Friday, March 18, 2016

Người Việt ơi, xin hãy nói tiếng Việt!
BÙI ANH THƯ

Tôi là người Việt Nam. Cũng như bạn, tôi đang sống ở hải ngoại. Ðiều trăn trở lớn nhất của tôi hiện nay là thế hệ con em chúng ta đang sống ở nước ngoài ngày càng ít hoặc không biết tiếng Việt. Qua trang giấy nhỏ, tôi muốn bạn chia xẻ cùng tôi sự bức xúc này.
Thực tế cuộc sống của người Việt chúng ta ở nước ngoài, như bạn cũng đã thấy, bên cạnh cái may mắn, sự thành đạt, cũng còn nhiều điều mất mát, thất vọng. Lớp trẻ, thế hệ thứ 2, thứ 3 - lớp con em của chúng ta hoặc rời nước từ khi còn nhỏ, hoặc sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Sang đây, cuộc mưu sinh đã lôi các bậc cha mẹ xa rời con cái. Tôi cũng như bạn, như nhiều người khác, nếu may mắn kiếm được việc làm thì đi từ sáng đến chiều. Người ở hãng xưởng, người mở tiệm ăn hay nhà hàng, người làm việc trong công sở... Công việc đã cuốn hết thời gian để chúng ta không còn thì giờ được gần con cái. Bạn thử hình dung xem, cộng đồng người Việt chúng ta sống rải rác khắp năm châu, nơi ít nhất thì có vài gia đình với vài chục người; nơi nhiều có hàng chục ngàn người nhưng thử hỏi xem có bao nhiêu người có thì giờ gần con để dạy dỗ, giáo dục chúng như nền nếp, đạo đức Việt Nam? Bạn đi từ sáng đến tối ở nơi làm việc. Con bạn, ngay từ hồi ấu thơ đã hòa với xã hội này, đi nhà trẻ, đi mẫu giáo rồi đến hết phổ thông. Xung quanh là người Tây, tiếng Tây. Tất nhiên, con tôi, con bạn muốn hòa nhập cuộc sống, phải hiểu biết ngôn ngữ của họ. Có nghĩa là, thời gian con em chúng ta gần họ nhiều hơn gần bố mẹ. Này nhé, sáng bạn đi sớm thì con bạn chưa ngủ dậy. Tối bạn mới về (nếu đi làm xa) con bạn đã đi ngủ sớm để mai còn đi học. Ngày nghỉ cuối tuần, bạn có chương trình của bạn, còn chúng có việc riêng của chúng. Khi chúng còn nhỏ, bạn còn có thể dùng tiếng Việt để trao đổi, chuyện trò với con. Song, càng ngày thời gian càng ít, trong khi đó ngôn ngữ càng phức tạp lên. Theo cuộc sống, con bạn cũng lớn lên nhưng với tiếng Việt, chúng chưa đủ từ, chưa đủ sự hiểu biết. Còn tiếng Tây, với chúng lại rất dễ dàng để bộc lộ tình cảm, để giao tiếp... Và chúng càng ngại nói tiếng Việt. Nếu bạn không đủ thời gian, không đủ kiên nhẫn để giải thích cho con thì chúng càng không hiểu và càng ngại nói tiếng Việt.
Tôi quen nhiều người có con lúc bé nói tiếng Việt khá thành thạo. Bẵng đi một thời gian, đến khi tôi gặp lại họ thì thấy than thở rằng trẻ quên hết tiếng Việt rồi, rằng tôi phải nói tiếng Tây với nó cho nhanh cho nó hiểu... Vâng, vô tình họ đã góp phần đánh mất tiếng mẹ đẻ của con họ nhanh chóng hơn.
Tôi rất mừng khi thấy những dịp nghỉ hè hoặc Tết, lễ, cộng đồng người Việt cũng có tổ chức gặp mặt để vui chung nơi chùa chiền hoặc tổ chức Tết Việt Nam ... Tôi để ý thấy những người trung tuổi, người già thấy nhau thì tay bắt mặt mừng, trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ. Còn các bạn trẻ, lúc đầu cũng có tham gia đôi câu, hoặc lắng nghe chuyện. Nhưng chỉ một lúc sau, có lẽ do vốn tiếng Việt có hạn nên các bạn trẻ đó ngồi im, sau đó thì... "rút lui có trật tự". Bởi, chúng đâu có hiểu sự sâu xa ý nhị, cái hóm hỉnh khôi hài hay sự thâm trầm sâu sắc trong từng câu từng chữ của tiếng Việt. Thật là đáng tiếc, phải không bạn ?
Tôi có quen một cô gái bố người Việt Nam, mẹ là người Pháp nhưng cô ta không hề biết một chữ Việt nào. Không may, bố cô lâm bệnh nặng, phải vào nhà thương và không qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo. Hai tuần trước khi ông ta từ trần, ngày nào cô cũng vào săn sóc cha già nhưng thật buồn thay, cô không hiểu bố mình muốn gì trước lúc nhắm mắt xuôi tay ở xứ người. Cô khóc rất nhiều và kể với tôi rằng 2 tuần đó ông toàn nói tiếng mẹ đẻ. Tôi hiểu ngay rằng ông muốn nói với con gái mình: "Con ơi, lá rụng về cội. Ðã gần hết một đời cha sống nơi đất khách quê người; nay đến lúc cha về với tổ tiên, ông bà. Cha muốn nắm xương tàn của mình được chôn ở nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mà cha biệt xứ hơn 60 năm qua. Cha thương con gái bé bỏng của cha, mang dòng máu Việt Nam trong người nhưng con lại không hề biết quê nội con ở đâu, phong tục tập quán nơi đó thế nào. Bây giờ cha ra đi vĩnh viễn, cha tiếc rằng chẳng còn gì lưu lại ở con để con biết được con có một người cha là người Việt Nam. Con chỉ có đôi mắt đen và nét mặt phảng phất người Châu Á, thế thôi. Cha buồn lắm con ạ...".
Tôi nói với cô thế, chỉ cho cô đến chùa gần nơi cô ở để xin cầu siêu cho bố. Cô mừng lắm.
Sở dĩ, tôi kể cho bạn chuyện này để thấy tại sao phải bảo tồn tiếng mẹ đẻ. Nếu không, những tình cảm thiêng liêng nhất cũng sẽ bị mai một. Tôi đã thấy, có nhiều gia đình, bố mẹ đều là người Việt Nam mà con cái không hề biết tiếng Việt. Tôi quen một bà, khi chồng mất, họ hàng ở Việt Nam viết thư sang chia buồn, thăm hỏi nhưng các con bà lại không hề biết lá thư kia nói điều gì trong đó! Mỗi lần có thư Việt Nam sang, bà lại phải dịch cho chúng, mặc dù con bà ai cũng có học vị cao, có địa vị trong xã hội này. Tôi chạnh lòng chợt nghĩ, nếu mai kia người mẹ đó mất đi, không hiểu những lá thư kia có còn gửi sang đây nữa không? Hoặc nếu có thư sang, những người con của bà có đem đi nhờ dịch hay đành lòng cắt đứt sợi dây liên lạc tình cảm với họ hàng huyết thống của cha mẹ?
Tôi cũng như bạn, ít ra cũng có một năm được 1 hay 2 dịp xum họp cùng con cái, bạn bè xa gần lúc nghỉ hè hoặc Giáng sinh. Có một lần, tôi tham dự Tết gia đình. Mọi nhà đến từ Ðức, Thụy Sĩ, Thụy Ðiển, Anh, Canada. Nếu không có tiếng Việt, làm sao người lớn chúng tôi có thể trò chuyện thân mật được? Còn lũ trẻ, chúng dùng tiếng Anh để nói chuyện với nhau. Chúng bảo, tiếng Anh cả thế giới dùng, không cần ai cũng phải biết tiếng Việt mới nói chuyện được! Hỡi ôi, tóc đen, mũi tẹt, da vàng mà lại phải dùng tiếng nước ngoài để trao đổi với nhau? Bạn có thấy buồn như tôi không?
Tôi muốn nói với lũ trẻ rằng: "Dù người chúng ta có vào quốc tịch nước sở tại, dù có nói tiếng của họ thông thạo như người bản xứ, dù rằng cũng biết nhún vai, xòe tay, lắc đầu... thì chúng ta vẫn là người của xứ sở mắt đen, tóc đen, da vàng và trong huyết quản của chúng ta cũng vẫn mãi mãi có dòng máu Việt Nam chảy". Rồi, người nước ngoài đi du lịch Việt Nam về có nói rằng: "Cái dáng thướt tha, dịu dàng, thùy mỵ của con gái Việt Nam trong chiếc áo dài, hấp dẫn hơn là mốt trang phục hở rốn hở ngực”. Vậy thì tại sao chúng ta lại tự đánh mất chúng ta?
Ðể kết thúc bài viết này, một lần nữa tôi tha thiết kêu gọi: "Người Việt ơi, xin hãy nói tiếng Việt đi".

 BÙI ANH THƯ

No comments:

Post a Comment