Saturday, June 18, 2016

Nhận Diện Hoa Lan 




 Trong mục Hoa Lan và Bạn Đọc thỉnh thoảng có người gửi vài tấm hình hoa lan để hỏi tên của những cây lan đó.  Gần đây có Đoàn bá Thuần, Thang Khương và Phan Nguyên Ân, chúng tôi xin nêu lên làm trường hợp điển hình.  
 Như chúng ta đã biết, hoa lan có khoảng chừng 30,000 giống nguyên thủy (species), sau đó lại có những giống biệt dạng (varieties) và khoảng chừng trên 110,000 cây lai giống có cầu chứng tên cây với Viện Thảo mộc hoàng gia Anh quốc (Royal Horticulture Society).  Người ta cũng ước chừng khoảng từ 200,000 cây lai giống mà không cầu chứng với viện này.  
 Mới đầu để phân loại và đặt tên hoa lan, người ta căn cứ vào: Mầu sắc và hình dáng của hoa hay cây, nơi mọc v.v...     Sau này có quá nhiều cây mà mầu sắc và hình dáng lại khá giống nhau từ hoa đến lá, cho nên các chuyên gia về lan (Taxonomist) phải căn cứ vào cấu trúc bộ phận truyền giống của hoa để phân biệt cây này với cây khác.  Do đó chúng ta thường thấy loài lan này bỗng dưng trở thành một loài khác thí dụ như:  


 Oncidium equitant = Tolumnia   Schomburgkia = Myrmecophila   Dendrobium speciosum = Thelechyton speciosa   Dendrobium stuartii thành Den. macrotachylum.  
Hoặc cây này đang ở chi Cleisotoma được mang sang chi Stereochilus và còn nhiều nhiều nữa.  Một đôi cũng có sự bất đồng ý kiến giữa các chuyên gia mà không có sự phán xét tối hậu, cho nên có người dùng tên mới, người vẫn giữ nguyên tên cũ, ai muốn hiểu ra sao tùy ý.  
 Khi cầu chứng hay đặt tên cho một cây lan mới, người ta đòi hỏi:  Hoa, cần phải gửi kèm theo mẫu hoa khô, hình ảnh hoa lá cây cùng các chi tiết như kích thước, thân lá, củ rễ, v.v... như hình vẽ bên trên.  Tất cả các chi tiết này cũng như nơi mọc, mùa hoa nở phải dùng từ ngữ La Tinh theo các quy luật hiện hành, sau đó lại phải bố cáo trên một tờ thông tin đã được các khoa học gia thừa nhận.  Những chi tiết này chỉ có các chuyên gia (taxonomist) mới hiểu rành rẽ vấn đề.  Cũng vì những lý do kể trên, có nhiều cây khi xin đặt tên mới nhưng không được công nhận vì thiếu nhiều yếu tố kể trên để xác định.

 Còn nếu muốn cầu chứng tên một cây lai giống cần phải gửi đơn cho Royal Horticuture Society theo mẫu bên cạnh và nộp lệ phí là $12.50 USD.  Nơi đây sẽ xem xét xem có sự trùng hợp với những người đã đăng ký từ trước hay không rồi mới chấp nhận.  
 Còn muốn nhận diện hoa lan một vài giống rất dễ dàng, nhưng nhiều giống lại khó khăn vô hạn.  Bởi vì nhiều cây lan, hoa và cây rất giống nhau, nhưng khác về kích thước, thí dụ như cây Arundina caespitosa và câyArundina graminifolia của Việt Nam chẳng hạn:      
Cây Arundina caespitosa cao chừng 60 phân.  Hoa to 3 phân.

 
Còn cây Arundina graminifolia cao từ 1 thước đến 2.50 thước, hoa lại to đến 10 phân.  


  
 Do đó việc nhân diện hoa lan không quá đơn giản, chỉ căn cứ vào tấm hình mà có thể định danh cho cây lan được.  Chúng tôi chỉ là những người chơi lan tài tử, sự hiểu biết còn hạn hẹp, cho nên cần phải thỉnh ý một số thảo mộc gia có uy tín trên thế giới.  Nhưng các vị đó cũng phải tra cứu trong sách vở hoặc trong máy điện toán để so sánh hình cây và hình hoa xem có điểm tương đồng hay khác biệt gì hay không.  Nếu là một cây mới lại càng khó khăn hơn nữa vì chưa có hồ sơ, dữ kiện để xác quyết.  

Trở về trường hợp nêu trên xin tạm đưa ra nhận xét như sau:  
TRƯỜNG HỢP 1 
Hình cây lan do Đoàn bá Thuận gửi cho, khá giống Dendrobium unicum và Dendrobium lanyaiae (mọc tại Lào và Thái Lan).
 
  
HOA   Cả 3 hình này, hoa giống hệt như nhau mà có lẽ chỉ khác về kích thước, nhìn vào ảnh không thể nào biết được, do đó một đôi khi chúng ta thấy trong hình có thước kèm theo.  Mầu sắc, khi hoa mới nở mầu sắc nhiều khi khác hẳn với bông hoa gần tàn.  Góc độ và ánh sáng lúc thu hình cũng làm thay đổi mầu sắc.  Nên nhớ mầu của hoa sẽ bị phản ánh của cảnh vật chung quanh.  Chiếc lưỡi (lip), nhiều hoa rất giống nhau, nhưng nếu chiếc lưỡi chưa mở rộng như hình trên, khó lòng mà phân biệt được. 
CÂY 
 Thân cây Den. unicum và Den. lanyaiae rất ngắn, khoảng 20-30 phân, mà cây trong hình của Đoàn bá Thuận lại nói dài gần cả mét.  Nhìn vào thân cây trong hình này mảnh mai hơn 2 cây kia rất nhiều.  Cây Den. lanyaiae chỉ mọc ở Lào và Thái lan, chưa thấy nói có mọc tại Việt Nam. Ta có thể tạm kết luận đây là một cây mới lạ và chờ đợi những chi tiết cần thiết khác do Dalatrose hoặc các anh chị em ở quê nhà cho biết.  
Ta có thể tạm kết luận đây là một cây mới lạ và chờ đợi những chi tiết cần thiết khác do Dalatrose hoặc các anh chị em ở quê nhà cho biết.  
Hội Hoa Lan Việt Nam     www.hoalanvietnam.org 
TRƯỜNG HỢP THỨ 2 
Hình do Thang Khương gửi, không rõ là nụ hay là hoa.  Hình do Phan nguyên Ân gửi có hoa và lá.  
Căn cứ vào hình các cây lan mọc tại Việt Nam, có Dendrobium indivisum, Dendrobium leonis khá giống 2 cây kể trên.  Nhưng có vài sự khác biệt, xin hãy coi những hình sau đây:  
Dendrobium indivisum   

         
  Den. indivisum hình 1 và 2 đều do L.Y.T Westra, Orchidasia.     Nếu phóng lớn hoa trong hình số 1 ra , chẳng giống hình số 2 một chút nào mà lai giống như hình Den. indivisum của Orchid Species.
           
 Trong sách vở, các chi tiết nói về hoa và cây thường không được đầy đủ và rõ rệt:  “Orchids of Indochina” của Gunnar Seidenfaden phần đông chỉ nói về những tên, những người đã nói về cây này, nơi cây mọc, thỉnh thoảng có vài hình vẽ.  Den. indivisum, trong cuốn “Phong Lan của Trần Hợp” khá hơn nhưng cũng chỉ vắn tắt:  Cụm hoa mọc ở gần đỉnh và cả bên nách lá, hoa mầu vàng lục nhạt với các vạch mầu tía hay đốm.  Trong “Cây cỏ Miền Nam”, Phạm hoàng Hộ ghi: Phát hoa 1-2 hoa ở chót thân và nách lá, hoa nhỏ (mầu) lục tái có gân đỏ.  
 Xin hãy xem thêm hình của cây Den indivisum trong cuốn “Dendrobium and its Relatives do Bill Lavarack”, Wayne Harris và Geoff Stocker và lời chú thích:  “Hoa mọc đơn chiếc ở cuống lá, to chừng 9 mm và bền nhiều ngày.  Có khá nhiều sự biến đổi về mầu sắc và hình dáng của lưỡi hoa (labellum shape).” 
Như vậy, những người chơi lan tài tử làm sao mà nhận biết được?  
Còn về kích thước của cây, sách này cho biết:  Dendrobium indivisum cao 40 phân.  Dendrobium leonis cao 25 phân.  

Không rõ cây của Thang Khương và Phan nguyên Ân cao chừng nào?  
Dendobium leonis 
Den. leonis cao 20-30 phân, hoa đơn độc mầu vàng nhạt, có nhiều vân nâu đỏ (TH) vàng lợt có sọc (PHH). 
 Vậy thì theo bạn, cây của Thang Khương và Phan Nguyên Ân giống cây nào? Tên khoa học là gì?  
 Những tấm hình kể trên đã được gửi tới nhiều khoa học gia tên tuổi để xin cho biết ý kiến.  Có lẽ vì thì giờ của họ rất quý báu, không thể dùng để trả lời một câu hỏi chỉ để thỏa mãn sự tò mò, tìm hiểu một vài người nào đó.  Cho nên họ lịch sự nói rằng:  sẽ nghiên cứu và trả lời sau nhưng chẳng bao giờ thấy hồi âm, như trường hợp hỏi về sự khác biệt giữa cây Renanthera citrina và Renanthera annamensisgửi cho hội hoa lan Hoa Kỳ American Orchids Society từ tháng 7-2007 mà cho đến bây giờ vẫn chưa có sự hồi đáp.  
 Khi nhận được những câu hỏi này, Giáo sư Leonid Averyanov trả lời là ông đang ở trong khu rừng biên giới Miên Việt và sẽ trả lời sau.  Luật sư Karel Petrzelka thực tế hơn, ông nói phải đem ra kiểm nghiệm DNA mới biết chắc.  
 Kiểm nghiệm DNA ư?  Ai chịu trả chi phí quá tốn kém này?  Chắc chắn không phải là chúng tôi hay các bạn bên nhà. Muốn tạm hiểu xin vào trang nhà, hãy tìm và so sánh người tình của mình trong số hàng ngàn mỹ nhân xếp hạng từ A đến Z.
 Còn nếu ba phải như chúng tôi, hãy xin mượn câu kết luận trong bài Nhân Diện Người Tình đăng trong www.hoalanvietnam.org vào tháng 10-2007 để chấm dứt bài này.  
Placentia 5/08 BÙI XUÂN ĐÁNG

No comments:

Post a Comment