Thursday, June 2, 2016

Quê người, nhìn lại thời thơ ấu và tuổi đôi mươi
Huy-Lực Bùi Tiên Khôi


Tôi sinh ra trong một gia đình trung lưu chỉ được vài chục mẫu ruộng, nhưng từ thời ông nội, tất cả gia sản đã dồn lại đầu tư vào một ngôi nhà ngói tương đối rộng rãi đồ sộ nhìn ra cánh đồng Lạc Điền, trải dài về phía nam tỉnh Bình Định, nơi tôi mở mắt chào đời giữa sự hân hoan tột cùng của mẹ tôi. Bởi vì “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, bất hiếu có ba điều, tội không có con trai nối dòng là lớn nhất, nếu mẹ tôi sinh con gái nữa, ông tôi bắt buộc ba tôi rước nàng hầu. Sau này khi ba tôi đã sáu mươi tuổi, tôi tinh nghịch hỏi cảm tưởng của ông trong thời gian hồi hộp hể hả ấy, ba tôi chỉ mỉm cười mắt nhìn vào dĩ vãng xa xăm nhớ lại cơ hội quý báu của sự hợp thức hóa quyền uy nam tính trong lạc thú đa thê mà vẫn êm ấm gia đình. Còn mẹ tôi, bà hãnh diện bồng bế tôi đi lại trong gian nhà đầy ắp đồ cổ bình sứ, đồ đồng rực rỡ sáng lóng lánh, trên tường treo la liệt liễn đối hoành phi, giữa những áng sách cao, những nghiên bút, chỉ có ông tôi và ba tôi lúi húi tra khảo, tìm tòi. Lên năm tuổi tôi bắt đầu gào lên: thiên là trời, địa là đất trong sách Tam Thiên Tự, trước khi cầm bút sắt học Quốc ngữ và Pháp văn. Lên mười tuổi, ban ngày học lớp nhất trường tiểu học với một vị thầy cầm thước bảng đánh vào mông học trò rướm máu, nếu ai không đọc trôi chảy bài học thuộc lòng Pháp ngữ récitation, đêm về vẫn phải nhồi vào óc những “Tri nhơn, Ái nhơn” học cách biết người và yêu người trong sách Luận Ngữ, một quyển sách quan trọng trong bộ Tứ Thư, mà ba tôi, vị thầy dạy tôi cả Pháp ngữ, lẫn Hán văn, bắt tôi trèo lên kệ sách kính cẩn lấy xuống để trước mặt người, rồi vòng tay đứng nghe ông giảng, ngoan ngoãn hơn cả Bá Ngư, người con yêu của Đức Khổng Tử đang hầu sách với cha. Hằng đêm tôi vẫn phải ra rả đọc làu làu như vẹt kêu những câu như: “Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân”, người quân tử cầu nơi mình, căn bản do mình, kẻ tiểu nhân cầu nơi người chỉ dựa theo người; tiếng gào Nho giáo thống thiết lúc thiếu thời quả thật chỉ giúp tôi có được một cái giọng tốt sang sảng để hùng hồn ăn nói cho quãng đời bắt đầu đi làm việc về sau...
Năm 1956, tôi thi đậu cả ba cuộc thi tuyển vào ba trường chuyên môn: Sư Phạm, Y Tế và Canh Nông. Ba tôi để cho tôi tự do quyết định, bởi vì “Nhậm trọng đạo viễn” trách nhiệm thì nặng, đường thì xa. Sự lựa chọn một nghề nghiệp để đi suốt cuộc đời mình, để lập thân hữu dụng, để gây hứng khởi trên con đường thi ca sáng tạo, quả là một suy tư nhức óc cho cậu học trò mười tám chỉ quen với sách vở và mơ mộng đầy trời nhưng thực tế chông gai cuộc sống chưa bao giờ thực sự bước qua. Chị tôi và bầy em nhỏ bé nai tơ theo dõi sự lấy quyết định quan trọng của tôi trong bầu không khí thật khẩn trương. Cuối cùng tôi đã chọn lựa nghề nghiệp, sự lựa chọn này không dựa trên những lượng giá quan trọng như ba tôi mong muốn, nếu biết được ông sẽ vô cùng thất vọng cho đứa con hời hợt, nông cạn, đã uổng công rèn luyện đào tạo để bất cứ làm việc gì đều phải cân nhắc với tất cả trí tuệ cùng sự hợp lý khôn ngoan.
Mùa hè 1956, khi bài vở nhà trường cùng triết lý Nho giáo đã ớn lên đến cổ họng làm điêu đứng cái thân thể còm cõi gầy yếu của tôi, tôi lén ba tôi mướn đọc quyển “Bàn tay máu” của Phi Long, một quyển sách gây cảm giác mạnh hồi hộp kinh dị, tác giả viết cho những người đọc dễ tính mua vui trong lúc trà dư tửu hậu. Câu chuyện nhiều tình tiết éo le bất ngờ sôi động, nhưng nếu tôi gặp được tác giả để thảo luận thêm bớt chi tiết, khiến câu chuyện trở nên hợp lý hơn, hấp dẫn lôi cuốn hơn, và hy vọng quyển “Bàn tay máu” sẽ là sách bán chạy nhất trên thị trường tiểu thuyết trinh thám Việt Nam.
Trong danh sách những thí sinh trúng tuyển vào trường Quốc Gia Nông Lâm Mục khóa hai, tôi đọc trên một tờ báo, có tên Lê Hữu Trung tự Phi Long, ắt hẳn tác giả “Bàn tay máu”. A! Hắn đây rồi, còn đợi gì nữa, không còn cách nào từ chối nữa cái cơ hội để thảo luận ít nhất trong ba năm, viết lại cho hay hơn quyển "Bàn Tay Máu".
Thế là tôi khăn gói lên đường đi Blao nhập học.
Nhờ cái tên Lê Hữu Trung có ghi thêm chữ tự Phi Long, nhờ cái lý do không hợp lý nông cạn trong việc chọn trường chuyên môn, đã mang đến cho tôi vô số cái may hợp lý làm thỏa mãn những ước mơ sâu xa của một tâm hồn phiêu lưu lãng tử, cuộc sống thèm đi, thèm học hỏi với sao thiên di thuận theo định mệnh ý trời. Chỉ riêng trước năm 1975, nhờ làm việc tại Bộ Canh Nông, tôi đã đặt chân trên 15 quốc gia của quả đất này, mỗi ngày dường như nhỏ bé hơn.
Thiên nhiên và con người đã ảnh hưởng sâu xa đến tâm hồn son trẻ mộng mơ của thời niên thiếu. Tuổi lên mười, ngoài những ngày đi học, những bình minh hồng tươi đẹp, tôi băng qua cánh đồng leo lên đồi cát quê hương nhìn về hướng đông, biển bao la xanh ngát một màu, mặt trời từ từ nhô lên, đồi cát phơn phớt hồng dàn trải về xa, rực rỡ lóng lánh. Gió mơn man khích động tâm hồn. Ngàn liễu vi vu mơ hồ thánh thót. Tôi ngồi bất động hàng giờ đắm chìm giữa trời nước bao la, tâm hồn bay lên, bay lên mơ màng lảng đảng. Gió biển nắng hồng quyện ướp thiên nhiên vào thân thể tôi, ru cậu bé lên mười tan loãng vào vũ trụ bao la, hư vô kỳ diệu. Ngày tháng trôi qua, ngoài thời gian cắp sách đến trường, tôi chỉ tìm lại được tôi, tôi chỉ thật sự sung sướng khi một mình đối diện với thiên nhiên, đắm chìm trong trời nước xanh biếc mênh mông, ngàn liễu ngân nga thì thầm réo gọi. Và một ngày trong năm tháng tuổi thơ tuyệt vời đó, trong một phút xuất thần, tôi bỗng khẽ ngâm nga.
Bình minh cười rực biển
Trăng sao trốn cuộc đời
Hòn bi hồng ai liệng
Nằm trên cát chơi vơi
Bóng đêm chạy trốn cuối trời
Gió lên ngàn liễu tiếng đời vi vu…
A! Tôi làm thơ và đó là bài thơ đầu đời của tôi, của cậu bé lên mười.
Năm mười tám tuổi, tuổi tràn trề nhựa sống ngập lụt hoài bão ước mơ; cùng với hơn năm mươi bạn hữu bốn phương tôi về trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao học tập. Trong ba năm trời, những chuyến đi thật sâu vào núi rừng, đi đến những nơi ngỡ là chưa bao giờ có người đặt chân tới, nằm trên thảm lá mục nhìn lên vòm cây đan kín trên cao, tiếng núi rừng âm ỉ dâng lên, trong cảnh tượng hùng vĩ bát ngát, tôi đã say sưa ngây ngất quên đời. Tình yêu thiên nhiên trong tôi càng thêm sâu sắc phong phú hơn lên, với thời ấu thơ say mê biển cả, tuổi đôi mươi ngây ngất đắm đuối với núi rừng. Tôi thường ngắm biển như một người đẹp trong bộ áo mong manh, tươi hồng thoải mái sau khi tắm mát tẩy sạch bụi đời, và tôi thưởng thức núi rừng như chiêm ngưỡng một giai nhân trong y phục lộng lẫy màu thiên thanh, rực rỡ mời gọi thế nhân về vui dự hội. 
Ba năm trời tại trường Quốc Gia Nông Lâm Mục, những buổi chiều lang thang trên đồi trà, nhìn nắng chiều dần dần chìm khuất, đồi trà mênh mông dàn trải chạy tít mù xa, lớp lớp hàng hàng cây trà xanh đổi màu xanh sẫm rồi bóng đêm chụp xuống đen đậm, tôi đi giữa thiên nhiên bao la biến đổi huyền diệu kỳ ảo, lòng rung lên muôn điệu, ngân vọng theo đuổi cả đời tôi, chất ngất nỗi niềm ....
Một buổi chiều trong giảng đường vắng lặng, các bạn đã ra về sau buổi học, riêng một mình tôi ngồi lại thưởng thức tạp chí Bách Khoa vừa mới nhận còn thơm mùi mực, trong đó có đăng bài thơ “Những nẻo đường đất nước” của tôi. Chiều cao nguyên êm ả, con người như quyện vào mây gió bay bổng lên cao, nắng mịn màng như một giải lụa quấn quít đôi chân, tiếng guốc gõ nhịp tiến dần đến giảng đường nơi tôi đang ngồi nhìn chiều rơi, rung động ... Áo dài màu trắng tinh khiết, dáng đi uyển chuyển dịu dàng, tiếng guốc gõ đều theo nhịp chân có chủ định, linh cảm báo cho tôi biết giai nhân đang tiến về hướng tôi. Tôi từ tốn đứng lên, đôi tay thừa thãi khoanh trước ngực, mắt trong mắt đứng nhìn. Đôi má hồng bừng đỏ lên, khóe thu ba chợt hạ xuống ngừng trên trang báo Bách Khoa in đậm nhan đề bài thơ “Những nẻo đường đất nước”, trong giây lát tiếng nói theo hơi thở nồng xao xuyến:
- Em đã đọc bài thơ "Những nẻo đường đất nước", một bài thơ hay, một tuyệt tác của nhà thơ lớn. Cám ơn thiên tài Huy Lực, cám ơn Anh...
       Những nẻo đường đất nước
       (Đã được đưa vào chương trình Giảng văn Trung học Việt Nam Cộng Hòa) - Huy Lực Bùi Tiên Khôi

Tôi đã đi
Từ Cà Mau ra Bến Hải
Tôi đã dừng lại
Khắp các nẻo đường
Nước xanh màu bát ngát đại dương
Hay trùng điệp núi rừng cao nguyên đất đỏ
Tôi đã qua
Khắp các đô thành nguy nga to, nhỏ
Bãi bể đồi thông
Lúa Hậu Giang bát ngát ngập đồng
Dừa Bình Định tô xanh miền cát trắng
Tôi đã gặp
Cô gái sông Hương tóc thề bay trong nắng
Vành nón nghiêng nghiêng che cả bầu trời
Tôi đã về
Miền quê nhỏ xa xôi
Trưa buồn tẻ theo tiếng gà eo óc
Tôi đã theo xe
Qua những quãng đường gian nan khó nhọc
Đà Lạt, Pleiku
Đất đỏ lên hương gió bụi mịt mù
Cảnh xơ xác hay thần tiên quái dị
Tôi đã nghỉ lại
Đêm trăng rằm Quảng Trị
Nằm nghe sông Bến Hải khóc chia đôi
Một chiếc cầu mà hai nhịp xa xôi
Vầng trăng xẻ đôi phần ngăn cách
Tôi đã ghé
Đồng U Minh qua bao bụi bờ sông lạch
Nước phèn chua bụi rậm quấn chân giày
Đêm không mùng mặc cho muỗi no say
Sao thổn thức trên đọt cây rừng cô quạnh
Tôi ở lại
Thủ đô chiều mưa tạnh
Đời dâng lên những làn má căng tròn
Bàn tay gầy xoay mạnh chiếc ly con
Bao mộng tưởng ngất ngây cùng hớp rượu
Tôi đã về
Phan Rang với Tháp Chàm kỳ cựu
Canh trường say trong giấc ngủ ru con
Giọng hời... hời… não nuột héo hon
Nghe nức nở tưởng chừng như đứt ruột
Tôi đã lang thang
Giữa đồn điền Ban Mê Thuột
Ly cà phê chôn tiếng gọi lên đường
Trống bập bùng đêm hội trên truông
Hoang sơ quá lõa lồ cô gái thượng
Tôi đã ngồi
Trên đập đồng Cam khi nắng chiều đổ xuống
Theo nước về cho đồng ruộng thêm tươi
Đôi vợ chồng tát nuớc hò ơi!
Gầu nước đổ theo tiếng lòng hối hả
Những nẻo đường đã qua
Làm sao tôi nhớ cả
Từ quanh co khúc khuỷu ở thôn quê
Hay đại lộ phẳng phiu tấp nập kẻ đi về
Thơm biết mấy những nẻo đường đất nước
Những người tôi gặp được
Dầu lạ hay quen
Dầu kẻ giàu sang hay lam lũ nghèo hèn
Dầu cụ già bảy mươi, cô gái ngây thơ mười tám
Dầu chị sinh viên trắng xanh
Hay bác nông dân đen xạm
Dầu Bắc Nam Trung
Ôi đẹp làm sao duyên thắm vô cùng
Tôi yêu cả những con người đất Việt
Những chuyến đi qua rồi tôi rất tiếc
Làm sao sống lại những con đường
Làm sao về gặp lại kẻ yêu thương
Tôi ao ước chuyến đi dài bất tận....


Xin được hồi tưởng về ngôi trường chuyên môn của tôi sau 40 năm tốt nghiệp, bốn mươi năm thời gian bể dâu sương khói đã nhòa nhạt xuôi giòng, riêng tôi, sau khi giã từ Blao, đã qua nhiều ngôi trường khác, nhưng xúc cảm và ấn tượng tốt đẹp về ngôi trường xưa vẫn choáng ngập đậm nét hơn bất cứ một ngôi trường nào đã trải qua sau này.
Sau khi tỵ nạn ở Hoa Kỳ, tôi thường được mời đi thuyết trình cho các sinh viên muốn lấy văn bằng về môn Comparative Literature, tỷ giảo văn chương, nên từ sự so sánh trong văn chương tôi bị ảnh hưởng hay liên tưởng so sánh ngôi trường mới với ngôi trường cũ rực rỡ hình ảnh ba năm nội trú tuyệt vời.
Ngôi trường Quốc Gia Nông Lâm Mục quả thật là ngôi trường số một, chẳng những là ngôi trường vĩ đại đầu đời của tuổi đôi mươi, mà còn là ngôi trường dân sự chuyên môn đầu tiên vĩ đại nhất của Quốc gia thời bấy giờ. Các bạn đừng cho tôi vì quá yêu trường mà lộng ngôn đâu nhé! Tôi sẽ lần lượt chứng minh từng điểm về ngôi trường đã đào tạo ra những môn sinh làm cộng đồng nhân loại gần gũi nhau hơn, hiểu biết nhau hơn, nhân ái tốt đẹp hơn.
Miền Nam Viêt Nam trong năm 1955, đâu có một ngôi trường Cao Đẳng chuyên môn nào được cấp học bổng $1,500 đồng một tháng. Khi tôi vào Tòa Hành Chánh tỉnh Bình Định để lấy sư vụ lệnh và thông hành đi máy bay miễn phí ra Huế, cô thư ký đánh máy công nhật đưa giấy tờ chúc tụng tôi lên đường: “Học bổng hằng tháng của trường Nông Lâm Mục anh học còn lớn hơn tháng lương của em chỉ $1,200 thôi”. $1,500 một tháng lúc bấy giờ mua được nửa lượng vàng, hoặc 15 tạ gạo.
Nằm bên tay trái quốc lộ 20, tại cây số 187 từ Sài Gòn đi Đà Lạt, ngôi trường trải dài từ xã Tân Bùi đến chợ Blao, rồi kế tiếp ranh giới sở trà Pitchené. Diện tích ngôi trường kể cả khu ngũ cốc, vườn cỏ (grass collection), thí điểm cây ăn trái, vườn ương, vườn rau, vườn cam và đồng cỏ (pasture) rộng đến 200 ha mẫu Tây tức là 494 acres mẫu Hoa Kỳ, rộng hơn bất cứ một ngôi trường văn hóa chuyên môn nào trên nước Việt Nam và rộng hơn cả đại học Rice ở Houston (300 acres), một trong những đại học tốt nhất  Hoa Kỳ.
Du khách đi Đà Lạt, khi xe tiến vào cây số 186 nhìn qua tay trái những dãy biệt thự xinh xắn của giáo sư Nông Lâm Mục, màu tường trắng nổi bật trên khung cảnh xanh biếc của cây cỏ núi rừng. Một số giáo sư của Đại học Sài Gòn và nhiều vị giáo sư đại học khác, khi qua đây đã từng nhìn bầu trời xanh, mơ ước được vào dạy ở nơi đây, mỗi sáng ngồi trong biệt thự tiện nghi, uống trà tươi nghe tiếng cỏ cây trăn trở thì thầm.
Cổng vào trường được xây cất kiên cố, mang tấm bảng hiệu to lớn chữ đỏ chói, đập vào nhãn quan gây một ấn tượng bao quát vĩ đại cho du khách viếng trường. Ba khu giảng đường nằm kế bên nhau lùi dần về phía sau, nằm dưới những tàng cây xanh biếc, ấp ủ khung trời thân yêu của ba năm sách vở trong tay đến lớp học hành. Mỗi giảng đường có ba bốn lớp học và phòng thí nghiệm. Những chiếc ghế có gắn liền mặt bàn đánh vẹt ni bóng lộn, hai bên tường kính mỹ thuật, ngồi trong lớp có thể nhìn thấy đàn bướm chập chờn trên những luống hoa sặc sỡ trước biệt thự của các giáo sư hoặc nhìn qua phải, tầm mắt có thể đến tận khu rừng xanh ngát trải dàn ra. Tôi bảo đảm với các bạn là không có lớp học nào tiện nghi, thoải mái, thơ mộng thú vị như lớp học của trường Nông Lâm Mục Blao, kể cả so sánh với những đại học danh tiếng nhất Hoa Kỳ.
Tháng sáu năm 1987, tôi được mời dự lễ ra trường tại đại học Harvard, cùng vui chơi với class re-union, ngày họp mặt khóa của một đại học đã thành lập cách nay 350 năm, đại học danh tiếng nhất, lâu đời nhất tại Hoa Kỳ. Những cây cổ thụ tàng lá sum sê, đầy những chú sóc chạy nhảy đùa giỡn tung tăng trên thảm cỏ, những tòa nhà cổ xưa kiến trúc kiên cố với những bức tường quấn phủ đầy những cây trường xuân xanh thẫm, đến những công trình kiến trúc của khu Carpenter Center do kiến trúc sư nổi danh người Pháp Le Corbusier vẽ kiểu mẫu mà bất cứ dân Harvard nào đều hãnh diện giới thiệu với du khách. Tôi đã thuyết trình trước bốn trăm sinh viên Harvard, hơn một phần mười là người Việt về đề tài thi ca Việt Nam, tại căn  phòng mà thi sĩ Monroe Engel đã đến đây để giảng về văn chương hiện đại. Sau đó tôi đã yêu cầu các sinh viên Việt Nam hướng dẫn tôi đi xem những lớp học từ nhỏ nhất có thể chứa mươi người đến đại giảng đường có thể mời hàng ngàn khán giả. Tôi phải hết sức thành thật nhận định rằng không có một lớp học nào ở đại học Harvard mà hội đủ những tiêu chuẩn, tiện nghi, thoải mái, thơ mộng, thú vị như lớp học của trường Nông Lâm Mục Blao.
Rời khu giảng đường Nông Lâm Mục tiến qua cột cờ, ba tòa nhà phòng ngủ của sinh viên, đầy tiện nghi, tân kỳ nằm soai soải bên nhau nhìn ra mặt lộ, mặt tiền mỗi tòa nhà được xây cất nhô ra, hai cánh tả hữu hai bên, mỗi bên 6 phòng, mỗi tòa nhà 12 phòng nơi sinh sống của 48 sinh viên. Phòng rửa mặt cầu tiêu nằm chính giữa tầng dưới và trên lầu là phòng tắm, phòng tập thể dục với lan can để nhìn mặt trời dần dần chìm khuất, hoàng hôn lặng lẽ bao trùm, đêm tối dâng đầy tiếng rì rầm của núi rừng ngàn cây xao xác. Phòng ngủ đó, cựu sinh viên chúng tôi đã có vô vàn kỷ niệm và tôi phải một lần nữa chứng minh không có một dormitory nào, kể cả những đại học tốt nhất tại Hoa Kỳ như MIT (Massachusetts Institute of Technology) có thể sánh được.
Đại học MIT có một thủ tục đặc biệt, không có ở bất cứ đại học nào khác. Trong năm thứ nhất sinh viên chỉ cần học vừa phải để đậu, khỏi phải bị đánh hỏng là đủ, giáo sư không phê điểm A,B,C,D chỉ ghi rõ Pass hoặc Fail mà thôi. Nhất là thời kỳ hoạt động độc lập, The Independant Activities Period (IAP) là thời gian sau khi thi xong các môn trong năm thứ nhất, sinh viên liên hoan, tổ chức party, ăn chơi nhảy nhót thả dàn. Tôi được mời đến thuyết trình tại MIT vào đúng thời kỳ IAP năm 1989 với đề tài “Rượu và đàn bà trong thi ca Việt Nam”, do hội Asian Student Organization trả mọi chi phí, đây là một hội hoạt động nổi tiếng nhất trong 280 hội đoàn tại MIT, một đại học đào tạo ngành kỹ sư tốt nhất trên quả đất này. Tôi còn nhớ rõ chuyến đi bộ hàng giờ kỳ thú trong “hành lang vô tận” “The Infinite Corridor”, một trong những con đường hành lang liên tục dài nhất thế giới, từ dãy dinh thự số 7 đưa đến dãy dinh thự số 3, 10, 4, 8, 16, 56 và cuối cùng vượt qua tòa nhà số 66 đến giảng đường, nơi đó đã có khoảng  300 sinh viên hơn phân nửa là người Á Châu đang chờ đợi tôi trong một căn phòng thật ấm cúng, trang trí theo kiểu cách đông phương. Tôi đã đứng trên bục gỗ chào mừng cử tọa và hổn hển thưa rằng: “Sau chuyến đi bộ qua hành lang vô tận của MIT, tôi đã kiệt sức và bây giờ nếu Eva có xuất hiện tôi cũng đành chịu, tôi chỉ cần một ly rượu thôi…” tức thì 300 sinh viên đồng đứng dậy vỗ tay hò hét vang lừng cả vài phút, sau đó một nữ sinh viên Việt Nam mang đến cho tôi một ly nước suối trong lành. Uống xong tôi quay lại đặt ly nước suối xuống bàn, định khởi sự thuyết trình thì thấy trên bảng ai đã viết sẳn mấy chữ IHTFP, đây là năm chữ đầu viết tắt của khẩu hiệu bán chính thức tại trường MIT mà từ sinh viên đến giáo sư, khoa trưởng mọi người đều biết, đều công nhận, truyền khẩu từ trăm năm trước đến nay, để mô tả cách thức tranh đua học hành gay gắt, học trối chết thật đáng ghét, thật đáng chửi thề tại đại học danh tiếng này. Tôi cầm viên phấn trên kệ bảng, viết tiếp cho đầy đủ trọn chữ của câu này: I Hate This Fucking Place (Tao ghét chỗ đéo kiếp khó học này). Khi tôi quay lại cả 300 sinh viên sững sờ vài giây rồi reo hò ầm ĩ la vang “Ông đúng là giảng sư MIT vì đã biết rõ trường chúng tôi".
CHÚNG TÔI 
Chúng tôi
những người tám hướng
siết tay nhau trên con đường lý tưởng
học viện ba năm
chung bước đường mòn
những mái đầu non
bóng đổ bên nhau chung đèn học tập
những ngày vui dồn dâp
những chiều buồn đuổi theo
thu trên lộ hoa vàng
nắng trải lụa gió reo ...

Tôi nhớ
ngày khai trường bỡ ngỡ
hè cao nguyên
chiều nhẹ vút lên không
những chàng trai say gió núi mây hồng
tay nặng sách đưa mắt tình theo ghé
nhiều chị
giữa đồi núi bao la thu mình nhỏ bé
làn tóc xanh
giòng suối óng ả bình minh
trời xanh cao nắng gió dâng tình...

Những sáng âm u
sương mù lành lạnh
dấu hai tay trong túi quần tà áo
đi cạnh bên nhau
hạt bụi đỏ bên đường
thổn thức bước chân mau…

Những chuyến thám du
trùng điệp mênh mông núi rừng bát ngát
nối vòng tay ôm non cao ca hát
mơ ngày mai nước giàu mạnh an vui
chị đi chăn nuôi
anh: rừng núi
tôi: ruộng đồng
chúng mình cùng phục vụ non sông ....

Đêm ngồi nghe thác Pongour vĩ đại
tấu khúc thiên nhiên dào dạt xuân đời
tiếng rừng đêm hoang dại
hồn bay lên ngây ngất chơi vơi...

Đồi trà mở hội hoa đăng
đêm tốt nghiệp trăng khuya
chia tay đường về run bóng
rượu trong ly cùng nỗi buồn nổi sóng
nhưng không bao giờ ngăn cách chúng tôi
chút nắng thu rừng
vẫn ấm mãi trên môi ...

Nhớ về chúng tôi
những hoa nông nghiệp mãn khai
dâng đời nguyên vẹn
bốn mươi năm sau không hẹn
gặp nhau trên xứ lạ quê người
tìm nhau trong đôi mắt buồn
vùng trời Bảo Lộc nắng vàng tươi ... 

Huy-Lực Bùi Tiên Khôi


No comments:

Post a Comment