12. Trong ta và chung quanh ta có những hiện tượng mầu nhiệm, tươi mát và có khả năng nuôi dưỡng. Ta hãy thực tập dừng lại để tiếp xúc với những mầu nhiệm ấy. Trái tim bạn là một mầu nhiệm. Hai mắt bạn là một mầu nhiệm. Trái tim bạn hoạt động bình thường, ngày đêm không ngừng nghỉ, để giải máu về nuôi mọi tế bào trong cơ thể. Có những người không có một trái tim vững vàng như trái tim bạn, những người ấy rất mong muốn có được một trái tim như bạn. Sức khoẻ, sự an bình và hạnh phúc của bạn tùy thuộc nơi trái tim bạn, cũng như tùy thuộc nơi những bộ phận khác của cơ thể bạn, như hai lá phổi, buồng gan, hai trái thận, bộ máy tiêu hoá, vân vân. Với chánh niệm, bạn sẽ biết trân quý những mầu nhiệm ấy mà không còn tiếp tục than thân trách phận. Bạn hãy thở vào và ý thức được trái tim ấy. Bạn hãy thở ra và mỉm cười với lòng biết ơn với trái tim ấy, với cái hạnh phúc được có một trái tim mạnh khỏe như thế. Bạn hãy thở vào và ý thức được hai con mắt của bạn. Hai mắt bạn còn tốt phải không? Có một thiên đường của hình thể và sắc màu đang có mặt cho bạn. Bạn chỉ cần mở mắt ra là tiếp xúc được với thiên đường mầu nhiệm ấy: t rời xanh, mây trắng, liễu lục, bông hồng, trăng vàng, nước bạc…Nếu tâm bạn thanh thản, không vướng bận, thì tất cả những thứ ấy là của bạn. Nguyễn Công Trứ nói “Kho trời chung mà vô tận của mình riêng.” Thi sĩ có đủ thảnh thơi và ý thức để nhận diện và tận hưởng những nhiệm mầu của thiên đường đang có mặt. Mái tóc của mẹ, nét mặt của em thơ; bạn phải biết trân qu ý trong giờ phút này, nếu không tất cả đều sẻ trờ thành quá khứ. Những buồn giận, những lo toan, những bức xúc trong bạn là những gì làm cho bạn mất đi cái tự do và cái thanh thản cần thiết để bạn có thể sống những giây phút sâu sắc và nhiệm mầu của đời sống hàng ngày.
13. Thiền đi cũng là một phép thực tập có công năng nuôi dưỡng và trị liệu. Thiền đi là đi từng bước trong chánh niệm. Bạn có thể phối hợp hơi thở và bước chân, để mỗi bước có thể giúp bạn tiếp xúc sâu sắc với sự sống mầu nhiệm bên trong và bên ngoài. Thở vào một hơi, bạn bước một bước, và bạn có ý thức tỏ tường về bước chân ấy. Bạn có thể đem sự chú ý đặt vào lòng bàn chân, và mỗi khi bàn chân chạm vào mặt đất, con đường hay sàn gỗ, bạn ý thức được sự tiếp xúc giữa bàn chân với mặt đất hay sàn gỗ ấy. Để hết tâm ý vào sự tiếp xúc ấy như khi chiếc bảo ấn của một vị quốc vương đặt xuống và in vào một bản chiếu chỉ truyền lệnh xuống thần dân. Cũng như vị quốc vương chịu hoàn toàn về nội dung của tờ chiếu chỉ, bạn có chủ quyền hoàn toàn về chủ quyền của bạn. Một bước chân như thế mang theo rất nhiều năng lượng của niệm (mindfulness) và định (concentration). Bước chân ấy rất vững chãi. Vững chãi ở đây có nghĩa là có chủ quyền thật sự: bạn không bị lôi kéo về quá khứ cũng như không bị lôi kéo về tương lai. Bạn cũng không bị lôi kéo bởi những lo toan hay buồn giận. Cho nên bước chân ấy giúp bạn thiết lập sự có mặt đích thực của bạn trong phút giây hiện tại. Sự có mặt ấy rất vững chãi. Mà vì bạn có vững chãi nên bạn cũng có thảnh thơi. Thảnh thơi là tự do, là không bị lôi kéo. Vì bạn tự do nên bạn tiếp xúc được với những mầu nhiệm đang có mặt trong giây phút hiện tại.
14. Thở vào, bước một bước, bạn có thể nói: tôi đã về. Tôi đã về nghĩa là tôi không đi phiêu lưu nữa trong quá khứ, trong tương lai, trong lo toan và buồn giận. Tôi đã về với sự sống trong phút giây hiện tại. Tôi đang thực sự có mặt cho sự sống. Và sự sống đang thực sự có mặt cho tôi. Thở ra, bước một bước, bạn có thể nói (nói thầm thôi): tôi đã tới. Tôi đã về với sự sống, tôi đã tới được địa chỉ của sự sống: bây giờ và ở đây. Sự sống chỉ có mặt đích thực trong giây phút hiện tại, và ngay tại nơi này. Bây giờ và ở đây là hai cái không thể tách rời nhau ra được. Bạn không thể lấy cái bây giờ ra khỏi cái ở đây, và bạn cũng không thể lấy cái ở đây ra khỏi cái bây giờ được. Theo tuệ giác đạo Bụt những gì ta muốn tìm kiếm, ta phải tìm kiếm tại địa chỉ này: bây giờ và ở đây. Tại đây có sự sống đích thực. Hạnh phúc, giác ngộ, quá khứ, tương lai, tổ tiên, tịnh độ và niết bàn… tất cả đều có thể tìm thấy và tiếp xúc được trong giây phút hiện tại và ở nơi này. Bước một bước, về được và tới được bằng bước chân ấy, bạn trở thành một con người tự do. Ngày xưa đức Thế Tôn đi với những bước chân như thế: đi như một con người tự do. Mỗi hơi thở một bước chân, đó là lối đi thiền chậm. Bạn có thể đi nhanh hơn, mà phẩm chất của bước chân không bị giảm thiểu. Thở vào, bạn có thể bước hai hoặc ba bước, và bạn có thể nói: ta đã về, đã về, đã về. Thở ra bạn có thể bước hai hoặc ba bước: ta đã tới, đã tới, đã tới. Mỗi bước chân đưa bạn về với sự sống. Bạn đi như một con người thảnh thơi, vô sự; có thể là nhìn bạn, nhiều người không biết là bạn đang thực tập thiền đi. Đi như thế có an lạc, có giải thoát, có nuôi dưỡng; đi như thế là đi trong cõi tịnh độ. Bạn có thể thực tập thiền đi một mình, bạn cũng có thể thực tập chung với một nhóm người. Khi thực tập chung, ta thừa hưởng được năng lượng tập thể do mọi người cùng chế tác.
15. Đây là bài kệ để bạn thực tập thiền đi:
Đã về đã tới bây giờ ở đây vững chãi thảnh thơi quay về nương tựa nay tôi đã về nay tôi đã tới an trú bây giờ an trú ở đây vững chãi như núi xanh thãnh thơi dường mây trắng cửa vô sinh mở rồi trạm nhiên và bất động. Trong một câu chuyện nói với các vị đệ tử ở ngoại ô thành phố Vaisali, Bụt dặn rằng đừng nên đi tìm nương tựa ở bên ngoài, nơi kẻ khác mà phải tìm về hải đảo tự thân để nương tựa. Trong ta có một hải đảo an toàn không bị sóng gió đại dương vùi lấp, đó là hải đảo tự thân (athadipa). Khi theo dõi hơi thở chánh niệm để trở về với giây phút hiện tại, ta trở về được với hải đảo an toàn nơi tự thân: chánh niệm của ta là Bụt, là ánh sáng soi sáng xa gần, hơi thở ý thức của ta là Pháp, đang bảo hộ cho thân tâm ta, và năm uẩn (hình hài ta, cảm thọ ta, tri giác ta, tâm hành ta và nhận thức ta) là Tăng đang phối hợp tinh cần để bảo hộ ta. Đó là ý nghĩa của bốn chữ “quay về nương tựa” trong bài kệ. Trở về được hải đảo ấy mỗi khi ta cảm thấy khốn đốn, bơ vơ, không vững chãi, là ta thực sự thực tập quy y. Quy y là trở về nương tựa nơi Bụt, Pháp và Tăng có mặt trong hải đảo tự thân. Trên cơ bản vững chãi đó nếu ta quán chiếu thì ta thấy thế giới sinh diệt chỉ là thế giới hiện tuợng, và ta tiếp tục được với thế giới bản thể, là chân như, là thực tánh, là nền tảng và cội nguồn của ta, cái đó gọi là vô sinh. Vô sinh là thực tại không sinh, không diệt, không có, không không, không đến, không đi, không còn, không mất. Cũng như ngọn sóng trở về nương tựa nơi nước: sóng thì có lên có xuống, có cao có thấp, có có có không… nhưng nước thì không. Nước là bản thể của sóng, cũng như vô sinh là bản thể của ta. “Cửa vô sinh mở rồi” có nghĩa như thế.
16. Bài kệ Quay Về Nương Tựa sau đây là một bài kệ rất mầu nhiệm, lấy lại sự vững chãi và cảm giác an ninh mỗi khi ta thực tập:
Quay về nương tựa Hải đảo tự thân Chánh niệm là Bụt Soi sáng xa gần Hơi thở là Pháp Bảo hộ thân tâm Năm uẩn là Tăng Phối hợp tinh cần Thở vào Thở ra Là hoa tươi mát Là núi vững vàng Nước tĩnh lặng chiếu Không gian thênh thang… Bài này đã được phổ nhạc từ mấy mươi năm về trước. Ngồi thiền, ngồi trên xe hơi hay xe lửa ta đều có thể thực tập hơi thở ý thức với bài này. Mỗi khi tâm ý dao động, mỗi khi bất an, mỗi khi hoảng hốt, sợ hãi, nghi ngờ, khốn đốn, mỗi khi có tai biến, những khi ta không biết làm gì để đối phó với tình trạng, đó là khi ta nên nắm lấy hơi thở để thực tập bài này. Ví dụ khi nghe không tặc đang có mặt trên máy bay, đe dọa sẽ làm nổ máy bay, thì cái hay nhất mà bạn có thể làm được là thực tập bài này. Tôi đã sử dụng bài này vào những lúc khó khăn nhất và lần nào sự thực tập cũng đem lại kết quả tốt. Nói như thế không có nghĩa là ta chờ đến những lúc khó khăn và nguy nan mới đem bài này ra thực tập. Thực tập hằng ngày đem lại rất nhiều vững chãi và hạnh phúc, và khi hữu sự, ta sẽ thực tập một cách tự nhiên không cần ai nhắc nhở. Bài này nếu bạn biết thực tập thường xuyên sẽ cứu được bạn vào những giờ phút khó khăn và lâm nguy nhất.
17. Thiền tập có công năng làm lắng dịu, nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa, nhưng nếu ta không cẩn thận trong việc tiêu thụ, cứ đưa vào thân và tâm những thức ăn có độc tố thì việc trị liệu và chuyển hóa khó được thực hiện dễ dàng. Vì vậy thiền giả phải biết thực tập tiêu thụ có chánh niệm. Trong năm phép thực tập có chánh niệm (the five mindfulness trainings), phép thứ năm là phép tự bảo hộ thân tâm bằng sự thực tập tiêu thụ trong chánh niệm. Đó là giới thứ năm của năm giới, nội dung như sau: Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội.
18. Bụt có nói tới bốn loại thức ăn là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Loại thức ăn đầu là đoàn thực, nghĩa là loại thức ăn đưa vào đường miệng. Để bảo vệ sức khỏe của thân tâm, ta phải biết phân biệt những thức ăn có độc tố, những thức ăn không có độc tố, những thức ăn có công năng nuôi dưỡng và trị liệu, những thức ăn có công năng gây ra tình trạng nặng nề và bệnh tật. Bụt dạy ta ăn và uống như thế nào để cho thân thể mà ta nhận được từ tổ tiên và cha mẹ không bị đau yếu và tàn phá. Môn dinh dưỡng học giúp ta một phần nào trong việc thực tập ăn uống có chánh niệm. Bụt dạy ta phải tiêu thụ như thế nào mà tâm từ bi trong ta không bị hao mòn. Tâm từ bi bị hao mòn thì trong ta sẽ khổ đau và đánh mất liên hệ tốt giữa ta và những người khác cũng như giữa ta và mọi loài khác. Ta không nên uống rượu, hút thuốc và sử dụng các chất ma túy, cũng không nên buôn bán rượu, thuốc hút và các chất ma túy. Những thứ này đã tàn hại cuộc đời của biết bao nhiêu người và bao nhiêu gia đình. Hình hài mà ta tiếp nhận được từ tổ tiên và cha mẹ, ta phải bảo hộ cho lành lặn, khỏe mạnh để trao truyền lại cho con cháu. Nếu thân hình ta lâm vào tình trạng đau yếu, bệ rạc, tàn phá do sự sử dụng các thức tiêu thụ ấy đó là ta đã phản bội tổ tiên, cha mẹ và con cháu chúng ta, ta là một kẻ bất hiếu đối với tổ tiên và cha mẹ, ta là một người phụ huynh thiếu trách nhiệm đối với con cháu và các thế hệ tương lai.
19. Loại thực phẩm thứ hai mà Bụt nói tới là xúc thực, tức là những gì ta tiêu thụ bằng năm giác quan còn lại là mắt, tai, mũi, thân và ý. Những gì ta thấy bằng mắt, nghe bằng tai, ngửi bằng mũi, xúc chạm bằng thân và tiếp xúc bằng ý đều là những sản phẩm ta tiêu thụ. Những hình ảnh, âm thanh, hương vị, xúc chạm và ý tưởng mà ta tiếp thu hàng ngày phải có tính cách nuôi dưỡng lành mạnh. Nếu những thức ấy có chứa đựng độc tố như thèm khát, bạo động, kỳ thị, hận thù và tuyệt vọng thì thân tâm ta sẽ bị tàn phá vì chúng. Một khi ta đưa chúng vào thân tâm, chúng trở thành những tùy miên (asrava), nghĩa là những chất liệu độc hại tiềm tàng trong chiều sâu tâm thức. Những tùy miên (tùy là đi theo, miên là ngủ) này thường phát hiện và trở thành nội dung của dòng tâm thức hàng ngày, thúc đẩy hoặc lôi kéo ta đi về những nẻo về độc hại. Ta không làm chủ được ta đó cũng là vì chúng. Truyện Kiều có câu: “Ma đưa lối quỷ dẫn đường lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”, cũng để nói đến chuyện này. Ma quỷ ở đây chính là những khối tùy miên nằm trong chiều sâu tâm thức. Vì thế cho nên ta phải rất cẩn thận: khi xem một cuốn phim, khi đọc một bài báo, khi nghe một bản nhạc, khi tham dự vào một câu chuyện, ta phải tỉnh táo để ý thức được là cuốn phim ấy, bài báo ấy, bản nhạc ấy hay câu chuyện ấy có chứa đựng những độc tố như thèm khát, hận thù, bạo động, kỳ thị hoặc tuyệt vọng hay không. Nếu có thì ta cương quyết không tiêu thụ, vì chúng thuộc về những xúc thực có độc tố. Nếu ta cứ tiêu thụ chúng tức là ta rước độc tố (ma quỷ) vào lòng, và sau này chúng sẽ sai sử ta, sẽ hoành hành trong ta, và làm cho ta mất bình an và hạnh phúc. Năng lượng giúp ta tỉnh táo để biết rõ rằng có độc tố trong những sản phẩm tiêu thụ ấy không chính là chánh niệm.
20. Tại Làng Mai các thầy, các sư cô và các vị cư sĩ đều biết thực tập chánh niệm trong việc tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Không ai lên mạng lưới internet một mình, khi nào lên mạng phải có một người bạn cùng tu ngồi bên cạnh để bảo hộ cho mình. Lên mạng một mình có thể bất thần rơi vào một vùng độc hại: những phim ảnh, sách báo và âm nhạc có độc tố không bao giờ được đưa vào trong khuôn viên của trung tâm thực tập. Nói như thế không phải là tại Làng Mai không có sự tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Những phim ảnh, những sách báo lành mạnh có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu không thiếu. Những sản phẩm văn hóa có tác dụng tưới tẩm và nuôi dưỡng niềm vui, lý tưởng giúp đời xây dựng tình huynh đệ, mở rộng chân trời hiểu biết và thương yêu. Bạn phải có một chính sách tiêu thụ thông minh. Trong phạm vi gia đình hay cọng đồng, bạn phải ngồi lại với những người khác để quyết định về chính sách tiêu thụ, để thực tập giới thứ năm: tiêu thụ trong chánh niệm. Không có sự thực tập này thì công phu thực tập thiền để chuyển hóa phiền não và khổ đau sẽ không thành công, bởi vì trong khi thực tập, chất liệu phiền não và khổ đau vẫn còn tiếp tục đi vào trong tâm thức, cũng như khi bạn đốt lò sưởi để sưởi cho nhà ấm mà cứ mở hết các cửa cho khí lạnh đi vào thì nhà sẽ không bao giờ ấm được cả. Số lượng những người trẻ tự tử hàng ngày vì không có khả năng xử lý được niềm đau do bạo động, hận thù và tuyệt vọng gây nên đang càng ngày càng tăng. Mỗi ngày ở Cọng Hòa Pháp có khoảng 35 người thanh niên thiếu nữ tự tử. Ở Nhật Bản con số đó lớn gấp hai lần. Tại Việt Nam, số người trẻ tự tử hàng ngày là bao nhiêu người, bạn có biết không? Ta phải hành động ngay tức khắc để chận đứng lại tình trạng. Vấn đề tiêu thụ trong chánh niệm không còn là một vấn đề cá nhân nữa mà đã trở thành một vấn đề của quốc gia và xã hội.
21. Loại thực phẩm thứ ba là tư niệm thực, tức là mong ước và hoài bão sâu sắc nhất của mỗi chúng ta. Những ai yêu nước, thương nòi, có chí hướng giúp đời, muốn làm lành mạnh xã hội, muốn chuyển hóa những bất công và nghèo đói trong xã hội, muốn chuyển hóa hận thù, bạo động và đóng góp vào công trình xây dựng một nếp sống xã hội có hiểu biết, có thương yêu và tha thứ… những người ấy đang có một nguồn tư niệm thực lành mạnh và nẻo về của họ là nẻo về của một vị bồ tát. Họ không chạy theo sắc dục, danh vọng, quyền hành và tiền bạc. Họ có một lý tưởng cao đẹp. Ngày xưa Siddhartha cũng có một lý tưởng cao đẹp như thế: tu tập để chuyển hóa khổ đau nội tâm, để đạt tới giải thoát và giác ngộ, để độ đời. Ước muốn ấy là một nguồn tư niệm thực có khả năng nuôi dưỡng một vị bồ tát lớn. Bạn phải ngồi lại và xét xem mong ước và hoài bão sâu sắc nhất của bạn là gì. Nếu đó là ước muốn chạy theo sắc dục, danh vọng, quyền hành và tiền bạc, thì bạn đang có một nguồn tư niệm thực độc hại, nó đang thúc đẩy bạn đi về những nẻo khổ đau. Nhìn cho thất kỹ, ta sẽ thấy có rất nhiều người đã và đang tàn phá thân tâm của họ trên con đường chạy theo dục lạc. Có khi ta bị tư niệm thực của ta đánh lừa: ta đang chạy theo danh vọng, quyền hành, tiền bạc và sắc dục mà ta lại tự bào chửa là ta đang có một lý tưởng cao đẹp. Bạn phải tự hỏi lòng thật kỹ. Nếu có một chí hướng cao đẹp thì dù nếp sống vật chất của bạn có đạm bạc bạn vẫn có hạnh phúc rất lớn. Có những người đầy danh vọng, quyền hành và tiền bạc nhưng họ rất cô đơn và khổ đau, trong nhiều trường hợp họ đã tự kết liễu đời họ. Bạn chỉ cần quán sát cho kỹ là có thể thấy được điều ấy.
22. Bạn đang tranh thủ để giật cho được một mảnh bằng, bởi vì mảnh bằng đó rất cần thiết để cho bạn kiếm được một công ăn việc làm, giúp đỡ gia đình, giúp bố mẹ vượt thoát cơn túng thiếu hiện tại. Có thể bố hoặc mẹ đang bị bệnh, mà không có tiền uống thuốc. Học hành như thế, đi kiếm công ăn việc làm như thế có phải là chạy theo danh vọng và tiền tài hay không? Không! Tình thương đang là động lực thúc đẩy bạn học cho giỏi, làm việc cho siêng năng. Trong cuộc đời, ta phải phấn đấu. Nhưng ta phả i biết được lòng ta, ta phải có một ý niệm thật rõ ràng về hạnh phúc, đừng tin tưởng một cách mù quáng rằng chỉ khi nào có danh vọng, quyền hành, tiền bạc và sắc dục thì ta mới có hạnh phúc. Hạnh phúc chân thực chỉ có mặt khi nào ta có một con đường lý tưởng, khi nào cuộc sống của ta có một ý nghĩa, khi nào ta có khả năng hiểu biết và thương yêu, khi nào ta nhận biết rằng ta có khả năng giúp ngườ i bớt khổ. Sự nghiệp của ta không thể là danh vọng, tiền bạc, quyền thế và sắc dục. Những thứ ấy có khả năng đốt cháy đời ta, và đã đốt cháy không biết bao nhiêu cuộc đời. Đó là lý do đức Thế Tôn dạy ta phải quán chiếu về bản chất của tư niệm thực.
|
No comments:
Post a Comment