Bác sĩ Từ Phấy
Kỳ này, mời quí độc giả đọc bài viết của Bác sĩ Từ Phấy, về bệnh loét bao tử cùng nguyên nhân gây bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Bệnh loét bao tử
Bệnh loét bao tử có từ xa xưa và nhiều nhân vật trứ danh trong lịch đã từng bị bệnh này, trong đó có Tướng Napoleon Bonaparte của nước Pháp. Ngày nay, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ nguyên do của bệnh và vẫn giữ những quan niệm xưa đối với chứng bệnh này.
Người mắc bệnh loét bao tử thường đau bụng trên, nhất là khi đói và phải uống sữa hay chất kháng acid để dịu bớt cơn đau. Cơn đau có khi mãnh liệt như dao cắt trong bụng đến nỗi toát mồ hôi. Bệnh này cũng có lúc làm đi chảy, đầy hơi và sình bụng. Bệnh loét bao tử lâu năm còn đưa đến những nguy hiểm khác như lủng bao tử và xuất huyết nội. Hai trường hợp đó cần phải giải phẫu khẩn cấp.
Nhưng nguyên nhân của bịnh loét bao tử là do đâu? Xưa nay, người ta vẫn nghĩ là do di truyền, căng thẳng tinh thần (stress), hoặc do các loại thức ăn kích thích bao tử tiết ra nhiều chất chua như gia vị, ớt và cà phê mà sinh ra lở loét bao tử. Bệnh này dù có điều trị vẫn hay tái phát. Họ kết luận là: “No acid, no ulcer, once an ulcer, always an ulcer”.
Thuốc bao tử thần tiên
Cách điều trị bệnh loét bao tử thời bấy giờ gồm nghỉ ngơi lâu dài, ăn kiêng nhạt, thuốc kháng acid, thuôc chống cholinergic và đôi khi phương pháp giải phẫu.
Mãi đến 1964, nhà bác học Sir James W. Black nước Anh khám phá ra thuốc Tagamet được coi như thuốc thần dược đối với bịnh loét bao tử. Thuốc Tagamet ngăn chặn sự sản xuất chất acid của bao tử và rất công hiệu khi dùng để chữa bệnh loét bao tử. Bệnh được chữa khỏi trong một thời gian ngắn 4 tuần lễ. Nhiều năm sau đó thuốc Omeprazole hữu hiệu hơn thuốc Tagamet trong việc ngăn chặn chất acid của bao tử được khám phá năm 1978 và được bán trên thị trường Hoa Kỳ năm 1989.
Lý thuyết nguyên nhân của bệnh loét bao tử “No acid, no ulcer” đó càng vững vàng và gần như không ai chống đối. Nhưng chẳng may, gần như 24-25% trường hợp bệnh loét bao tử bị tái lại trong vòng một năm, bịnh loét bao tử không bao giờ được trị dứt hẳn hòi!
Khám phá của Bác sĩ Barry Marshall
Năm 1982, Bác sĩ bệnh lý Robin Warren tại Bệnh Viện Royal Perth Hospital ở Úc châu nhận thấy qua kính hiển vi, những sinh thiết trong bao tử của những người bị bệnh loét bao tử có một con vi trùng, hình dáng xoắn như lò xo.
Ông nghi con vi trùng đó gây ra viêm bao tử. Nhưng ông bị nhiều đồng nghiệp chế diễu vì mọi người đều biết là không một vi trùng nào có thể sinh tồn được nơi môi trường acid của bao tử. Lúc bấy giờ phương pháp nội soi endoscopy do người Nhật phát minh ra khoảng 1950-1960 đang bắt đầu được xử dụng rộng rãi bởi các bác sĩ chuyên khoa bộ tiêu hóa để kiểm tra, nhận xét thành vách bao tử và rút dịch bao tử để thử nghiệm. Vào khoảng thời gian đó, có một bác sĩ trẻ mới ra trường, tên là Barry Marshall, 32 tuổi, đang thực tập ngành tiêu hóa và đang tìm một đề tài nghiên cứu. Ông bèn hợp tác với Bác sĩ Robin Warren. Sau ba tháng làm việc trên bao nhiêu người mắc bệnh loét bao tử ông đều thấy con vi trùng đó trong nước dịch lấy từ bao tử bằng nội soi endoscopy, nên ông cho rằng chắc chắn con vi trùng đó có liên quan tới bịnh loét bao tử.
Cũng vừa lúc đó, ông có một bệnh nhân bị bệnh loét bao tử vừa bị sưng phổi. Bệnh nhân này được điều trị bằng thuốc trụ sinh. Bệnh sưng phổi được trị khỏi và bệnh loét bao tử cũng lành. Bác sĩ Marshall rất là ngạc nhiên, quả quyết con vi trùng xoắn trong thành vách bao tử đó là nguyên nhân chính gây ra bịnh loét bao tử. Để chứng minh lý thuyết đó, ông đã uống dung dịch chứa đầy rẫy những vi trùng xoắn rút ra từ bao tử của những người mắc bệnh này. Quả nhiên hai tuần sau, ông trở bệnh rất nặng vì bị đau trong bao tử, ói mửa, đi tiêu chảy, và kém ăn. Ông nhờ bạn đồng nghiệp soi bao tử thì kết quả cho thấy thành bao tử bị sưng và nước dịch trong bao tử cũng thấy những con vi trùng xoắn đó. Sau đó ông tự chữa bằng thuốc trụ sinh thì bênh lành. Sự lành bệnh được xác nhận bởi nội soi bao tử.
Từ đó, ông đi thuyết trình khắp nơi để thuyết phục y giới loét bao tử là do con vi trùng xoắn gây ra. Con vi trùng được đặt tên là Helicobacter pylori (Vi Trùng Xoắn Cuống Bao Tử). Nhưng vì ông là một bác sĩ trẻ mới ra trường chưa có uy tín, và thời bấy giờ y giới vẫn quan niệm loét bao tử là do nhiều chất chua trong bao tử gây ra, cho nên không ai tin những thuyết trình của ông. Mãi đến gần hơn 10 năm sau, những nhà bác học khác trên toàn cầu lần lần thử nghiệm lại thì mới xác nhận lý thuyết của Bác sĩ Marshall đứng vững.
Ngày nay những kết quả thử nghiệm cho thấy là hơn 90% trường hợp loét tá tràng (duodenal ulcer) và khoảng 80% trường hợp loét bao tử (gastric ulcer) do con vi trùng HP gây ra.
Vi trùng Helicobacter pylori
Helicobacter pylori là loại vi trùng hình xoắn sinh sôi ở thành vách niêm mạc bao tử.
Trường hợp bị nhiễm vi trùng HP này rất thông thường, nhứt là ở những nước chậm tiến, nghèo kém. Người ta ước đoán gần như ba phần tư dân số thế giới bị nhiễm vi trùng H. pylori, nhứt là các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Cam Bốt, Lào và các nước lân cận như Phi Luật Tân. Ở Hoa Kỳ, trung bình 30% dân chúng bị nhiễm HP với dân gốc Phi Châu, gốc La Tinh, giới cao niên và giới nghèo bị nhiều hơn. Tuy nhiên bị nhiễm HP không nhất thiết là bị bệnh loét bao tử.
Tại sao có người bị nhiễm HP, có người lại không? Người ta nghi là do qua ăn uống phải nước uống hoặc thức ăn bị nhiễm vi trùng HP. Tỷ lệ bị nhiễm càng cao ở các nước chậm tiến, thiếu vệ sinh, thiếu hệ thống ống cống thoát chất thải. Có nhiều nơi dân chúng bị nhiễm đi nhiễm lại do nước uống không sạch. Những con vi trùng HP đó một khi vào được trong bao tử sẽ sinh sôi nẩy nở nơi đó.
Một điều thắc mắc nữa được đặt ra là, trong bao tử có chất acid rất mạnh, và gần như 99% những con vi trùng đi qua bao tử đều bị tiêu diệt trong vòng nửa tiếng. Vậy thì làm sao con vi trùng HP này lại có thể sinh sôi nẩy nở trong bao tử? Sau này, người ta khám phá ra con vi trùng này tiết ra một chất men làm ra chất ammoniac để trung hòa chất acid xung quanh và che chở nó không bị tiêu diệt bởi chất acid. Vi trùng còn tiết ra nhiều chất men khác làm tổn thường niêm mạc của bao tử và đưa đến bệnh loét bao tử.
Những bệnh do H. pylori gây ra
Đa số nhữnh người bị nhiễm HP không có triệu chứng. Một số trường hợp bị nhiễm sẽ đưa đến:
- Loét tá tràng (duodenal ulcer).
- Loét bao tử (gastric ulcer).
- Loát bao tử loại mỏng niêm mạc (atrophic gastritis). Loại này dễ đưa đến ung thư bao tử.
- Ung thư bao tử.
- Ung thư hạch bạch huyết tại niêm mạc bao tử (mucosal-associated-lymphoid-type lymphoma: MALT).
Những bệnh bao tử không do vi trùng HP gây ra
1. Viêm bao tử do thuốc NSAID như Ibuprofen, Naprosyn.
2. Loét bao tử và tá tràng do gastrinoma (Zollinger- Ellison syndrome). Đây là bệnh hiếm thấy do một loại bướu tiết ra quá nhiều chất gastrin khiến cho bao tử cứ sản xuất ra acid không ngừng đưa đến nhiều lở loét trong bao tử và tá tràng.
3. Loét bao tử do chấn động tinh thần (stress ulcer) thường xẩy ra nơi những người bị phỏng nặng toàn cơ thể, bị bệnh nặng nguy hiểm nhứt là nếu người bệnh nằm trong phòng săn sóc bệnh nặng (Intesive Care Unit) lâu ngày.
4. Sưng thực quản do acid trào ngược (Reflux Esophagitis): thường xẩy ra ở người mập phì và có triệu trứng đau chấn thủy nhứt là về ban đêm.
Cách định bệnh tìm vi trùng H. pylori
Hiện nay có 4 phương pháp thử nghiệm tìm vi trùng H. pylori:
1. Thử máu thấy kháng thể H. pylori IgG chứng tỏ người đó đã bị nhiễm HP. Nhưng thử nghiệm này đo kháng thể trong máu cho nên vẫn phản ứng dương tính dù đã được chữa trị diệt vi trùng HP đầy đủ bằng trụ sinh.
2. Phương pháp hơi thở (breath test) rất nhanh và chính xác.
3. Urease test trên mảnh sinh thiết bao tử lấy lúc làm nội soi cũng rất chính xác.
4. Nhận thấy vi trùng HP trên mô sinh thiết bao tử. Đây là phương pháp định bệnh chính xác nhứt.
Cách chữa trị vi trùng H. pylori
Dựa trên sự chấp thuận của Food and Drug Administration (FDA), các cách điều trị dưới đây công hiệu từ 61% đến 94% nếu dùng thuốc từ 10 đến 14 ngày.
1. Omeprazole 40 mg QD + clarithromycin 500 mg TID x 2 wks, then omeprazole 20 mg QD x 2 wks
2. Ranitidine bismuth citrate (RBC) 400 mg BID + clarithromycin 500 mg TID x 2 wks, then RBC 400 mg BID x 2 wks
3. Bismuth subsalicylate (Pepto Bismol®) 525 mg QID + metronidazole 250 mg QID + tetracycline 500 mg QID* x 2 wks + H2 receptor antagonist therapy as directed x 4 wks
4. Lansoprazole 30 mg BID + amoxicillin 1 g BID + clarithromycin 500 mg TID x 10 days
5. Lansoprazole 30 mg TID + amoxicillin 1 g TID x 2 wks**
6. Rantidine bismuth citrate 400 mg BID + clarithromycin 500 mg BID x 2 wks, then RBC 400 mg BID x 2 wks 7. Omeprazole 20 mg BID + clarithromycin 500 mg BID + amoxicillin 1 g BID x 10 days
7. Lansoprazole 30 mg BID + clarithromycin 500 mg BID + amoxicillin 1 g BID x 10 days
*Although not FDA approved, amoxicillin has been substituted for tetracycline for patients for whom tetracycline is not recommended.
**This dual therapy regimen has restrictive labeling. It is indicated for patients who are either allergic or intolerant to clarithromycin or for infections with known or suspected resistance to clarithromycin.
|
Tầm quan trọng trong khám phá của Bác sĩ Barry Marshall
Khám phá của Bác sĩ Barry Marshall là một bước tiến lớn về bệnh loét bao tử. Nhờ vậy, ngày nay chúng ta đã biết nguyên do của bệnh không phải là do căng thẳng tinh thần, không phải là do thức ăn nhiều gia vị và cũng không phải là do chất chua trong bao tử (ngoại trừ trường hợp Zollinger- Ellison syndrome) mà đa số là do con vi trùng xoắn Helicobacter pylori. Bệnh loét bao tử có thể chữa dứt được bằng thuốc trụ sinh. Số người bị ung thư bao tử cũng có thể thuyên giảm nhờ tiêu diệt con vi trùng H. pylori.
No comments:
Post a Comment