Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật tự nhiên
. Không một ai tránh khỏi cái chết.
Trong đời sống vợ chồng, khi một người bạn đời đã vĩnh viễn ra đi, người ở lại sẽ cảm nhận những đau thương về thể xác lẫn tâm hồn. Niềm thương tiếc và nỗi buồn đau chồng chất theo thời gian khiến cơ thể biếng ăn, giấc ngủ bị rối loạn. Nỗi trống trải và tâm trạng mệt mỏi khi nghĩ đến tương lai khiến tâm hồn bất an. Thế giới chung quanh tưởng chừng như đã sụp đổ vì sự mất mát quá lớn này.
Tâm trạng mất người thân là một trong những trạng thái thần kinh căng thẳng nhất mà con người phải chịu đựng. Trong bài viết này chúng tôi xin gởi đến quý độc giả những gợi ý về một vài giải pháp tích cực hầu giúp hàn gắn vết thương lòng và tìm ra sức mạnh cần thiết cho đời sống hằng ngày. Các giải pháp chính được thể hiện qua ba phương diện: thể lý, tâm lý, và tinh thần.
Phương Diện Thể Lý
Sau khi có một người thân qua đời, mỗi người ở lại thường cảm thấy tâm khảm mình bị nỗi đau gậm nhấm một cách khác nhau. Có người trở nên biếng ăn, dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng. Có người bị rối loạn về giấc ngủ vì thao thức nhớ thương. Dần dần sự đau buồn gia tăng có thể dẫn đến những triệu chứng bị trầm cảm. Kế đến, hệ thống miễn nhiễm và sức chịu đựng của cơ thể đối với bệnh tật thường suy giảm đi rất nhiều.
Có lẽ chúng ta đã từng nghe nhiều câu chuyện về những cặp vợ chồng lớn tuổi theo nhau qua đời, cách nhau chỉ trong một thời gian ngắn. Thương tiếc và đau buồn là những nguyên nhân chính làm cho cơ thể bị suy nhược, không còn năng lực để chống chọi với bệnh tật và làm tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch, áp huyết cao, v.v.
Theo nhận xét của Tiến sĩ Thomas Buckley, giảng viên nghiên cứu tại Đại Học Sydney, “Sự pha trộn giữa yếu tố tâm lý và hành vi có thể khiến cho những ai có người thân mới qua đời có nguy cơ mắc chứng nhồi máu cơ tim”. Trong nhiều hoàn cảnh, những yếu tố chính này có ảnh hưởng lớn đến những hoạt động của cơ thể, đặc biệt là khi một người không được chuẩn bị về tâm lý để đón nhận sự mất mát quá lớn, và họ thiếu sự hỗ trợ của những người chung quanh.
Ngay cả trong các trường hợp đã được dự đoán trước, sự ra đi của người thân vẫn có thể gây ra những cơn khủng hoảng tâm lý. Nhiều người trở nên hoài nghi bối rối, phủ nhận sự thật, hoặc giận dữ vì không thể hiểu tại sao chuyện đó lại xảy đến cho mình. Nhiều người cảm thấy có lỗi khi cái chết đến với người mình yêu thương. Nếu người thân qua đời vì tự tử, vết thương trong tâm hồn có thể trở nên sâu đậm hơn; càng đau khổ hơn vì luôn có cảm giác tội lỗi, xấu hổ với những người chung quanh. Nhiều người hoang mang còn nghĩ mình có trách nhiệm về việc để xảy ra cái chết này. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu của y học, tất cả những biểu hiện nói trên đều là những phản ứng bình thường của một người.
Các bác sĩ chuyên khoa về tim mạch đã khuyến khích rằng, để vượt qua cơn khủng hoảng phạm trù này, việc chúng ta nên làm là hãy bộc lộ nỗi đau buồn. Hãy khóc khi cần, hãy chia sẻ than thở với một người thân vì đó là những phản ứng tự nhiên. Hãy tâm sự cùng bạn bè hay người thân về các việc đau buồn. Khi bộc lộ hết các cảm xúc của mình, tâm hồn chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Vì thế chúng ta không nên hối hả rút ngắn thời gian tiếc thương. Ngoài việc tiếp tục ăn uống và ngủ đầy đủ, hãy dành tối thiểu 20 phút để tập thể dục mỗi ngày. Hãy tránh lạm dụng rượu để giải buồn. Hãy trì hoãn lấy những quyết định quan trọng như bán nhà, thay đổi việc làm... Hãy kiên nhẫn vì chúng ta cần thời gian để giúp nguôi ngoai nỗi buồn, điều chỉnh lại bản thân và thích nghi với hoàn cảnh mới. Sự sầu não nào cũng sẽ nguôi dần và lắng dịu với thời gian. Hãy nương theo thời gian để chữa trị vết thương tâm hồn. Nhưng điều quan trọng nhất là hãy tạo sự quân bình trong đời sống bằng cách chú ý đến sự lành mạnh của cơ thể, gìn giữ sức khỏe để có thể đương đầu với sự mất mát lớn lao đó.
Phương Diện Tâm Lý
Trên thực tế không có một phương pháp tối ưu nào để đối phó với nỗi đau khi phải vĩnh viễn chia lìa người mình thương mến; cũng không thể xác định thời gian khi nào nỗi đau sẽ nguôi ngoai. Nhưng có một số giải pháp tích cực đã được các chuyên gia tâm lý đề nghị để giúp người ở lại hàn gắn vết thương tâm hồn và tìm ra sức mạnh cần thiết cho cuộc sống mỗi ngày.
Chấp Nhận Sự Mất Mát
Hãy chấp nhận việc sinh ly tử biệt là chuyện thường tình sẽ xảy ra trong cuộc sống. Những người chúng ta yêu thương ôm ấp đều sẽ qua đi theo thời gian. Ai cũng phải già đi, mang bệnh, rồi qua đời. Chấp nhận sự mất mát là liều thuốc tinh thần giúp chữa lành những nỗi đau và đem lại cho chúng ta sự bình an khi phải đối diện với những nghiệt ngã trong cuộc sống, nhất là khi có sự ra đi của một người bạn đời.
Tình Bạn
Chính trong những lúc khó khăn tình bạn chân thật sẽ đem đến cho ta niềm an ủi quý giá nhất. Trong những người bạn đồng tuổi, thế nào cũng có một người đã trải qua cùng một cảnh huống. Những người bạn có cùng một cảnh ngộ sẽ dễ lắng nghe và thông cảm nhau hơn. Tâm sự với người đồng cảnh ngộ giúp chúng ta vơi đi niềm tiếc thương, xoa dịu được nỗi cảm xúc đau buồn và từ từ trở lại với những sinh hoạt bình thường trong cuộc sống.
Tinh Thần Lạc Quan
Tinh thần lạc quan thường đem lại năng lực và sự tự tin để giúp chúng ta hoàn thành những mục tiêu và vượt qua những trở ngại. Với tinh thần lạc quan, cuộc sống đơn độc chăm sóc cho gia đình sau khi người phối ngẫu qua đời không còn là gánh nặng, nhưng tình trạng này giúp phát triển những sức mạnh tìm ẩn bên trong khi người ở lại phải đương đầu với mọi việc. Càng biết nhiều về những gì phải làm để trở nên một người cha hay mẹ đơn chiếc tốt thì càng làm cho họ vững tâm hơn.
"Tôi chưa bao giờ phải cần đến sự hướng dẫn hay chữa trị của các bác sĩ chuyên khoa," đó là lời tâm sự của một người đàn bà góa chồng đang sống với bốn đứa con nhỏ. "Sau khi chồng tôi qua đời, tôi tự giáo dục mình bằng cách đọc sách và những bài báo về cách bảo trì nhà cửa, thanh toán các hóa đơn hàng tháng, v.v. Việc học hỏi này giúp tôi tăng thêm sự tự tin và tự chủ cho chính mình ".
Việc Chăm Sóc Gia Đình
Khi một người phối ngẫu qua đời, những công việc thường nhật trong một gia đình có thể sẽ trở nên một gánh nặng nếu chúng ta không quen thuộc với cách hành xử. Các việc hành chánh như thanh toán các hóa đơn, viết chi phiếu, liên lạc với hãng bảo hiểm nhân sự, bảo hiểm sức khỏe, ngân hàng, hoặc việc bảo trì nhà cửa hay việc nấu nướng có thể sẽ làm cho chúng ta rối trí, căng thẳng tinh thần. Hãy học để biết cách giải quyết và hãy tìm sự giúp đỡ nếu cần từ những người đáng tin cậy. Hãy đọc sách và tìm hiểu, vấn kế qua các trang mạng sẽ giúp thăng tiến sự tự tin và tự chủ. Càng biết nhiều về những gì phải làm trong đời sống góa bụa càng giúp chúng ta vững tâm hơn.
Theo lời tâm sự của anh Hoài, một người góa vợ và có hai con trai nhỏ: "Sau khi vợ tôi mất, tôi tự tìm hiểu về việc chăm sóc gia đình, tôi học cách nấu nướng và cách nuôi con qua các trang mạng. Tôi tìm quên niềm đau trong việc học hỏi và những bận rộn với con cái”. Đây là dấu chỉ tích cực của sự tự tin để đi tiếp đoạn đường còn lại. Hãy luôn nhớ rằng, một người góa bụa vẫn còn một gia đình cần được trông nom. Dù vẫn thương tiếc người thân ra đi nhưng việc cùng gánh vác với con cái cũng mang lại những niềm vui nhỏ để chúng ta có thể dựa vào đó mà tiếp tục sống một cuộc sống trọn vẹn cho con cái.
Giúp Trẻ Vượt Qua Nỗi Đau
Là cha mẹ, chúng ta đều muốn tránh cho con mình những đau đớn, sợ hãi và buồn phiền. Nhưng việc giấu con trẻ sự thật về cái chết sẽ rất có hại. Nếu cha mẹ không tiện nói về cái chết của người thân và cố giấu cảm xúc của mình, trẻ có thể nghĩ đây là vấn đề cấm kỵ và hiểu rằng không được thắc mắc. Điều quan trọng là nên khuyến khích trẻ biểu lộ nỗi đau và giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của sự mất mát này. Nên nói sự thật và chú trọng vào nỗi sợ hãi sâu kín của trẻ.
Một trong những nỗi sợ lớn nhất của trẻ là bố hay mẹ chúng sẽ không bao giờ còn ở với chúng nữa. Nỗi sợ này càng tăng và có thể trở thành khủng hoảng nếu có một người trong gia đình đột ngột qua đời. Có những trẻ tin vào những điều khác thường. Có em cho rằng chính mình gây ra việc người thân qua đời. Như trường hợp một em có người cha chết vì xe đụng, em bé cứ tự trách rằng mình đã làm cho Ba lơ đãng trong khi lái xe. Chúng ta có thể giúp cho con em tránh sự suy nghĩ sai lệch này, bằng cách cắt nghĩa cho cháu rằng đó là một tai nạn ngoài ý muốn; rằng người qua đời đã làm hết sức mình để tránh tai nạn này.
Phương diện tinh thần
Người ở lại có thể tìm được những sự nâng đở về tinh thần và những trợ giúp cần thiết.
Sự Trợ Giúp Của Các Tổ Chức Xã Hội
Tìm sự giúp đỡ khi cần là dấu chỉ của sức mạnh để tìm cách đương đầu với những bi thảm, những cảm giác hụt hẫng, nỗi lo sợ. Ví dụ các Cán Sự Xã Hội của tổ chức National Society of Military Widows và nhiều cơ quan xã hội khác tại Hoa Kỳ đã từng đóng góp như sau: "Những nhóm trợ giúp từ các cơ quan này cung cấp những nâng đỡ về tinh thần, những lời khuyên thiết thực, và cung cấp nguồn tài trợ hữu ích cho vợ hoặc chồng của các binh sĩ". Ngoài ra, các tổ chức này còn hướng dẫn người góa bụa hoàn tất thủ tục khai tử, liên lạc với sở thuế vụ, sở an ninh xã hội, các công ty bảo hiểm, và ngân hàng để nhận được nguồn tài trợ hàng tháng, v.v.
Tham Gia Một Khóa Học
Ngoài những khóa học thông thường của các chương trình giáo dục ngày nay, có nhiều khóa học trực tuyến. Có những chương trình giáo dục để lấy bằng cấp chuyên nghiệp, một số khác giúp phát triển bản thân. Đi tìm sự bận rộn nơi các khóa học giúp chúng ta giải quyết những khó khăn và tích cực bước tiếp đoạn đường còn lại. Từ chổ tự lập, tiến thân chúng ta sẽ xa dần việc tiếc thương người ra đi .
Niềm Tin Vào Tôn Giáo
Đối với các tín hữu hoặc tín đồ thuần thành, một trong những giải pháp giúp xoa dịu niềm đau và nỗi tiếc thương là dựa vào niềm tin tôn giáo. Các vị lãnh đạo tinh thần cũng thường khuyến khích tín đồ hãy tìm đến sự chiêm niệm trong thinh lặng, trong cầu nguyện, hoặc trong các thiền môn. Qua sự thinh lặng người tín hữu nhận thức được niềm an ủi, đỡ nâng về mặt tinh thần. Những người đã có thói quen tham dự các nghi lễ tôn giáo với người bạn đời sẽ cảm thấy rất trống vắng lúc ban đầu nhưng dần dần nỗi trống vắng ấy sẽ được lấp đầy và sẽ cảm thấy kiên vững khi phải một mình đối diện với những thách đố trong đời sống.
Tóm lại, tình trạng vĩnh viễn chia lìa với người thân yêu có thể đem lại một nỗi đau sâu thẳm. Việc mất mát, tiếc thương là điều không tránh khỏi, nhưng kéo dài tiếc thương thế nào để không chìm đắm trong sầu bi khổ lụy sẽ tùy vào sự chọn lựa của mỗi cá nhân. Có rất nhiều giải pháp giúp chúng ta vượt qua sự đau buồn, biết sống chấp nhận, không mặc cảm, lướt thắng những khó khăn để tiếp tục tích cực đi trọn con đường còn lại và sống một cách có ý nghĩa hơn.
Tiến sĩ Thomas Buckley, giảng viên tại Đại học Sydney đã rút ra một số kết luận từ những kết quả của các sự nghiên cứu: “Chúng tôi khuyến cáo mọi người nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho tình huống mất người thân nếu có thể. Những yếu tố giúp ta chuẩn bị về mặt tâm lý, về mặt tinh thần cũng như tâm linh rất cần thiết. Đồng thời, sự hỗ trợ thích hợp của mọi người xung quanh cũng đóng một vai trò rất quan trọng.”
Charlotte, North Carolina
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]
No comments:
Post a Comment