Friday, April 22, 2016

Tình yêu giúp người già bớt cô đơn, hụt hẫng


và những cái “sướng”
Tuổi già về hưu, là một mong ước của gần như của tất cả mọi người. Nhiều người gắng làm sao kiếm cho nhiều tiền để dược về hưu sớm hơn. Nhiều thanh niên, ngày về hưu còn xa lắc, xa lơ mà vẫn mơ ước. Hưu trí trong tuổi già là một phần thưởng của tạo hóa, của xã hội. Do đó, đừng nghĩ già là khổ, già là nghỉ ngơi, là khỏe khoắn.
Khi đã lớn tuổi, con người được nhiều tự do hơn, được thong thả hơn để sống. Không còn phải như em bé bị cha mẹ ép buộc, bây giờ thì muốn làm gì thì làm, muốn thức khuya dậy sớm cũng chẳng còn ai la mắng dọa nạt, rầy la. Nếu vợ vì thương, sợ mất sức khỏe, thì cũng cằn nhằn chút chút, có không nghe thì cũng chẳng bị “roi đòn” gì.
Về già không còn phải quá khổ công học tập, lo lắng cho tương lai mai sau. Tình yêu cũng không còn là mối bận tâm quá quan trọng, chưa nghe báo đài đăng các cụ già trên dưới sáu mươi tự vẫn chết vì thất tình. Tội gì phải chết vì tình trong tuổi già, độ tuổi này cũng sắp thấy “Diêm Vương” nên việc gì mà phải đi sớm.
Đời sống tình cảm của tuổi già thường êm đềm,bình lặng, ít đau đớn, ít sôi động. Các ông không còn tính chuyện “mèo mỡ” lăng nhăng, khỏi phải lo lắng sợ vợ khám phá ra chuyện giấu giếm mà nhà tan cửa nát. Đỡ tốn tiền quà cáp, đỡ tốn thì giờ lui tới các nơi bí mật mà tâm trạng lúc nào cũng hồi hộp, đau tim. Các bà khỏi phải lo chuyện đi đánh ghen, không còn cần phải quá chăm chút nhan sắc, vì như chiếc xe cũ rệu, có sơn phết lại cũng xộc xệch, cũng méo mó.
Cũng có một số ít những cặp vợ chồng già đem nhau ra tòa chia tay, vì khi già cả hai đều trở thành khó tính. Hậu quả của ly dị trong tuổi già không trầm trọng như khi còn trẻ, vì con cái đã lớn, đã tự lập, không còn ảnh hưởng nhiều đến tương lai chúng và tương lai của chính mình. Một điều ít ai nghĩ đến, là càng già, thì càng dễ tìm một người bạn đời để nối lại, để an ủi nhau trong tuổi xế chiều. Vì chung quanh họ, đâu thiếu người “đứt gánh giữa đường”.
Ai bảo già là không thể... Ai bảo già là khổ?
Tuổi già vui khi thấy mình hết nông nổi, nhìn đời bằng cái tâm tĩnh lặng hơn. Ai khen không hớn hở mừng, ai chê không vội vã hờn giận. Lúc này, không còn muốn làm giàu, không bị con ma tham lam thúc bách để kiếm và tích trữ cho nhiều tiền nhiều bạc. Con cái cũng đã lớn, không phải chi tiêu nhiều thứ, chỉ cần đủ sống thôi, cũng là thỏa nguyện. Người già cũng không cần tranh hơn thua với ai, do đó tinh thần họ vui vẻ, dễ chịu và khỏe khoắn hơn.
Khi già, thời gian mới là thực sự của mình, vì không còn phải chạy ngược chạy xuôi kiếm sống nữa. Không còn bị bó buộc bởi trách nhiệm bổn phận. Có thể ngồi mơ mộng hàng giờ trên ghế đá công viên, thưởng thức thiên nhiên tuyệt thú, có thể tìm được an bình tuyệt đối, không như thời còn trẻ, đi nghỉ mát, mà thỉnh thoảng cũng bị công việc nhà ám ảnh, nhắc nhở.
Làm thế nào để “sướng”?
Tuổi già “sướng” như vậy nhưng… không phải ai cũng biết cách bảo vệ sức khỏe và làm cho tình thần của mình luôn vui vẻ, lạc quan. Do đó người già nên:
Tổ chức giao lưu, gặp gỡ bạn bè
Thiếu bạn, người già dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình. Thỉnh thoảng các cụ nên tổ chức họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổỉ, trò chuyện… Có sự tương tác, các tế bào não sẽ được kích thích, được hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ “hăng” lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khoái, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandrosterone), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại…
Ai bảo già là không thể... Người già nên thường xuyên giao lưu bạn bè 
Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành, hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu, gợi nhớ những kỷ niệm xưa… Trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn, coi văn nghệ không “sướng” bằng làm văn nghệ.
Không cần kiêng khem quá đáng
Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt “không trôi”, chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn. Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lượng, phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sỹ lại hay hù dọa, làm cho họ sợ thêm, nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo “mệnh lệnh” của bao tử.
Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình. Cơ thể “nói” thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó. Người già có thể thích những món ăn kỳ cục. Không sao, miễn đủ bốn nhóm: Bột, đạm, dầu, rau… và không được ăn quá mặn, quá ngọt. Cách ăn cũng vậy, hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể được. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ.
Vận động
Ai bảo già là không thể... Vận động nhẹ nhàng đều đặn rất tốt cho sức khỏe người già
Bác sỹ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ thì dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, sẽ lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Không cần đi đâu xa, có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang hoặc đi vòng vòng trong phòng. Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động: Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh… Vận động thể lực đúng cách thì “già” sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…
Trên tất cả là người già đừng bao giờ nản lòng. Hãy tự tổ chức lấy đời sống của người già, nhất là những cán bộ hưu trí có điều kiện vật chất và tinh thần nhỉnh hơn chút sống trong các đô thị, để những năm tháng xế chiều không cảnh cô đơn buồn bã.

No comments:

Post a Comment