Sunday, December 25, 2016

Bịnh Khủng Hoảng Tinh Thần Sau Một Biến Cố (PTSD)

Bác sĩ Thái Minh Trung


Định nghĩa

PTSD viết nguyên ra là "Post Traumatic Stress Disorder". Đây là một hội chứng (syndrome) tâm lý khi con người trải qua một biến cố hãi hùng có gắn liền với những đe dọa đến tính mạng. Bịnh này cũng có thể xảy ra khi người ta chứng kiến (gián tiếp) một cảnh hãi hùng.

Hội chứng này được biết đến vào thế chiến thứ I qua tên “shell shock”. Những người lính ra trận thấy chết chóc, thân thể các chiến binh bị thương, tay chân bị cắt đứt, máu me lai láng, cảnh tượng rất hãi hùng. Họ có cái may được sống sót nhưng tâm hồn trở nên lơ lơ lửng lửng, từ đó mà bệnh có tên “shell shock” (cú sốc do đạn trái phá).

Hội chứng này được khoa Tâm thần (psychiatry) hiện đại chia làm 3 nhóm triệu chứng tâm lý chính là: cảm nhận trở lại (reexperience), trốn tránh (avoidance) và nhậy cảm quá độ (increased arousal). Sự hiện diện của 3 nhóm triệu chứng này sau một biến cố là kim chỉ nam của bịnh PTSD .

Cảm nhận lại gồm có: ám ảnh (flashback), nhiều giấc mơ hãi hùng nhắc lại biến cố trải qua, suy nghĩ thật nhiều ngày đêm về biến cố, có cảm giác như biến cố đó lập lại ngay trong hiện tại, suy tầm tài liệu liên quan đến biến cố, phản ứng sinh lý và tâm lý y như lúc biến cố đang xảy ra khi gặp vài nguyên nhân nhắc đến biến cố. Triệu chứng nặng là nghe tiếng nói trong đầu, nghe tiếng ai đó gọi tên mình mà không có ai bên cạnh (auditory hallucination, ảo thính). Nhiều người thấy cái bóng đi qua hay cảm tưởng có ai đứng sau lưng mình (visual hallucination, ảo thị).

Trốn tránh gồm có: cố gắng không suy nghĩ hay đề cập những vấn đề liên quan đến biến cố, tránh xa những nơi có người và cảnh vật nhắc lại biến cố, cảm thấy tình cảm chai đá không hồn nhiên như trước nữa. Còn có nhiều dấu hiệu của những triệu chứng của trầm cảm/depression (không giao thiệp bạn bè, chán ngán, mất sự thích thú trong cuộc sống, mất ăn, mất ngủ, bực bội với người thân trong gia đình, không muốn gần gũi ai).

Nhậy cảm quá độ gồm có: mất ngủ hay ngủ không yên giấc vì ác mộng làm thức giấc giữa đêm, hay giật mình với tiếng động nhỏ, lúc nào cũng có cảm giác đề phòng, hay giận dữ đối với những chuyện không đáng giận, tình cảm khó kềm chế, hay gây gổ. Triệu chứng nặng thì trí nhớ suy sụp, không chú tâm được, mặt mày bơ phờ. Vì hệ thống thần kinh quá nhậy nên những bịnh nhân này hay có những triệu chứng đau nhức thường xuyên. Nhiều bịnh nhân có “cái đau du kích” hôm nay hiện nơi này, ngày mai hiện nơi kia mà khi thử nghiệm đều không có kết quả gì hết. Nhiều bác sĩ không hiểu rõ PTSD nghĩ rằng bịnh nhân đau giả bộ.

Một trường hợp PTSD

Ông A là một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa có vợ, chưa có con. Khi miền nam bị mất, ông bị bắt vào tù “cải tạo” gần 6 năm. Khi trình diện với cán bộ cộng sản thì ông được cho biết là chỉ đi “học tập” trong thời gian ngắn mà thôi. Trong tù ông chứng kiến một người bạn thân bị đánh tới chết khi người này tìm cách trốn tù mà không làm gì được để giúp bạn ông. Vợ ông thăm viếng vài năm đầu nhưng sau đó biệt tâm. Khi ra tù ông mới biết là vì hoàn cảnh sống mà vợ ông đã lấy một cán bộ cộng sản. Ông không có nhà phải ở tạm với người cháu và sau đó được Mỹ nhận trong chương trình H.O..

Khi qua Mỹ ông A cố gắng tìm việc làm nhưng bị mất việc nhiều lần vì sơ sót trong việc làm. Ông không tập trung được trong việc làm vì mất ngủ kinh niên. Tối đến là lúc những suy nghĩ tức giận, tủi nhục đến rỉa tâm hồn nhức nhối của ông như bầy muỗi đói. Bên Mỹ, ông hay lủi thủi một mình và xa lánh những đoàn thể vì nó chỉ nhắc lại những kỷ niệm đau buồn. Ông tủi thân vì không có vợ bên mình (phải nói sao với bạn bè?) và tủi nhục vì không cứu được người chiến hữu của ông bị Việt cộng đánh chết, người chiến hữu đã từng chia sẻ cay đắng ngọt bùi với ông trong chiến trận. Cái cảnh anh ta chết tức tưởi trên vũng máu và tiếng bá súng nện vào người anh ta cứ trở lại ám ảnh ông những đêm không ngủ được.

Từ ngày mất việc lần thứ 3 này, ông cảm thấy chán chường và muốn quên đời trong rượu chè và khói thuốc. Những cơn nhức đầu như búa bổ xảy ra thường xuyên hơn. Những vết thương bị đạn thời chiến hình như sống dậy và làm cơ thể ông đau nhức khó chịu. Ông đến bác sĩ gia đình trị bịnh đau nhức. Ông được cho biết là bị cao áp huyết (hypertension). Bác sĩ cho ông thuốc nhức đầu và cao áp huyết. Những cơn đau nhức không bớt một cách đáng kể mặc dù thử nghiệm không có dấu hiệu bịnh gì. Áp suất máu không giảm như ý muốn bác sĩ. Bác sĩ gia đình cho đủ thuốc ngủ mà giấc ngủ vẫn không đến.

Khi ông tỏ ý chán chường đến “không muốn sống”, bác sĩ gia đình giới thiệu ông đến chuyên khoa tâm thần.

PTSD và văn hóa Đông phương

Người Á châu rất sợ bịnh “điên” nên khi đi khám bác sĩ ít khi khai hết những triệu chứng tâm lý. Có thể nói đến hơn 90% những người bịnh tâm thần Á châu lần đầu tiên đi khám bác sĩ không khai triệu chứng tâm thần.

Dân Á châu rất sợ “mất mặt” nên không dám khai triệu chứng bịnh tâm thần. Một số bịnh tâm thần được đem ra ánh sáng là do người thân không chịu nổi nữa dẫn bịnh nhận đi khám hay buộc bịnh nhân phải đi khám. Ít có ai tự động đến khám bác sĩ khi bắt đầu có những triệu chứng tâm thần.

Những triệu chứng này lúc mới nảy sanh chỉ ảnh hưởng qua thái độ bịnh nhân (bực bội, buồn chán, ...). Khi để lâu vài năm sẽ nặng hơn và lan ra hành động bất thường không kềm chế được (đập phá đồ đạc hay đánh đập vợ con).

Những triệu chứng bác sĩ gia đình thường nghe nhứt ở những người bịnh tâm thần Á châu là: mất ngủ kinh niên, nhức đầu kinh niên, đau nhức “du kích” như kể trên. Họ còn than phiền “hay quên” trong lúc tuổi đời còn tương đối trẻ. Bác sĩ gia đình tốn rất nhiều công sức tìm tòi những bịnh từ đa dạng đến hiếm, cho thử nghiệm đủ cách nhưng đa số thử nhiệm không có kết quả đáng kể. Khi được bác sĩ đề nghị họ tham khảo chuyên viên tâm thần đôi khi họ còn giận bác sĩ họ và giẫy nẩy “tôi đâu có điên đâu mà bác sĩ kêu tôi đi khám bác sĩ tâm thần”.

Những bịnh nhân này thường rất nhậy cảm với phản ứng phụ của thuốc vì hệ thống thần kinh họ bị căng thẳng. Một chút khó chịu trong cơ thể được nhân lên gấp bội. Vì thế, họ ít khi uống thuốc đều hay tự ý giảm liều thuốc bác sĩ cho nhưng không dám nói bác sĩ biết. Vì thế mà hiệu quả (outcome) trị liệu rất thấp nếu bác sĩ không đề cập đến triệu chứng tâm lý.

Một phần nữa là gia đình bịnh nhân theo văn hóa Đông phương không chấp nhận trị liệu bằng thuốc Tây một cách lâu dài. Đa số bịnh tâm thần khi được phát hiện đã trở thành bịnh kinh niên cần trị liệu lâu dài. Khi nghe bịnh nhân than bị phản ứng phụ thì gia đình khuyên nên ngừng thuốc Tây lại và nên trị bằng dược thảo. Hiện nay chưa có loại dược thảo nào trị được các bịnh tâm thần loại nặng một cách hữu hiệu.

PTSD và phân tâm học

Những người chứng kiến những hoàn cảnh khủng bố mà họ không làm gì được thường có hội chứng PTSD không ít thì nhiều. Không phải chỉ có chiến tranh mới gây ra PTSD mà những phụ nữ bị hãm hiếp, những công nhân bị ức hiếp trong sở lâu ngày cũng bị bịnh này nữa.

Đa số thuyền nhân Việt Nam đều có ít nhiều triệu chứng PTSD . Có người bị bịnh dạng nhẹ vẫn làm việc được. Tuy nhiên hệ thống thần kinh của họ nhậy cảm và họ dễ bị buồn phiền trong sở làm hay chuyện gia đình con cái. Họ có thể chịu đựng một thời gian đến khi có một biến cố thứ nhì xảy ra như mất việc, người thân bịnh nặng hay bị tai nạn thì những hội chứng PTSD xảy ra mãnh liệt. Bác sĩ tâm thần ngoại quốc không hiểu rõ hoàn cảnh bịnh nhân, dễ chẩn bịnh lầm hoặc cho rằng người bịnh phản ứng quá đáng hay giả bộ bịnh để được quyền lợi này nọ (secondary gain).

Người bịnh PTSD rất dễ giận dữ nên gia đình và bạn bè hay xa lánh. Nỗi căm hận chất chứa trong lòng lâu ngày tạo căng thẳng tinh thần. Khó có gì làm họ vui được. Họ có những suy nghĩ thường gắn liền với biến cố đã qua. Họ muốn diệt trừ kẻ gây ra khủng hoảng cho họ trong quá khứ, nhưng lúc đó họ không làm gì được nên nỗi bực tức lan tràn ra mọi người bây giờ. Bịnh nhân dễ bị nghiện thuốc lá và rượu vì dùng những chất đó tạo các sảng khoái tâm lý nhứt thời, nhưng dùng dài hạn những chất trên lại tạo ra bịnh nghiện và nhiều bịnh thể xác sau đó.

Người bịnh PTSD hay bị tủi nhục (shame). Sách phân tâm học ngoại quốc thường dùng chữ “guilt” và “shame” lẫn lộn. “Guilt” là cảm giác tội lỗi khi người đó làm việc gì sai trái, ngược lại “shame” là cảm giác tủi nhục khi người đó muốn làm việc theo lương tâm họ mà hoàn cảnh không cho làm vậy được. Thí dụ như người sĩ quan trong câu chuyện kể trên muốn ra tay cứu người bạn thân, chiến hữu của ông, khi chứng kiến cảnh những bá súng của cán bộ cộng sản nện lên đầu người đó, nhưng vì sự sống còn của mình nên không làm gì được. Ngoài ra ông bị tủi nhục vì xã hội cộng sản không cho ông chỗ đứng để có một nghề làm ra tiền khi xuất trại. Ông còn bị tủi nhục khi thất thế bị vợ bỏ. Khi qua Mỹ ông bị tủi nhục vì bị đuổi việc nhiều lần, đầu óc hay quên không học được tiếng Mỹ để hòa đồng và thành công trong xã hội, như bạn bè ông sang đây trước qua cuộc di tản 1975.

Những tình cảm “xấu” như giận dữ, tủi phận, tủi nhục, nghiện rượu thật khó mà khai với bác sĩ. Vì thế mà những bịnh nhân này đành âm thầm nuốt lấy những nỗi khổ cho qua ngày tháng. Nếu họ có khai với bác sĩ thì chỉ khai những triệu chứng thông thường như mất ngủ, hay quên, đau nhức, ...

Nguyên nhân thần kinh của bịnh PTSD

Khi bị căng thẳng ngắn hạn, cơ thể ta tiết ra chất Norepinephrine (NE). Chất này là chất hưng phấn nhiều hệ thống trong cơ thể. Ở hệ thống tuần hoàn nó làm áp suất tăng, tim đập nhanh hơn, ở hệ thống hô hấp nó làm tăng hơi thở, ở da thì làm mấy mạch máu nhỏ co lại tạo cảm giác lạnh tay chân hay cảm giác tê. Khi không đủ máu tới các bắp thịt thời gian lâu sẽ bị đau nhức hay có cảm giác mỏi. Ở hệ thống tiêu hóa làm cho ta biếng ăn. Hệ thống thần kinh kích thích nhiều làm mất ngủ. Những thay đổi trên giúp ta chiến đấu với hoàn cảnh nguy hiểm.

Khi NE bài tiết nhiều thì nó có thể làm giảm lượng Serotonin (5HT). Serotonin là một chất tiết ra trong não bộ làm cho cường độ những phản ứng tình cảm bớt lại. Khi thiếu 5HT thì những tình cảm như giận, lo âu sẽ diễn ra rất mạnh và rất khó kềm chế.

Khi căng thẳng quá độ lâu ngày, hệ thống kích thích tố (hormone) sẽ bị thay đổi. Lượng cortisol sẽ tăng lên trong máu. Cortisol có công dụng làm giảm viêm (inflammation). Tuy nhiên nếu cortisol tiết ra nhiều quá thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ. Nó có thể làm tổn thương các tế bào ở não bộ. Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng nhóm tế bào hippocampus bị thoái hóa và khi chụp MRI thấy bị nhỏ hơn bình thường. Nhóm tế bào này ảnh hưởng trí nhớ. Nhóm tế bào này cũng bị thoái hóa ở chứng bịnh lẫn Alzheimer. Hippocampus giúp trí nhớ ngắn hạn (short term memory). Hippocampus bị tổn thương gây ra hiện tượng mau quên.

Cortisol còn ảnh hưởng đến những triệu chứng tâm thần. Những người bịnh chai gan trị bằng cortisol hay bị trầm cảm, tình cảm lên xuống bất thường và trong trường hợp nặng bị mất khả năng nhận ra thực tế (psychosis), như có ảo thính (auditory hallucination) hoặc ảo thị (visual hallucination). Những hiện tượng tâm thần do cortisol mất điều hòa có nhiều trùng hợp với những triệu chứng của PTSD .

Như thế cái tên gọi “bịnh tâm thần” là một sai lầm làm cho bịnh nhân tưởng như những triệu chứng họ có không có nguồn gốc vật chất. Đúng ra, đa số những bịnh tâm thần là những bịnh của não bộ. Não bộ có những vùng ảnh hưởng đến cơ thể như vùng cơ động (motor area) và vùng giác quan (sensory area) cũng như có những vùng ảnh hưởng đến tánh tình và hành động. Khi những vùng ảnh hưởng đến tánh tình bị bất ổn thì gây ra triệu chứng tâm thần.

Cách trị bịnh

Như đã phân tích ở trên, bịnh PTSD có ảnh hưởng rất sâu rộng từ sinh lý não bộ, đến tâm lý và cuộc sống gia đình và xã hội. Muốn trị bịnh hữu hiệu ta phải áp dụng nhiều hơn một cách trị liệu, gồm thuốc men, tâm lý trị liệu (psychotherapy), gia đình trị liệu (family therapy), và ngay cả áp dụng tôn giáo trong cách trị liệu.

Về thuốc thì có nhóm thuốc SSRI (Selective Serotonin Reuptake Inhibitor) được cơ quan dược phẩm công nhận để trị bịnh này. Chất thuốc này dùng để tăng lượng Serotonin (5HT). Khi 5HT tăng thì cường độ các triệu chứng tâm thần được giảm bớt. Tuy nhiên nếu bịnh hiện diện lâu ngày ảnh hưởng qua hệ thống cortisol thì trị liệu bớt hữu hiệu. Nhiều khi cần phải dùng nhiều loại thuốc phối hợp mới có kết quả.

Môn tâm lý trị liệu đang phổ biến bây giờ là Cognitive Behavioral Therapy (CBT): bịnh nhân tập nhận ra những tư tưởng bi quan và tập suy nghĩ sao cho thích hợp hơn với hoàn cảnh. Khi có những xung đột gia đình thì cần phải có gia đình trị liệu để hàn gắn lại những mâu thuẫn vợ chồng, con cái. Gia đình trị liệu giúp những thành viên trong gia đình thông cảm lẫn nhau và đối thoại một cách hiệu quả.

Tôn giáo cũng đóng một phần không kém quan trọng trọng việc trị liệu. Tôn giáo tạo một đoàn thể hỗ trợ tinh thần bịnh nhân. Khác với xã hội, tôn giáo chấp nhận con người không kể sự thành công hay vị trí xã hội của người đó, như thế một phần nào xoa dịu được nỗi khổ của sự tủi nhục. Tôn giáo giúp người bịnh PTSD từ bỏ quá khứ và cấy niềm hy vọng tương lai trong tâm hồn họ. Các tôn giáo đều có những phương pháp chống lo âu (anti anxiety). Thiền của Phật giáo bắt đầu được áp dụng trong cách trị liệu y khoa với cái tên là Mindful therapy. Ngoài ra cầu nguyện Chúa, lần chuỗi, niệm Phật, ... cũng có những hiệu nghiệm không kém, tùy theo sở thích và tôn giáo của người bịnh.

No comments:

Post a Comment