Friday, June 10, 2016

Những thay đổi trong hành vi của người  Bệnh Alzheimer’s



Bệnh Alzheimer’s gây ra sự biến đổi trong não bộ dẫn đến những thay đổi trong hành vi của người bệnh. Một số người bệnh Alzheimer’s trở nên bối rối hoặc lo âu. Những người khác hiểu sai về điều họ thấy hay nghe được. Nhiều người khác hiểu sai về điều họ thấy hay nghe được. Điều quan trọng là phải hiểu rằng người bệnh không chủ tâm hành động theo cách đó và cũng không cố ý làm phiền bạn.

Những hành vi đầy thách thức này có thể gây trở ngại cho cuộc sống thường ngày, khó ngủ và dẫn đến tâm trạng thất vọng cũng như căng thẳng. Bí quyết đối phó với các hành vi này là: 1) xác định các yếu tố khởi phát 2) kiên nhẫn và phản ứng một cách bình tĩnh và tích cực 3) tìm cách ngăn chặn các hành vi này ngay từ ban đầu.

Gây hấn

Hành vi gây hấn thể hiện bằng lời nói (la hét, gọi tên) hay hành động (đánh, xô đẩy). Hành vi này xảy ra đột ngột, không có lý do rõ ràng hoặc có thể là kết quả từ sự nóng giận. Dù là trường hợp nào, điều quan trọng là phải cố gắng tìm hiểu nguyên nhân làm cho người bệnh trở nên tức giận hay khó chịu. Yếu tố khởi phát hành động gân hấn có thể là do tình trạng sức khỏe, môi trường ồn ào hay cơn đau.

Đi lang thang

Việc người bệnh suy giảm trí nhớ đi lang thang và bị lạc rất phổ biến. Họ thường có ý định hoặc mục tiêu trong đầu, ví dụ như đi tìm một vật bị mất, cố làm tiếp công việc mà trước đó họ đã làm xong hay muốn "về nhà" ngay cả khi họ đang ở nhà. Tuy nhiên, việc đi lang thang có thể gây nguy hiểm, dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng hay tử vong. Giữ cho người thân của bạn an toàn và ghi danh tham gia MedicAlert ® + Alzheimer's Association Safe Return ®, một chương trình nhận diện được thiết kế nhằm hỗ trợ tìm kiếm người bệnh đi lang thang và bị lạc trên phạm vi toàn quốc. Xem Safety Center để biết thêm thông tin về việc đi lang thang và các vấn đề an toàn khác.

Bối rối hay lo âu

Người bệnh cảm thấy bối rối, lo âu, trở nên bồn chồn và muốn đi tới đi lui hoặc đi lòng vòng. Người bệnh có thể bực bội ở những nơi nhất định hay tập trung vào tiểu tiết. Họ cũng có thể bám sát một người chăm sóc nhất định để thu hút sự chú ý và hướng dẫn của họ.

Lú lẫn

Người bệnh không nhận ra người, địa điểm hay đồ vật quen thuộc. Họ có thể quên các mối quan hệ, gọi thành viên trong gia đình bằng tên khác hay nhầm lẫn về vị trí căn nhà. Họ cũng có thể quên mục đích sử dụng của những đồ vật quen thuộc như bút hay nĩa.

Ảo giác

Khi người bệnh Alzheimer’s bị ảo giác, họ thấy, nghe, ngửi, nếm hay cảm thấy một điều gì đó không có thực. Người bệnh có thể thấy gương mặt người bạn cũ ở tấm màn cửa hay nghe thấy mọi người nói chuyện. Nếu ảo giác không gây ra vấn đề gì, bạn có thể bỏ qua nó. Tuy nhiên, nếu ảo giác xảy ra thường xuyên, hãy gặp bác sĩ để xác định có phải nguyên nhân là do các vấn đề cơ bản về thể chất hay không.

Lặp đi lặp lại

Người bệnh Alzheimer’s có thể nói hay làm một việc hết lần này đến lần khác như lặp đi lặp lại một từ, một câu hỏi hay một hành động. Trong phần lớn trường hợp, họ có thể đang tìm kiếm cảm giác thoải mái, an toàn hay quen thuộc. Họ cũng có thể đi tới đi lui hay làm lại những việc vừa mới hoàn thành. Hành vi này hiếm khi gây hại cho người bệnh nhưng có thể khiến người chăm sóc cảm thấy căng thẳng.

Hội chứng mặt trời lặn và khó ngủ

Người bệnh có thể trải qua các thời điểm mà họ lú lẫn, lo âu và kích động hơn bình thường, bắt đầu từ lúc mặt trời lặn và kéo dài suốt đêm. Đây gọi là hội chứng mặt trời lặn. Các chuyên gia chưa biết rõ nguyên nhân gây ra hội chứng này, nhưng có nhiều yếu tố có thể góp phần gây ra hành vi này, như kiệt sức vào cuối ngày hoặc giảm nhu cầu ngủ, vốn rất phổ biến ở người cao tuổi.

Đa nghi

Việc suy giảm trí nhớ và lú lẫn có thể làm cho người bệnh Alzheimer’s nhận thức sự việc theo những cách mới khác thường. Người bệnh nghi ngờ mọi người xung quanh, thậm chí buộc tội họ ăn cắp, ngoại tình hay các hành vi không đứng đắn khác. Đôi khi, người bệnh hiểu sai những điều họ thấy và nghe.

No comments:

Post a Comment