Người Việt hải ngoại và bệnh tiểu đường
Bs Thú y Nguyễn Thượng Chánh
& Ds Nguyễn Ngọc Lan
Bệnh tiểu đường type II rất phổ biến đối với các sắc dân gốc Á Châu và Thái bình Dương.
Một số không ít đồng hương Việt Nam lớn tuổi sống tại hải ngoại cũng thường hay bị vướng căn bệnh này.
* * *
Theo tài liệu:
Vietnamese diabetic patients and their physicians-What ethnography can teach us
Dorothy S Mull, Clinical associate professor of family medicine, Nghia Nguyen, 3rd-year medical student, and J Dennis Mull, Professor of clinical family medicine
Tháng 7 năm 2000, Bác sĩ Dorothy S Mull, Keck School of Medicine Univ of Southern California/Los Angeles, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu thăm dò về những suy tư, những hiểu biết và những cách chữa trị bệnh tiểu đường ở một nhóm gồm 40 bệnh nhân người Việt sinh sống tại Nam Cali, trong đó có 11 nữ và 29 nam, ở trong độ tuổi từ 39 đến 77.
Tất cả đều mắc phải bệnh tiểu đường type II và họ đã nhập cư tại Hoa Kỳ từ 3 đến 26 năm.
Cuộc nghiên cứu thăm dò nói trên được thực hiện phần lớn với 36 bệnh nhân tại một phòng mạch của người Việt thuộc Quận Cam, 2 bệnh nhân tại một bệnh viện, và 2 bệnh nhân khác tại nhà riêng của họ.
Nhóm của Bác sĩ Dorothy S Mull cũng phỏng vấn thêm một số người khác gồm 5 bác sĩ, 2 y tá và 1 thầy thuốc thiên nhiên (herbalist), tất cả đều là người Việt Nam…
Thầy thuốc thiên nhiên thì tỏ ra rất dè dặt và kín miệng. Thầy cho biết các thuốc bán để trị tiểu đường là thuốc nhập từ Trung Quốc. Thầy không cho biết tên thuốc là gì, nhưng chỉ nói các món thuốc đó có công dụng làm cho mát cơ thể mà thôi.
Phúc trình của Bác sĩ Dorothy S Mull có đưa ra nhận xét là sự hiểu biết tối thiểu về triệu chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như sự khát nước (thirst) còn rất yếu kém ở phần đông các bệnh nhân được phỏng vấn.
Nói chung, kiến thức về nguyên nhân và lối chữa trị thường bị uốn nắn và chịu ảnh hưởng theo khuôn mẫu của nền văn hóa Việt Nam (culturally shaped).
Bệnh nhân thường hay ngưng uống thuốc Tây khi dùng thuốc thiên nhiên…
1/4 số bệnh nhân đã tự động giảm liều thuốc trị tiểu đường của mình mỗi khi cảm thấy cơ thể mất quân bình (out of balance) chẳng hạn như khi bị khó chịu hay chóng mặt…
Số bệnh nhân còn lại thì 2/3 đã sử dụng thuốc nam và thuốc thiên nhiên để chữa bệnh tiểu đường của họ.
Trước đó, cũng có một cuộc thăm dò khác bằng điện thoại, được thực hiện với một nhóm 426 người Việt sinh sống tại Houston,Texas.
Kết quả cho biết có đến 60% bệnh nhân không thể xác định được một dấu hiệu nào của bệnh tiểu đường cả.
Một bác sĩ người Việt (primary care) ở San Jose, Bắc Cali đã cho biết hết nửa số bệnh nhân Việt Nam của ông ta đều mắc bệnh tiểu đường.
Một chế độ dinh dưỡng quá cao nhiệt năng (higher calorie diet), hay nói theo kiểu người mình là bơ sữa hơi nhiều, cộng với lối sống quá nhàn rỗi hoặc ít chịu vận động (more sedentary lifestyle), thì sẽ dẫn đến tình trạng béo phì (obesity)… Và đây cũng chính là yếu tố nguy cơ (risk factor) đưa đến tình trạng bệnh tiểu đường của người Việt Nam tại Hoa Kỳ!
Tóm lược các câu trả lời liên quan đến bệnh tiểu đường của nhóm đồng hương nói trên
Chúng ta không đánh giá các hiểu biết của họ là đúng hay sai về mặt khoa học, nhưng chỉ xem đó là một phản ảnh chân thật về những suy nghĩ và cách hành sự của một nhóm nhỏ đồng hương khi họ chẳng may mắc phải căn bệnh quá… ngọt ngào này.
+ Các bệnh nhân nói gì về nguyên nhân của bệnh tiểu đường?
Các câu trả lời đại khái được ghi nhận như sau:
– bị căng thẳng tinh thần quá (stress), do một biến cố quan trọng nào đó xảy ra trong gia đình, thí dụ như tang chế, thay đổi đột ngột cuộc sống trong môi trường mới hay trên quê hương mới, kéo theo sự lo lắng cho tương lai sự nghiệp, cho cuộc sống vợ chồng con cái, vân vân;
– bị bệnh tiểu đường không bao lâu sau khi có người em chết vì một bệnh ung thư;
– bị dính bệnh tiểu đường chỉ ít ngày sau khi bị mất công ăn việc làm (lay off);
– không bao giờ có tiểu đường, nhưng khi mức đường của họ lên đến 550 (?) thì bác sĩ bắt họ phải chích insulin ngay lập tức;
– bệnh thường xảy ra cho những người vừa mới định cư, ít thấy xảy ra khi họ còn ở bên nhà;
– sống bên Mỹ dễ mắc bệnh tiểu đường vì bị… hỏa vọng vì người ta ít đổ mồ hôi hơn sống bên Việt Nam. Chính nhờ sự đổ mồ hôi mà chất độc cùng sức nóng được đem ra khỏi người, nhờ vậy tránh làm tổn hại đến các bộ phận sung yếu. Bởi lý do này cho nên người mình dễ bị bệnh tiểu đường rất nhiều ở Mỹ (?).
+ Họ làm gì khi bị biết mình bị bệnh tiểu đường?
– khi biết mình bị tiểu đường, họ bắt đầu đi tìm thuốc thiên nhiên, thuốc Vườn, thuốc Nam, thuốc Bắc để uống vì họ nghĩ rằng các loại thuốc này an toàn hơn thuốc Tây do bác sĩ kê toa!
– theo họ thì thuốc thiên nhiên và thuốc Bắc có tính mát, không có phản ứng phụ (side effects) và giúp các chức năng của cơ thể được quân bình, sức khỏe mau phục hồi trở lại. Họ nghĩ rằng thiên nhiên là vô hại. Thuốc lá cây mua tại tiệm thuốc thiên nhiên là thuốc nhập từ Trung Quốc. Người bán không nói tên thuốc là gì, nhưng biểu về nấu với 3 tách nước còn lại 1 tách thì uống. Giá mua khá đắt lối 35$-70$ cho một tuần trị liệu!
– thuốc Tây thì chứa rất nhiều hóa chất mạnh, nóng và có nhiều phản ứng phụ không tốt. Nếu càng sử dụng liều cao thì phản ứng phụ càng dễ xảy ra!
– thuốc Vườn do bạn bè chỉ, người quen mách bảo, thấy quảng cáo hoặc nghe đồn từ người này người nọ, vân vân.
Trong nhóm này, có ba món có tính hạ đường huyết thường hay được sử dụng nhiều nhất: trà khổ qua (momordica charantia) nấu hoặc xay sinh tố; trà lá ổi phơi khô (psidium guayava); mủ cây chuối hột (banana tree sap musa velutina)…
Nếu sau một thời gian mà bệnh trạng không thuyên giảm, thì họ mới chịu nghĩ đến việc đi khám bác sĩ Việt để được kê toa thuốc Tây… Họ thường chuộng các bác sĩ Việt Nam gần nơi họ trú ngụ và phải là bác sĩ đã tốt nghiệp bên nhà trước 75, vì họ nghĩ rằng những bác sĩ này hiểu rõ hoàn cảnh và dễ cảm thông với bệnh nhân hơn là những lớp bác sĩ trẻ sau này được đào tạo tại Hoa Kỳ… Vấn đề ngôn ngữ cũng là một lý do chính để họ tìm đến bác sĩ đồng hương. Tuy vậy, họ cho biết ít khi có thể hỏi bác sĩ một cách tường tận được. Bác sĩ có vẻ hình như… gấp gáp lắm, vì còn phải lo khám các bệnh nhân khác đang ngồi chờ bên ngoài. Mấy ông đốc tờ ít khi nào có đủ thời giờ để cắt nghĩa, và cho conseil cặn kẽ để bệnh nhân hiểu rõ thêm về bệnh tiểu đường!
– có trường hợp một phụ nữ lớn tuổi bị bệnh tiểu đường, nhưng vẫn thờ ơ ở nhà tự trị lấy bằng các loại trà và thuốc thiên nhiên trị tiểu đường như bà đã thấy quảng cáo trong báo… Bà ta trả lời rằng tuy biết mình bị bệnh, nhưng không muốn làm phiền hà nhờ cậy con cháu nên cứ tiếp tục uống trà và đồng thời cầu nguyện Trời Phật cho mau hết bệnh!
+ Thái độ của bệnh nhân khi bác sĩ bảo họ cần phải chích insulin
– thối thác mạnh mẽ từ phía bệnh nhân lớn tuổi, khi bác sĩ bảo họ cần phải chích insulin vì thuốc uống cho thấy không còn hiệu quả để làm giảm đường huyết nữa;
– tâm lý chung của bệnh nhân Việt Nam là họ rất sợ vấn đề này (chích insulin) vì nghĩ rằng, hễ chích insulin có nghĩa là bệnh của họ đang trong giai đoạn mãn tính hay đã quá nặng hoặc họ sắp chết đến nơi rồi (?)
– có người sợ đau vì kim chích hay sẽ bị mù mắt sau đó nếu chích insulin. Đối với họ, insulin là loại thuốc nóng, sẽ làm cơ thể mất quân bình và gây ra mù lòa;
– chích insulin rồi là phải chích suốt đời và liều lượng cứ phải tăng lên mãi;
– chỉ chích insulin khi đường huyết lên rất cao như 300mg/dL hay 16,6mmol/L mà thôi.
Dược sĩ làm việc tại dược phòng cho biết là hằng tháng có lối 30% bệnh nhân tiểu đường đã đem trả lại phân nửa số insulin không được sử dụng.
+ Thái độ của họ về vấn đề ăn uống
– cắt giảm số lượng đường đang sử dụng, nhưng than ôi họ nói sao khó quá vì mình thường có thói quen uống cà phê thật là ngọt;
– đa số đều tránh sự tiêu thụ thái quá đường và chất béo;
– có bệnh nhân cho rằng, những vấn đề kể trên đều do thói quen ăn uống của người mình như thường thích xài quá nhiều sữa đặc có đường, như sữa ông thọ chẳng hạn để pha vào cà phê, và mỗi khi đi tiệc cưới là dịp họ ăn bánh ngọt thả giàn… gỡ gạc lại vốn chút đỉnh (?)
– chuyển qua việc ăn gạo Ấn Độ vì nghe đâu loại gạo này chứa ít tinh bột. Họ cũng cho biết là tại Mỹ người mình ăn gạo này thường hơn lúc họ còn ở bên nhà;
– bớt ăn cơm, thay vì 2 chén thì nay chỉ ăn một chén cho mỗi bữa cơm mà thôi;
– có người thay thế cơm bằng bún hay phở (rice noodle) vì nghĩ rằng bún hay phở có chứa nhiều nước và ít tinh bột…
Kết luận
Chúng ta cũng thường hay nghe những điều tương tự từ phía bạn bè và bà con bị bệnh tiểu đường hiện sống tại Canada.
Họ cho biết lúc đầu cũng sử dụng thuốc thiên nhiên nhưng chỉ thấy… đỡ đỡ vậy thôi chớ không khá hơn được.
Cuối cùng rồi cũng vẫn phải đi bác sĩ và uống thuốc Tây cho đến ngày nay.
Nhiều khách hàng Tây và Việt, là những bệnh nhân tiểu đường vẫn lấy thuốc tại dược phòng từ 15-20 năm nay và vẫn còn sống phây phây ra đó.
Về vấn đề sử dụng thuốc thiên nhiên, không phải chỉ riêng người Việt Nam mình thôi, mà có cả trên 70% dân Ca-na-điên đã bắt đầu xài thuốc thiên nhiên nhằm vào một mục đích cá nhân nào đó.
Qua một cuộc điều tra thăm dò trên 502 người bị tiểu đường tại Canada, thì hết 2/3 số bệnh nhân nói trên cũng đã từng sử dụng một loại thuốc thiên nhiên với hy vọng có thể kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.
Ngày nay, bệnh tiểu đường thường được thiên hạ bàn đến nhiều nhất.
Theo một số thầy thuốc thiên nhiên và Đông y, thì họ quả quyết rằng bệnh tiểu đường type II có thể trị dứt được. Nhưng nếu đúng như vậy, thì chúng ta tự hỏi tại sao số người bị bệnh tiểu đường tại Trung Quốc và tại Việt Nam, là những quốc gia rất mạnh về thuốc Bắc và thuốc thiên nhiên, không có giảm đi chút nào hết, mà ngược lại càng ngày càng có khuynh hướng gia tăng thêm lên mãi vậy?
“Một báo cáo về tình hình bệnh đái tháo đường loại II (ĐTĐ) hiện nay ở châu Á được phổ biến trên tạp chí JAMA, số 20 ra ngày 27/5/2009, cho thấy ĐTĐ đang có khuynh hướng tăng cao.
Kết quả nghiên cứu cho biết trong vòng 3 thập kỷ qua, ĐTĐ đã tăng lên gấp bội ở châu Á, nhất là ở khu vực thành thị. So với tốc độ phát triển bệnh tương ứng với những thay đổi về điều kiện kinh tế và lối sống, trong khi châu Âu cần trải qua 200 năm thì châu Á chỉ có 50 năm. Phần đông người bệnh có vòng bụng to và tỷ lệ mỡ cao dù chỉ số khối thân thể BMI thấp hơn so với người châu Âu. Trong khi ĐTĐ xảy ra ở những người từ 60 đến 79 tuổi ở phương Tây thì ở châu Á bệnh phát triển ở độ tuổi từ 20 đến 59 và đang có khuynh hướng trẻ hóa.
Nhóm tác giả nghiên cứu, J.C.N. Chan và các cộng sự, đặc biệt nhấn mạnh không chỉ tỷ lệ người bệnh cao mà tỷ lệ người ĐTĐ nhưng không được chẩn đoán và điều trị cũng tăng cao. Báo cáo cho biết có đến 2/3 người ĐTĐ ở Trung Quốc và 1/2 người ĐTĐ ở Hong Kong và Đài Loan không được chẩn đoán. Theo thống kê năm 2007, Ấn Độ có tỷ lệ người ĐTĐ cao nhất, kế đến là Trung Quốc. Việt Nam không phải là quốc gia có tỷ lệ ĐTĐ lớn nhất thế giới nhưng bệnh ĐTĐ ở Việt Nam phát triển nhanh nhất thế giới”.
(Ngưng trích Lương y VÕ HÀ – Bệnh đái tháo đường loại II đang phát triển nhanh ở châu Á –Ykhoa.net).
JAMA. 2009 May 27 – Diabetes in Asia: epidemiology, risk factors, and pathophysiology.
Chan JC, Malik V, Jia W, Kadowaki T, Yajnik CS, Yoon KH, Hu FB
Tây y khẳng định bệnh tiểu đường không thể chữa khỏi được.
Cho đến hôm nay thì phíaTây y vẫn khẳng định bệnh tiểu đường không thể nào trị dứt được.
Bệnh chỉ có thể được kiểm soát (control) nghĩa là giữ đường huyết ở một mức có thể chấp nhận được mà thôi, bằng cách là phải theo đuổi một nếp sống lành mạnh như: ăn kiêng + vận động để giảm cân, tập thể dục thể thao + bỏ thuốc lá + uống thuốc Tây hạ đường huyết đều đặn mỗi ngày hay chích insulin suốt đời.
Hy vọng trong vòng 10 năm nữa, khi kỹ thuật trị liệu bệnh tiểu đường bằng tế bào gốc (stem cell) được nghiên cứu hoàn chỉnh hơn, thì lúc đó chúng ta mới biết là bệnh tiểu đường có thể trị dứt được hay không mà thôi.
Còn bây giờ thì bạn hãy cứ quẳng gánh lo đi và vui sống, “don’t worry, be happy”…
Đừng bận tâm làm chi với bệnh tiểu đường hay đái đường, miễn là xin bạn nhớ đo đường huyết và uống thuốc Tây đều đặn mỗi ngày, cũng như ăn uống cẩn thận với năng tập thể dục thể thao vậy thôi, nhé.
Bs Thú y Nguyễn Thượng Chánh
& Ds Nguyễn Ngọc Lan
No comments:
Post a Comment