tha nhân.
Khi kết thúc bài viết này tôi bỗng nhớ đến một người mà tôi vô cùng ấn tượng và mến phục trong tiểu thuyết Kim Dung, cụ thể là trong bộ Thiên Long Bát Bộ. Không phải Đoàn Dự, Hư Trúc. Chẳng phải Tiêu Phong. Càng chẳng bao giờ Mộ Dung Phục. Đó là vị sư già quét rác giữ tàng kinh các trong Thiếu Lâm Tự, người được giang hồ mỹ xưng là thần tăng.
Cali ngày 8 tháng 8 năm 2013
No comments:
Post a Comment