Monday, June 6, 2016


Trang thơ Xuân Diệu

Xuân Diệu
Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2 tháng 2, 1916 tại Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha là ông Ngô Xuân Thọ (giáo viên), người làng Trảo Nha, Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp.
Xuân Diệu lớn lên ở Qui Nhơn. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mĩ Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938-1940). Ông tốt nghiệp cử nhân Luật 1943 và làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho một thời gian trước khi chuyển về ở Hà Nội.
Bên cạnh sáng tác thơ, ông còn tham gia viết báo cho các tờ Ngày Nay và Tiên Phong. Ông là một trong những người sáng lập Đoàn báo chí Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, “ông hoàng của thơ tình”.
Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội. Sau đó ông công tác trong Hội văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc.
Từ đó, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ca ngợi cách mạng, một “dòng thơ công dân”. Bút pháp của ông chuyển biến phong phú về giọng vẻ: có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình.
Là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ (một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố), một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.
Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983.
Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật (1996).
Ông mất ngày 18 tháng 12 năm 1985.
Thi phẩm đã xuất bản:
  • Thơ thơ (1938, 1939, 1968, 1970)
  • Gửi hương cho gió (1945, 1967)
  • Ngọn Quốc kỳ (1945, 1961)
  • Hội nghị non sông (1946)
  • Dưới sao vàng (1949)
  • Sáng (1953)
  • Mẹ con (1954)
  • Ngôi sao (1955)
  • Riêng chung (1960)
  • Mũi Cà Mau – Cầm tay (1962)
  • Một khối hồng (1964)
  • Hai đợt sóng (1967)
  • Tôi giàu đôi mắt (1970)
  • Hồn tôi đôi cánh (1976)
  • Thanh ca (1982)

    • Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong

                
      Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong
      Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ
      Vượt đèo Ngang, kiếm nơi cần chữ
      Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong
      Hai phía đèo Ngang: một mối tơ hồng.
      Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang,
      Đói bao thuở, cơm chia phần từng bát
      Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát
      Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm.
      Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong
      Ông đồ nho lấy cô làm nước mắm
      Làng xóm cười giọng ông đồ trọ trẹ
      Nhưng quý ông đồ văn vẻ giỏi giang
      Bà ngoại nói: tôi trọng người chữ nghĩa
      Dám gả con cho cách tỉnh, xa đàng.
      Tiếng đàng trong, tiếng đàng ngoài quấn quít
      Vào giữa mái tranh, giường chõng, cột nhà
      Rứa, mô, chừ? cha hỏi điều muốn biết
      Ngạc nhiên gì, mẹ thốt: úi chui cha!
      Con trong võng êm lành kêu kẽo kẹt
      Ru tuổi thơ theo hai điệu bổng trầm
      Mẹ thảnh thót: qua nhớ thương em bậu
      Cha hát dặm bài “Phụ tử tình thâm”.
      Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong
      Muốn ăn nhút, thì về quê với bố
      Muốn ăn quýt, ăn hồng, theo cha mày mà về ngoài đó,
      Muốn uống nước dừa, ăn xoài chín đỏ,
      Muốn ăn bánh tét, bánh tổ,
      Thì theo tao, ở mãi trong này.
      *
      **
      Đội ơn Thầy, đội ơn Má sinh con.
      Cảm ơn Thầy vượt đèo Ngang bất kể!
      Cảm ơn Má biết yêu người xứ Nghệ;
      Nên máu con chung hòa cả hai miền.
      6-1960
                
    • Tình thứ nhất

                
      Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
      Anh cho em kèm với một lá thư
      Em không lấy, và tình anh đã mất
      Tình đã cho không lấy lại bao giờ
      Thư thì mỏng như suốt đời mộng ảo
      Tình thì buồn như tất cả chia ly.
      Giấy phong kỹ mang thầm trong túi áo
      Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi
      Lòng e thẹn cũng theo tờ vụn dại
      Tôi bên em, chờ đợi mãi không về
      Em đã xé lòng non cùng giấy mới
      – Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê
      Cũng may mắn, lòng anh còn trẻ quá
      Máu mùa xuân chưa nở hết bông hoa;
      Vườn mưa gió còn nghe chim rộn rã,
      Anh lại còn yêu, bông lựu, bông trà.
      Nhưng giây phút dù say hoa bướm thắm
      Ðã nghìn lần anh bắt được anh mơ
      Ðôi mắt sợ chẳng bao giờ dám ngắm
      Ðôi tay yêu không được nắm bao giờ
      Anh vẫn tưởng chuyện đùa khi nhỏ tuổi
      Ai có ngờ lòng vỡ đã từ bao !
      Mắt không ướt, nhưng bao hàng lệ rõ
      Len tỉ tê thầm trộm chảy quay vào
      Hoa thứ nhất có một mùi trinh bạch,
      Xuân đầu mùa trong sạch vẽ ban sợ
      Hương mới thấm bền ghi như thiết thạch;
      Sương nguyên tiêu, trời đất cũng chung mờ.
      Tờ lá thắm đã lạc dòng u uất,
      Ánh mai soi cũng pha nhạt màu ôị
      Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất,
      Anh cho em, nên anh đã mất rồi.

    No comments:

    Post a Comment