Monday, June 13, 2016

Trang thơ Lưu Quang Vũ

Lưu Quang Vũ
Lưu Quang Vũ sinh ngày 17 tháng 4 năm 1948 tại Phú Thọ, quê gốc Quảng Nam, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh.
Tuổi thơ ông sống ở Phú Thọ cùng cha mẹ. Khi hoà bình lập lại (1954) gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội. Thiên hướng và năng khiếu nghệ thuật của ông đã sớm bộc lộ từ nhỏ và vùng quê trung du Bắc Bộ đó đã in dấu trong các sáng tác của ông sau này.
Từ 1965 đến 1970 ông nhập ngũ, phục vụ trong quân chủng Phòng không – Không quân. Đây là thời kỳ thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu nở rộ. Từ 1970 đến 1978 ông xuất ngũ và làm đủ mọi nghề để mưu sinh, làm hợp đồng cho nhà xuất bản Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường, vẽ pa-nô, áp-phích…
Từ 1978 đến 1988: Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 viết lại theo kịch bản của Vũ Duy Kỳ.
Lưu Quang Vũ kết hôn hai lần, lần thứ nhất với diễn viên điện ảnh Tố Uyên năm 1969. Hai người li hôn năm 1972. Ông kết hôn lần thứ hai với nữ thi sĩ Xuân Quỳnh năm 1973. Con trai của ông và Tố Uyên là Lưu Minh Vũ, hiện đang là một trong những người dẫn chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam. Em gái Lưu Quang Vũ, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ hiện đang công tác tại tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Viện Văn học. Em trai của ông là GS.TS Lưu Quang Hiệp, từng là hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao 1.
Giữa lúc tài năng đang vào độ chín, Lưu Quang Vũ qua đời trong một tai nạn ô tô trên quốc lộ số 5 cùng với người bạn đời là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.
Tác phẩm chính:
Thơ:
  • Hương cây (1968 – in cùng Bằng Việt trong tập Hương cây – Bếp lửa)
  • Mây trắng của đời tôi (1989)
  • Bầy ong trong đêm sâu (1993)
  • Kịch
  • Sống mãi tuổi 17
  • Nàng Sita
  • Hẹn ngày trở lại
  • Tin ở hoa hồng
  • Trái tim trong trắng
  • Nếu anh không đốt lửa
  • Hồn Trương Ba da hàng thịt
  • Lời thề thứ 9
  • Khoảnh khắc và vô tận
  • Bệnh sĩ
  • Tôi và chúng ta
  • Người tốt nhà số 5
  • Chiếc ô công lý
  • Ông không phải bố tôi
  • Lời nói dối cuối cùng


  • Việt Nam ơi

              
              
    Những áo quần rách rưới
    Những hàng cây đắm mình vào bóng tối
    Chiều mờ sương léo lắt đèn dầu
    Lũ trẻ ngồi quanh mâm gỗ
    Lèo tèo mì luộc canh rau.
    Mấy mươi năm vẫn mái tranh này
    Dòng sông đen nước cạn
    Tiếng loa đầu dốc lạnh
    Tin chiến trận miền xa.
    Những người đi chưa về
    Những quả bom những hầm hào sụt lở
    Những tên tướng những lời hăm dọa
    Người ta định làm gì Người nữa
    Việt Nam ơi?
    Mấy mươi năm đã mấy lớp người
    Chia lìa gục ngã
    Đã tận cùng nỗi khổ
    Người ta còn muốn gì Người nữa
    Việt Nam ơi?
    Người đau thương, tôi gắng gượng mỉm cười
    Gắng tin tưởng, nhưng lòng tôi có hạn
    Chiều nay lạnh, tôi nghẹn ngào muốn khóc
    Xin Người tha thứ, Việt Nam ơi!
    Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui
    Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất
    Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát
    Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi!
    Tôi làm sao sống được nếu xa Người
    Như giọt nước đậu vào bụi cỏ
    Như châu chấu ôm ghì bông lúa
    Người đẩy tôi ra tôi lại bám lấy Người
    Không vì thế mà Người khinh tôi chứ
    Việt Nam ơi?
    Không vì tôi đau khổ rã rời
    Mà người ghét bỏ?
    Xin Người đừng nhìn tôi như kẻ lạ
    Xin Người đừng ghẻ lạnh, Việt Nam ơi!
    Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người
    Tất cả sẽ ra sao
    Mảnh đất nghèo máu ứa
    Người sẽ đi đến đâu
    Hả Việt Nam khốn khổ?
    Đến bao giờ bông lúa
    Là tình yêu của Người?
    Đến bao giờ ngày vui
    Như chim về bên cửa?
    Đến bao giờ Người mới được nghỉ ngơi
    Trong nắng ấm và tiếng cười trẻ nhỏ?
    Đến bao giờ đến bao giờ nữa
    Việt Nam ơi?

    No comments:

    Post a Comment