Wednesday, January 20, 2016

Ngày xuân tảo mộ
Tạ Chí Quảng


Quê tôi, một thôn nhỏ nằm ven bờ sông Côn - Bình Định, không biết tự bao giờ có tục tảo mộ ngày xuân chứ không tảo mộ vào tiết thanh minh. Mỗi từ đường có một ngày tảo mộ quy định, thường là từ 16 tháng chạp đến 15 tháng giêng lịch Ta, tức là trước hoặc sau tiết lập xuân.

nén hương tưởng nhớ Tổ Tiên

Tảo mộ nghĩa là sửa sang mộ phần của người đã khuất và để cho con cháu nhớ đến tổ tiên, ông bà. Đến ngày tảo mộ, con cháu trong họ dù đi đâu xa, làm ăn nơi nào cũng quay về đất tổ để dự ngày tảo mộ. Sáng sớm, phụ nữ thì ở nhà thì lo mâm cỗ, còn đàn ông, con trai thì mang dụng cụ: cuốc, xẻng, chổi, thùng, sơn, cọ..v.v.. ra nghĩa trang.
Thường thì mỗi họ có một trưởng họ chỉ huy việc tảo mộ, nhưng trưởng họ không phải là người dẫn đường, chỉ việc, mà con cháu tự giác tìm mộ và tu sửa, quét dọn, đắp đất, làm cỏ, v.v. Trưởng họ sẽ đi kiểm tra, kiểm tra có nghĩa là hỏi xem con cháu có nhớ là đang tảo mộ của ai không, quan hệ thế nào? Rồi vừa làm, vừa kể cho nhau nghe những kỷ niệm của người đã khuất.

cháu con chăm sóc mộ phần Ông Bà Tổ Tiên

Ngày xưa, hễ trong nhà có người thân qua đời là phải nhờ thầy địa coi đất. Đất hợp chỗ nào thì táng nơi đó nên người trong một họ mà mộ phần cách xa nhau đến mấy cây số, nếu con cháu về không đông đủ thì việc tảo mộ có thể kéo dài cả ngày. Nhưng có một điều là dù bận việc đến đâu, làm ăn khấm khá cỡ nào thì cũng tuyệt đối không được thuê người tảo mộ. Xem đó là một việc làm bất hiếu của kẻ hậu sinh. Việc tảo mộ phải do chính con cháu trong họ thực hiện thì mới mang ý nghĩa của ngày tảo mộ.
Tảo mộ xong, con cháu trong họ về từ đường bày lễ dâng lên tổ tiên, cùng nhau xem bảng phả hệ đồ, chúc phúc cho nhau để biết nguồi cội và cùng nhau dùng bữa cơm sum họp họ hàng. Đây cũng là dip, bà con, anh em gặp gỡ, tâm sự những công việc trong năm và qua đó có thể giúp đỡ những người còn khó khăn trong họ. 

  
xem lại và bổ túc gia phả dòng tộc

Những ngày tết ở miền Trung thường có mưa xuân và thời  tiết se lạnh. Ngày tảo mộ dù có mưa gió thế nào cũng không vì thế mà hoãn lại. Họ nhà tôi chia ra nhiều nhánh, nhánh bên tôi mới có 4 đời mà cũng ngót hơn 30 ngôi mộ, rải rác nhiều nơi. Ba tôi là trưởng họ, hằng năm trước ngày tảo mộ, ông phải đi thị sát xem hết thử mộ phần hư hao, hoang phế rồi mới chuần bị dụng cụ cần thiết cho việc tảo mộ. Nhưng sẽ không phân công thành nhóm để làm từng khu vực vì như thế thì con cháu không biết hết mộ phần của tổ tiên. Do vậy tất cả phải cùng lần lượt tảo mộ từng khu vực để tường tận nguồn cội của mình.
Tảo mộ là một việc làm hết sức ý nghĩa, nhắc nhở con cháu phải luôn nhớ đến tổ tiên ông bà, là một phong tục thiêng liêng của người dân Việt cần duy trì, dự ngày tảo mộ là một trách nhiệm của người con nước Việt. Năm nào không về dự được ngày tảo mộ của tộc họ, tôi cảm thấy mình còn thiếu sót nhiều trong bổn phận đối với tổ tiên và tự hứa năm sau phải cố gắng hơn.

Tạ Chí Quảng       

No comments:

Post a Comment