Monday, May 22, 2017

Tìm hiểu chứng loạn nhịp tim


Image result for arrhythmia


Chứng loạn nhịp tim là sự bất thường về nhịp đập của trái tim. Nó có thể giống như có xung động hoặc tạm ngừng. Nó có thể chỉ thoáng qua và không làm thay đổi nhịp tim tổng thể của quý vị (số lần tim đập trong mỗi phút). Hoặc nó có thể khiến cho nhịp tim trở nên quá nhanh hoặc quá chậm. Một số trường hợp loạn nhịp tim không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Những lúc khác, nó có thể khiến quý vị thấy váng đầu hoặc chóng mặt.

Chứng loạn nhịp tim có hai kiểu chính. Nhịp tim chậm là khi tim đập quá chậm - ít hơn 60 lần mỗi phút. Nhịp tim nhanh là khi tim đập quá nhanh - hơn 100 lần mỗi phút.

Các dấu hiệu của rối loạn nhịp tim là gì?
  • Khi nó xảy ra trong thời gian rất ngắn, chứng loạn nhịp tim có thể hầu như không có triệu chứng. Nó có thể giống như việc tim bỏ qua một nhịp đập mà quý vị khó có thể nhận thấy.
  • Nó cũng có thể giống như có xung động ở ngực hoặc cổ.
  • Khi chứng loạn nhịp tim trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài đến mức gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động tốt của tim, thì có thể tim sẽ không có khả năng bơm đủ lượng máu cho cơ thể. Điều này sẽ khiến cho quý vị cảm thấy mệt mỏi hoặc có cảm giác lơ mơ hặc có thể bị bất tỉnh. Nó cũng có thể gây chết người.
  • Nhịp tim chậm có thể gây mệt mỏi, chóng mặt, váng đầu, ngất xỉu hoặc cảm giác muốn ngất, hoặc trong trường hợp rất nặng có thể gây ngưng tim.
  • Chứng tim đập nhanh có thể làm giảm khả năng bơm máu của tim, gây ra tình trạng thở hổn hển, đau ngực, cảm giác lơ mơ hoặc mất ý thức. Nếu nặng, nó có thể gây ra cơn đau tim hoặc tử vong.
Điều trị rối loạn nhịp tim như thế nào?

Trước khi điều trị, điều quan trọng là bác sĩ phải biết được chứng loạn nhịp tim bắt đầu từ vùng nào của tim và liệu nó có bất thường không. Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) thường được dùng trong chẩn đoán chứng loạn nhịp tim. Nó ghi lại bằng hình ảnh các xung điện của tim. Những cách khác để tìm được vùng xuất phát của chứng loạn nhịp tim là sử dụng máy đo Holter, thử nghiệm gắng sức, nghiệm pháp bàn nghiêng, khảo sát điện vật lý ("lập sơ đồ" hệ thống điện sinh học của tim). Việc điều trị có thể bao gồm:
  •  Thay đổi lối sống
  •  Dùng thuốc để phòng ngừa và kiểm soát chứng loạn nhịp tim
  •  Thuốc để điều trị các tình trạng có liên quan, chẳng hạn như huyết áp cao, bệnh động mạch vành và suy tim.
  •  Dùng thuốc chống đông máu để giảm nguy cơ tạo huyết khối và đột quỵ
  •  Máy tạo nhịp tim để giúp tim quý vị đập đều đặn hơn
  •  Khử rung tim và cấy máy khử rung tim trong người (ICD)
  •  Cắt đốt (cắt bỏ mô tim)
  •  Phẫu thuật
Khử rung tim gì?

Đó là cách đưa nhịp tim bất thường trở về bình thường bằng sốc điện cực nhanh.
  • Máy khử rung cấy trong người (ICD) có thể được đặt dưới da ở phía ngực trên để tạo sốc điện và/hoặc hoạt động như một máy tạo nhịp tim. Thiết bị này biết được lúc nào tim đập không bình thường và nó làm việc 24 giờ mỗi ngày.
Cắt đốt là gì?
Đó là một cách để chữa chứng loạn nhịp tim và đưa trái tim của quý vị trở về nhịp đập bình thường.
  • Thủ thuật này được thực hiện bằng cách luồn một cái ống nhỏ (ống thông) vào trong tĩnh mạch đến cơ tim. Đầu của ống thông phát ra năng lượng làm phá hủy những vùng rất nhỏ của mô tim mà tại đó gây ra những xung điện bất thường.
Có thể tìm hiểu sâu hơn bằng cách nào?
  1. Hãy gọi 1-800-AHA-USA1 (1-800-242-8721), hoặc truy cập heart.org để tìm hiểu thêm về bệnh tim và đột quỵ.
  2. Đăng ký nhận tạp chíHeat Insight, một tạp chí miễn phí dành cho bệnh nhân tim và gia đình, tại heartinsight.org.
  3. Kết nối với những bệnh nhân khác cùng chia sẻ hành trình điều trị bệnh tim và đột quỵ bằng cách tham gia Mạng lưới Hỗ trợ của chúng tôi tại heart.org/supportnetwork.
Chúng tôi có nhiều tờ thông tin để giúp quý vị có được những lựa chọn lành mạnh hơn để giảm nhẹ nguy cơ, kiểm soát bệnh tật hoặc chăm sóc cho người thân. Ghé thăm heart.org/answersbyheart để tìm hiểu thêm.

Quý vị có câu hỏi hoặc có điều gì đó muốn trao đổi với bác sĩ hoặc y tá?

Hãy dành vài phút viết ra câu hỏi của chính quý vị để mang theo trong lần tiếp theo đến gặp nhà cung cấp dịch vụ y tế. Ví dụ:

Có thể chữa khỏi được chứng loạn nhịp tim không?

Tôi có phải tiếp tục dùng thuốc không?

©2015, Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (American Heart Association)
       

No comments:

Post a Comment