Điềm lành lớn
Trong đời sống hàng ngày, nhiều người thường hay chú ý đến những điềm “hên, xui”. Khách hàng sáng sớm tới hỏi mà không mua thì “xui”. Mở hàng gặp người “nặng vía” thì xui. Ngược lại, chị X. mua hàng của mình, sau đó để ý thấy hàng bán ra được nhiều, đắt hẳn lên, thì cần phải kèo nài để lần sau chị X. mua mở hàng. Tâm lý lo lắng nghi ngại về các điềm “hên xui, lành dữ” chẳng phải là điều mới xảy ra mà đã có từ thời thượng cổ. Chuyện tiền thân Mahà Mangala kể lại câu chuyện về điềm lành lớn.
Tại kinh thành Vương Xá, có một người bước ra nói: “Hôm nay là ngày có điềm lành”. Một người khác hỏi: “Vậy điềm là gì?” Một người thứ ba nói: “Dấu hiệu gì có vẻ may mắn thì gọi là điềm lành. Ví dụ một người thức dậy sớm và thấy một con bò đực toàn trắng hay một người đàn bà có thai, hay con cá màu đỏ, hay cái bình đầy đến tận miệng, hay y phục mới chưa mặc qua, hay cháo gạo, thì chẳng có điềm gì tốt hơn nữa”. Vài kẻ bàng quan khen: “Nói hay đấy”. Song có kẻ khác chen vào: “Các sự việc trên chẳng phải là điềm gì cả. Khi nào nghe người ta nói “Đầy đủ” rồi lại nghe “Lớn đầy đủ” hay “Ăn đi, nhai đi” thì chẳng có điềm nào tốt hơn nữa”. Vài kẻ bàng quan khen: “Nói hay đấy”. Một người khác lại nói: “Chẳng có điềm gì trong mọi chuyện ấy cả. Hễ cái gì bạn đụng chạm đến mới là điềm. Nếu một người thức dậy sớm đụng vào đất hay cỏ xanh, phân bò tươi hay chiếc áo sạch, cá màu đỏ, vàng hay bạc, thức ăn… thì chẳng có điềm gì tốt hơn nữa”. Sau đó, mọi người chia thành ba nhóm: nhóm chủ trương điềm do mắt thấy, nhóm chủ trương điềm do tai nghe, nhóm chủ trương điềm do đụng chạm. “Điềm” là dấu hiệu báo trước một chuyện sẽ xảy ra. Có nhiều “điềm” được khoa học nói tới. Ví dụ, khi nước biển rút thật nhanh ra khỏi bờ thì đó là “điềm” sẽ có sóng thần. Có nhiều điềm được rút ra từ kinh nghiệm lâu đời. Ví dụ “chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì hanh”. Đó là các loại điềm mang tính tổng kết thực nghiệm và có phần chắc chắn. Giữa điềm đó và chuyện xảy ra có một mối liên hệ chặt chẽ theo kiểu “cái này có thì cái kia có”. Đó là các loại “điềm” có cơ sở thực nghiệm. Tuy nhiên, dân gian còn có nhiều loại “điềm” khác không có cơ sở thực nghiệm. Ví dụ: “chuột cắn chân là điềm xui”, “nằm mơ thấy ăn đậu xanh đậu đỏ thì sẽ thi đậu đại học”. Điềm lành là một dấu hiệu mà khi gặp dấu hiệu đó ta nghĩ là mình sẽ gặp may. Các dấu hiệu mà giác quan thu nhận được thường là do mắt thấy, tai nghe hay do thân thể đụng vào. Vì thế các nhóm chủ trương điềm lành chia làm ba nhóm. Tuy chia làm ba nhóm, cả ba nhóm đều thống nhất ở một đặc điểm của “điềm” loại này: là một dấu hiệu gì đó đến từ bên ngoài và ta thường đóng vai trò thụ động trong việc thấy dấu hiệu này. Thường thường, những người chủ trương các loại “điềm” không có cơ sở thực nghiệm thường không giải thích được tại sao khi có điềm này thì sẽ có chuyện xảy ra và thường không trả lời được câu hỏi, “làm sao để có ‘điềm lành’ này hay làm sao để tránh ‘điềm không lành’ kia?”. “Điềm lành” thường được hiểu là dấu hiệu cho biết là sẽ có chuyện may mắn xảy ra. Tuy nhiên, theo lý thuyết nhân quả, nếu làm điều tốt sẽ gặp điều tốt, nếu “gieo gió” thì sẽ “gặt bão”. Do đó, không có chuyện gì gọi là may mắn, nó là kết quả do điều tốt mình đã làm từ trước. Cũng không có chuyện gì gọi là xui rủi, nó là kết quả do điều xấu mình đã làm từ trước. Tóm lại, nếu làm điều lành ta sẽ gặp chuyện lành. Vậy nên, nếu “điềm lành” được hiểu là dấu hiệu cho biết là sẽ có chuyện lành xảy ra, thì khi ta làm một việc tốt, dù nhỏ nhoi đến đâu, đó cũng chính là dấu hiệu rõ ràng nhất thể hiện ta “đang thấy điềm lành”. Nếu hiểu như Đức Phật đã giảng, ta không cần chờ điềm lành xuất hiện. Ta có thể tạo ra điềm lành vào mọi lúc. |
Tuesday, March 29, 2016
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment