Thursday, March 24, 2016

Thơ Đỗ Trung Quân
và những buồn vui…
      
       Ngày đó, tôi còn là một học trò năm cuối Trung học. Cái thời chớm lớn với những ước mơ bay bổng, cái thời lưu luyến chuẩn bị từ giã tuổi thơ ngây, cái thời lũ trẻ chúng tôi “vỗ ngực” tự hào “ngẩng mặt bước vào đời”…
       Tôi còn nhớ, lần đó tụi bạn gái trong lớp xì xầm với nhau tìm cách “…dụ chú tiểu trong chùa cho vui”, sau đó tôi nhận được “vũ khí khiêu chiến” của bọn con gái là những tờ “Mực tím”, tờ báo mà thời đó phái nam chúng tôi cho là “của bọn tiểu thư yểu điệu”… Vậy mà trong đám “tu mi nam tử” lớp 12B trường PTTH Nguyễn Thái Học – Qui Nhơn năm đó, tôi là người bị “trúng độc” nặng nhất...
       Cái “trúng độc” của tôi không phải là “bị bỏ bùa” bởi một cô nào đó trong lớp, mà là tôi thực sự bị Đỗ Trung Quân và Nguyễn Nhật Ánh “mê hoặc”. Thơ Đỗ Trung Quân được tôi “dẫn” vào các bài làm văn, thơ Đỗ Trung Quân được tôi chép vào nhật ký, thơ Đỗ Trung Quân được tôi đem vào những giấc mơ thiên thần, thơ Đỗ Trung Quân được tôi “rao giảng” mỗi khi “thực hiện công tác” của một cán sự bộ môn Văn… Nói chung, Đỗ Trung Quân là thần tượng, là cái tên mà tôi nhắc đi nhắc lại nhiều nhất mỗi khi điều kiện cho phép.
       Thưở đó, để không cho tụi con gái biết tôi bị “trúng độc”, có lẽ tôi là người sớm nhất mỗi thứ hai hàng tuần chạy đến các tiệm sách học trò hỏi “Mực tím về chưa?”.  Cái nôn nao được đọc “Mực tím”, cái rộn ràng trong mê hoặc của Nguyễn Nhật Ánh và Đỗ Trung Quân, cái hấp dẫn của thế giới “Mực tím” là điều kiện để tôi hoàn thành bộ “Kết tập Mực tím” tương đối đầy đủ. Những ngày đi học, là chú tiểu tôi không được “tự do đi lại” như các bạn học trong lớp, “bạn thân” của tôi là những tờ “Mực tím” trong các giờ giải lao. Ngày học trường "Đời", đêm về tôi lại phải hoàn thành việc học “Đạo”, tôi vừa đọc thuộc lòng, viết nguyên văn chữ Hán các đoạn trong “Bộ Luật Tiểu” và dịch sang tiếng Việt để “trả nợ” cho Thầy Bình An - vị giáo thọ dạy môn Luật học khả kính của tôi (1). Trong tôi chỉ mong “trả nợ” xong để có thể “chìm vào thế giới Mực tím”, thế giới mà tôi đang giấu dưới các quyển kinh. Tôi chỉ đợi Thầy Bình An vừa đi khuất là tôi sẽ “hoá thân” vào cái thế giới “Mực tím thần tiên” đó…
       Kết quả, tập sổ tay của tôi là một “tuyển tập chọn lọc” của thế giới thơ Mực tím dày cộm. Bao giờ cũng vậy, tôi ưu tiên cho “cái ông” mang tên Đỗ Trung Quân những trang đầu, cái mà sau này đi học chuyên ngành báo chí và tiếp xúc với “dân làm báo” tôi được biết qua khái niệm “các bài đinh”. Những buổi chiều khi việc chùa vừa dứt, tôi thường đem “Bộ kết tập thơ Mực tím” ra trước sân chùa “ra sức ngâm”, tôi không biết nhà thơ Đỗ Trung Quân sẽ nghĩ gì giá mà vô tình nghe được cái giọng “nẫu” của tôi đang "ra sức... ngâm" mấy "bài thơ ra hồn" của "ổng"…
       Lâu ngày, Thầy Bình An biết được, vì lo cho kỳ thi tốt nghiệp sắp đến của tôi, Thầy gọi tôi nói nhỏ: “Thi cử gần đến nơi rồi mà không chịu học, suốt ngày chỉ lo Đỗ Trung Quân, coi chừng thi rớt rồi lúc đó chỉ có việc “ĐỔ TRONG QUẦN”…” Chuyện này không biết vì sao đến tai tụi bạn học cùng lớp, tôi được tặng danh hiệu “Nhà thơ Đổ Trong Quần”, cái “chức” Trưởng cán sự bộ môn Văn cũng ít được tôi quan tâm từ đó. Rồi tiếp đó là những ngày thi cử, những bận rộn của đời thường, những lo toan cho kỳ thi tuyển sinh đại học… mảng thơ Đỗ Trung Quân cũng “bị” tôi ít “chăm sóc sưu tầm”.
       Thời đó, “giải thưởng” mà Sư thúc Đồng Văn “treo” cho tôi là “được vào Sài Gòn học, nếu điểm thi tốt nghiệp mỗi môn được 7 điểm”. Với tôi được vào Sài Gòn là một vinh hạnh lớn, cái mảnh đất mà trong ước mơ của tôi ví như “Thiên đàng”, tôi phải cố công “giật giải”. Ngày ngày, trên chiếc xe đạp cà tàng, thơ Đỗ Trung Quân giúp tôi cùng Nguyễn Văn Thứ (2) vượt qua những cơn gió mạnh từ biển Qui Nhơn thổi vào, cái nắng hè gay gắt của miền Trung không thể “xoay chuyển” hai cái đầu “chứa đầy thơ Đỗ Trung Quân”, dường như thơ Đỗ Trung Quân làm chúng tôi quên đi cái đói cái nghèo về vật chất, thơ Đỗ Trung Quân làm Qui Nhơn của tôi hoá ra thơ mộng hơn, thơ Đỗ Trung Quân tạo ra “cuộc chia tay đầy nước mắt” của lớp 12B chúng tôi năm ấy… Với tôi, thơ Đỗ Trung Quân đã làm quên đi sự mệt nhọc trong những đêm dài không ngủ để “sôi kinh nấu sử”. Kết quả điểm thi tốt nghiệp của tôi được 31.5 điểm trên 4 môn, “vượt chỉ tiêu” và đương nhiên tôi được thực hiện “cuộc Nam tiến”. Ngày vào Sài Gòn, hành lý của tôi là mấy cuốn “đề cương ôn thi”, hai chiếc áo dài cũ kỹ, ít “lộ phí đường xa” mà mẹ tôi chắt chiu dành dụm và cái “gia tài nho nhỏ” của riêng tôi: bộ sưu tập “Mực tím” và bộ “Kết tập thơ Mực tím”.
       Những ngày tháng “mặc áo sinh viên”, thỉnh thoảng tôi đi làm “Gia Sư”, cái “nghề tay trái” vất vả, lo toan nhưng cũng lắm niềm vui, niềm vui được sống lại trong ký ức của những năm tháng học trò. “Gia tài nho nhỏ” tôi mang theo hôm nào được tôi trao lại Thảo Linh, cô học trò người Sài gòn học giỏi và biết lắng nghe, người học trò có cùng một điểm chung với tôi là “thích Mực tím và thơ Đỗ Trung Quân”… Trước khi lên đường sang xứ người du học, gia đình Thảo Linh mời tôi đến nhà “liên hoan chia tay”, tôi thấy “gia tài nho nhỏ” của tôi trong một góc trang trọng của tủ sách gia đình, các quyển “Mực tím” được ép nhựa thật đẹp, tập thơ sưu tập viết tay cũng được đóng bìa cứng và mạ chữ vàng. Tôi hỏi Thảo Linh: “Con không đọc nữa à?”, Thảo Linh trả lời: “Con đã qua tuổi mực tím rồi.” Tôi quay mặt bỏ đi.
       Tháng ngày nơi đất khách của tôi với những điều bề bộn, buồn vui thỉnh thoảng cũng giăng mắc đó đây trong chuỗi thời gian và không gian, nhưng công việc đẩy lùi tất cả. Hôm qua, nhận được lá thư từ quê nhà gởi sang qua dấu bưu điện in hai chữ “Việt Nam”, ngoài thư không ghi tên người gởi, nét chữ không quen. Tôi mở vội, thư chỉ viết mấy dòng: “Bạch Thầy! Bé Thảo Linh đã qua đời. Niềm vui lớn nhất của Thảo Linh là đọc những dòng thơ trong tập thơ Thầy gởi tặng và “Mực tím”. Hôm nằm bệnh viện, trong cơn mê Linh nói: “Sau này con chết, má  nhớ cho theo mấy bài thơ này vô quan tài, nha má!” Tưởng lời nói mê nào ngờ… Linh nói thật. Con làm theo ý nguyện cuối cùng của Linh, Thầy đừng buồn giận gia đình con nha!...” Tay cầm lá thư, tôi lặng lẽ bước đến bàn thờ Phật thắp nén hương, tôi muốn khấn nguyện điều gì đó, nhưng sao không cất nên lời… Cùng lúc, trong tâm tôi diễn ra những nghĩ suy ngược chiều: tử - sinh, sắc - không, một kiếp người và những bài thơ, một con người và một linh hồn…
       Thế đấy, thơ Đỗ Trung Quân theo tôi trong những niềm vui nỗi buồn, trong cuộc hành hương kiếp người mà tôi đang thực hiện.
       Tôi dạo một vòng các nhà sách, tiếc rằng nơi đây người ta không phát hành sách tiếng Việt.

      
       Lê Bích Sơn

No comments:

Post a Comment