TRƯƠNG THU HIỀN
Rồi một ngày chợt nhận ra mình không còn là mình nữa, tôi đơn độc ra đi. Để trốn chạy cái túng quẫn đến u mê, mụ mị đầu óc do nhàm chán. Để vượt ra ngoài sư quánh đặc đến ngột ngạt của cuộc sống một công chức biếng nhác và an phận.
Và thoát khỏi vòng vây bủa đến hết đường lui của điều tiếng thị phi. Có ngờ đâu, cuộc sống nơi đây rồi cũng vậy, nhưng ra đi là phải xa cả quê hương trăm yêu ngàn mến, để bây giờ dằng dặc một niềm thương...
Quê tôi là một xóm nhỏ nằm khép nép bên bờ Rào Nan - một nhánh nhỏ của dòng mẹ Đại Linh Giang hùng vĩ. Ký ức không bao giờ mờ phai về quê hương trong tôi là những con đường nhỏ nhoe nhoét bùn đất và phân trâu, ngoằn ngoèo dẫn lối vô những mái nhà lụp xụp mái tranh ẩm mục, cửa liếp, phên đất, bốn mùa thông thống gió lùa. Những đêm mùa đông, nằm trong chăn ấm, mẹ tôi thường rưng rưng nhớ lại như là một lời thở than không biết dành cho riêng ai, về cảnh nghèo thâm căn cố đế của quê mình, đến bây giờ cái nghèo ấy vẫn được người ta hát lên rằng:
Cơm đa ba chánh, bảy chồi,
Ai về Thọ Hạ không nồi nấu ăn.
Thọ Hạ là tên quê tôi, thuộc xã Quảng Sơn - huyện Quảng Trạch. Từ đời nảo đời nao, bà con họ mạc nhà tôi đều sinh sống bằng nghề hái củi, đốt than, chỉ đến đời ba tôi, nhờ sáng dạ lại được ông nội tôi chịu đựng vất vả cù đầy, yêu thương nuôi nấng, ba tôi học hành được coi là đỗ đạt nhất họ, mới thoát khỏi cảnh 2 - 3 giờ sáng cơm đùm, muối đựng, vác rìu, vác rựa vô rú kiếm cớ sinh nhai, cho em tôi cũng nhờ đó mà được ăn trắng mặc trơn như bây giờ. Thương cảm quê nghèo, có lần tôi hỏi mẹ: Thiếu chi nghề mà ông mệ chọn nghề đốt than mẹ? Ừ, thì Thọ Linh bít lá, Thọ Hạ đốt than. Con coi cha ông mình chọn chỗ ăn ở biết mấy đời rồi, thèo leo một rẻo thẳng đàng tàu, đất đai cấy hái có mấy tý, không hái củi, đốt than thì lấy chi ăn hử con?! Đều bữa ni họ cấm tiệt rồi vì nghe nói hái củi đốt than cũng là phá rừng.
Có lẽ vì thế bây giờ anh em họ mạc với tôi không còn mấy ai theo nghề "truyền thống" của quê hương nữa. Vả lại thời nay người ta chẳng còn cần thiết lắm đến than củi làm chi. Cả mấy bà đẻ nằm chọ cũng đã từ chối thẳng thừng công đoạn hong tơ vốn không thể bỏ qua của các bà mẹ thuở trước, vì hơ lửa nám da. Thoát ly khỏi kiếp phận hái củi đốt than, họ ra thị xã, vô thành phố hay lên cao nguyên trở thành tiếp viên phục vụ nhà hàng, bán cà phê, nhân viên tiếp thị, hớt tóc gội đầu, công nhân trong các khu công nghiệp, hái cà phê, cạo mủ cao su thuê... thôi thì đủ nghề. Mà nói cho cùng nghề chi cũng hơn nghề cũ cha ông để lại, rứa là chỉ cần học hết lớp 9 ai cũng nhớn nhác tìm đường thoát thân. Nhưng mà thoát chi thì thoát, làm sao thoát được gốc rễ đời người. Mấy chị em gái họ hàng tôi ra chốn thị thành cũng mặt hoa da phấn, móng tay móng chân sơn son đủ kiểu, vết chai sần và màu vàng xỉn bám dày trên bàn tay, bàn chân do những ngày lội núi trèo non hay cắm xuống ruộng sâu màu cấy hái đã được cạo tẩy gần như sạch sành sanh, ai cũng ra dáng kiều nữ phố thị lắm. Duy những ngón chân là không cải tạo được vì năm ngón đã toẻ ra năm hướng từ lúc nào, đó là di chứng tất yếu của cả một thời gian dài quanh năm suốt tháng phải bấm chặt xuống đường trơn, dốc trượt cho khỏi ngã. Ngẫm đi ngẫm lại thấy sao mà thương quá phận nghèo?!
Nghề đốt than gia truyền của họ nhà tôi xưa nay vốn tồn tại theo kiểu: "Lấy của làng ve gái"...
Có lẽ từ khi than thở thành hàng hoá đến nay, nó là mặt hàng duy nhất có giá thành cao hơn giá tiêu thụ, nhưng vẫn nghiễm nhiên tồn tại theo năm tháng. Trong thực tế, chưa có ai hay một tổ chức nào, kể cả lực lượng kiểm lâm thử làm một phép tính xem mức chênh lệnh giá trị giữa củi đốt đi và than thu được là bao nhiêu. Xưa nay thế bây giờ lại càng không thể, bởi thời WTO than không nằm trong danh mục các mặt hàng xuất nhập khẩu. Cái giá phải trả là không thể đo đếm được, tác hại tiềm ẩn và hậu quả nằm ở thì tương lai, với người làm nghề đốt than, những lý luận đó không nằm trong suy nghĩ. Vấn đề quan trọng là ở chỗ số than họ đốt được bán mấy mươi ngàn và cha mẹ vợ con họ sẽ ăn được mấy bữa mà thôi. Bao đời qua, dân làng quê tôi, họ hàng tôi, ba tôi và cả thế hệ của tôi nữa đã được sinh ra và lớn lên trong hơi ấm của những sọt than như thế. Nên dù biết rằng nghề đốt than là một hành vi phá rừng nhưng tôi cũng xin tri ân nghề truyền thống của quê nhà, bởi nhờ những sọt than trĩu nặng nhọc ấy, chúng tôi đã lớn.
Nghề đốt than chỉ làm được 3 tháng nóng nhất trong năm. Người có kinh nghiệm phải biết chọn vùng rừng vừa có loại cây dễ cháy, chắc than, vừa gần nguồn nước để khi củi cháy đến mức thành than thì có nước dập lửa kịp thời, để quá coi như bỏ. Có câu chuyện tình của chàng đốt than ở quê tôi gần như ai cũng biết: Một ngày như mọi ngày, anh trai làng vô rừng làm cuộc mưu sinh, không chỉ cho mình mà còn cho cha mẹ già và đàn em nhỏ, chỉ khác là lần này anh ta có người yêu đi cùng. Chàng đốt than và nàng hái củi, cùng phận nghèo họ yêu nhau trong khốn khó và vất vả nhưng không kém phần lãng mạn. Từ cái xóm nhỏ nghèo nàn vật chất mà thừa thãi luân lý họ vô rừng. Ở đó trời của ta, đất của ta và ta thực sự là của ta. Thế là trong khi chờ nỏ lửa, được than, họ đã tranh thủ yêu nhau trong sự háo hức của lần đầu tiên ăn quả cấm, sức trẻ của chàng trai vốn quen làm việc nặng và sự bùng phát của nỗi khát khao bị dồn nén bao ngày của cô thôn nữ căng tràn nhựa sống quấn quýt vào nhau, tan chảy đắm say cây cỏ, nghiêng ngả trung triêng một vùng rừng. Họ như một đám cháy ngùn ngụt lửa, đến khi buông rời nhau ra thì mặt trời vừa xế bóng và tất cả than củi đã thành tro, hôm đó không có than gánh về. Cha mẹ và đàn em ăn lạt mất mấy ngày. Chàng trai dở khóc dở cười vì sự đánh đổi chẳng biết là đắt hay rẻ, chỉ biết có nàng thôn nữ má hồng nay lại hồng thêm…
Mẹ tôi thường than vãn: Nghề đốt than vừa đen, vừa bạc; phận đốt than vừa bạc vừa đen, con à! Ai theo nữa mần chi cho khổ! Vâng, không ai theo nữa, thời hội nhập, than củi quê tôi có trở thành mặt hàng xuất khẩu đâu mà theo, mà rừng cũng có còn đâu nữa mà đốt. Tất cả đã xa lắm rồi, những ngọn đồi phía bên kia sông trong ngày tháng cũ um tùm cây lá, bây giờ lở lói nham nhở đỏ mảng đen. Dân quê không ngoảnh mặt vô rừng nữa mà đang tìm đường "hội nhập". Những ngày đông tháng giá, mẹ tôi vẫn có thói quen làm một tréc than nhỏ để giữa nhà như một sự hoài nhớ một thời đã xa. Quanh cái tréc than ấy, mẹ tôi lại thì thào những chuyện ngày xưa, mà lộn lui, lộn tới mẹ cũng lộn lại chuyện nghèo. Cái thói quen "ngồi lả" do thiếu áo, thiếu chăn khi những cơn gió đông bắt đầu thổi của người quê tôi bắt đầu từ sự nghèo ấy. Bây giờ chăn ấm đệm êm, mẹ tôi vẫn cho rằng không có sự ấm áp nào bằng hơi ấm của những hòn than đỏ rực trong cái tréc nhỏ mỗi khi đông về.
Mùa đông năm nay tôi đã xa quê, không còn được hưởng hơi ấm nồng từ tréc than rừng rực đỏ của mẹ nữa. Nhớ quê, tôi gọi điện về hỏi mẹ: Hội nhập rồi, quê mình có chi mới không mẹ? Mẹ bảo: Có chi mà hội với nhập con. Mùa ni nhiều nhà ở quê mình chạy ăn từng bữa, đất ít người đông, muốn cày cũng không có đất mà cày. Người già ở nhà cuốc xới loanh quanh, đơm cò đơm cói hay xuống ga Minh Lệ bán nước chè, bánh tráng, kiếm ba đồng đong gạo. Bọn trẻ thì mạnh đứa mô đứa nớ chạy, tứ tán bốn phương kiếm kế sinh nhai, mà nỏ ăn thua chi cả! Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo mà con!
Mẹ than phiền, ở nơi xa tôi thật thương quá quê nghèo lam lũ, bỗng có một hình dung chẳng giống ai về tốc độ phát triển toàn cục phát triển thế này: Nếu thế giới này đang phóng tới tương lai bằng những con tàu vũ trụ thì Việt Nam đất nước ta cũng đã kịp leo lên một chiếc máy bay hạng sang mà vi vu với người ta cho biết, và ở Quảng Bình - đất Ô châu xưa đang hăm hở sắm sanh ô tô đời mới để cho đi kịp chúng bạn mọi miền. Rồi đất Quảng Trạch "Địa linh Nhân kiệt" một thời cũng tìm cách tăng tốc lên chút đỉnh trên chiếc xe máy phân khối lớn mong hít thở được tý mát lành do ảnh hưởng của cơn gió hội nhập đang ở rất xa. Riêng quê tôi, nghề đốt than mai một, đó là một tất yếu lịch sử. Và vẫn như chẳng có gì xảy ra, dân làng Thọ Hạ vẫn bình tĩnh sống bằng cái an phận bản nguyên mà thánh thiện thủa nào...thủng thẳng...loang quang... Trên nẻo đất thèo lẻo thẳng đoàn tàu và khoan nhặt tắc rì trên cánh đồng lổn nhổn gốc rạ, sau những bước chân của con trâu già mùa đông bắc thổi. Thương lắm quê nghèo, nhưng không thể lãng mạn cách mạng mà ngân nga rằng: "Ngực lép bốn nghìn năm, Trưa nay cơn gió mạnh, Thổi bùng lên, Tim bỗng hoá mặt trời" được.
Đành lòng vậy! Cầm lòng vậy! Tiếng tắc rì thảng hoặc ngoài cánh đồng ràn rạt gió, tréc than rừng rực đỏ ngày đông, vẫn là một mảng hồn quê khó phai trong đời những người tha hương như tôi.
Mùa đông phương Nam vẫn hanh vàng nắng, sống nơi xa xứ lạ thấy nhớ vô cùng cái rét quê nhà, tôi lại tẩn thẩn mang cái áo, cái chăn ra phơi, mong một ngày trở lại và nhớ lời giục giã của chị Hồng Hiếu:
- Về đi em! Còn nơi mô hơn nữa?! Quê mình tươi đẹp quá đi chớ, và còn bao nhiêu bạn bè cũng bao dung và nhân từ nữa. Quê mình, mình về, mắc chi...
Vâng, rồi tôi phải về thôi! Nơi ấy, quê nghèo! Nơi tôi đã được sinh ra, lớn lên và nếm trải: Mật ong trên môi... Mật đắng trong đời... Cuộc sống vô thường, nhưng thiếu quê hương, con người ta thật vô nghĩa...
TRƯƠNG THU HIỀN
No comments:
Post a Comment