Nghe Audio Limelight và cuộc đời của vua hề
Charles Spencer Chaplin (16 tháng 4 năm 1889 – 25 tháng 12 năm 1977), thường được biết đến với tên Charlie Chaplin (hay Vua hề Sác-lô) là một diễn viên, đạo diễn phim hài người Anh trở nên nổi tiếng trong kỷ nguyên phim câm. Chaplin trở thành một hình tượng toàn cầu thông qua nhân vật Tramp (Gã lang thang, hay còn có tên là Charlot trong tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và vài ngôn ngữ khác), thường được xem là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện ảnh.[2] Sự nghiệp của ông kéo dài trên 75 năm, từ tuổi thơ trong kỷ nguyên Victoria cho đến một năm trước khi qua đời ở tuổi 88, đem lại nhiều lời tán dương cũng như tranh cãi.Tuổi thơ của Chaplin ở Luân Đôn cực kỳ khổ cực và nghèo đói, làm cho đường công danh về sau của ông trở thành "câu chuyện từ nghèo đói tới giàu sang kịch tính nhất từng được biết đến", theo người viết tiểu sử David Robinson.[3] Cha mẹ ly thân năm ông 2 tuổi và cha bỏ mặc gia đình, để mẹ ông chật vật kiếm tiền, ông đã hai lần bị gửi vào trại tế bần trước khi lên 9. Năm Chaplin 14 tuổi mẹ ông phải vào trại tâm thần. Chaplin bắt đầu trình diễn khi còn nhỏ tuổi, lưu diễn ở các rạp hát và sau đó trở thành một diễn viên sân khấu, một nghệ sĩ hài. Ở tuổi 19 ông gia nhập công ty danh tiếng Fred Karno, và có chuyến đi đầu tiên tới Hoa Kỳ, nơi phát triển sự nghiệp của ông.
Chaplin bắt đầu tham gia đóng phim, và trình làng với phim Making a Living (1914) của Keystone Studios. Chaplin sớm hình thành nhân vật Tramp và tạo nên một lượng người hâm mộ lớn. Ông trở thành đạo diễn cho các bộ phim mình đóng, và ngày càng thành thục trong vai trò này khi chuyển tới các tập đoàn Essanay, Mutual, và First National. Đến năm 1918, Chaplin đã trở thành một trong những nhân vật nổi danh nhất trên thế giới.
Năm 1919, Chaplin đồng sáng lập công ty United Artists để kiểm soát hoàn toàn quy trình sản xuất phim của riêng mình. Phim thời lượng dài đầu tiên của ông là The Kid (1921), rồi đến A Woman of Paris (1923), The Gold Rush (1925), and The Circus (1928). Ông từ chối chuyển sang làm phim có tiếng vào những năm 1930, thay vào đó tiếp tục sản xuất các phim câm City Lights (1931) và Modern Times (1936). Ông trở nên ngày càng quan tâm tới chính trị và phim tiếp đó của ông The Great Dictator (1940), nhắm vào đả kích Adolf Hitler.
Những năm 1940 là một thập niên đầy những tranh cãi đối với Chaplin, và danh tiếng của ông bị ảnh hưởng nặng nề. Ông bị cáo buộc là có cảm tình với cộng sản, trong khi những vấn đề xoay quanh hôn nhân với những phụ nữ ít tuổi hơn nhiều và nghĩa vụ làm cha của những đứa con với những phụ nữ này gây ra một loạt vụ bê bối. FBI mở một cuộc điều tra, và Chaplin buộc phải rời Hoa Kỳ để tới Thụy Sĩ định cư. Ông từ bỏ nhân vật Tramp trong các phim về sau, bao gồm Monsieur Verdoux (1947), Limelight (1952), A King in New York (1957), và A Countess from Hong Kong (1967).
Chaplin đã viết, đạo diễn, sản xuất, biên tập, diễn xuất và sáng tác nhạc cho hầu hết các phim ông tham gia. Ông là người cầu toàn, và sự độc lập tài chính cho phép ông dành nhiều năm để phát triển và sản xuất một bộ phim. Những bộ phim của ông thường đặc trưng bởi tính pha trò kết hợp với tính cảm động, thể hiện trong cuộc đấu tranh của Tramp chống lại sự thù địch bên ngoài. Nhiều phim chứa những chủ đề chính trị và xã hội, cũng như những yếu tố tự truyện. Năm 1972, như một phần của sự tái công nhận giá trị sự nghiệp của ông, Chaplin nhận giải Oscar danh dự cho "tác động không thể đo đếm được của ông trong việc đưa điện ảnh thành hình thức nghệ thuật của thế kỷ này". Ông tiếp tục được đánh giá cao tới tận ngày nay, với những tác phẩm như The Gold Rush, City Lights, Modern Times, và The Great Dictator được xếp vào danh sách những bộ phim xuất sắc nhất của mọi thời đại
http://ndclnh-mytho-usa.org/Audio%20Book/Limelight%201952-2012%20Tuan%20Thao%20RFI.mp3
No comments:
Post a Comment