CÔ BÉ BÁN DIÊM Hans Christian Andersen
Lời nói đầu Ai trong chúng ta lại chẳng từng đọc những chuyện thần tiên của văn hào Đan Mạch Andersen. Ông được toàn thế giới biết đến như một người đầy lòng nhân ái và một tài năng vĩ đại. Tài năng ấy đã hiến tặng cho đời những câu chuyện tuyệt vời không chỉ làm mê say hàng triệu trẻ em mà còn làm rung động trái tim bao nhiêu người lớn tuổi. Trong những truyện nổi tiếng nhất của ông phải kể đến “Cô bé bán diêm”. Chuyện ấy ra đời trong trường hợp nào? Cô bé bán diêm đến với chúng ta hoàn toàn do trí tưởng tượng của Andersen hay đó là một nhân vật có thực? Hẳn các bạn cho đấy chỉ là một nhân vật tưởng tượng của văn hào Đan Mạch. Nhưng không, cô bé ấy đã thực sự có mặt trên đời này và đã từng đi qua cuộc đời Andersen...
Viết câu chuyện ấy như một món quà...
Một buổi tối mùa thu, tại một khu phố thuộc thành phố Copenhague, Đan Mạch. Sau khi đi dạo, Andersen lững thững quay về theo con đường lớn. Các nhà hai bên đã lên đèn từ lâu. Vài cửa hiệu sắp đóng cửa. Những cơn gió thu lạnh lẽo thỉnh thoảng lại kéo nhau đùa chạy vào đây, làm giật mình những cây thiêm thiếp ngủ và rắc xuống đường những chiếc lá héo khô. Gió lùa lá rụng chạy lao xao trên đường. Trong bầu trời đen thăm thẳm, vài vì sao lẻ loi run rẩy như hỗ thẹn cho cái ánh sáng yếu ớt của mình. Vào giờ này, phố xá chỉ còn ít người qua lại. Với Andersen, điều ấy chẳng hề chi. Ngược lại càng khiến chàng thêm thú vị, bởi những nơi yên ả, những tối thanh vắng với chàng bao giờ cũng là người bạn thân yêu. Chúng khêu gợi hồi tưởng cho chàng những ý nghĩ diệu kỳ. Chính những lúc ấy chàng sáng tác rất dễ dàng. Nhiều chuyện cổ tích của chàng đã ra đời thế đó. Tối nay là tối cuối cùng Andersen còn ở khu phố này. Đây là nơi cư trú của một người bạn thân xưa cùng học một trường, người mời chàng tới thăm hơn tuần nay. Đó là một khu phố khá đẹp với phần lớn là những con đường rộng rãi chạy qua những dãy nhà tiện nghi, những hiệu buôn giàu có bán đủ loại hàng xa hoa. Nhiều nhà giàu đi đâu đã có sẵn cổ xe song mã. Thỉnh thoảng mới thấy vài căn nhà cũ kỹ nằm khép nép bên cạnh những ngôi nhà lộng lẫy kiêu kỳ. Cao vút lên giữa phố là tháp chuông của giáo đường cổ kính mỗi sớm tinh mơ lại buông vào khoảng không tĩnh mịch những hồi chuông ngân nga. - Chú ơi, mua hộ cháu bao diêm! Một tiếng nói khàn khàn, mệt mỏi chợt vọng tới tai Andersen. Đằng kia, trước mặt chàng hơn mười bước là một người đang ngồi co ra trên thềm cửa một ngôi nhà cao ráo. Ánh sáng đèn từ trong nhà chiếu ra cho chàng thấy đó chỉ là một đứa bé con. Hẳn nó đã nói ra những lời vừa rồi. - Tối lắm rồi, sao cháu chưa về nhà ngủ? Andersen bước đến, ái ngại. Đấy là một cô bé chừng hơn mười tuổi, run rẩy trong bộ quần áo vá víu, bẩn thỉu. Vai áo rách để lộ ra chiếc vai gầy còm. Nhìn gương mặt hốc hác của em, có thể đoán em phải chịu cảnh thiếu ăn thiếu uống từ lâu. - Xin chú, mua hộ cháu bao diêm! Tay cầm bao diêm, cô bé chỉ vào chiếc túi con căng bên cạnh, khẩn nài. - Cả ngày cháu chẳng bán được gì. Cũng chẳng ai bố thí cho cháu đồng nào. Cô bé rơm rớm nước mắt. Thân hình tiều tụy, ốm yếu của em run lên khi gió lạnh thổi qua. - Thế sao? Andersen chạnh lòng. Chàng khẽ vuốt mái tóc dài xõa thành búp trên lưng cô bé. - Gia đình cháu đâu cả? Không ai lo cho cháu sao? Cô bé buồn bã lắc đầu. Em bùi ngùi kể lại những năm xưa khi còn sống trong ngôi nhà xinh đẹp với những dây trường xuân leo quanh. Từ khi bà em qua đời, gia sản lụn bại, gia đình em phải lìa bỏ mái nhà thân yêu đó để chui rúc trong một xó xỉnh lụp xụp, tối tăm. - Không có tiền, cháu không dám về nhà vì bố sẽ đánh cháu mất thôi. Cô bé nhìn Andersen, ánh mắt cầu khẩn. Thực vậy , em có một người cha ác nghiệt. Hơn nữa về nhà cũng chẳng hơn gì. Hai cha con chen chúc nhau trên một gác xép tồi tàn, gió rét vẫn lùa được vào dù đã bịt kín những chỗ thủng trên vách. Lúc này, đôi chân cô bé đã lạnh cóng. Chân em mang đôi giày vải cũ mòn, rộng thình do mẹ em để lại. - Cháu đừng lo. Andersen cho tay vào túi lấy ra một số tiền đặt vào bàn tay bé bỏng của em. Còn bấy nhiêu, chú cho cháu cả. Cháu mau về nhà kẻo chết cóng mất thôi. - Ôi lạy chúa. Vẻ mặt đầy mừng rỡ, cô bé hôn tíu tít lên tay chàng. - Từ ngày bà cháu mất đi, chú là người thương cháu nhất trên đời. Với món tiền này, bố con cháu sẽ được nhiều bữa no. Chàng mỉm cười, nụ cười đầy hiền dịu: - Chú sẽ còn cho cháu nhiều thứ nữa. Chú sắp đi xa, đầu năm tới mới trở lại. Khi ấy, chú sẽ tặng cháu một món quà đặc biệt. - Ồ thích quá. Còn cháu, cháu cũng sẽ tặng chú một món quà. Mà chú tên gì nhỉ? - Chú là Andersen. Chàng âu yếm nắm đôi vai gầy của cô bé. - Cháu có bao giờ nghe cái tên ấy chưa? - Tên chú nghe quen lắm. Cô bé nhìn đăm đăm gương mặt trầm tư có chiếc mũi khoằm của chàng. - Chú có phải là thợ mộc không? - Không phải. Andersen mỉm cười lắc đầu. - Thợ may? - Cũng không - Hay chú là thầy thuốc? - Ồ , không phải đâu.Thế này này... Chàng đưa ngón tay trỏ viết viết vào không khí, vẻ đùa cợt. - A, Cô bé reo lên. Cháu hiểu rồi, chú làm nghề bán bút! Andersen chỉ tủm tỉm cười. Chàng yêu cô bé quá. Em khiến chàng nhớ đến thời thơ ấu của mình và thành phố Odense cổ kính, nơi tuổi thơ của chàng êm ả trôi qua. Là con một trong gia đình nên dù cha chỉ là bác thợ giày nghèo, cậu bé Andersen hầu như chẳng phải mó tay vào bất cứ việc gì ngoài mỗi việc là mơ mông liên miên. Cậu bé ấy lắm khi chỉ thích bầu bạn với chiếc cối xay già nua đứng run rẩy bên bờ con sông hiền lành của thành phố quê hương.
Thế là chuyến đi đã qua. Một cuộc du lịch kỳ thú và đáng nhớ. Không kỳ thú sao được khi được chiêm ngưỡng những cung điện tráng lệ của Paris, được tận mắt nhìn thấy những đền đài hùng vĩ của Roma do chính bàn tay con người tạo dựng nên hàng ngàn năm trước. Không đáng nhớ sao được khi được bơi thuyền trong kinh thành Venise, được hít thở bầu không khí tuyệt diệu của bờ biển Địa Trung Hải luôn mịn màng cát trắng và lộng gió bốn phương... Nhưng thôi, xa rồi Paris, xa rồi Roma..., giờ đây chàng lại về thăm khu phố hôm nào. Khu phố vẫn thế, có gì khác trước đâu. Có khác chăng là phố phường giờ này đang run lên cầm cập vì những cơn mưa tuyết và những luồng gió lạnh cắt da. Trời đã sang đông. Bông tuyết bay vần vũ khắp nơi. Tuyết ôm ấp cây cối bên đường, tuyết phủ trên các mái nhà, tuyết đậu lên vai lên cổ mấy chú xà ích gà gật. Đông này có phần lạnh hơn đông trước. Mưa tuyết khoác lên khu phố một tấm áo choàng trắng muốt như bông. Ô kìa ... Sao Andersen bỗng đăm chiêu thế? Có chuyện gì chăng? Thôi rồi, chàng đã quên ... phải, chàng đã quên lời hứa với cô bé bán diêm rồi. Chàng vẫn định bụng tặng em một món quà đặc biệt. Để cho cô bé một bất ngờ, chàng không hề nói trước. Đây chính là câu chuyện cổ tích mới nhất của chàng với lời đề tặng của chính tác giả dành cho một em bé bán diêm. Ở tuổi này, có lẽ em chưa thể hiểu hết ý nghĩa của món quà. Nhưng khi lớn lên, khi đã là một thiếu nữ mơn mởn yêu đời, em sẽ hiểu ra giá trị của nó, sẽ ghi nhớ suốt đời những phút giây hạnh phúc được trò chuyện với văn hào Andersen mà tên tuổi đã vang lừng khắp châu Âu. Em sẽ thấy ngay một người như Andersen cũng không bỏ rơi em. Và cuộc đời dù gì vẫn còn tươi đẹp lắm.Có thế cũng quên mất. Tệ quá, chàng tự trách mình đã quá mải mê với chuyến viễn du đến nỗi quên khuấy lời hứa với cô bé bất hạnh mà giờ này hẳn đang lang thang đâu đó với chiếc túi đầy diêm. Nhưng thôi, chắc gì cô bé còn nhớ lời hứa ấy. Việc trước tiên là phải mua ngay cho em một chiếc áo len. Phải, một chiếc bằng lông cừu thật dày, thật ấm để em qua được cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông... -Thế cháu cỡ bao nhiêu, thưa ông? Ông chủ tiệm quần áo ở đầu đường lớn hỏi Andersen khi chàng tỏ ý muốn mua một chiếc áo lông loại nhỏ. - Tôi muốn mua cho cô bé bán diêm. - Cô bé bán diêm...cô bé bán diêm nào nhỉ? Ông chủ tiệm ngẫm nghỉ vài giây. - Có phải con bé lôi thôi lếch thếch ngày ngày đi rong với chiếc túi đầy diêm đấy không? Thế rồi, vẻ mặt áy náy, ông khẽ vỗ vai Andersen: - Con bé chết rồi còn đâu. Ngày đầu năm mới người ta nhìn thấy nó chết cóng từ lúc nào ở một góc tường giữa hai ngôi nhà. Cái xác cứng đờ của nó ngồi giữa những bao diêm, trong đó một bao đã đốt hết nhẵn. Có lẽ nó muốn sưởi ấm. Có điều lạ là hai má nó vẫn hồng và đôi môi giống như đang mỉm cười. - À, này... Ông ta lại tiếp trước khuôn mặt chết lặng của Andersen. - Khi mang xác nó đi, người ta thấy trong túi nó rơi ra vật gì giống như một chiếc quản bút làm bằng những que diêm. Hẳn nó dành sẵn để tặng ai vì kèm theo chiếc quản bút là mảnh giấy có ghi mấy chữ: Tặng chú Andersen.
Andersen quên khuấy món quà ông định tặng cô bé bán diêm. Nhưng cô bé, cô bé vẫn nhớ đến lời hứa của mình với vị khách tốt bụng buổi tối mùa thu. Hàng thế kỷ qua, hàng triệu con người trên trái đất đã nghe tim mình thổn thức mỗi khi đọc câu chuyện về cô bé đáng thương của văn hào Đan Mạch. Phải chăng Andersen đã viết câu chuyện ấy như một món quà tặng hương hồn cô bé bán diêm?
* * * * * *
Đêm giáng sinh năm ấy trời thật lạnh. Đã mấy ngày liền tuyết rơi liên miên, như hối hả điểm trang cho thành phố vẻ thánh khiết để đón mừng ngày kỷ niệm Chúa Cứu Thế ra đời... Em bé tay ôm bao giấy đầy những hộp diêm, vừa đi vừa cất giọng rao mời. Lạnh thế mà bé phải lê đôi chân trần trên hè phố. Đôi dép cũ rích của bé sáng nay bị lũ nhóc ngoài phố nghịch ngợm dấu đi mất. Trời lạnh như cắt. Hai bàn chân của bé sưng tím cả lên. Bé cố lê từng bước sát dưới mái hiên cho đỡ lạnh, thỉnh thoảng đôi mắt ngây thơ ngước nhìn đám đông hờ hững qua lại, nửa van xin, nửa ngại ngùng. Không hiểu sao bé chỉ bán có một xu một hộp diêm như mọi ngày mà đêm nay không ai thèm hỏi đến. Càng về đêm, trời càng lạnh. Tuyết vẫn cứ rơi đều trên hè phố. Bé bán diêm thấy người mệt lả. Đôi bàn chân bây giờ tê cứng, không còn chút cảm giác. Bé thèm được về nhà nằm cuộn mình trên chiếc giường tồi tàn trong góc để ngủ một giấc cho quên đói, quên lạnh. Nhưng nghĩ đến những lời đay nghiến, những lằn roi vun vút của người mẹ ghẻ, bé rùng mình hối hả bước mau. Được một lát, bé bắt đầu dán mắt vào những ngôi nhà hai bên đường. Nhà nào cũng vui vẻ, ấm cúng và trang hoàng rực rỡ. Chỗ thì đèn màu nhấp nháy, chỗ có cây giáng sinh với những quà bánh đầy mầu. Có nhà dọn lên bàn gà tây, rượu, bánh trái trông thật ngon lành. Bất giác bé nuốt nước miếng, mắt hoa lên, tay chân run bần bật, bé thấy mình lạnh và đói hơn bao giờ hết. Đưa tay lên ôm mặt, bé thất thểu bước đi trong tiếng nhạc giáng sinh văng vẳng khắp nơi và mọi người thản nhiên, vui vẻ, sung sướng mừng Chúa ra đời... Càng về khuya, tuyết càng rơi nhiều. Bóng tối, cơn lạnh lẫn cơn đói như phủ lên, như quấn vào hình hài nhỏ bé ốm yếu. Bé vào núp bên vỉa hè giữa hai dẫy nhà cao để tránh cơn gió quái ác và tìm chút hơi ấm trong đêm. Ngồi nghỉ một lát, chợt nhớ ra bao diêm, bé lấy ra một cây, quẹt lên để sưởi cho mấy ngón tay bớt cóng. Cây diêm cháy bùng lên thật sáng, thật ấm, nhưng chỉ một lát thì tắt mất, làm bé càng bực mình hơn trước. Bé thử quẹt lên một cây diêm thứ hai. Khi cây diêm cháy bùng lên, bé thấy trước mặt mình một bàn đầy thức ăn, những món đặc biệt của ngày lễ giáng sinh. Bé mừng quá, đưa tay ra chụp lấy thì ngay lúc ấy cây diêm tắt, để lại bé trong bóng tối dầy đặc, với cái lạnh bây giờ càng khủng khiếp hơn. Bé sợ quá, sợ lạnh, sợ tối, vội vàng lấy bao giấy đổ diêm ra hết, rồi cứ quẹt lên từng cây một, hết cây này đến cây khác. Trong ánh sáng của mỗi cây diêm bé thấy mình được về nhà, được gặp lại người mẹ thân yêu. Mẹ âu yếm bế bé đến gần bên lò sưởi, mặc cho bé chiếc áo choàng dài thật ấm, thật đẹp, xong nhẹ nhàng đút cho bé từng miếng bánh ngon. Mẹ trìu mến ôm bé vào lòng, vuốt ve, hỏi han đủ chuyện. Mồi lần que diêm tắt, hình ảnh người mẹ thân yêu tan biến, bé hoảng sợ, vội vàng quẹt lên một que khác, mẹ lại hiện ra. Cứ như thế, tay bé cứ say sưa quẹt hết mớ diêm này đến mớ diêm khác. Rồi như người điên, bé lấy que diêm châm vào cả hộp diêm. Khi ánh lửa bùng lên, bé thấy mẹ cúi xuống bế bé lên, mang bé bay bổng về nơi đầy tiếng hát, đầy những người thân yêu, bé không còn thấy lạnh, thấy đói gì nữa. Sáng hôm sau, những người trong phố tìm thấy em bé đáng thương nằm chết bên cạnh đống diêm vãi tung tóe trong ngõ hẻm.
|
No comments:
Post a Comment