Saturday, February 6, 2016


TẾT, NÓI CHUYỆN CÓ TÊN  HOA  MAI   Lê Bảo Kỳ


Chữ MAI trong Việt ngữ có nhiều nghĩa nhưng, nghĩa riêng của nó là buổi sáng sớm tinh sương, thường gọi là sớm mai, chỉ cho một ngày mới sau một đêm dài tăm tối. Từ cụm từ sớm mai, được chuyển sang để chỉ cho một loài hoa nở vào sáng sớm mùa xuân sau những ngày, tháng đứng im, rụng lá trong mùa đông giá buốt, tự nảy lộc, ra hoa nên gọi là hoa Mai. 
Truyền thuyết có tên hoa Mai Truyền thuyết rằng: “Một ngày nọ trong tiết xuân, có ông nông dân thuộc dòng MA Tộc  của Ma Xuân Trường, một tướng quân anh tài dưới đời Hùng Nghị Vương 17 ở Phú Thọ, vào triều Hùng Duệ Vương thứ 18 đương thời tại kinh đô Phú Thọ, xin dâng lên vua một cành cây xanh, ít lá trên đó có nhiều hoa vàng 5 cánh, thân nhỏ bằng đồng tiền. Sau những giây phút xem, Vua Hùng Duệ nói: “Đây là một loại cây có hoa màu vàng, 5 cánh rất kỳ lạ chưa từng thấy, quý hóa lắm, có thể dâng lên bàn thờ tổ tiên, để cúng tế trong tiết xuân này.” Không quên, vua hỏi ông nông dân: “Cây có hoa này, tên nó là gì?” Người nông dân vẫn cầm chặt cành hoa trong lòng tay, quỳ xuống thưa: “Kính thưa Hoàng Thượng, thứ dân hoàn toàn không biết.” Đức vua Hùng Duệ hỏi: “Thứ dân tên họ gì?” “Dạ thưa Hoàng Thượng, thứ dân tên Ma Đình Mai.” Đức Hùng Duệ im lặng trong giây lát, liền nở nụ cười, nói: “Thì ra, nhà ngươi cùng tộc họ MA với Tướng quân của ta hiện nay, là MA KHÊ, một thiên tài giỏi về chiến lược, chiến thuật, không thua gì Tướng Ma Xuân Trường dưới đời phụ vương Hùng Nghị (17) của ta, đã nhiều lần cầm quân, đánh tan quân xâm lược phương Bắc vừa mới tới biên giới, cả ngàn tên đã ngã gục! Được rồi, ta lấy tên MAI của nhà ngươi, đặt tên cho cây có hoa vàng 5 cánh này, là cây “Hoa Mai,” vì nhà ngươi đã có công tìm thấy nó.”  Kể từ đó cho đến ngày nay, trên bốn ngàn năm văn hiến, tên hoa Mai chẳng những không bị mất, mà vẫn còn tiếp tục tồn tại trên đất mẹ Việt cứ mỗi độ xuân về, Tết đến nở trong tâm hồn dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước, nơi bàn thờ Tổ tiên, phố xá thị thành, đâu đâu cũng đều có hoa Mai hiện hữu.   Câu chuyện có tên hoa Mai, vừa được trình bày trên, do Giáo Sư Quách Tấn (Thi sĩ Quách Tấn) dạy Việt văn lớp Đệ Tam, kể cho học sinh chúng tôi nghe. Hôm ấy, Giáo sư Tấn dạy chúng tôi cách làm thơ thất ngôn tứ tuyệt. Nhân kể chuyện có tên hoa Mai trong ngày Tết và  dư âm của xuân đang còn, do vậy GS Quách Tấn ra đề tài hoa Mai. Tôi liền hạ bút lên trang giấy. Năm phút sau, tôi đem bài thơ nộp lên trước tiên. Giáo sư Quách Tấn cầm lên xem liền, gật đầu. Sau khi cả lớp nộp lên, GS Tấn đọc bài thơ tôi trước: “Muộn màng mai nở một cành hoa  Phòng vắng đêm xuân ta với ta
Chợt nhớ xuân xưa (1) dân chạy giặc.  Xuân này (2) vui quá khắp nhà nhà.” 
Môi trường sinh trưởng và tồn tại của hoa Mai Đúng theo chủ đề trên, không nói đến môi trường sinh tưởng và tồn tại của hoa Mai. Tuy nhiên nhân dịp xuân Bính Thân - 2016 đang về khắp mọi nhà người Việt chúng ta  ở hải ngoại, nên chi cũng phải nói đến một chút về cách sinh tồn của loài hoa Mai, để giới trẻ người Việt ta được biết thêm về hoa Mai, một loài hoa mang sắc thái đặc trưng văn hóa Việt Nam.  Nhận thức tổng thể: Sau khi trái đất được hình thành qua cả triệu năm bởi vô số nhân duyên, thì muôn muôn, vạn vạn loài vật, cây có trái, không trái, hoa, cỏ đủ loại (kỳ hoa dị thảo), tuần tự xuất hiện trước, sau với loài người. Riêng môi trường sinh tồn của muôn loài thảo mộc (cỏ, cây)  không ngoài rừng rú, non cao, đồi thấp, thung lũng, đồng khô, đồng ướt… mà có bản thể sai biệt. Trong thời nguyên thỉ, tất cả các loài Thảo, Mộc chưa có tên, lần lượt được loài người đặt tên: cây ổi (trái ổi) cây táo (trái táo), cây mít (trái mít) v.v… Hoa Lan, hoa Cúc, hoa Mai, hoa Hồng, v.v… Riêng loài hoa Mai (đang luận), môi trường sinh thái và tồn tại của chúng, là những nơi thung lũng cạn, sâu, đất cứng, đất có pha sỏi, đá lẫn lộn, và những vùng cát ven biển… đều có cây hoa mai, cho nên mang tên mai rừng. Đem hạt mai về nhà gieo, trồng tại nhà được gọi mai nhà, bởi vì bản thể cây mai không còn sắc thái hoang dã nữa. Bản thể của loài Mai ở thuở ban đầu mới lên cây con, đều giống nhau là nhỏ bé, lá răng cưa, thân cứng như cây tâm tre dù cho mọc ở đâu. Sau đó thân cây mai sẽ thay đổi toàn bộ. Có nghĩa là môi trường như thế nào, thân, cành, lá, hoa như thế đó: cao, thấp, to, nhỏ, èo ọt, sần sùi, nhẵn nhụi, nâu, xám, cành giòn, cành dai, lá dài, lá bầu, răng cưa, hoa vàng 5 cánh, 6 cánh dày, mỏng, vàng sậm, vàng nhạt, v.v…  Tất cả do môi trường của đất khi cây Mai hiện hữu mà có những sắc thái như đã nói trên. Từ những hình thái đó mà cây mai được có tên: Tên Mai Sẻ, là mai ở vùng cát, gọi là Mai động, thân thẳng, cành nhỏ, hoa chi chít. Tên Mai Chủy, là mai mọc trong rừng, môi trường ẩm ướt thường xuyên trong 4 mùa, (mưa hè, thu, sương rơi đông xuân), nên chi hoa to, nở hoa thành chùm san sát nhau. Tên Mai Vĩnh Hảo, là mai luôn được có dòng nước ngầm chảy qua gốc rễ thân mai. Dòng nước có tên suối Vĩnh Hảo, được phát xuất từ trong núi. Nhờ đó mà những cây Mai ở vùng Vĩnh Hảo thân cao, to, lá bầu, hoa to 5, 6 cánh gần bằng đồng tiền Tự Đức 4 lỗ, lâu tàn. Tên Mai Cà Ná, (Phan Rang), là Mai thân èo ọt, thấp, cành giòn, lá răng cưa, hoa vẫn 5 cánh nhỏ… giai do hằng năm nắng nhiều, ít mưa, có khi bị hạn hán suốt năm (Phan Rang lửa đốt trên trời, bao nhiêu than đỏ xuống đầu Phan Rang), đất
trắng, cứng có pha cát… nhưng, sống được nhờ sương đêm. Tên Mai Nam Bộ, là Mai có thân cao, cành to, lá lớn, hoa lớn nở vài lần trong năm, gọi là Mai tứ quý, do nước mát bốn mùa, v.v… Qua những hình tướng, sắc thái khác nhau của loài hoa mai nói riêng, như vừa trình bày trên, cho ta thấy rõ: loài hoa mai ưa vùng đất ẩm ướt nơi gốc rễ. Đích thực, đi vào chùa Hương bằng đường thủy trên mặt con suối Yến, có dòng nước chảy lững lờ. Sau khi những con thuyền đưa khách hành hương trẩy hội mùa Xuân cập vào hai bến Đục. Một, ở hướng tây để đi Cáp treo lên chùa cao nhất. Hai, ở hướng đông vào chùa dưới, Cả hai bến Đục đều gần bờ suối YẾN cỡ chừng vài mét. Khách hành hương đi ở đoạn đường thấp tại bến Đục phía tây hay đông trước khi lên đường dốc, ai để ý sẽ thấy phía bên trong gần suối Yến có một rừng Mai đang trổ hoa vàng rực, do nước mát từ suối Yến thấm vào, được thấy rõ thân mai cao hơn những cây khác, cho nên thi sĩ Chu Mạnh Trinh có lời thơ:  “Thỏ thẻ rừng Mai chim cúng trái…  Lững lờ khe Yến cá nghe kinh…” Một nơi khác nữa có Mai vàng rực rỡ, đó là một thung lũng cạn ẩm ướt, có tên “Sông lòng Sông” (giữa Phan Rang và Phan Rí Thành) cách suối Vĩnh Hảo cỡ 2 cây số hướng tây nam. Đi xe lửa (tàu chợ) vào buổi sáng từ Nha Trang vào Bình Thuận, khi xe chạy chậm trên cầu sắt bắt qua con suối cạn, để chuẩn bị dừng lại Ga Sông lòng Sông. Khách sẽ thấy rừng Mai vàng ở hai bên mạn con suối, trong lòng thung lũng không sâu lắm ở hướng tây nam, bên trái toa xe, cách đường rầy cỡ mươi mét. Sở dĩ tôi vẫn còn nhớ rừng Mai đó, là vì vào những những năm 1948, 49, khi tôi lên 11, 12, dù là thời điểm chiến tranh Việt-Pháp đang bùng nổ dữ dội khắp nơi nhưng, các anh trong làng Liêm Bình tôi thuộc Quận Hòa Đa- Phan Rí Thành - Bình Thuận, vẫn rủ nhau đi ra cầu sắt Sông lòng Sông, để chặt Mai về đón Tết, trong đó có tôi. Do vậy, sau này khi ở Nha Trang, cứ mỗi độ xuân về, tôi đi xe lửa về quê Phan Rí ăn Tết, xe chạy chậm qua cầu sắt, tôi nhớ rừng Mai, liền ghì tay lên bệ cửa sổ, chăm chú nhìn ra rừng Mai xưa đó, đang trổ hoa vàng rực dưới bầu trời xuân, nắng ấm.  Nơi khác nữa có hoa Mai vàng rực rỡ mùa xuân, đó là vùng Ba Hồ ở Nha Trang, ngày xưa là thắng cảnh có tiếng. Tại đây có một vài cây Mai vàng, mọc xen kẽ với những cây rừng, đá tảng ở những nơi trũng, không xa những hồ nước.   Mai vàng ở vùng chùa Bà Chúa Xứ, gọi là mai Thất Sơn ở miền tây Nam bộ, được thấy một vài cây Mai vàng mọc lẫn lộn giữa những cây rừng, cao không quá đầu người ở đường dốc lên chùa. Những cây mai nơi dốc này, thân không to, cành nhỏ, lá thon răng cưa, hoa nhỏ lưa thưa. Bởi vì đường dốc dù có mầu mỡ nhưng, không giữ được nước mưa. Trong khi bụi Mai trước sân chùa, được trồng trong cái Bồn vuông bằng xi măng, sơn trắng. Cây mai này; thân lớn, cao quá đầu người cỡ gần 3 mét rưỡi, hằng trăm cành xòe tròn ra tứ phía, dưới to ra, to dần giữa thân cây, đường kính cỡ 2 mét, nhỏ dần lên ngọn, lá bầu dục, tất cả cành lớn, nhỏ đều có hoa, cánh hoa to, vàng rực từ gốc đến ngọn. Sở dĩ bản thể cây mai ở đây, được phát triển xanh lá, tươi cành, hoa to và vàng rực như vậy, là do được nhân viên chùa chăm lo tưới tắm, bón phân thường xuyên. Thật đúng với ngạn ngữ Việt Nam: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.” Qua đây cho ta thấy: muôn loài vật, con người, cỏ, cây, hoa lá trên cõi đời này, có loài nào mà không ăn, không uống đâu! Con người và loài vật nhờ ăn và uống nước mới được sống. Cũng như vậy, các loài thảo mộc (cây cỏ) ở mọi nơi trên mặt đất, nhờ nước mà sống tươi, sống tốt, trổ cành, ra lá, đơm hoa, kết trái. Nhất là nước, không nước làm sao sống! Người vượt biên nhịn đói 10 ngày không chết, 4 ngày không nước sẽ bị chết. Cho nên bản thể cây hoa Mai trên đồi, đất khô khan, gò cát, thung lũng thấp, vùng ẩm ướt,… đều khác nhau là như vậy; chứ bản thể nguyên thỉ của hoa Mai vàng đều giống nhau, là thân lớn, cành to, lá bầu, hoa to vàng rực, tỏa hương thơm, gọi là Mai thơm, Mai hương…   Vấn đề môi trường nảy sinh cây hoa Mai vàng, có người cho rằng do chim mang đến. Chim mang đến, là những cây có trái ngọt, chim hái, tha đến nơi gần đó, mổ ăn, làm rụng hột xuống đất, sau đó mọc lên cây. Đằng này hoa mai nở ra, qua một tuần, cánh hoa tàn, rụng xuống, chỉ còn cái đài màu đỏ chung quanh hạt. Sau đó hạt già, đen xì, rụng xuống đất một thời gian, hạt mọc lên cây Mai con. Chim Không ăn hạt Mai, làm sao hạt Mai có thể bay qua chỗ khác để mọc cây? Không lẽ hạt mai từ vùng chùa Hương bay vào thung lũng cạn Sông Lòng Sông xứ Phan Rí, Vĩnh Hảo - Cà Ná Phan Rang? Không lẽ hạt mai từ Sông lòng Sông bay ra Ba Hồ Nha Trang? Không lẽ hạt Mai vùng Vĩnh Hảo bay vô núi Bà Chúa Xứ, v.v…? Tất cả giai do nơi nào có tế bào sống của giống mai, thì chỗ đó có cây Mai vàng mọc lên là đúng lý nhất.  
Bản thể của loài hoa Mai vàng   Thân của cây hoa Mai vàng rất cứng, dẻo và dai ngay khi vừa thành cây con, bẻ không đứt. Lá mai rất cứng, có răng cưa li ti hai bên, nắm vào nghe xót lòng tay. Lá mai bám sát thân cây, thường trảy (lảy) khoảng Rằm tháng 10 âm lịch để hoa nở đúng vào dịp Tết, rất là khó. Phải biết cách lảy lá, lá liền lìa cành dễ dàng, bằng không, da Mai bị xước đi theo luôn với lá, làm đau lòng mai. Nói chung thân, cành, lá mai đều cứng do bản chất muôn đời như vậy. Cho nên thân cây Mai vàng sống dưới bầu trời đầy nắng như lửa đốt suốt mùa hè, giá buốt lạnh lẽo suốt mùa đông, mưa dầm, gió bão mùa thu, hay đồi núi đầy sỏi, đá, đất cứng khô khang… Thân cây mai vẫn chịu đựng đứng yên, không rụng lá, đến mùa xuân, cây mai nảy lộc, nhưng, đơm hoa ít hơn, được lảy lá, hoa nhiều hơn, vàng rực trong ánh nắng ấm mùa xuân. Vì thế, cây hoa Mai, được biểu tượng cho ViỆT NAM, một dân tộc luôn có truyền thống kham nhẫn chịu đựng mọi thứ khổ lụy: nóng bức mùa hè, mưa lụt, bão táp mùa thu, giá lạnh mùa đông, đói lòng, rách rưới, chiến tranh ngoại xâm… ập lên bản thân nhưng, tâm hồn vẫn kiên trì an định, giữ vững đôi chân mềm lên sỏi đá, bước tới về phía trước, lập lại cuộc đời mới, nở nụ cười Xuân trên đôi môi. Cây Mai, nói về loại cây: nó là loại cây như cây dẻ, cây sồi khi chưa có hoa; nói về hoa, cây Mai là loài hoa quý, được người dân Việt ta đem dâng cúng lên bàn thờ Tổ tiên, ông bà vào dịp Tết và tế lễ Thánh Thần tại các Đình, Miếu vào tiết xuân (Tế xuân).    Mai có hai loại: Mai vàng (hoàng mai) và trắng (bạch mai). Riêng hoa Mai trắng được thấy tại tư gia của những người giàu có, quan quyền thường trồng bên vách, trước nhà. Bởi vì bạch Mai được xem là loài hoa quý. Quý ở chỗ thân nó lớn, ít sần sùi như mai vàng, lá to, cành lớn, hoa trắng 5 cánh bầu tròn đều đặn, lớn hơn mai vàng cỡ chừng một ly. Do vì quý, cho nên không ai chặt một cành Mai trắng cắm vào bình để cúng tế, hay trưng bày nơi phòng khách. Chỉ để nguyên nơi vườn mà thưởng thức thôi. Mai trắng không thấy ở rừng núi, chỉ được thấy ở đồng bằng Cửu Long miền Nam. Mai vàng (hoàng mai) thì đại trà trên đất Việt: ở những nơi rừng rú, núi non… từ Yên Tử, Quảng Ninh, cho đến Khánh Hòa, Cao nguyên Trung Việt, xuống tận miền Nam. Nếu không nói rằng hoa Mai vàng là hoa của dân tộc Việt Nam, được thấy rất phổ biến nơi đình, chùa, tư gia các giới, đều ưa thích hoa mai vàng. Có một vài chùa ở Bắc, trong Nam, ngoài Trung, hoa Mai vàng được trồng nơi hàng rào, sân chùa và kể cả trong những cái vại nhỏ ba chân, hay ở nơi góc tường rất lâu năm. Riêng Mai vàng trong những cái vại này, thân của chúng như thế nào; thấp, bành ra, sần sùi phần gốc, tròn dần lên ở phần thân, to bằng cây chuối con, cành to bằng cánh tay người lực sĩ, cong
queo vô trật tự, uốn mình như rồng bay, phượng múa,… do ý muốn của người chủ, trước khi tạo ra các hình thể dị biệt đó, đã cắt ngọn. Tết Nguyên Đán, thì những cây mai vàng kỳ cựu (cội mai già) này trong các vại, nở đầy hoa, vàng rực chung quanh thân cây có những hình thù kỳ dị của chúng, trông rất đẹp mắt, được thấy tại các chùa và tư gia sành điệu chơi Mai. Họ trồng trước sân hay trong những cái vại to mầu gạch, chứ không có cội mai già trắng. Chính hai câu thơ sau cùng trong bốn câu của Thiền Sư Mãn Giác đời Trần sau đây: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhứt chi mai”. (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một cành mai), là cây hoa Mai vàng trước sân chùa. 
Hoa Mai vàng trong văn hóa Việt Nam khi Xuân về Hoa Mai vàng được biểu thị cho mùa Xuân. Nói khác hơn, hoa Mai là Xuân, Xuân là hoa Mai. Chỉ có hoa Mai vàng trong nền văn hóa Việt Nam, không có hoa Mai trắng. Đích thực như vậy, hình ảnh hoa Mai vàng được hiện hữu ở những vật thể hiện thực và âm thanh trong mùa Xuân: Tấm thiệp chúc Tết đầu năm, bánh Chưng, bánh Tét, những hộp bánh, mứt Tết, trang bìa Đặc san báo Xuân, trước các cửa hiệu buôn ngày Tết, trên sân khấu văn nghệ mừng xuân, như những bài: Phiên gác đêm xuân (Đón giao thừa một phiên gác đêm. Chào xuân đến súng xa vang rền… - NS N. V. Đông). Đồn Vắng Chiều Xuân (Đồn anh đóng ven rừng Mai, nếu Mai không nở, sao anh biết xuân về hay chưa!... - NS Trần Thiện Thanh). Hạnh Phúc Đầu Xuân (Thắm thoát là đây, một mùa Xuân mới muôn ngàn cánh hoa vàng,… - NS Minh Kỳ, Lê Dinh). Xuân Đã Về (Xuân đã về, Xuân đã về. Kìa bao ánh Xuân về tràn lan mênh mông,… - NS Minh Kỳ) v.v… Cũng như trong các bài thơ nói về mùa xuân có hoa Mai của những thi sĩ: Nguyễn Du nói tiết Xuân: “Mùa Xuân con én đưa thoi,… Cỏ non xanh rợn chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa,… Chị em sắm sửa bộ hành chơi Xuân,…”  Thiền sư Mãn Giác đời Trần: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Tiền đình tạc dạ nhứt chi mai.” (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một cành mai). Hàn Mặc Tử: “Sột soạt gió trên tà áo biếc, trên giàn thiên lý bóng Xuân sang...” Nguyễn Bính: “Đây cả mùa Xuân đã đến rồi. Từng nhà mở cửa đón vui tươi…” Vân vân và vân vân.

No comments:

Post a Comment