NGUYỄN THỊ XUÂN LỘC
Trời sắp vào Thu, khí hậu dịu dàng hơn với những ngọn gió Thu, những trận mưa Thu, những đêm Thu đầu mùa, khiến tôi nhớ hoài đến những ngày tháng cũ, kỷ niệm đôi lúc ùa về như cơn giông...
Ngày ấy Mẹ tôi còn trẻ, mắt mẹ sáng long lanh, môi mẹ tươi thắm... Ngày ấy tôi mới lên năm, nhưng đã được mẹ dắt đi chùa vào những ngày rằm, nhất là rằm tháng Bảy, đầu mùa Thu. Con đường từ nhà đến chùa không xa, gió hiu hiu lành lạnh, tôi tung tăng bên mẹ, mẹ kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện liên quan đến đức Phật, nhưng với trí óc non nớt, tôi chỉ lơ đãng nghe và mắt chăm chú đuổi theo những chú bướm nhởn nhơ quanh rặng ngâu dọc đường đi. Ðến khi mẹ hơi bóp mạnh tay tôi, tôi mới giật mình nhìn mẹ, những lúc ấy, mắt mẹ đỏ hoe, tôi hỏi tại sao, mẹ bảo là nhớ bà ngoại... Với tuổi nhỏ thơ ngây, tôi đã an ủi mẹ và bảo rằng đức Phật sẽ săn sóc Bà ngoại, Bà sẽ khỏe mạnh hoài cho đến ngày Mẹ gặp lại Bà...
Ông Bà Ngoại tôi chỉ có một mình Mẹ, ngày Bố tôi vào Nam, Mẹ tôi đã nhất định ở lại Bắc, nhưng sau cùng Bà đã khuyên mẹ phải đem con vào Nam tìm bố tôi. Thế là Bà và Mẹ xa nhau. Hai năm sau, gia đình tôi nhận được tin Bà tôi mất. Tôi còn nhớ mẹ tôi khóc nhiều lắm, tôi cũng khóc và đã trách đức Phật sao không bảo vệ Bà của tôi cho mẹ...
Thời gian trôi, cuộc sống của những người di cư trên mảnh đất mới, dù đó cũng là quê hương của mình, nhưng không phải không có khó khăn. Bố tôi vừa đi học vừa đi kèm buổi tối, Mẹ tôi bán hàng xén loanh quanh và trông nom chúng tôi. Tự do của miền Nam đã tạo mọi cơ hội thăng tiến cho mọi người. Gia đình tôi cũng như mọi gia đình khác đã hội nhập vào đời sống thanh bình êm ả đầy tình đồng bào của miền Nam.
Chúng tôi lớn nhanh như thổi, mới đấy, tôi đã học xong Trung Học, Ðại Học và có gia đình riêng, tôi bận bịu với công việc hàng ngày, đôi lúc còn phải nhờ đến sự đỡ đần của Mẹ. Tôi lu bu không còn nhớ đến rằm tháng Bảy hay những ngày giỗ kỵ, một phần vì tôi nghĩ đã có Mẹ, Mẹ lo tất cả mọi sự trên đời, nơi nào có Mẹ nơi ấy an toàn và mọi việc xong xuôi.
Dần dần, tôi ít về thăm Mẹ, tôi cũng không cảm thấy thiếu thốn, vì cứ nghĩ Mẹ vẫn quanh quẩn đâu đó, hễ các con cần là có Mẹ ngay. Cho đến một hôm, về thăm Mẹ, tôi mới giật mình nhìn thấy những tàn phai ở Mẹ. Tóc Mẹ bạc và rụng nhiều, mắt mẹ bớt tinh anh, da mẹ có những đốm đồi mồi, đôi môi có những nếp nhăn của thời gian...Mẹ già như chuối Ba Hương...
Ðến tháng tư năm 1975, nước nhà “thay ngôi đổi chủ”, bố tôi bị bắt đi tù cải tạo. Mẹ bảo chúng tôi phải tìm đường vượt biên, không thể ở lại vì tương lai con cái và của chính chúng tôi, Mẹ ở lại để chờ Bố. Tôi đã quyết liệt phản đối và bảo chờ Bố về, rồi cả nhà đi chung hoặc không ai đi cả. Tôi không muốn bị như Mẹ, Mẹ đã ra đi và Bà đã chết trong cô quạnh.
Nhưng dù quyết liệt thế nào, nước mắt của Mẹ tôi đã tràn trề và biến thành giòng sông đưa chúng tôi ra biển. Ngày chia tay, Mẹ ôm chúng tôi vào lòng và hứa khi Bố tôi về, Mẹ sẽ tìm cách đi và gia đình sẽ đoàn tụ. Niềm tin đoàn tụ của mẹ thật mãnh liệt. Ðã có biết bao tin tức về thảm cảnh trên biển, hải tặc, đói khát, chìm tàu... nhưng dường như những điều ấy chẳng mảy may ảnh hưởng đến Mẹ, Mẹ tôi luôn nói đến Phật lực của từng người của từng gia đình sẽ đem đến những điều may mắn.
Chúng tôi chia tay, chuyến đi bảy ngày bảy đêm, trăm vạn gian nan, đã đưa chúng tôi đến bến bờ tự do. Khi tàu vừa cập bến Mã Lai, tôi đã nhờ Hội Hồng Thập tự đánh điện tín về cho Mẹ. Tưởng tượng đến niềm vui của mẹ khi chúng tôi đến nơi an toàn, tôi muốn khóc thật to, muốn hòa nước mắt với mẹ, muốn kể cho mẹ nghe thật nhiều về chuyến đi tìm tự do thập tử nhất sinh...
Tôi cũng viết vội thư cho thân nhân ở Mỹ, ở Úc, ở Pháp, để báo tin và nhờ báo tin thêm về cho mẹ tôi. Chúng tôi ở Mã Lai sáu tháng, nhưng vẫn không nhận được thư Mẹ, tôi bắt đầu lo, tôi sợ sự lo âu, chờ đợi sẽ khiến mẹ tôi suy sụp. Sau cùng thì tôi nhận được thư Mẹ. Thư viết trên giấy màu vàng xỉn, nét chữ của mẹ thô cứng, khác hẳn ngày trước. Ðọc thư, nước mắt tôi chan hòa, tôi không thể tưởng tượng được sức chịu đựng của mẹ tôi, không nhận được tin tức các con trong bốn tháng trời, Mẹ vẫn sống, vẫn vững tâm cầu nguyện và chờ đợi, thư mẹ viết ngắn ngủi nhưng chứa đựng cả một tình yêu thống thiết và tuyệt diệu:
''Các con của Mẹ,
Mẹ cảm ơn trời Phật đã che chở cho các con đến được bến bờ bình yên. Bốn tháng qua, Mẹ đã yêu các con quá chừng chừng, yêu nhiều lắm, Mẹ nghĩ Mẹ luôn ở cạnh các con dù có thế nào.
Mẹ của các con.''
Chúng tôi xúc tiến việc bảo lãnh bố mẹ ngay khi vừa định cư. Thế mà đến hơn mười năm sau, chúng tôi mới được hôn Mẹ, ôm Mẹ để nhận biết rằng Mẹ đã già và tấm thân Mẹ còm cõi.
Ðược sống với Mẹ, được chăm sóc Mẹ lúc tuổi già, tôi không còn mong gì hơn, cứ đến cuối tuần, các em các cháu đến chơi, trong nhà vang tiếng cười và thơm mùi xào nấu thức ăn của Mẹ. Tôi cầu xin hạnh phúc đơn sơ, quý báu này ở với chúng tôi mãi mãi.
Nhưng đời sống hàng ngày đã nuốt chửng chúng tôi, không một ai có được thời giờ với Mẹ. Sáng sớm chỉ kịp hôn phớt lên má Mẹ, rồi vội vã đi làm, đi học, đến tối mịt mới về đến nhà, cơm nước Mẹ đã lo sẵn, chúng tôi yên lặng hưởng sự chăm sóc của Mẹ mà cảm thấy bất an. Đôi lúc nước mắt hạnh phúc cứ chực trào ra, khi nhìn nếp già nua đang đổ xuống Bố Mẹ. Tôi không muốn Mẹ cực khổ lo cơm nước cho cả nhà, nhưng Mẹ nói Mẹ là Mẹ, thì phải lo cho con cháu, đến khi nào Mẹ chết hãy hay.
Mặc dù Mẹ vẫn vui khi chúng tôi quây quần bên Mẹ, nhưng đôi lúc, tôi bắt gặp ánh mắt Mẹ xa xăm, cùng tiếng thở dài. Hình như Mẹ tôi cô đơn giữa những khuôn mặt quen thuộc của con cháu, Mẹ cô đơn giữa những tiếng cười nói, ồn ào của láng giềng. Ði giữa phố chợ, có những thức ăn, hàng quán thân quen, với cái lạnh, cái nóng y như Sàigòn, thế mà mẹ tôi như người ở giữa thinh không, đôi lần Mẹ bảo mẹ nhớ Sàigòn xa ngàn dặm. Mẹ nhớ Phú Thọ, nơi gia đình mình đến tạm cư năm 1954, Mẹ nhớ căn nhà nhỏ bé của gia đình ở khu Trương Minh Giảng, Mẹ nhớ Ðà Nẵng, nơi chôn giữ những tháng năm đẹp nhất đời Mẹ, với đàn con sáu đứa, tròn mũm mĩm như đàn chó con. Mẹ hay ví chúng tôi như thế. Những lúc Mẹ tôi nhớ đến ngày tháng cũ, tôi ước Mẹ khóc, vì nước mắt sẽ cuốn đi mọi sầu bi. Nhưng Mẹ không có lấy một giọt nuớc mắt nào, u buồn vì thế, cứ chồng chất trong tâm khảm. Tôi lo sợ cho sức khỏe của Mẹ, nhưng Mẹ tôi vẫn bình yên, không bao giờ than vãn một điều gì.
Mẹ sống lặng lẽ, nhưng vững vàng như mái nhà che đỡ nắng mưa. Mẹ là linh hồn của gia đình, thiêng liêng không thể thiếu. Mẹ thường nói, đừng bao giờ bận tâm cho sức khỏe của Mẹ, vì chính Mẹ, Mẹ phải lo phần ấy, Mẹ phải thật khỏe mạnh, để sống lâu, để minh chứng với hàng xóm rằng gia đình mình là gia đình Việt Nam, với đầy đủ ân nghĩa. Lúc nào Mẹ tôi cũng lo âu là nếu Mẹ mất đi, nhà sẽ đóng cửa im ỉm suốt ngày, không có ai ra vào, hàng xóm sẽ không biết gia đình mình là người Việt Nam, là dân tộc có đến mấy ngàn năm văn hiến lễ giáo. Cha mẹ trông nom, chăm sóc các con cho đến cuối cuộc đời. Và các con cũng gần gũi, hủ hỉ với Bố Mẹ lúc tuổi già. Chính ý thức trách nhiệm và cũng là niềm kiêu hãnh của người Mẹ Việt Nam này, đã khiến cho Mẹ tôi luôn mạnh khỏe...Mẹ già như chuối Ba Hương...như cơm nếp mật như đường mía lau.
Mùa Thu với rằm tháng Bảy, với mùa Vu Lan Báo Hiếu hàng năm vẫn trôi qua. Từ ngày Mẹ tôi còn trẻ, Bà tôi còn sống, tôi tặng Mẹ những đóa cẩm chướng hồng thắm, ngày Mẹ tôi mất Bà, tôi rụt rè tặng Mẹ những đóa hoa màu trắng, mắt Mẹ đỏ hoe, giọng Mẹ sụt sùi. Đến ngày tôi vượt biên xa Mẹ, tôi lo sợ mỗi lần Vu Lan đến. Tôi đã có con, các con đang tuổi lớn khôn, tôi đang buớc vào tuổi già, và Mẹ tôi còn phải già hơn nữa... Mẹ già như ngọn đèn trước gió...Tôi đếm từng mùa Vu Lan và không còn can đảm nhìn những đóa hoa màu Trắng. Tại sao lại là màu Trắng mà không là màu Ðỏ thắm cho tất cả mọi người? Mẹ cho dù có khuất núi, mình cũng vẫn còn Mẹ, như trong thư Mẹ viết cho chúng tôi khi nhận được tin chúng tôi vượt thoát đến bến bờ tự do: '' Mẹ luôn ở cạnh các con dù có thế nào!''
Những mùa Vu Lan sau ngày chúng tôi đoàn tụ đã là những kỷ niệm êm đềm của Mẹ, của tôi và các con tôi. Cách đây vài năm, tôi bị ốm nặng, Mẹ đã ôm tôi vào lòng vỗ về như khi tôi còn ấu thơ, các con tôi đứng bên giường lo lắng, dỗ dành tôi như đứa trẻ. Tôi khóc vùi trước hạnh phúc quá lớn lao này. Tôi tự hỏi phải chăng ở một kiếp nào đó, chúng tôi đã từng có những liên hệ ruột thịt máu mủ mẹ con. Vì có như thế, chúng tôi mới ràng buộc nhau, mới trói nhau vào mối tình mẫu tử tuyệt đẹp này. Tôi được ngửi mùi tóc thơm thơm của Mẹ, được khóc vùi trên ngực Mẹ, tôi đã để cho các con tôi vuốt ve bàn tay xương xẩu gầy gò của mình, tôi đã để cho các con tôi lau nước mắt, đã nũng nịu nuốt từng muỗng cháo từ bàn tay nhỏ bé ân cần của con. Và tâm can như bị xé vụn khi nghe các con ru hời...Mẹ già như chuối Ba Hương...như cơm nếp mật như đường mía lau...
Vu Lan năm ấy, chúng tôi tạ ơn nhau bằng một chùm hoa đủ màu, rực rỡ. Chỉ có màu sắc của Hoa, mùi thơm ngào ngạt của Hoa mới nói hết được nỗi niềm chúng tôi dành cho nhau.
Năm nay mùa Vu Lan lại về, chúng tôi như bầy chim vỡ tổ, tôi đã ở rất xa Mẹ và các con. Chúng tôi hẹn rằng sẽ điện thoại cho nhau trong ngày Vu Lan, sẽ tặng nhau những chiếc hôn thật kêu, thật to, tượng trưng cho màu cẩm chướng đỏ thắm, sẽ nói nhớ nhau thật nhiều, sẽ chọn những hạnh phúc của mùa Vu lan đã qua để kể cho nhau nghe. Sẽ áp sát điện thoại vào ngực để nghe nhịp tim thổn thức...Chưa gì mắt tôi đã cay...
NGUYỄN THỊ XUÂN LỘC
No comments:
Post a Comment