Sunday, May 14, 2017

Viết Về Mẹ

ĐẶNG LŨY


Image result for nguoi me



Trong  gia đình, Ba tôi là người ảnh hưởng đến anh chị em chúng tôi nhiều nhất. Trong cách ăn ở, xử thế với họ hàng hoặc với người đời đều có bóng dáng của người. Hình ảnh của Ba tôi luôn được mang ra để so sánh mỗi khi trong anh em chúng tôi có những bất đồng ý kiến, hoặc để phê bình về một cư xử nào đó không phải với nhau. Ba tôi luôn được nhắc đến như một biểu trưng chuẩn mực của đạo đức với lòng kính trọng tuyệt đối. Nhưng Mạ tôi, (Mạ = Mẹ, theo cách gọi của phần đông người Huế) người đàn bà sống trong gia đình của chính mình như chiếc bóng. Người âm thầm hy sinh toàn bộ vì hạnh phúc của chồng con. Là người mà anh chị em chúng tôi dành trọn lòng yêu thương và luôn nghĩ tới người như một nơi nương tựa ấm áp nhất trong cuộc đời.
Mạ tôi mất đã lâu. Tôi, đứa con út luôn phiêu bạt phương xa. Giờ phút cuối tôi không được nhìn mặt người. Dù rằng được biện minh là vì hoàn cảnh nhưng cứ mỗi lần tưởng tượng đến Mạ nằm trong quan tài, tôi vẫn mang mặc cảm ray rức bất hiếu với những giọt nước mắt chảy ngược vào trong.
Mạ sinh tôi ra lúc người đã 48 tuổi. Cái tuổi đáng lẽ phải được yên nghĩ để dưỡng già. Nhưng tôi, cái thằng con báo hại lại đòi chui ra cho bằng được nên Mạ lại phải vất vả thêm mấy chục năm và có lẽ luôn cho đến giờ phút cuối của đời.  
Mạ khi nào cũng âu lo: “Cái thằng chi mà bạt Mạng. Khi nào cũng ‘không biết ở đâu, no đói ra sao?’. Cái  thằng đã đi học mẫu giáo mà giờ ra chơi còn chạy về nhà bú, nổi tiếng khắp làng. Cái thằng đã lớn, thi đậu tú tài, ra làm lính tráng dày dạn trận Mạc, mà Mạ mỗi khi kỵ giỗ ở đâu về cũng nhớ bọc cho thằng con cái bánh, cái kẹo như thuở còn thơ”.
Mạ, thời chiến tranh mỗi đêm nghe tiếng súng vọng về lại thấp thỏm đứng ngồi. Không biết mấy đứa con, đứa bên ni, đứa bên tê. “Anh em hắn có can chi không?” 
Mạ, tuổi đã 70 lên lao Thừa Phủ nhận thằng con thứ đi “lính phía bên kia” bị chính phủ bắt nhốt đã gần mười mấy năm. Nay bại liệt phải bỏ trong đôi thúng, đầu bỏ cục đá, đầu đựng đứa con khập khiễng gánh về nuôi tiếp.
Mạ, quặn thắt lòng đau, tê tái nhìn đứa con gái áp út thoát ly theo du kích bị lính quốc gia bắn chết trên đường làng. Nhặt xác con trẻ chôn vội vã ngoài đồng như chôn từng đoạn ruột đứt lìa.
Mạ, cưu mang hết con rồi đến cháu. Đứa cháu ngoại còn đỏ hỏn mới có tháng tuổi. Mẹ nó mất khi sanh. Sữa, tã… lại các công đoạn nuôi em bé khi tuổi đã quá già.
Mạ, ngày hết bom rơi đạn nổ lại đoài đoạn nguyện cầu cho thằng con út nay ở trong trại cải tạo không biết đến khi mô. 
Mạ, hồi hộp cho thằng con ngang bướng mỗi lần ra trình diện ngoài xã. Không biết người ta có bỏ tù nó lần nữa hay không? Rồi khi nghe tin con vượt biên, lại sì sụp lạy, hương khói mỗi đêm cầu trời khẩn Phật che chở cho con qua khỏi biển to sóng cả.
Mạ, người đàn bà quê mùa chơn chất, suốt một đời ít khi bước qua khỏi cái cổng làng nhỏ hẹp. Quanh năm ruộng lúa, bờ ao. Một tay mười đứa con, đứa còn đứa mất, đứa ở gần, đứa ở xa.  Bữa cơm dọn ra, “Ba mi với mấy đứa ăn trước” còn Mạ ngồi lại mút mấy cái xương xẩu mà mấy cha con đã bỏ ra.
Mạ, sau năm 1975, trong chén chỉ rặt khoai với sắn để nhường lại phần cơm nhiều hơn cho thằng con trai chưa quen mùi cực khổ. Năm 90 tuổi còn ngồi đút từng muổng cho đứa con gái lớn nay đã 70 mắc bệnh mù lòa.
Ngày Mạ mất, mưa to gió lớn, nước lụt dâng lên ngập nhà. Nghe các anh chị kể lại, quan tài phải kê lên từ từ từng giờ theo mực nước dâng. Con cháu ở xa lội nước về lo tang lễ phải ăn mì gói, ngồi nhìn nước lên nghe mà thắt cả lòng.
Đời Mạ chi mà quá khổ! 18 tuổi đã về làm dâu. Cái thời phong kiến, gặp bà nội khó khăn… những vệt roi oan giáng xuống trên lưng vẫn còn hằn trong câu chuyện kể. Sinh ra hai chị gái đầu lòng, bà nội đã bắt ép phải cưới vợ khác cho Ba để sinh con trai. Mỗi lần thấp thoáng bóng bà nội là run rẩy xanh mặt, xanh mày. Năm 48, Ba bỏ quan, bỏ thành lên rừng theo Việt Minh chống Pháp, Mạ dọn về quê tảo tần nuôi con khôn lớn không lời thở than. Năm 1953, ba biên chế trở về sinh thêm thằng con út. Tưởng sẽ bình yên, nhưng rồi chiến tranh leo thang, bom rơi đạn vãi. Nhà cửa cháy nát, con cái ly tán. Ba ngán chuyện đời vào chùa tu học, để lại chuyện thế tục cho Mạ. Năm 1972 Ba mất, Mạ lại một mình lo cho cháu, cho con. Nghị lực siêu việt nào trong tấm thân còm cõi đó để Mạ sống tới tuổi 93, Mạ ơi!
Mạ ơi! Thằng con út của Mạ năm nay đã ngoài 50. Phong trần đã giày dạn, giang hồ đã tứ phương, nhưng vẫn cứ khóc thầm mỗi khi nhớ Mạ. Vẫn cứ thèm chui vào ngực Mạ ôm bầu sữa ấm như thuở lên ba. Vẫn thèm có Mạ để thỉnh thoảng gọi: Mạ ơi! Con biết, từ khi con lớn khôn đến nay, đã chẳng có khi  nào mua được cây kẹo nhỏ cho Mạ khi Mạ còn sống. Con đã chẳng ở lại quê nhà săn sóc Mạ khi Mạ cần con. Con đã chẳng được ở bên Mạ nắm tay Mạ khi Mạ ra đi. Con vẫn cứ là nỗi âu lo và chưa là bao giờ là nụ cười của Mạ. “Đẻ mi ra làm chi, tau lo cho thêm khổ”. Con vẫn là thằng con bất hiếu mãi hoài. Đâu đó Mạ có hiển linh xin Mạ cứ cốc một cái trên đầu con thật đau cho đáng tội. Mạ ơi!
Sắp tới là mùa Vu Lan. Mùa của Phật tử báo hiếu cho song thân. Cứ mỗi lần như thế lại thấy thấm thía vô cùng cái câu “Hạnh phúc thay cho những ai còn mẹ”. Biết rằng có sinh là có diệt. Cha Mẹ chẳng sống đời với con cái. Và ai cũng thế, khi vĩnh biệt với cha mẹ mình thì mới thấy là mình chưa làm được điều gì để báo đáp lại công ơn trời biển của mẹ cha. Khi đó có ăn năn hối tiếc thì cũng đã muộn màng. Người, cho dù hôm nay có cả thế giới trong tay cũng không đổi được một nụ cười hiền của mẹ.
Mong thay! Ai đó kịp để nói lời “con yêu mẹ”  khi mẹ còn nghe được tiếng nói của con.

No comments:

Post a Comment