Truyện ngắn Một thoáng Châu Âu
tác giả Nguyên Nhung
Vâng, tất cả chỉ là một thoáng, như bao nhiêu nơi chốn, con người, hình ảnh trong dòng đời đã trở thành một thoáng trong ký ức của tôi. Chuyến đi xa mùa hè năm nay, tôi theo chân phái đoàn Hoa Bưởi Vượt Đại Dương tại Houston, làm một chuyến viễn du thăm Âu Châu. Chuyến bay đưa tôi đến vùng trời xa, vượt qua Đại Tây Dương, đến Paris vào một ngày đẹp trời hừng nắng. Tám tiếng đồng hồ ngồi trên phi cơ ngủ chập chờn, có lẽ vì chói ánh đèn từ chỗ ngồi của một cô sinh viên đang soạn lại bài vở sau chuyến đi xa. Suốt ngày hôm trước tôi gần như thức trắng để chuẩn bị cho một chuyến đi dài, hai tuần lễ với một chương trình biết trước là mọi người sẽ phải chạy như ma đuổi.
Buổi Sáng Ở Paris
Mải suy nghĩ và ngắm phong cảnh hai bên đường, xe chui qua những hầm cầu, có lúc xe đã đi ngang khúc đường hầm gây nên cái chết oan nghiệt cho công nương Diana và người tình cuả cô.
Hơn nửa tiếng đồng hồ, xe chạy vào thành phố, sau khi đem hành lý vào khách sạn, buổi sáng đã thấy nhiều người khách dậy sớm đang lục tục đi xuống. Giờ đây tôi đang đứng trên con đường thuộc quận 13, vài bà đầm đang dẫn chó đi bộ, mấy chú chó vô tư làm vệ sinh dưới gốc cây trước mặt mọi người, vì thế mà người ta hay dặn dò nhau khéo đạp “mìn” khi mải dáo dác nhìn người qua kẻ lại. Đa số là những người đi làm, đi chợ sớm, đẩy theo một cái xe có một túi từa tựa như cái valy nhỏ. Mới đầu tôi tưởng họ cũng là du khách như mình, nhưng sau quan sát kỹ mới biết họ chất đầy thực phẩm trong đó, thêm một ổ bánh mì “ baguette” cầm tay dài thoòng, thế cũng tiện, Tây ăn bánh mì như người mình ăn cơm. Đường xá ở Paris rất chật, ngoại trừ một vài con đường nổi tiếng trong phim ảnh là thênh thang, hầu hết phương tiện cuả người Paris là xe điện ngầm, đường chỉ đủ cho hai xe lách nhau vưà khít, và chỗ đậu xe thì lại càng hiếm hoi hơn nữa.
Người Paris lái xe thiện nghệ hơn các nơi khác, kể cả xứ cao bồi Texas cũng chào thua kiểu lái xe như lúc nào cũng có thể đâm xầm vào nhau ở Paris. Ngày xưa chắc những lòng đường hẹp này chỉ dành cho xe ngựa cuả vua chúa hay người giàu có, trong khi đó hai bên viả hè lại khá rộng, người đi lại thong dong như những kẻ nhàn tản nhất thế gian, hèn gì có người đã bảo “phong cách người Paris rất Paris” là vậy. Xe thì nhỏ, chỗ đậu xe rất hiếm và chật dọc theo đường phố, tôi đã tò mò đứng từ cửa sổ cuả một tiệm ăn nhìn xuống xem cách một người lái xe đã lách làm sao để có được một chỗ đậu xít xao giữa hai chiếc xe khác. Rất ngộ, và tự nhiên đến không thể nào nghĩ được, chiếc xe lách vào húc tỉnh bơ vào đuôi chiếc xe trước cho nhích lên một tý, và lại thản nhiên gie lui đụng vào chiếc xe phiá sau, thế là gọn gàng tìm được một chỗ đậu chỉ cách nhau khoảng hai gang tay, cừ thật!
Chưa có một đồng Euro nào trong túi, hỏi thăm vài du khách cũng từ Mỹ sang, họ chỉ cho vài chỗ để đổi tiền. Ngay đầu đường gần về khách sạn Le Baron, có một chỗ đổi tiền mà lúc nãy người tài xế khi lái xe ngang đã chỉ cho tôi. Ngạc nhiên vì mới sớm mai mà đã thấy một đoàn người rồng rắn xếp hàng đi xin trợ cấp, trông họ buồn rầu, nhếch nhác khiến kẻ mới đến phải rùng mình nghĩ đến cảnh nheo nhóc cuả lớp người nghèo trên thế giới, ảnh hưởng bởi cơn sốt kinh tế toàn cầu. Một người mới quen rất tử tế chỉ cho một chỗ đổi tiền gần siêu thị, nhưng căn dặn phải cẩn thận, và nhất là đừng móc ví ra mà bố thí cho một vài hành khất ngồi đó đây chờ đợi. Ôi cha, coi bộ nhiều thứ để phải “coi chừng” như lời anh dặn dò, chúng tôi vội vã đi nhưng lòng không được thoải mái lắm…
Có tiền rồi là nghĩ đến ăn, paté, jambon cuả Pháp nổi tiếng thế giới, một tiệm bánh mì cuả người Việt ngay đầu đường trông thật hấp dẫn, giá một khúc bánh mì không rẻ, nhưng chắc phải ngon, mà ngon thật, cái ngon này sau khi về nhà tôi mới nghĩ ra. Ở nhà phải kiêng khem nhiều món cho cái tuổi già khỏi bệnh tật, khi đi chơi ai cũng nghĩ “lâu lâu xả láng một lần”, nên bao nhiêu chất béo, chất ngọt ai cũng ăn tỉnh queo, nhưng vẫn phải công nhận là paté của Pháp nổi tiếng trên thế giới, và có thể kết luận rằng bánh mì thịt không nơi nào ngon bằng quận 13 ở Paris.
Đa số những tiệm ăn ở đây đều mang tính chất đa quốc gia, nhưng đâm đầu vào một tiệm ăn để ăn một tô phở Tàu thì tôi khuyên bạn nên suy nghĩ trước khi vào quán. Lạ thiệt! Cái tô phở cũng bĩ bàng nào thịt, nào bánh, nào hành ngò đủ hết, nhưng phở vẫn không là phở, phở mà thiếu hương vị phở thì làm sao gọi là món ngon quê hương được. Đấy là nói đến ban đêm đi chơi sông Seine về, bụng đang đói ngẫu, thấy tiệm phở còn mở cửa như buồn ngủ gặp chiếu manh. Thế là ghé vô, ráng hít mãi mà không ngửi được mùi phở hành ngò phả trong gió đêm Paris. Chờ đợi khá lâu tô phở mới được bưng ra, ai nấy nhanh nhẩu cầm muỗng đuã, xuỵt xoạt. Đói thế mà tô nào cũng còn đến phân nửa, một anh quen ở Houston phát biểu cảm tưởng: “No rồi, ngon quá nên ăn không nổi”. Cô hầu bàn vui tính cũng xen vào nói nhỏ với khách: “Phở Mỹ ngon hơn, tui nói chủ đuổi tui cũng nói.”, mọi người cười hỉ hả với nhau, chia tay không hẹn lần sau tái ngộ.
Tôi lại lạc đề rồi, đang nói về bình minh Paris trên phố quận 13, một buổi sáng nắng hanh vàng và hơi lành lạnh như sáng Đà Lạt năm nào. Cuối xuân sang hè cành lá xanh biếc và được rắc một lượt nắng nhẹ, êm đềm và dịu dàng như nét đẹp cuả cô gái tuổi dậy thì. Người đi đường không vội vã, không tò mò trong một vẻ thật khoan thai từ tốn. Nếu bạn chỉ khoác một chiếc áo măng tô nhẹ, rồi hai tay thong thả đánh đung đưa mà đi vào những con ngõ nhỏ Paris đang ngái ngủ, sẽ hình dung ra vẻ an nhàn đời sống bên trong cuả người dân Paris. Mùi cà phê thoảng bay trong gió sớm, mùi bánh mì nóng rộm vàng rơm, mùi bơ thơm, những mùi này mới thật là mùi cuả Paris phả vào gió lạnh và du khách nếu không vội đi đâu, cứ thong thả mà thưởng thức.
Liên lạc được với người nhà, trưa hôm đó chúng tôi được đón về thăm gia đình ở ngoại ô Paris, đúng vào giờ kẹt xe nên mất khá nhiều thời giờ loanh quanh trên các ngả đường kẹt cứng như nêm. Xa lộ tương đối thoáng, nhưng Paris ngoại ô vẫn là những con đường nhỏ vòng vèo, nhà cửa ở đây không đồ sộ, nhưng xinh xắn dễ thương với mái ngói đỏ, nhà nào cũng có lầu nho nhỏ và ở mỗi ô cửa sổ họ trồng những bụi hoa đủ màu rất đẹp. Đường vô nhà cũng nhỏ như một cái ngõ vắng ở Sài Gòn năm xưa, yên tĩnh với làn gió mát buổi xế trưa, có tiếng chim bồ câu gù gù sau mái hiên.
Buổi tối cơm nước xong thì đã muộn, cả nhà đưa nhau đi một vòng sơ sơ cho khách phương xa thưởng thức vẻ đẹp lộng lẫy, tấp nập cuả một Paris về đêm. Chiếc xe lăn bánh đi dọc theo bờ sông, loang loáng ánh đèn dưới mặt nước lung linh tuyệt đẹp, những lâu đài, nhà thờ, mờ mờ ảo ảo dưới mặt nước thẫm đen, và đặc biệt thân tháp Eiffel như được nạm vàng dát ngọc vươn lên bầu trời nhung thẫm.
Paris về đêm như một người phụ nữ quyến rũ lôi cuốn những con thiêu thân lao vào ánh đèn, đại lộ Champs Elysees là đại lộ lịch sử nổi tiếng thế giới của Paris. Con đường dài khoảng 2 cây số chạy dọc theo suốt chiều dài của quận 8, hướng Tây Bắc của Paris, nối liền quảng trường Concorde là quảng trường lớn nhất của thủ đô nước Pháp, với diện tích 86.400 thước vuông, toà đại sứ Mỹ tọa lạc gần quảng trường Charles de Gaulle, có Khải Hoàn Môn nổi tiếng của Pháp. Nơi hội tụ của 12 con đường lớn của Paris vì vậy xe cộ đổ ra đổ vào suốt ngày đêm nườm nượp. Trong 12 con đường này có một con đường mang tên rất thân quen với người Sài Gòn năm xưa, đó là đường “Bạc Má Hồng” (Mac-Mahon).
Đã có nhiều tài liệu viết về Paris, riêng tôi chỉ vài ngày ngắn ngủi ở Paris cho nên không thể nào đi sâu vào từng ngõ ngách cuả nơi đây, vẻ đẹp cổ kính và văn minh cuả nhân loại nhiều thế kỷ. Bây giờ khi xe chạy dọc theo sông Seine, buổi tối ở đây vắng vẻ hơn, chỉ thấy những đôi tình nhân dìu nhau đi dưới bóng cây và ánh sáng mập mờ, vô số những sạp bán sách vở và đồ lưu niệm đã đóng cửa, bên kia là những quán cà phê vỉa hè, mà người ta hay nhắc đến vì nó là nơi những nhà thơ, nhà văn tụ hội lại với nhau uống cà phê, nghe nhạc tìm nguồn hứng khởi. Đi qua nhà thờ Đức Bà, người ta chen chúc nhau trên mảnh sân phiá trước, ánh sáng tỏa ra từ những trụ đèn lồng thật cổ kính,chỉ mong nghe tiếng chuông ngân để tưởng tượng ra tiếng thở dài cuả anh chàng Quasimodo đau khổ trong nhạc kịch “Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà” cuả Victor Hugo được đọc qua trong sách vở.
Thời gian ở Paris đúng là vàng ngọc, biết bao giờ trở lại nơi đây lần nữa nên cũng cố xem cho biết được chút nào hay chút đó. Xe trở lại đại lộ Champs Elysses để nhìn tận mắt giòng người đổ về đây dù lúc ấy đã gần nửa đêm. Xe chạy xuống hầm tìm chỗ đậu, cả nhà già trẻ lớn bé ngoi lên lòng phố đêm đang oà ra như ong vỡ tổ. Người ở đâu mà nhiều thế không biết, mỗi năm Paris có khoảng vài chục triệu du khách khắp nơi đổ về, dù đây chỉ là một đêm ngày thường mà cơ man nào là người, lớp đi bộ, lớp ngổi nghỉ chân bên hè phố nghe đêm Paris chuyển mình như một làn sóng nhấp nhô bởi người và xe. Hình như người ta không ngủ, đêm Paris lành lạnh vừa đủ cho du khách tha hồ đi rong trên đường phố, trong khi đó dòng xe cứ tuôn chảy vào về phiá Khải Hoàn Môn rực sáng ánh đèn.
Cứ tưởng tượng ngày xưa nơi đây chắc xe ngựa dập dìu, đoàn quân đi chinh phạt các nước chư hầu cuả Pháp trở về, chắc đã từng diễn hành hàng hàng lớp lớp. Những hình bóng ấy nay chỉ còn là một thoáng trong lịch sử:
“ qua rồi theo dòng đời hưng phế,
hồn xưa có sống lại bao giờ”( thơ NN)
ngẫm ra có chút vô thường trong dòng đời đang bày trải trước mắt.
Đêm đã khuya, gió phả sương khuya lành lạnh nên ai cũng phải khoác thêm một chiếc áo ấm, mọi người đều mỏi mệt nên phải trở về. Những nẻo đường Paris về khuya thiêm thiếp ngủ ….
Chiều Trên Sông Seine
Ngày kế tiếp, sau một bữa tiệc họp mặt thật nồng ấm tình đồng hương xứ Bưởi trong một nhà hàng nhỏ, không khí ấm cúng thân mật chứ không loãng như những hội đồng hương quy tụ đông đảo mà lại thiếu tình thân. Hình như mọi người đều quen biết nhau, ai nấy tay bắt mặt mừng với những màn văn nghệ “cây nhà lá vườn” nhưng thật vui.
Buổi chiều trở lại khách sạn nghỉ ngơi để chuẩn bị lấy sức đi thuyền trên sông Seine, ngắm tháp Eiffel biểu tượng cuả Paris. Mọi người theo nhau xuống xe điện ngầm ra sông Siene. Phương tiện cuả dân Paris hầu hết là bằng xe điện ngầm lan toả khắp thành phố, như những cái rễ bạch tuộc rất thích hợp cho người lao động. Nhưng xã hội nào cũng vậy, những nơi đông người vẫn xảy ra những tệ nạn như móc túi, giật dọc hành lý, du khách thường mang một vẻ ngơ ngác lạ lẫm trước những cái mới mẻ, vì thế mà mỗi lần cả đoàn dẫn nhau lên xe, bà con mình đã tự giác đứng gần nhau để bảo vệ. Mỗi lần lên xe anh trưởng đoàn không quên la lớn:
“Bà con ơi, hồn ai nấy giữ nghe.”
Xe đông người, chuyến nào cũng đầy ắp, ai biết người gian kẻ ngay, chỉ tự mình “hồn ai nấy giữ” như lời dặn dò, vậy mà cũng có người gài túi cẩn thận vẫn bị chớp mất ví hồi nào không hay.
Băng qua một cây cầu để xuống bến tàu được gọi là Bateaux Mouches. Gọi bằng thuyền cho thơ mộng, như ở miền Trung quê nhà đi thuyền trên sông Hương, chiếc thuyền chở khách trên sông Siene to hơn nhiều với một lượng khách khá đông. Khi khách đầy, thuyền tách bờ với những bản nhạc êm dịu không lời đưa hồn du khách chơi vơi theo triền sóng lặng, chiều đang rơi trên dòng sông mênh mông.Nếu khách là một nhà thơ, sẽ không khỏi rung động để ghi nhanh một bài thơ “Chiều lênh đênh trên sông Seine”, tặng riêng cho một người nào mà anh đang nghĩ đến:
“Chiều du thuyền sông Seine
Ta thấy nắng vàng êm
Theo gió lồng hương tóc
Trên nụ cười cuả em”
( Thơ Lâm Sông Đồng)
Hai bên bờ lừng lững những lâu đài, nhà thờ cổ, hàng cây, bóng người và những cặp tình nhân đang ngồi tâm tình trên ghế đá, tất cả cùng với ánh nắng se sắt buổi chiều vàng, phản chiếu xuống mặt nước một hoàng hôn Paris diễm lệ. Thi sĩ có thể viết thêm vào bài thơ dang dở:
“Những lâu đài in bóng xuống dòng sông,
Em có biết đời cũng nghiêng như bóng”( thơ NN).
Bóng chiểu thẫm hơn và nước sông Seine cũng chuyển sang một màu thẫm hơn, buổi chiều thật dài để du khách tha hồ thưởng thức vẻ đẹp cổ xưa thật tráng lệ in trên nền trời nhung mềm như lụa. Và từ tấm màn nhung ấy, muôn ánh đèn từ tháp Eiffel đã nhấp nháy bừng sáng cho dòng sông và bầu trời thêm ảo mộng.
Ngày Cuối Ở Paris
Thấm thoát mà thời gian trôi nhanh, sau một chuyến đi ngắn qua các nước Tây Âu, trở lại Paris nghỉ ngơi để chuẩn bị bay về mái nhà thân yêu của mình. Đi đâu thì đi, sao vẫn nhớ căn phòng quen thuộc trong ngôi nhà nhỏ, mảnh vườn be bé chắc rau cỏ đang chờ mình trở về trong nắng hè gay gắt.
Ngày cuối cùng còn lại ở Paris, một cô bạn ở Paris mời đi thăm cảnh vườn Bois-de-Boulogne, để biết thêm một khía cạnh khác thật tươi mát của Paris mùa hè. Khu vườn này nằm ở hướng Tây của quận 16, ban ngày là một khu vườn thiên nhiên nhiều hoa cảnh lạ, nhưng nghe nói ban đêm cũng là nơi xuất hiện của các nàng Kiều. Gặp ngày có những chương trình bổ ích, thầy cô giáo dẫn các em học sinh cỡ tuổi mẫu giáo đi tung tăng trên các con đường quanh co rừng cây và hoa rất thơ mộng. Xen lẫn vào cảnh rừng và hoa là hồ nước, đàn vịt thanh thản bơi lặn trong hồ, bóng dáng một con thiên nga với bộ lông trắng toát thật quý phái, lững lờ bơi trên dòng nước...
Còn ngày cuối ở Paris sắp hết, lang thang trên phố chiều với những con đường lớn có vỉa hè thênh thang, hàng cây thẳng tắp che bóng mát vỉa hè cho du khách đếm từng bước một trong buổi chiều Paris thật êm ả, để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của Paris mà mai đây sẽ chỉ là một thoáng trong dòng đời xuôi chảy. Paris buổi chiều khác hẳn Paris ban đêm, êm ả vì trời xanh gió nhẹ, ngước nhìn lên bầu trời mà nghe được cả tiếng gió đang rì rào trên vòm lá mềm tít ở trên cao. Đi ngang những căn phố yên tĩnh, sân trước là những dây hồng leo quấn quýt bờ tường thấp, thấp thoáng có bóng người sau tấm màn mỏng lay động, Paris dịu dàng và lãng mạn biết bao!
Ngày vui qua mau, bịn rịn, quyến luyến chia tay với người Paris, bay về Houston nắng ấm, mang theo bao nhiêu kỷ niệm và nỗi nhớ dành cho “Một Thoáng Âu Châu”.
Bỉ: Vương Quốc Êm Đềm
Hai ngày lang thang trên các nẻo đường Paris đã mệt nhoài, đêm lạ nhà ít ngủ nhưng chúng tôi vẫn phải dậy sớm để chuẩn bị cho chuyến đi thăm các nước Tây Âu ngày hôm sau. Đã hơn nửa đêm mà dưới lòng đường vẫn nghe tiếng xe chạy, ngó qua khung cửa sổ nhìn xuống đường, phố đêm Paris chìm trong ánh đèn mờ ảo và những hàng cây tối.
Đêm ở đâu cũng buồn, sương khuya giăng mịt mờ trên những ngọn đèn vàng và hàng cây lặng gió, phố đêm sâu hun hút có bóng người đi đâu đó vào lúc quá nửa đêm. Giấc ngủ chập chờn thì trời đã sáng, bị đánh thức dậy bởi tiếng chim hót líu lo ngoài cửa sổ, thêm mùi cà phê rất thơm của bình minh Paris trong sương sớm.Tự chuẩn bị một bữa ăn sáng dã chiến trong phòng vưà xong, kéo valy xuống trả phòng đã thấy mọi người đang chuyện trò râm ran uống cà phê, chuẩn bị chờ xe đến đón để làm cuộc hành trình đi thăm các nước Âu Châu theo chương trình đã vạch sẵn.
Xe đầy nhóc, không đủ chỗ nên cuối cùng tài xế phải mướn thêm một cái xe nhỏ, vì vậy mà gặp trục trặc vì hai xe không liên lạc được với nhau, hệ thống viễn liên không hoạt động được lúc ra khỏi biên giới Pháp để qua Bỉ. Tưởng sao, toàn đồng hương mình với nhau, có những người sống rải rác ở các tỉnh xa nước Pháp, mải làm ăn cho đến giờ này mới đi thăm Âu Châu. Nhờ vậy mà vui, chương trình văn nghệ tạp lục như ca hát, ngâm thơ, kể chuyện “tự biên tự diễn” do một vài đồng hương có năng khiếu văn nghệ điều khiển được mọi người tham gia vui vẻ, nhờ vậy chặng đường xa lúc nào cũng vui như tết. Đặc biệt, có bác Trung hội đồng hương Biên Hoà ở Paris, rất thông thạo và có nhiều kinh nghiệm về du lịch, đã hướng dẫn và kể rành mạch về lịch sử, địa lý nhân văn các nơi đoàn ghé đến, thật là một chuyến đi đầy bổ ích. Giá như đây là “tour” của Tây mà nghe họ xì xồ tiếng Pháp, gặp người có mấy chữ Tây trong bụng như tôi thì khác nào “vịt nghe sấm nổ”.
Xe tiến về hướng Tây Bắc cuả Paris, chạy vào xa lộ đúng lúc xe cộ ứ lại như nêm, người ở bên Pháp ít dùng xe hơi riêng lý do là nạn kẹt xe thật kinh khủng, mất nhiều thời giờ cho di chuyển, chưa chắc đi một chiếc “taxi” đã ngon hơn đi xe điện ngầm. Đây cũng là hướng có vẻ đông đúc dân cư, phi trường Charle De Gaulle cũng nằm ở hướng này, xe từ từ cũng ra được vùng ngoại ô, miền quê nước Pháp xuất hiện trong tầm mắt cuả du khách, với những cánh đồng được trồng tỉa xanh mươn mướt, chạy hàng dọc từ chân đồi lên đỉnh đồi, hình như nước Pháp không có những cánh đồng cỏ bỏ hoang như nước Mỹ.
Cảnh đồng quê và làng mạc nước Pháp đẹp như tranh vẽ thời Trung Học được đọc trong sách vở. Người miền quê ở Pháp không sống rải rác như các nơi ở Mỹ, họ sống thành làng như kiểu nông thôn ngoài Bắc ở quê mình bao bọc quanh làng bằng luỹ tre xanh. Ở đây, những ngôi nhà khang trang lợp ngói đỏ, một con đường nhỏ uốn quanh những thửa ruộng hay hoa màu, giữa mỗi ngôi làng nổi bật một ngôi giáo đường, tháp chuông vươn lên nền trời xanh biếc. Nhìn qua là biết tiêu biểu cho một xứ đạo của làng quê nước Pháp, tạo nên hình ảnh thanh bình và êm ả khác hẳn với những ồn ào, bon chen cuả Paris kinh đô ánh sáng.
Đường từ Pháp qua Bỉ khoảng gần 3 tiếng đồng hồ, xe chạy bon bon giữa hai cánh rừng thưa hoặc làng quê đang vào hè, hoa nở trắng xoá bên bià rừng tuyệt đẹp. Con đường này giống như con đường liên tỉnh từ Sàigòn về miền Tây thuở xưa, người sống ở miền quê hình như cũng hiền hoà mộc mạc như các rừng hoa đang đua nở hai bên đường để đón chào du khách. Xe ghé lại một cây xăng bên đường cho bà con “xả hơi”, mỗi lần xả hơi có người ngồi thu lệ phí vài chục xu gọi là đóng góp cho kinh tế phồn thịnh.
Thủ đô Bruxelles đây rồi, hai xe giờ đây liên lạc được tài xế gọi nhau í ới. Như hầu hết các thành phồ cổ ở Âu Châu, những căn phố cổ hiện ra như những cái hộp dính vào nhau, rất vắng người vì khách du lịch thường đổ xô vào trung tâm của thành phố. Ngay ngưỡng cửa của thủ đô, xuất hiện một ngôi nhà thờ thật nguy nga, bao quanh là một công viên nhưng lại giống như một khu rừng thiên nhiên, nhà thờ được kiến trúc theo kiểu mới với mái vòm xanh xanh thật dịu mắt, khác hẳn với ngôi nhà thờ cổ nằm trong khu phố cũ gần với quảng trường La Grand Place. Nơi đây đã có hẹn với hai người đồng hương Biên Hoà sống ở Bỉ đã lâu, vì vậy được biết thêm thủ đô Bruxelles nằm trong danh sách những thành phố giàu có của thế giới, và cũng êm đềm nhất so với những nơi phồn hoa đô hội.
Mọi người quanh quẩn trong quảng trường La Grand Place để ngắm nghiá những kỳ công cuả bao thế kỷ trước, được xây dựng bằng mồ hôi nước mắt cuả con người. Lâu đài xưa vẫn được giữ nguyên để bảo tồn nền văn minh cổ xưa cuả những thời đại trước, trong này có một tượng đồng được gọi là Everard, Tượng Thần May Mắn cho những ai đang hy vọng một điều gì thầm kín về tình yêu, ước vọng cuộc đời chẳng hạn. Bà con chuyến Âu Du đều thuộc loại cao niên, không hiểu có ai cầu mong chuyện “tình yêu, gia đạo cạo da đầu” ở cái tuổi sắp chống gậy này không? Một cụ cao niên tay chống gậy,tuổi đời gần 8 bó cứ nghển mãi lên ráng sờ cho được một tý vào vị thần May Mắn này, chẳng hiểu cụ còn mơ ước gì khi tuổi đời đã bước thấp bước cao “one foot in grave” về với Chuá với Phật.
Và đây, một nhân vật lịch sử khác cuả Bruxelles là bức tượng “Cậu Bé Đứng Tè” mang tên là MANNEKEN-PIS, cao khoảng 61cm, dân Bỉ xem như là một biểu tượng độc lập cuả họ. Tương truyền rằng vào thế chiến thứ II, quân Đức lúc đó thừa thắng xông lên muốn cưỡng chiếm các nước lân bang, nước Bỉ phải đối đầu với người láng giềng hung hăng này. Cậu bé đứng tè là con một gia đình giàu có bị thất lạc, khi mọi nguời đổ xô đi tìm thì thấy cậu đang tỉnh bơ đứng đái, tình cờ xả nước xối xả vào mạch nối cuả ngòi nổ nên vì thế nó tắt ngúm, cứu cả thành phố khỏi bị tàn phá. Người đời sau liền lập tượng để ghi nhớ chú như một người anh hùng.
Đó chỉ là một ngẫu nhiên, như những câu chuyện huyền thoại trong lịch sử thế giới, tượng đồng “cậu bé đứng tè” nếu để tự nhiên là một bức tượng đồng đen trần trụi chắc hay hơn là cho chú diện quần áo theo nhiều ngày lễ quanh năm. Khi du khách đến đây vào đầu tháng 6, chú bé diện một bộ quần áo sọc xanh, trắng, đỏ rất điệu. Sự thay đổi quần áo cho chú, luôn kèm theo ý nghiã cuả những ngày trong năm, cuả một vĩ nhân thế giới, hay một ngày nào đó có ý nghiã, chẳng hạn trong muà Giáng Sinh, chú được diện một bộ y phục màu đỏ cuả ông già Noel. Chao ơi! Muà Đông ở Bỉ kéo dài hằng nửa năm, những ngày trời đẹp không mưa dầm thật là hiếm hoi, nhưng nghe nói du khách các nơi trên thế giới vẫn tuôn về đây để ngắm Bruxelles trong muà Đông tháng giá, tuyết ngập khắp các ngả đường, các lâu đài âm u trong khí lạnh cuả muà đông hàn đới.
Theo lời một chị bạn ở Bỉ thì quảng trường La Grand Place hằng năm vẫn có ngày lễ rất đặc biệt dành cho triều đình vua chuá cuả họ vẫn tồn tại đến bây giờ. Dân chúng tụ tập lại và trong khoảng sân vuông vức vây quanh bởi lâu đài cổ xưa, những phiến gạch lát đường phủ đầy hoa thật đẹp. Từ quảng trường có nhiều con đường nhỏ đổ ra phố, thoai thoải theo con dốc là những viên gạch, phiến đá màu xám xỉn với thời gian, du khách đi lơ mơ vừa đi vừa ngó có thể lọt gót giầy xuống một kẽ hở trên đường đi, ngã bổ chửng như chơi, trong đoàn đã có một bác bị té toạc bàn tay, phải may bao nhiêu mũi kim.
Tôi ngồi dưới bóng mát vỉa hè trong khuôn viên quảng trường La Grand Place, nhìn thiên hạ uống cà phê trong một khoảng sân bao quanh bằng những giỏ hoa đủ màu thật vui mắt. Ngó vơ vẩn lên những khung cửa sổ tráng lệ cuả toà nhà trước mặt, bao nhiêu hình tượng tiêu biểu cho triều đình vua chuá ngày xưa, hình dung ra ở đó thấp thoáng những bóng ma quý tộc, đang nhìn xuống cõi dương gian để tiếc nhớ thời hoàng kim của họ. Xung quanh tôi không hẳn chỉ có những người rủng rỉnh bạc tiền, một người đàn bà bế đưá con thơ choàng khăn kiểu Ả Rập, đang bám theo du khách để xin tiền. Chị ta có đôi mắt đẹp và buồn, miệng không ngớt than van những lời tôi không hiểu. Đặt vào tay người đàn bà đồng bạc lẻ còn giữ trong túi, lòng nghe vui nhưng vẫn cảm nhận được nỗi buồn mênh mang về thân phận cuả kiếp người.
Đoàn người kéo nhau tản bộ ra khu thương mại bày bán la liệt các loại kẹo “chocolate” cuả Bỉ, nổi tiếng trên thế giới, nhất là một loại kẹo trong bằng vỏ cam nhúng “chocolate” ai nếm thử cũng phải khen ngon. Một đặc biệt nữa về hàng thủ công mỹ nghệ là kỹ thuật làm đăng ten để may khăn, may màn, rèm cửa cuả Bỉ cũng thuộc loại hạng nhất cuả nước này. Tuy Bruxelles nhỏ bé có không khí cuả một tỉnh lỵ êm đềm, nhưng rất lý tưởng để những ai thích cuộc sống bình lặng, không bon chen, sống và làm việc rất thoải mái. Sau khu phố cổ, một khu thương mại xây cất theo lối mới trưng đầy hàng hoá mời chào du khách, giá tương đối cầm được không đến nỗi bỏng tay. Từ đây, chúng tôi kéo nhau băng qua đường lớn đến thăm nhà thờ cổ Notre Dame du Sablon, ngôi giáo đường có kiến trúc rất lâu đời, một số vào nhà thờ thăm viếng cầu nguyện, sau đó cả đoàn ra chụp hình trước cổng nhà thờ làm kỷ niệm.
Sau khi bát phố Bruxelles thì trời đã về chiều, mọi người đã mệt nhoài lại đói bụng nữa nên lên xe đến khách sạn để nghỉ ngơi, nằm ở ngoại ô gần bộ tư lệnh cuả Khối Nato, cờ xí các nước Âu Châu bay phấp phới. Khách sạn khá xinh xắn, hai bên đường có những cánh đồng trồng luá mạch, ai nấy hối hả lên nhận phòng ngả lưng một chút, nhìn qua cửa sổ vào phiá trong cuả khách sạn, có một nhà hàng khá lịch sự với nhiêù món ăn lạ.
Bữa ăn tối tại Bỉ,tôi lại chạm mặt với ông anh Houston ăn phở Tàu tối hôm trước ở Paris, tuy ngồi khác chỗ nhưng vô tình lại gọi y chang món cá Salmon mà tôi tưởng là rất hấp dẫn cho bữa ăn tối với bánh mì bơ thật thơm. Ôi chà, chắc ở đây xa biển nên món hải sản cá Salmon hôm ấy chỉ có vài lát xắt mỏng tanh như giấy, trình bày đẹp mắt như một cái quạt xoè ra ở giữa có một món rau củ lẫn lộn chua chua ngọt ngọt. Cái tội này cũng bởi dốt chữ mà ra, thấy chữ Salmon là mắt tôi sáng lên, cứ tưởng mình sẽ được thưởng thức những khưá cá thơm phức, ai ngờ! Thôi nuốt đại cho biết mùi cơm Tây, gọi thêm một chai bia La Léon loại nhẹ thôi mà cũng ngầy ngật say để quên mùi cá sống. Bia Bỉ ngon lạ lùng, dường như còn đậm đà mùi lúa mạch nên ngon đến giọt cuối cùng. Lúc đi ngang bàn ăn cuả ông anh Houston, tôi liếc thấy anh cũng đang ngồi ngao ngán với đĩa cơm Tây, nên ghé vào nói nhỏ:
“Hôm qua phở Tàu, hôm nay cơm Tây nhá!”
Hai anh em cười xoà, những người xung quanh chả hiểu gì, biết vậy hồi nãy tôi đã gọi món “hamburger” của Mỹ ăn chắc ấm bụng hơn.
Dạo loanh quanh một chút để nhìn ngắm cảnh thanh bình cuả miền quê nước Bỉ, mặt trời đã xuống tự bao giờ, hoàng hôn còn trải những vạt nắng yếu ớt trên cánh đồng xanh bát ngát. Nơi đâu cũng vậy, khi màn đêm phả bóng tối khép lại những phồn hoa đô hội, đằng sau cuộc sống bon chen ấy vẫn là một không khí êm đềm cho lòng người được nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau, mới 6 giờ là mọi người đã lục tục kéo nhau xuống ăn điểm tâm, hình như đây mới là bữa ăn chính thật ngon miệng cuả mọi người để chuẩn bị cho một ngày nữa rong ruổi tiếp nối vùng Tây Âu. Mọi người lại lục tục leo lên xe, mỗi ngày tha hồ vác hành lý lên xuống cho tiêu bớt calories và mỡ trong máu. Trước khi rời Bruxelles, đoàn lại ghé thăm ngôi chuà Nhật nổi tiếng, nhưng thời gian không cho phép nên mọi người chỉ kịp ghi lại những tấm ảnh rồi vội vã lên đường. Ghé ngang vườn hoa cuả người Trung Hoa, với bao nhiêu loại hoa cảnh thật đẹp, muà Xuân vưà đi và muà hè vưà chạm đến, mà sao hoa kiểng đã bật dậy hối hả nẩy chồi đơm hoa thật nhanh. Tất cả những kiến trúc tại hai nơi này đều mang tính cách quốc gia cuả họ.
Xe vội vã lên đường để mọi người có dịp đến thăm công viên Atomium, một nơi nổi tiếng có cấu trúc rất tân kỳ, quy tụ nhiều quả cầu to sáng lấp loáng, phản chiếu những hình ảnh cuả cảnh vật xung quanh. Những quả cầu này được nối kết bởi các trụ cột rất cao, tạo cảm giác như các hạt nguyên tử vận hành trong không gian. Vì không có nhiều thời giờ để vào xem bên trong cuả những quả cầu này, trong đó có nhà hàng, nơi giải trí để du khách có cảm tưởng đang hưởng một cuộc sống vô cùng tuyệt diệu trên thượng tầng không khí. Nhìn chung đây là một thành phố nổi tiếng cuả trung tâm Âu Châu, nhưng không quá đỗi đông đúc phức tạp như Paris, và sau này khi sang London thì mới thấy, càng những nơi đông người thì cuộc sống càng trở nên xô bồ hơn.
Trở lại với góc riêng cuả mình, tôi lại nhớ đến hai câu thơ cuả Nguyễn Khuyến:
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người tới chốn lao xao”
Thật là chí lý!
Nguyên Nhung
No comments:
Post a Comment