Wednesday, May 10, 2017

Cổ Tích Đời Mẹ

Nguyễn Đông Phong

Image result for mother story
 
          Hồi trước, anh là sinh viên Đại học Kinh Tế, giờ đã ra trường được mấy năm và hiện đang làm việc cho một công ty lớn. Anh cao to, khỏe mạnh, đẹp trai, lại nói chuyện rất hay. Rảnh, tôi hay ngồi nói chuyện với anh, ngoài hành lang bệnh viện, cái hành lang dài hun hút, mát lạnh và yên tĩnh. Lúc đó, ông ngoại tôi và mẹ anh - những bệnh nhân đang trong giai đoạn hồi sức sau ca mổ thận - đã thiếp đi trong giấc ngủ trưa...
          Tôi vừa đậu vào trường kinh tế, đang chờ giấy báo nhập học thì ông ngoại tôi đau thận phải mổ. Ở nhà lóng ngóng chẳng biết làm gì, tôi mới nói với mẹ tôi: "Thôi thì để con vô bệnh viện chăm sóc, trông chừng ông. Mẹ và các cậu, các dì đỡ trễ nãi công chuyện làm ăn". Mẹ tôi nghe cũng xuôi tai nên đồng ý. Còn anh, cảnh nhà đơn chiếc, các em còn đi học, anh phải bỏ hẳn công việc cơ quan để túc trực trong bệnh viện với mẹ. Bởi vậy, tôi mới biết và quen anh. Lúc đầu, chúng tôi hay nói chuyện về trường Kinh tế, cái trường mà anh là cựu sinh viên còn tôi thì mới dò dẫm chuẩn bị bước vào. Sau này quen, hai anh em nói đủ thứ chuyện trên đời.
          Anh nói: "Cũng không biết tại sao, trên đời này có người sống một cuộc đời phẳng lặng như tờ giấy, lại có người cả cuộc đời chẳng khác nào một cuốn tiểu thuyết đầy gay cấn, éo le". Tôi ậm ừ. Anh phác tay: "Thiệt mà! Phải chi anh là nhà văn, anh sẽ viết về mẹ anh. Đời mẹ anh chẳng khác chi một cuốn tiểu thuyết."
          Ngày xưa, mẹ anh đẹp lắm. Hồi còn học Trung học, mẹ là hoa khôi của trường. Nhà ngoại anh lại rất giàu, lại chỉ có hai cô con gái - là mẹ và một người em kém một tuổi - nên rất cưng chiều con. Hai chị em cũng rất thương nhau, mẹ học trễ một năm cốt chỉ để hai chị em được học chung lớp, không bị ai bắt nạt. Học hết đệ tứ (lớp 9) lên đệ tam, trong lúc người ta còn chưa có xe đạp để di thì hai chị em đã thênh thênh cưỡi PC đến trường rồi (mẹ nói giờ coi chiếc PC nó cổ lỗ sỉ vậy chớ hồi xưa xịn như Dream vậy). Lúc đó, nam học trường riêng, nữ học trường riêng, cho nên mỗi lần tan học, tụi con trai xếp hàng dài dài gần mấy trường nữ để... chọc ghẹo nữ sinh trên đường về. Hai chị em của mẹ thuộc loại bị chọc đến "quíu giò quíu cẳng".
          Rồi lên đại học. Những tưởng cuộc đời sẽ êm ả trôi xuôi thì đùng một cái, ngay trong năm nhất đại học, dì anh đã lầm lỡ với một anh chàng kiến trúc sư hào hoa, ác thay anh này đã có gia đình. Chuyện vỡ lở, ông bà ngoại anh giận quá, cấm cửa không nhìn mặt dì. Lúc ấy, mẹ đành bỏ học, lo cho em gái. Sinh con xong, dì giao thằng nhỏ lại cho mẹ rồi bỏ đi mất biệt. Mẹ, khi ấy đang là một thiếu nữ xinh đẹp chưa chồng, đã đứng ra làm khai sinh cho đứa nhỏ, nhận nó làm con mình, mặc tiếng đời đàm tiếu, nhất là những anh chàng khi xưa đeo đuổi mẹ không thành.
          Mẹ không lấy chồng, ở vậy nuôi con được mấy năm thì đất nước thống nhất. Ông bà ngoại anh tuổi già sức yếu, hai ông bà lần lượt qua đời. Mẹ phải thuê một căn nhà ở tạm bợ, bán dần số nữ trang còn lại lấy tiền ăn, vì mẹ đã quen sung sướng từ nhỏ, nào biết làm gì ra tiền.
          Cho tới một hôm, tiền đã cạn thì thằng nhỏ bỗng dưng bị kiết nặng. Mẹ không biết làm sao, cứ ôm rịt thằng nhỏ đang lả dần, lả dần mà khóc. Đúng lúc đó thì ba anh xuất hiện (kể tới đây, anh cười: "Đó, em coi có giống như trong tiểu thuyết không?"). Ba anh là một trong nhiều người đeo đuổi mẹ thời còn đi học, là chàng trai xấu nhất mà cũng si tình nhất. Sau lần mẹ "có con," mặc ai dị nghị, ba vẫn âm thầm theo đuổi. Nhà ba nghèo rớt mồng tơi. Trong những ngày ấy, ba đi làm đủ thứ: phụ hồ, khuân vác... để kiếm tiền chạy chữa cho thằng nhỏ. Tới lúc nó khỏi bệnh thì mẹ - vì cảm kích tấm lòng nhân hậu của ba - đã đồng ý lấy ông. Hai người lấy nhau mà không có nổi một chiếc nhẫn để trao nhau.
          Sau này, có mấy lần mẹ kể cho ba nghe về chuyện ngày xưa dì anh như thế, có đứa con như thế, ba anh chỉ cười. Thì ra trong lòng ba vẫn đinh ninh thằng nhỏ là kết quả của một lần sai lầm của mẹ. Cái cười của ba hiền lành lắm, bao dung lắm mà làm lòng mẹ đau nhói. Ở với ba, mẹ sinh được hai đứa con nữa, nhưng đi đâu, gặp ai mẹ cũng nói: "Nhà tôi có ba đứa cả thảy, hơi "vượt kế hoạch" một chút!", rồi chỉ anh: "Đây, thằng con đầu lòng nè, giống mẹ một khuôn!" (Kể tới đây, anh vỗ vai tôi nói: "À, mà chắc là nãy giờ em cũng đủ nhạy để hiểu thằng nhỏ đó chính là anh rồi phải không ?")
          Ba xin được một chân bảo vệ ở một xí nghiệp. Cuộc sống đỡ vất vả phần nào thì rủi thay ba bị tai nạn giao thông, ra đi thật đột ngột. Gánh nặng gia đình đè hết lên vai mẹ. Năm đó, anh mới học lớp chín. Mẹ bán mía lạnh, cóc ổi ngâm ở ngoài đường, trước hẻm nhà. Cuộc sống cứ lây lất, ăn bữa nay lo bữa mai.
          Dì bỗng trở về, sau nhiều năm mất tăm. Và dì cũng đã có gia đình. Lúc này, mẹ mới dắt anh qua nhà dì, nói: "Đây mới là mẹ của con, còn mẹ, mẹ chỉ là dì của con thôi. Từ nay, con gọi mẹ là dì hai nghe!" Anh quá bàng hoàng, sửng sốt, không thể tin đó là sự thật. Anh không đồng ý. Dì cũng tỏ vẻ ngại. Lúc đó không có dượng ở nhà, mà có lẽ dì cũng chưa nói cho dượng biết chuyện này...
          Vậy là, anh lại vẫn ở với mẹ, gọi mẹ bằng tiếng "mẹ" thương yêu như ngày nào.
          Mẹ vẫn bán cóc ổi ngâm đầu hẻm. Anh lên cấp ba, học giỏi lại tháo vát, năng nổ, được bầu làm Bí thư đoàn trường, lãnh đạo cả trăm đoàn viên thanh niên. Mẹ biết trong trường anh rất "nổi tiếng," được thầy cô tin yêu, được bạn bè nể nang, kính phục. Mẹ biết anh rất bận rộn với việc học, với công tác ở trường. Và mẹ cũng biết con trai mới lớn thường hay mắc cỡ, mặc cảm, hay tự ái với bạn bè vì cái nghèo, nhất là người như anh, cho nên mẹ chưa bao giờ gọi anh ra trông hàng vì phải ngồi suốt ngoài đường, cũng không dám giao cho hai đứa nhỏ - em anh - trông chừng cái tủ cóc ổi ngâm bé xíu bé xiu đó, vì chúng còn nhỏ quá, mẹ không an tâm. Tới bữa cơm, mẹ kêu đem cơm ra, mẹ ăn luôn ở ngoài đường. Mà anh thì vô tư, vô tình quá. Anh thương mẹ, nhưng cứ mãi loay hoay, bận bịu với công việc, với những kế hoạch, những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo cho Đoàn trường; với việc học nhằm giành thứ hạng cao trong lớp, thành ra chẳng để ý nhiều lắm đến cuộc sống xung quanh. Anh say mê, quyết tâm đeo đuổi việc học thật giỏi để sau này "làm giàu" nuôi mẹ, nuôi em mà quên mất hiện tại. Có một chuyện thầm kín khó nói mà mãi sau này anh mới biết, thì ra hồi mẹ còn buôn bán, nhiều lúc mắc tiểu mà cũng không muốn gọi anh ra trông hàng để vào nhà, vì sợ anh bận, sợ bạn bè anh, những người học cùng trường với anh trông thấy, sợ đủ thứ... cho nên cứ nín nhịn mãi như thế, riết thành thói quen. Năm tháng trôi qua, mẹ bị chứng đau thận, và bây giờ phải vào bệnh viện đấy...
          Anh dừng lại để nén nỗi xúc động dâng trào. Một hồi lâu sau, anh mới nói: "Hồi còn đi học Đại học, anh quyết tâm sau này đi làm có tiền xây cho mẹ một căn nhà thật to, thật sang trọng. Thương mẹ lắm, dù cực nhọc tới đâu mẹ vẫn cứ nhớ và hay kể về cái thời con gái vàng son, quí phái của mẹ. Mẹ kể và tự hào lắm, dường như quên mất mọi khó khăn, đau buồn hiện tại. Anh mới đi làm vài năm, chưa xây được cho mẹ căn nhà thì mẹ đã phải khổ như thế này đây..."
          Cái hành lang bệnh viện dài hun hút và mát lạnh. Bất giác, tôi nhìn vào trong phòng. Cạnh giường ông ngoại tôi, mẹ anh - người đàn bà gầy gò, xanh xao - đang thiêm thiếp trong vẻ thanh thản nhẹ nhàng. Tôi chợt nghĩ, cuộc đời của mẹ anh nói giống như tiểu thuyết thì có lẽ chưa chính xác lắm, mà nói giống cổ tích hình như đúng hơn. Vì cổ tích khác tiểu thuyết. Cổ tích luôn luôn có hậu.

Sài Gòn, 1997 – 1999
Nguyễn Đông Phong (Bút nhóm Vòm Me Xanh) 

No comments:

Post a Comment