Người Mẹ của Mẹ Tôi
Thiên Lý
Tôi muốn nhắc đến bà ngoại tôi, không chỉ riêng mình bà mà là tất cả những người bà dẫu đã khuất núi, hay còn sinh tồn trên quê hương chúng ta hoặc còn đang ở nơi nào đó khắp toàn cầu, đều là hình ảnh chung về một bà mẹ Việt Nam của thế hệ trước đã một đời tần tảo, cực nhọc, tận tụy, hy sinh cho chồng con.
Bà ngoại tôi sinh trưởng ở Bắc Ninh, bà có hai đặc điểm khác biệt ai gặp một lần rồi cũng nhớ mãi: đó là hàm răng đen nhánh và mái tóc trắng như bông, và cũng có lẽ do ăn chay trường từ năm bà ba mươi sáu tuổi, nên bà có được một làn da hồng hào tự nhiên khiến cho mọi người quen xa gần đều khen bà là “đẹp lão”. Bà không vấn khăn như bà nội tôi mà lại búi tó như những bà cụ miền Nam. Tôi không nhớ rõ sự hiện diện của bà trong gia đình tôi từ lúc nào mà suốt thời thơ ấu, tôi đã luôn có bà bên cạnh. Bà là cô giáo đầu tiên dạy cho tôi những bài ca dao, những bài hát, và những chữ a, b, c trước khi tôi bắt đầu đi học. Bà giống như người bạn nhỏ, đã cùng chơi và cùng dệt với tôi lên khung trời thơ ấu xanh tươi bao nhiêu là kỷ niệm đẹp đẽ trong sáng. Những kỷ niệm đã luôn gợi cho tôi một cảm giác nôn nao, xúc động, hào hứng mỗi khi tôi có dịp kể về những ngày xưa cũ vô tư, khờ dại ấy.
Vào những đêm trăng sáng, tôi hay ngồi ngắm trăng với bà để nghe kể về sự tích của chị Hằng Nga và chú Cuội, dù đã nghe rất nhiều lần tôi vẫn không bao giờ thấy chán.Tôi cứ mơ tưởng đến bóng chị Hằng Nga thật đẹp bên cạnh chú Cuội tội nghiệp phải xa nhà. Có khi bà còn tăng sự tưởng tượng cho tôi bằng cách bảo tôi vào lấy một thau nước trong để dưới bóng trăng; chờ một lát sẽ thấy hình chú Cuội và chị Hằng nổi trong thau nước. Tôi háo hức làm theo lời bà và chờ mãi, bà bảo phải kiên nhẫn xoay thau nước theo bóng trăng thì mới thấy được, nhưng khi tôi bước đi trăng cũng đi nên tôi không thể canh thau nước chính xác dưới bóng trăng để được nhìn thấy chị Hằng và chú Cuội, thế là tôi hờn dỗi khóc, bà ngâm liền mấy câu thơ về chú Cuội để dỗ dành tôi như:
“Chú Cuội ngồi gốc cây đa,
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ thì cưỡi ngựa đi mời quan viên”.
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ thì cưỡi ngựa đi mời quan viên”.
Tôi rất thích nghe bà ngâm thơ và đọc ca dao, bà tôi thường ngâm thơ theo điệu Sa Mạc, thỉnh thoảng bà cũng có dạy tôi hát điệu Quan Họ Bắc Ninh, nhưng tôi chưa bao giờ hát theo bà được vì điệu hát ấy có nhiều chỗ ngân í..a.. rất khó cho giọng trẻ thơ của tôi. Một trong những bài ca dao tôi đã được nghe bà ngâm qua và cũng là bài tôi thích nhất cho đến bây giờ, đó là bài có những câu:
“Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn, trông sao, sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai.”
Trông cá cá lặn, trông sao, sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai.”
Bà tôi thuộc rất nhiều truyện thơ, nào là “Nhị Độ Mai”, “Cung Oán Ngâm Khúc” “Chinh Phụ Ngâm”, truyện Kiều và một truyện thơ mà bà thường xuyên đọc và giảng giải cho tôi nghe đó là truyện “Bần Nữ Thán”, là lời than trách cho thân phận nghèo của một người con gái có tài sắc, tôi vẫn còn nhớ vài câu như:
“Kiếp phù thế nhân sinh thấm thoát
Vì chữ nghèo nên ngắt chữ duyên
Ai làm số phận xui nên
Há thua sắc thắm, há hèn màu tươi”
Vì chữ nghèo nên ngắt chữ duyên
Ai làm số phận xui nên
Há thua sắc thắm, há hèn màu tươi”
Từ truyện thơ ấy, bà còn kể thêm cho tôi biết nhiều nỗi gian truân của phận làm con gái trong thời chinh chiến. Thí dụ như thời Tây đô hộ Việt Nam, mỗi lần lính Tây Lê Dương đi xét nhà để lùng Việt Minh, thì nhà nào có con gái cũng phải chui vào tủ hay vào rương trốn để tránh bị hãm hiếp. Rồi trong làng xã, có những luật rất hà khắc, tàn ác đối với người con gái nào lỡ dại có bầu lúc chưa cưới xin. Người làng gọi người con gái đó là đồ “chửa hoang”, là con gái “hư” phải đem ra cho làng trừng phạt bằng cách cạo tóc và bôi vôi lên đầu, còn đem người con gái ấy cột vào cái bè rồi thả ra sông cho trôi đi. Khi kể đến đó, bà hay thở dài và kết luận “Làm thân con gái thời bà khổ lắm! Phải giữ gìn thân mình từng ly từng tí để không bị tai tiếng cho gia đình và cho bản thân”. Nghe bà nói thế, tôi cũng muốn chảy nước mắt theo bà, tôi hỏi:
“Bà ơi, vậy đàn ông con trai hư thì có bị làng phạt không bà?”
Nhẹ nhàng vuốt tóc tôi bà bảo:
“Không đâu cháu ạ, làng chỉ phạt con gái hư thôi, còn con trai thì không việc gì phải phạt, nó có tự do hơn con gái, nó không cần phải giữ gìn gì cả”.
Tôi lại hỏi:
“Tại sao con trai lại không cần giữ gìn hả bà? ” Bà cốc nhẹ đầu tôi nói: “Không hỏi vớ vẩn nữa, lớn lên rồi cháu sẽ hiểu tại sao.”
Tôi cũng thích nhất là những ngày cận Tết được ngồi nấu bánh chưng bên bà và nghe bà kể về những tục lệ xa xưa ở thôn quê miền Bắc mỗi lần Tết đến, hoặc những ngày hội hè trai gái trong làng đi hát Trống Quân. Rồi cả những phong cảnh quê hương miền Bắc: nào là chùa Hương ngày hội có đường dẫn lên thiên đàng, có ngõ tối dẫn xuống địa ngục, hồ Hoàn Kiếm mùa xuân, vịnh Hạ Long mùa hè, Hà Nội mùa đông có rét nàng Bân…Tất cả đều hiện lên trong ánh mắt xa xăm, nhung nhớ còn chất chứa một ước mơ sẽ có ngày bà được trở về thăm làng quê Bắc Ninh yêu dấu… Kinh nghiệm sống của bà qua từng thời kỳ lịch sử cũng lần lượt đi vào trong ký ức tôi, hết thời Nhật tiến quân vào Việt Nam bắt dân phải trồng đay thay lúa nên đã xảy ra nạn đói năm 1945. Lại đến thời đấu tố địa chủ do Việt Minh khởi xướng khi họ chiếm miền Bắc. Rồi ngày ký hiệp định chia đôi đất nước, bà theo ông ngoại di cư vào miền Nam…
Ngoài những câu chuyện về lịch sử, bà còn cung cấp cho tôi nhiều mẹo vặt chung quanh việc bếp núc. Một ngày nọ tôi gọt trái su su bị nhựa dính đầy tay rất khó chịu. Tôi chạy lại hỏi bà thì bà bảo tôi thọc tay vào lu gạo và xoa thì sẽ hết. Bà dặn thêm lần sau gọt trái su nhớ để thau nước nhúng tay vào thì sẽ không bị nhựa dính. Khi làm cá xong rửa tay mà vẫn còn mùi tanh của cá thì lấy bã cà phê xát vào tay sẽ hết mùi ngay. Những ngày cận Tết, mẹ tôi thường sai tôi chùi lư đồng, lúc nào bà cũng lấy cho tôi một thau tro để chùi lư rất sáng. Bà còn dạy tôi cách nhóm lửa bằng bếp củi, chỉ cho tôi cầm máu bằng cách nhai lá sống đời đắp vào chỗ chảy máu sẽ ngừng ngay. Tôi thật khâm phục bà và xem bà như một thần tượng, vì có vẻ như cái gì bà cũng biết, chuyện khó đến đâu mà hỏi bà đều trở thành dễ dàng cả.
Sau này khi tôi lớn lên một chút, tôi mới biết bà còn có biệt tài coi chỉ tay và xem tướng. Có một lần tôi nghe bà bảo, trước khi gả mẹ tôi cho bố tôi bà đã xem chỉ tay của bố. Bà biết chắc bố tôi là người rất đạo đức, mẫu mực, học vấn khá lại có số đi xuất ngoại đến hai lần nên bà đã nhất định chọn bố làm con rể mặc cho mẹ tôi không chịu. Bà còn tiên đoán rằng tất cả chúng tôi đứa nào hậu vận về sau cũng khá, có xe hơi, nhà cửa đàng hoàng. Lúc ấy tôi còn quá trẻ nên không để ý đến lời bà đoán là đúng hay sai. Bây giờ sau mấy chục năm ngồi nhớ lại, tôi mới thấy bà tôi nói đúng. Bố tôi đã đi nước ngoài hai lần, một lần đi du học ở Pháp năm 1952, một lần đi qua Mỹ theo diện H.O. năm 1995. Cuộc sống của chị em tôi “xuất ngoại” theo bố có phần tương đối khá hơn, đứa nào cũng phải có nhà để ở và có xe hơi để đi làm. Điều mà trước đây khi còn ở quê nhà chúng tôi không bao giờ tin được sẽ có ngày mình có được nhà riêng và xe hơi. Cũng trong những năm tháng ấy, tôi đã biết thêm về sự có mặt của bà trong gia đình tôi là một công lao to lớn không tài nào tả cho hết được.
Sau khi ông ngoại tôi mất; mẹ muốn bà tôi về ở với chúng tôi để mẹ tôi có thể chăm sóc bà dễ hơn. Song, mẹ tôi đã không có thì giờ lo cho bà như mẹ mong ước vì mẹ tôi còn có chúng tôi, mười đứa thi nhau ra đời năm một, bà ngoại tôi thì ở trong cảnh “con một cháu đàn” nên bà phải phụ với mẹ lo chăm sóc chúng tôi. Những năm kinh tế khó khăn, tiền lương của bố tôi không đủ chi tiêu trong nhà đã làm cho mẹ tôi sa vào con đường nợ nần, túng bấn. Sợ bố tôi biết chuyện nợ nần của mẹ rồi trong nhà lại xảy ra sự xung đột cãi vã không vui. (Bố tôi là người thanh liêm, cương trực rất ghét chuyện vay mượn). Bà tôi đã phải âm thầm bán đi căn nhà của ông tôi để lại, trả nợ nần cho mẹ. Bà thực sự chưa bao giờ sắm sửa thứ gì cho riêng bà, chỉ một mơ ước duy nhất là bà sẽ sắm một xâu chuỗi tràng bằng hạt Bồ Đề, để bà lần tràng mỗi tối mà cho đến lúc bà tôi nằm xuống, mơ ước đó cũng chưa thực hiện được. Bà tôi chẳng có được một ngày vui an hưởng tuổi già. Ngày Tết, bà không hề bước chân ra đường để đi chùa hay đi chơi với các cụ bạn. Suốt ngày bà chỉ quanh quẩn ở nhà bên các cháu, và lúc nào cũng bận rộn với bao công việc nội trợ. Mỗi khi mẹ tôi sanh em bé, bà lại càng bận hơn, bà lo nấu ăn cho mẹ con chúng tôi, bà quạt than nóng để mẹ tôi sưởi, nấu nước cho mẹ tôi xông, mài nghệ cho mẹ tôi xức… Bà đảm đương hết mọi công việc trong nhà suốt thời gian mẹ tôi nằm cữ.
Tháng Tư đen ùa đến với một nền hoà bình thảm thiết, câu nói đầu tiên của bà cùng tiếng thở dài não ruột đã vẽ ra một bầu trời ảm đạm của sự đói nghèo:
Tháng Tư đen ùa đến với một nền hoà bình thảm thiết, câu nói đầu tiên của bà cùng tiếng thở dài não ruột đã vẽ ra một bầu trời ảm đạm của sự đói nghèo:
“Giời ơi, rồi sẽ còn khổ nữa, sống với Việt Minh thì khổ triền miên. Mai mốt này chúng mày sẽ phải đi họp thanh niên mỗi tối, còn nhảy “son đố mì” nữa cho mà xem.” Và, quả thực như lời bà tôi nói, sau hai tháng đầu của ngày mất miền Nam, tối nào tôi cũng “ bị” gọi đi họp tổ thanh niên trong phường để nghe tuyên truyền về cuộc chiến thắng chống Mỹ vĩ đại của Đảng Cộng Sản, và một kế hoạch xây dựng đất nước cho tương lai, rồi tập hát những bài hát ca ngợi Đảng và nhảy “Son Đố Mì”.
Ngày hòa bình thống khổ đã chia cắt bao nhiêu gia đình quân nhân trong đó có gia đình tôi. Dời bỏ ngôi nhà thân yêu ở Đà Lạt với hai mẫu đất trồng bắp và hồng đang đến mùa sung mãn, cũng là hoa lợi vườn tược cuối cùng mà bố tôi dành dụm cho ngày giải ngũ để có tiền nuôi chúng tôi lên đại học. Đành mất! Gia đình tôi chạy về Sài Gòn ở nhờ nhà một người bà con bên bà ngoại. Bố tôi bị lệnh đi tù cải tạo, mẹ tôi gánh vác trách nhiệm thay bố nuôi chúng tôi và bà ngoại. Cả hai bà mẹ đã tàn tạ rất nhanh sau một năm bươn chải với cuộc sống cơm áo, gạo tiền cho con, cháu. Tóc bà tôi rụng nhiều, búi tóc của bà khi xưa to như quả cam, dần dần còn như quả chanh, và rồi nhỏ lại như củ tỏi. Da bà không còn hồng hào, bà ngày càng xanh xao, hốc hác. Tuy bà không làm ra tiền nhưng bà có công lao giúp mẹ tôi giữ tiền và chi tiêu cần kiệm. Bà tôi hay lượm lặt những đồ phế thải như báo cũ, tập vở học trò, thau bể, sô nứt v.v… để bán ve chai lấy tiền dành dụm phòng khi có việc cần phải dùng đến, cho nên vào những ngày mẹ tôi không kiếm ra tiền thì bà tôi lại dùng tiền dành dụm đó để mua gạo cho chúng tôi. Nếu mẹ tôi không có sự giúp sức của bà trong những năm tháng cơ cực ấy, chắc chúng tôi sẽ còn khổ hơn nữa. Tôi đã học được bài học tiết kiệm này từ nơi bà. Từ ngày bố tôi ra đi, bà tôi đếm từng ngày, từng tháng, bà còn nhớ rất rõ ngày bố tôi bắt đầu đi tù là nhằm ngày Tết Đoan Ngọ. Cứ đến ngày ấy bà lại nhắc bố tôi trong nước mắt, thêm cái Tết Đoan Ngọ thứ hai, rồi thứ ba, đến thứ tư, sang thứ năm, lại thứ sáu… Ấy thế mà bố mày vẫn chưa về… Sự trông ngóng mỏi mòn của bà, nỗi lo lắng cho các cháu, lòng thương con vô bờ cứ làm bà thêm tiều tụy. Rồi một ngày bà tôi ngả bịnh, bà bị sốt thương hàn. Cơn sốt đã kéo bà tôi đi thật nhanh đến độ bà không kịp nhắm mắt. Bố tôi vừa về kịp lúc để cùng mẹ lo một đám tang nghèo cho bà. Sau đó vài tháng, vì thương nhớ bà nhiều quá, vì thiếu ăn, thiếu thuốc men, nên căn bịnh ung thư kéo dài mấy năm trong cơ thể mẹ đã kéo mẹ tôi theo bà. Chỉ trong vòng một năm sau ngày bố tôi trở về, gia đình tôi đã phải đeo hai lần tang tiễn đưa bà và mẹ.
Tôi không sao quên được những ngày tháng đau thương, khốn khổ đã đè nặng trên vai cả hai bà mẹ bao nhiêu là nỗi lo sinh kế trong cơn cùng cực. Tôi nhớ như in thân thể gầy còm của bà tôi như một bộ xương khô trước giờ liệm xác, đôi mắt buồn đau chưa thể khép hẳn cho dù tất cả chúng tôi đã thay phiên nhau đưa tay vuốt mắt bà. Còn mẹ tôi thì mắt đã nhắm mà nước mắt mẹ vẫn chưa khô… Càng nhớ, lòng tôi càng thêm đau xót, tim tôi như bị bóp nghẽn, nước mắt tôi rơi, tay tôi run rẩy; và tôi không thể tả hết được bao nỗi cay đắng mà bà và mẹ tôi đã phải chịu đựng sau những năm tháng hòa bình đen tối; để cho chúng tôi có được một cuộc đời tươi sáng như hôm nay.
Bà ơi, cháu xin gửi đến bà những dòng chữ này như một nén hương lòng tưởng niệm về một người mẹ giản dị, hiền hòa, nhẫn nại, một người bà tuyệt vời đã tận tụy, hy sinh cả đời mình bên con, cháu. Bây giờ cháu có thể mua cho bà không chỉ một xâu chuỗi hạt Bồ Đề, mà còn nhiều xâu chuỗi nữa, nhưng bà đã không còn trên thế gian này để cho cháu được trân trọng mang xâu chuỗi đến biếu bà. Cháu cầu mong ở một nơi nào đó rất bình an trên miền Cực Lạc, bà vẫn nhìn thấy được tấm lòng của các cháu luôn nhớ về công ơn của bà với một nụ cười hài lòng, đôn hậu.
Thiên Lý
No comments:
Post a Comment