Nhạc giáng sinhLê tấn Tài
Trời vào đông, ở các xứ nhiệt đới tiết trời se lạnh, các xứ ôn đới tuyết phủ trắng xóa, lạnh câm. Mùa giáng sinh về len lỏi từ ngõ ngách, từng hơi thở của cuộc sống con người. Đâu đâu dù là có đạo hay không, người ta thường hướng về nhà thờ để nghe tiếng chuông yên bình và những ca khúc rộn ràng ngập tràn màu trắng xóa của tuyết phủ và màu xanh tươi của cây thông. Nhạc giáng sinh vang vọng trong nhũng ngày nầy.
Thể loại nhạc giáng sinh khác với những thể loại âm nhạc khác, có giá trị như một bước nhảy vượt thời gian. Con người có thể đột ngột chuyển vùng sống hiện tại của mình, quay trở lại những kỷ niệm vui buồn đã qua khi nghe thấy những giai điệu này. Không có một liều thuốc an thần nào đủ mạnh để tạo được những cảm giác khi ngày cuối năm đến, tiếng chuông nhà thờ và âm nhạc vang lên: con người trở nên mộng mơ hơn trong thực tại, và thanh bình ập đến trong trái tim mình. Nếu thiền là sự thực hành suy tư sâu sắc trong tĩnh lặng để cho tâm được an tịnh, thì âm nhạc là ngôn ngữ của tâm hồn với sự kết hợp của nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, âm nhạc không đơn giản là một phương tiện giúp con người thư giãn và giải trí, mà còn có tác động rất lớn đến trạng thái tinh thần và sức khoẻ của con người, làm giảm trạng thái lo lắng, trầm cảm, ưu sầu... dẫn con người đến trạng thái an bình. Nhạc giáng sinh êm dịu độc đáo dễ đưa con người vào trạng thái thư giãn hồi sinh và thiền định thật yên bình - một cách dễ dàng và tự nhiên. Trong lời giới thiệu mở đầu cho chương trình nhạc Giáng sinh, Jonathan Henley - người soạn chương trình của đài phát thanh Road Signs (Hoa Kỳ) - nói rằng: “Chào mừng con người đang bước vào khoảng thời gian của lý lẽ không tồn tại. Lúc nầy, chúng ta chỉ cần lắng nghe âm nhạc như để tự nhắc mình là ai, ý nghĩa của cuộc sống này là gì." Sau lời giới thiệu, nhiều thính giả gọi vào gửi tặng nhạc người thân và đài cho biết ngoài những người Thiên Chúa Giáo, còn có người Do Thái Giáo hay Phật Giáo… Đỉnh cao của Giáng Sinh là nơi tập hợp mọi niềm tin tinh thần, là lòng nhân ái và chia sẻ, nên con người không biên giới đã cùng gặp nhau nơi đó. Nhà phê bình âm nhạc Rachel Pomerance Berl, trên tờ Huffington Post đã viết “Những bài hát nào có sức mạnh hơn cả những bài hát?”, câu trả lời nhanh, đó là nhạc Giáng Sinh. Đôi khi người ta không còn lắng nghe âm nhạc trong mùa Giáng Sinh bằng sự thưởng thức thông thường, không còn phân tích tỉ mỉ bài hát, mà chỉ biết tìm những người đồng điệu với mình trong một khoảnh khắc. Âm nhạc như một thông báo về tình thương mà trái tim cần đập chậm lại và thêm những nụ cười. Sức quyến rũ kỳ lạ của nhạc Giáng sinh là vậy. Giáng sinh làm nên niềm vui của những người có đạo, nhưng âm nhạc thì nối dài vòng tay làm nên một mùa Giáng sinh an lành cho cả thế giới. Âm nhạc phá bỏ mọi ranh giới tín ngưỡng, gợi lại những giấc mơ đẹp và sẽ không bao giờ cũ trong trái tim con người. Trong khi những bài hát mới về Giáng Sinh có thể bị lãng quên nhanh, thì ngược lại những bài hát truyền thống luôn được mọi người ưa thích. George Michael, một trong những ca sĩ thời hiện đại, hiếm hoi được ghi nhớ với bài Last Christmas trong danh sách những bài hát cùng vang lên trong mùa Giáng Sinh, đã tóm tắt “Những bài hát vui tươi nhưng thầm lặng nhắc về hạnh phúc đã mất. Và ngay khi bạn từng khổ đau trong quá khứ, thì giờ đây nhớ lại, đó cũng là một cảm giác hạnh phúc của đời người, mà hạnh phúc thì không bao giờ cũ”. Nhạc Giáng sinh đã trở thành âm nhạc của mọi người, không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp hay dân tộc. Vào mùa đông, những giai điệu quen thuộc của “Jingle bells”, của “Silent night” hay “Deck the halls” lại vang lên khắp nơi, từ quán cà phê tới các trung tâm thương mại, khu vui chơi công cộng, trường học và tất nhiên, trong mỗi gia đình. Có lẽ quan trọng nhất là tinh thần của âm nhạc. Đón Giáng sinh trở thành một nét văn hóa toàn cầu bởi tinh thần nhân bản của nó. Không cần phải là một tín đồ Thiên Chúa, chỉ cần những giai điệu Giáng sinh vang lên, chúng ta sẽ nghĩ đến gia đình, người thân, cảm nhận được sự ấm cúng và chia sẻ trong những ngày đông lạnh giá, nghĩ đến sự thần diệu mà ước nguyện của trẻ con sẽ thành sự thật, nghĩ đến hạnh phúc vì chúng ta thấy niềm vui nơi những người khác, nghĩ đến sự ban phát mà không hề nghĩ sẽ nhận lại, nghĩ đến việc loại bỏ những điều vô nghĩa và nhấn mạnh đến những giá trị thật sự và tất cả những ý nghĩ đó là sự bình an. Xin giới thiệu sau đây vài bản nhạc Giáng Sinh phổ thông trên thế giới. Silent Night (Lời Anh) Douce Nuit - Sainte Nuit (Lời Pháp) Đêm Thánh Vô Cùng (Lời Việt) https://youtu.be/Ijmr9X1gf7c "Silent Night" ban đầu được biết đến với cái tên” Still Nacht! Heilige Nacht” (đêm yên lặng, đêm thánh), vốn là một bài thơ do cha Josephi Mohr, linh mục phụ tá nhà thờ Thánh Nicolas (Áo) sáng tác. Bài thơ được phổ nhạc bởi Franz Gruber, là giáo viên trường làng. Ca khúc này ra đời trước Giáng Sinh chỉ vài tiếng sau đó được hát vang tại nhà thờ cùng với tiếng đệm của đàn guitar. Về sau, ca khúc Still Nacht! Heilige Nacht được viết lại bằng tiếng Anh và chuyển sang tên Silent Night và trở thành ca khúc bất hủ, thường được hát vào những đêm Giáng Sinh. Hiện tại Silent Night đã được dịch ra hơn 300 thứ tiếng và phổ biến ở nhiều nước. Tại Việt Nam Silent Night có tên là Đêm Thánh Vô Cùng được Việt hóa bởi nhạc sỹ Hùng Lân. Vive Le Vent (Lời Pháp) "Jingle Bells" là ca khúc "huyền thoại" của mùa Noel bởi bài hát này luôn được bật lên vào mỗi dịp Giáng Sinh. Mỗi mùa Giáng sinh về, Jingle Bells lại được ngân vang trên khắp các con phố và khiến không ít người nghe vô thức phải lẩm nhẩm theo: “Jingle bells, jingle bells, jingle all the way…”. James S. Pierpont không chỉ tạo nên một bài hát Giáng sinh đơn thuần, mà còn làm nên cả một biểu tượng văn hóa vĩ đại trong đời sống tinh thần hàng triệu người trên thế giới vào mỗi dịp lễ hội cuối năm. Không có rào cản nào về không gian, thời gian, ngôn ngữ, Jingle Bells đơn giản là một món quà mà bất kỳ ai cũng có quyền được nhận vào đêm Giáng sinh. “Deck the Halls” là một bài hát Giáng Sinh và Năm Mới truyền thống của dân Welsh, ở vùng Wales, thuộc Anh. Điệp khúc fa-la-la có lẽ vào thời nguyên thủy là nhạc mở đầu của đàn harp, có từ một bản nhạc luân vũ thời trung cổ và dùng trong bài Nos Galan. Các phần còn lại của lời nhạc do người Mỹ sáng tác khoảng đầu thế kỷ 19. https://youtu.be/xkmmNiqZ0Ck |
Friday, December 2, 2016
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment