SOS: Tại sao ung thư nhiều thế?
Với khoảng 150.000 ca ung thư mới, trong đó có 75.000 ca tử vong mỗi năm, Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư báo động.
>> Tại sao nhiều người hút thuốc không bị ung thư phổi?
>> Làm sao phát hiện sớm bệnh ung thư?
>> Tại sao tế bào ung thư trẻ mãi không già?
>> Tại sao nhiều người hút thuốc không bị ung thư phổi?
>> Làm sao phát hiện sớm bệnh ung thư?
>> Tại sao tế bào ung thư trẻ mãi không già?
Trong một vài năm gần đây, dư luận xôn xao trước sự xuất hiện của hàng loạt làng ung thư như làng Hạ (xã Chu Hóa, Việt Trì, Phú Thọ), thôn Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, Tp.HCM). Căn bệnh ung thư là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với mỗi người dân và mỗi gia đình nơi đây. Trai gái trong làng ế vợ, ế chồng, người người kéo nhau đi “tị nạn”, tránh xa vùng đất “chôn rau cắt rốn” chỉ vì căn bệnh ung thư.
Tại Hội thảo Phòng chống Ung thư lần thứ 15 diễn ra ở Tp.HCM, TS.BS. Phạm Xuân Dũng (Phó Chủ tịch thường trực Hội Ung thư Tp.HCM) cho biết: Ung thư có xu hướng gia tăng tại Tp.HCM. Từ năm 2006-2010, có 31.660 trường hợp ung thư mới xảy ra cho người dân sống trên địa bàn thành phố.
Ở cả 2 giới, mức độ gia tăng ung thư trung bình là 5,4%/năm. Ở nam giới có 5 loại ung thư hàng đầu là phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và vòm hầu.
Ở nữ giới có 5 loại ung thư thường gặp là vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp.
PGS.TS. Lê Đình Roanh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát hiện sớm Ung thư, Bệnh viện Đa khoa Trí Đức) cho biết: những con số lạnh lùng trên cho thấy vấn nạn ung thư ở Việt Nam đã rơi vào tình trạng báo động. Tỷ lệ ung thư hiện nay cao hơn rất nhiều so với những năm 1980 và có xu hướng gia tăng hàng năm.
Vào thời điểm đó, bệnh nhân ung thư chỉ lác đác. Ở bệnh viện K có khoa xạ trị, số lượng bệnh nhân rất ít. Phổ biến là ung thư dương vật, ung thư gan, phổi với tỷ lệ rất thấp.
Các phòng xét nghiệm tế bào học lúc đó chỉ lẻ tẻ 5, 7 bệnh nhân mỗi ngày, nhưng giờ đã lên đến hàng trăm bệnh nhân hoặc nhiều hơn nữa.
Trước đây, chỉ có Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai mới có khoa điều trị ung thư. Song, đến nay, hầu hết các bệnh viện đều có khoa ung thư hoặc mở thêm khoa ung thư mới để điều trị cho bệnh nhân. Thậm chí, Bệnh viện K còn có thêm cơ sở K2 ở Tam Hiệp, K3 ở Tân Triều mà vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh.
PGS.TS. Lê Đình Roanh: Vấn nạn ung thư ở Việt Nam đã rơi vào tình trạng báo động
Điều đáng chú ý là độ tuổi mắc ung thư ở Việt Nam sớm hơn so với thế giới đến 2 thập niên. Cụ thể là trên thế giới, độ tuổi mắc ung thư cao từ 60-80 tuổi. Còn ở Việt Nam, độ tuổi này chỉ vào khoảng 40-60 tuổi.
Tần suất mắc bệnh có sự khác biệt về giới tính. Ở nữ, ung thư vú (ở miền Bắc), ung thư cổ tử cung (ở miền Nam) chiếm tỉ lệ cao nhất. Ở nam giới, thường gặp nhất là ung thư phổi, thực quản, dạ dày.
Vì sao người Việt hay bị ung thư?
PGS.TS. Lê Đình Roanh cho biết: có 2 yếu tố tác động đến ung thư là di truyền và môi trường. Trong đó, môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhiều kết quả khảo sát cho thấy, ở các vùng mỏ, hoặc những người làm nghề độc hại luôn có tỷ lệ mắc ung thư cao hơn so với các vùng và nghề khác.
Với thực tế các thành phố lớn ở Việt Nam luôn tràn ngập khói bụi từ hàng triệu triệu chiếc xe gắn máy ngược xuôi trên đường, nước thải công nghiệp được lén lút thải vào nguồn nước sông hồ… khiến cho môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm trầm trọng. Đây là tác nhân chính gây ra ung thư.
Làng ung thư (ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, việc ăn những thực phẩm chế biến bằng phương pháp muối mặn như dưa cà hay thực phẩm mốc hỏng, ăn nhiều thịt, nhiều mỡ, ít rau xanh cũng có thể gây ra ung thư.
PGS.TS. Lê Đình Roanh đặc biệt nhấn mạnh việc sử dụng nhiều hóa chất, biện pháp kích thích trong quá trình nuôi trồng chế biến rau củ, thịt cá ngày nay đã góp phần rất lớn làm gia tăng tỉ lệ người mắc bệnh ung thư. Điển hình như dùng chất tạo nạc trong chăn nuôi, thuốc thúc chín trái cây, giữ thịt tươi bằng urê…
Những chất trên đều có khả năng kích thích tăng sinh tế bào mà tăng sinh tế bào nhiều lần sẽ gây ra đột biến, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cho người dùng. Có thể nói, không ai khác mà chính con người đã tự hủy hoại môi trường sống của mình, gây ra bệnh tật cho bản thân và đồng loại.
Con số biết nói Độ tuổi mắc ung thư ở Việt Nam là 40-60 tuổi, sớm hơn so với thế giới đến 2 thập niên |
Nguyên nhân khiến người mắc ung thư dễ tử vong là do hầu hết họ đều được phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn nên việc chữa trị gần như không hiệu quả. Kết quả công trình nghiên cứu về ung thư của TS.BS Bùi Diệu (Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam) cho thấy, phần lớn người bệnh ung thư được chẩn đoán trễ đều ít có cơ may chữa khỏi. Trong đó, ung thư gan giai đoạn muộn chiếm tỉ lệ cao nhất, gần 88%, kế đến là dạ dày gần 87%, phổi hơn 84%, ung thư vú và ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn chiếm tỷ lệ thấp hơn, gần 50% và gần 54%.
Rất nhiều công trình nghiên cứu cho thấy nếu được phát hiện sớm, khả năng chữa dứt bệnh ung thư là điều hoàn toàn có thể.
Người dân đi khám tầm soát ung thư
PGS. Lê Đình Roanh cho biết, mỗi loại ung thư đều có phương pháp dự phòng như thay đổi sở thích ăn uống, thói quen sống để phòng bệnh, học cách tự quan sát, thăm khám để phát hiện bệnh sớm… Tuy nhiên, do nước ta chưa có các chương trình hướng dẫn phòng chống và sàng lọc sớm ung thư mang tầm quốc gia nên những kiến thức cần thiết vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Vì vậy, rất nhiều người hiện nay vẫn xem việc bản thân bị mắc ung thư là do “trời kêu ai nấy dạ”. Một khi mọi người chưa có nhận thức đúng và đủ về những tác động xấu do môi trường ô nhiễm, do thức ăn nhiễm độc… thì bệnh sẽ cứ từ đó mà ra.
Phòng chống ung thư
Những điều nên làm:
- Tăng cường ăn rau xanh và hoa quả sạch. Chất xơ từ rau trái sẽ giúp hệ bài tiết hoạt động dễ dàng hơn và hấp thụ nhiều chất độc trong ruột hơn.
- Đi tầm soát ung thư mỗi 6 tháng/lần.
- Sử dụng các chế phẩm, thực phẩm chức năng chứa vitamin C, E, tinh nghệ, Potandim, sụn vi cá mập, tinh chất trà xanh, đậu nành để làm sạch gốc tự do trong cơ thể để dự phòng và hỗ trợ điều trị ung thư.
- Duy trì thói quen tập thể dục ít nhất là 30 phút/ngày.
- Tráng bát đũa, ly uống nước bằng nước đun sôi sau khi rửa sạch để loại bỏ lượng nước rửa bát còn tồn dư bám vào.
Những điều không nên
- Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu
- Ăn nhiều thịt đỏ, ăn nhiều đồ béo, đồ ăn nhanh
- Lơ là việc phòng ngừa sau khi đã được chữa trị ung thư thành công. Vì người từng là nạn nhân của ung thư sẽ rất dễ bị tái phát, di căn.
- Tiếp xúc với hóa chất như: thuốc diệt cỏ, thuốc diệt côn trùng, các chất tẩy rửa mạnh, nước hoa xịt phòng…
- Sử dụng lò vi sóng để làm nóng thức ăn chứa trong hộp nhựa, trong bao gói sử dụng 1 lần.
Tin Sức khỏe nổi bật
No comments:
Post a Comment