Sunday, February 7, 2016


Nhớ Mẹ

Nguyên Nhung

Không biết cha mẹ tôi có nợ nần oan khiên gì với đất nước của tôi, dân vốn đã nghèo lại hay chia rẽ, cha tôi qua đời lại đúng vào những năm đất nước chia hai, gia đình tan tác. Sau cái chết của cha tôi được ba hôm, mẹ tôi lặng lẽ dẫn ba đứa con nhỏ đầu chít khăn tang, với đôi tay không xuống tàu theo đoàn người di cư vào Nam. Ðến hơn hai mươi năm sau khi mẹ tôi chết, lại cũng là những năm " gạo châu củi quế", con cái đều nghèo, không đến nỗi bữa đói bữa no nhưng đời sống thật là đạm bạc, lúc mẹ nằm xuống chỉ mang theo nỗi buồn về bên kia thế giới.
Sau chiến tranh, mẹ tôi theo người con trai cả về quê vợ lập nghiệp, làm lại cuộc đời của anh bằng đôi chân đất lội suốt ngày trên những thửa ruộng. Hôm nào lúa đã xong, cha con lẵng nhẵng theo nhau ra đồng đi lưới cá. Gặp lúc được mùa cá, cá lớn cá bé chui vào cái lưới của anh, đem về nhà cho mẹ tôi làm mắm, phơi khô để dành ăn dần cho những ngày chợ quê èo uột, không mua được thức ăn thì đã có sẵn thực phẩm ở trong nhà.
Bữa cơm nhà quê thường chẳng có gì, chỉ cá mắm sống qua ngày, cùng những thứ rau trồng tỉa được, riêng rau muống thì mọc đầy, lan tràn trên những bờ ruộng như cỏ. Ngày xưa người dân quê miền Nam ít ăn rau muống, thứ rau muống ruộng chỉ để nuôi heo, sau thiếu thực phẩm họ bắt chước người Bắc làm món rau muống luộc chấm nước cá kho, rau muống xào tỏi với chút tóp mỡ, người nội trợ giỏi chế biến được món dưa rau muống, thẩu dưa màu hơi tim tím ăn chua chua ngọt ngọt cũng bắt cơm lắm. Ðược cái tuy thức ăn đơn sơ, nhưng gạo nhà quê ăn ngon và ngọt cơm hơn thứ gạo lưu cữu lâu năm cất trong kho của dân thành phố, cho nên bữa cơm nhà quê tuy không cao lương mỹ vị nhưng vẫn ngon miệng.
Những món ăn tầm thường ở miền quê qua tay mẹ tôi chế biến, bỗng trở thành những món khoái khẩu cho cả nhà. Mấy con cá rô mề, rổ ốc bươu, thùng cua đồng thêm vào những thứ rau cỏ và gia vị, bỗng chốc từ món ăn chơi ra món ăn thiệt, đầy hương vị thơm ngon cho con cháu. Món cá rô nấu xôi sắn ( gọi theo tiếng miền Bắc) hay xôi khoai mì( gọi theo miền Nam) của mẹ tôi ngon tuyệt trần đời, có một không hai ở cái miền quê hẻo lánh đó. Chỉ có mẹ tôi ở nhà quanh quẩn trong căn nhà bếp với mấy cái chuồng heo chuồng gà, phiá sau là hàng rào trồng khoai mì, đất ẩm và tốt, cây khoai mì lên sơi sởi, chỉ ít lâu là đã có củ để nấu xôi cá cho cả nhà thưởng thức.
Cách nấu xôi sắn ( hay khoai mì) của mẹ tôi cũng đơn giản. Cá rô làm sạch luộc chín gỡ lấy thịt, phần nước để nấu canh cải xanh, cho thêm mấy lát gừng là cả nhà đã có món canh rau mát bụng. Sắn lột vỏ, cắt ra từng miếng nhỏ, trộn chung với nếp rồi đồ xôi cho vừa chín, khi ấy cá rô đã được ướp chút nước mắm, hành xanh, mỡ nước, mẹ tôi đổ vào chõ xôi rồi đảo nhanh để cá, mỡ hành, muối thấm đều vào nồi xôi sắn, đậy nắp lại. Bấy nhiêu thứ thấm với nhau, sau khi bắc xuống đổ ra mâm, trên mặt được phủ đều một lớp hành phi thơm điếc mũi.
Mấy ai nghĩ ra được món xôi cá như mẹ tôi, ăn rất ngon mà cũng rất đậm đà, chưa kể món bún riêu cua đồng, kiểu nhà quê không màu mè như nơi thành thị người ta cho đủ thứ vào đó, canh cua bị biến chất không còn nguyên mùi vị đồng quê của nó. Canh cua đồng phải có cây chuối non xắt mỏng, ăn kèm với rau kinh giới, phải có gạch cua còn tươi xào với mỡ hành đổ vào nồi khi nấu xong, không phải dùng thứ bột điều để làm màu cho nồi canh, nhưng đã có cà chua, gạch cua làm sóng sánh một màu vàng óng ả. Một buổi chiều miền quê khi mặt trời ngả bóng đằng Tây, công việc đồng áng, vườn tược đã xong, cả nhà quây quần quanh mâm cơm, thưởng thức món bún riêu cua nhà quê miền Bắc, không có gì ngon hơn.
Món ốc bươu nấu khế chua với chút cơm mẻ của mẹ tôi, cá nướng quấn lá lốt đều là những món được chế biến từ những rau cỏ mọc quanh vườn. Rồi cua đồng rang muối, cá trê vàng nấu canh dưa cải ăn với rau sống vừa mát vừa lành, không có trong thực đơn cuả những cửa hàng sang trọng, giờ này theo thời gian đã bị tam sao thất bổn trong lũ con cháu tản mát khắp nơi. Tổ Quốc vẫn như bà mẹ hiền nhưng đã thay hình đổi dạng theo trào lưu tiến hoá của con người và xã hội, hình ảnh bà mẹ quê hiền lành, chịu thương chịu khó như mẹ tôi, lần hồi chìm lỉm trong hồi tưởng cuả những người con còn bám vào những đềm êm của quá khứ. Những người con tha phương cuả mẹ, bây giờ được làm con nuôi khắp xứ, quen dần với những tiện nghi, miếng cơm con cá xứ người, dễ dầu gì được thưởng thức trọn vẹn mùi vị "hương đồng cỏ nội" của những bà mẹ quê tần tảo hôm sớm ngày xưa.
Quanh đi quẩn lại nhà nhà cứ "liệu cơm gắp mắm" mà sống qua ngày, nhưng "một bà mẹ già bằng ba công ruộng", thật chỉ có bà mẹ quê Việt Nam mới diễn tả được hết cái thâm trầm của câu ví ấy. Các cháu con anh tôi lớn lên sơi sởi nhờ sự vun khéo của bà nội, con cua con ốc cũng trở thành những món ngon lành cho con nhà nghèo ở miền quê. Không làm sao nói hết được công lao của người mẹ trong gia đình, dù chỉ là một cái bóng mờ thấp thoáng, lủi thủi trong căn nhà bếp đầy bồ hóng, ngoài bến nước để gọi vịt về chuồng, suốt ngày con gà, con heo luẩn quẩn đi theo để xin ăn, mới thấy được hình ảnh người mẹ quê Việt Nam đẹp biết chừng nào.
Tấm tình của mẹ tôi như lan tỏa được đến với những con vật nuôi trong nhà, từ con chó Tony hiền lành đứng nhìn bầy con tranh ăn dường như cũng ảnh hưởng bởi cái tính hiền lành của mẹ tôi. Con gà mẹ sắp chết cũng biết xòe đôi cánh gọi bầy con chui vào đôi cánh mẹ rồi mới rũ xuống lìa đời. Con heo con gà nhà quê cũng ngộ, vẫn được thả rông để sinh hoạt thong thả như con người, vì thế mà một lần mẹ tôi ốm, hai con heo con dù được người khác cho ăn no, vẫn ụt ịt đi tìm mẹ tôi đang nằm trên chiếc giường con ở nhà trên. Y như hai đứa trẻ con thiếu hơi mẹ, khi mẹ tôi qua chơi nhà hàng xóm, hai chú heo con đã vội vã chạy theo luẩn quẩn bên cạnh bà, nằm bẹp xuống chờ đợi. Con heo con gà được nuôi để bán lấy tiền, để làm thịt ăn mà chúng còn tình nghiã với mẹ tôi như vậy, còn lũ con cháu cứ dần dần bỏ mẹ mà đi, thật qủa đáng trách...

*

Trước khi mẹ tôi qua đời độ một tháng, chị em tôi có về thăm mẹ. Mẹ tôi gầy lắm, không đi được nữa, căn bịnh già và mấy thứ thuốc bổ dưỡng Dân Tộc không làm bà khoẻ hơn, cứ từ từ xụm xuống rồi lưng cong lại và không đứng dậy được. Bây giờ thì tôi mới biết đó là chứng loãng xương ở tuổi già, cũng do lao lực làm việc và ăn uống không đủ chất. Thời buổi ấy chỉ nghĩ đến cơm ăn ngày hai bữa, đâu có ai chú ý đến sự săn sóc, bồi dưỡng cơ thể để được sống lâu, sống khoẻ như bây giờ. Hễ máu cao đứt mạch mà "đi" bất tử thì gọi là chết vì trúng gió, còn già mà chết lần chết mòn thì gọi là bịnh già, chưa kể còn trăm thứ bịnh không được chữa trị tới nơi tới chốn, hễ may mà hết bịnh thì được cho là phép lạ, ơn trên độ cho mà khỏi bịnh.
Mẹ tôi tỉnh cho tới lúc chết, nằm trên giường nhưng vẫn nhắc cho heo ăn, gà ăn, thấy ngả bóng chiều là nhắc con, cháu cho gà lên chuồng, lấy quần áo phơi ngoài sân vào nhà vì sợ sương đêm, khi trời mưa nhắc hứng nước mưa vào lu để dành uống. Không biết mẹ tôi lo chuyện đời làm chi cho khổ thân, chẳng qua cái lòng cuả người mẹ lúc nào cũng băn khoăn từng ly từng tý cho con cháu.
Những lúc gần gũi hai cô con gái ở xa về, mẹ tôi vui lắm. Mẹ tôi trìu mến nhìn tôi rồi khen cô con Uùt tuy không còn trẻ mà trông vẫn còn xinh, chị tôi gầy ốm hơn, nhan săc tiều tuỵ vì nặng gánh chồng con, mẹ tôi nhìn rồi thở dài thương sót. Chúng tôi hồi còn bé, mẹ goá con mồ côi nên nhà cửa xuyềnh xoàng, sa sút, nhưng đi đâu mẹ tôi vẫn cho chị em tôi ăn mặc tươm tất lắm, áo gấm kiềng vàng, chứ không lôi thôi lếch thếch, mấy tấm hình hồi bé tôi mũm mĩm như con búp bê, đôi má lúm đồng tiền trông thật xinh. Mẹ tôi tiếc rằng không còn gì để lại cho các con, bao nhiêu năm chắt chiu tiện tặn bỗng chốc mà tay trắng vì thời cuộc đảo điên. Chúng tôi biết ngày đi của mẹ gần kề, chỉ khuyên mẹ đừng nghĩ ngợi, để lúc ra đi lòng được thanh thản mà gặp lại cha tôi bên kia thế giới.
Nhân nhắc đến cha tôi, mẹ tôi mới nhớ lại giấc chiêm bao vừa xảy ra được ít lâu trước ngày mẹ ốm nặng. Mẹ tôi thấy cha tôi trở về, có lẽ là giấc mơ cuối cùng mẹ nhìn thấy cha trong giấc mơ của đời người sắp tàn ấy, lại là một giấc mơ dường như báo trước ngày cha rước mẹ đi, như ngày cha rước mẹ về thời còn trẻ để bước vào đời nhau, sinh sản được một lũ con giờ tan tác như nghé lạc bầy.
Mẹ tôi kể gặp lại cha tôi trong giấc chiêm bao. Ông hỏi bà còn gì không? Mẹ tôi chực nhớ lại những món nữ trang mà cha tôi mua cho mẹ hồi mới cưới. Ðôi bông tai vàng y hột đá, có hai cái đuôi như đuôi cá thả xuống đằng sau tai, sợi dây chuyền có cây thánh giá, đôi xuyến đeo tay cũng bằng vàng, kể ra thời ấy cha mẹ tôi phải khá giả lắm mới sắm sưả được như vậy. Mẹ tôi lắc đầu nhưng cha tôi không trách móc, ông bảo mẹ tôi đưa tay ra để tặng cho bà những món quà mới, lúc mẹ xoè tay ra nhận thì chỉ là đôi bông tai, sợi giây chuyền và cây Thánh giá kết bằng cỏ. Giấc mơ ấy như nói trước ngày giờ của mẹ đã tới, cát bụi lại trở về cát bụi, những gì cuả cha mua cho mẹ thì cũng chỉ là tro bụi khi con người buông xuôi hai tay để đi vào lòng đất...
Thấy mẹ buồn vì không còn gì để chia cho các con đang vất vả vì miếng cơm manh áo, chị em tôi vin vào giấc chiêm bao ấy để an ủi mẹ. Tôi vốn tính hay đùa, trước cảnh chia ly tử biệt sắp đến tôi vẫn hay pha trò để mẹ tôi phải cười mà quên nghĩ đến nỗi buồn kẻ ở, người đi. Tôi còn hát cho mẹ nghe, trong khi chị tôi cầm chiếc quạt phe phẩy cho mẹ nằm yên, có lẽ mẹ tôi đang lắng nghe những lời hát êm êm ru hồn mẹ vào những giờ phút cuối cùng khi mẹ con gần gũi.
Mẹ tôi bảo hai chị em khuân chiếc rương gỗ ra để mẹ tôi ngắm nghiá những kỷ vật của mẹ. Chiếc áo dài gấm còn mới tinh ít khi xỏ tay, mẹ tôi khi đi nhà thờ chỉ mặc có mỗi chiếc áo dài soa màu cánh dán, lấm tấm những chấm thâm kim trên lưng áo. Ðôi quần sa tanh còn mới tinh, đôi dép da đen thấp gót và mấy cái áo bà ba còn mới được xếp gọn trong rương, vài khúc vải chưa kịp may mẹ tôi dặn đừng chôn, để dành may áo cho các cháu đi học. Ngoài ra là những tấm hình cũ hồi tụi tôi còn bé, nay đã bị loang lổ, hình bóng cũng mập mờ với thời gian.
Trong số những đồ vật lặt vặt ấy, có chiếc khăn voan màu đen choàng đầu tôi mua cho mẹ tôi bằng món tiền đầu tiên kiếm được, ngày xưa thỉnh thoảng những hôm trời lạnh, mẹ tôi hay phủ nó ra ngoài chiếc khăn vành dây trên mái tóc. Chiếc khăn voan quấn bên ngoài vài món nho nhỏ khác, trong ấy có cây thập giá mạ vàng. Nhắc tới cây thập giá này tôi lại nhớ chị tôi, đó là món quà muà Giáng Sinh chị đi học xa gửi về làm quà cho cô em bé bỏng út ít của mình. Món quà gồm một cái quạt nhựa xoè ra bằng bàn tay, một con búp bê rẻ tiền cũng chỉ độ bằng gang tay và cây thập giá mạ vàng khoảng một tấc. Tôi dạo ấy còn bé nên chỉ thích chiếc quạt nhựa và con búp bê, không thiết gì tới cây thập giá mạ vàng kia, nhờ vậy mà nó mới còn đó, trong cái rương gỗ của mẹ tôi.
Khi nhìn thấy cây thập giá mạ vàng, trong tôi như sống lại những kỷ niệm thời thơ ấu, tình chị em khắn khít với nhau qua những món quà nho nhỏ còn kia. Mẹ tôi bảo tôi đưa cho bà cây thập giá, món quà duy nhất còn lại hồi tôi mới lên mười. Chúng tôi lớn dần lên, ra khỏi nhà và vứt lại cho mẹ tôi những món kỷ niệm nhỏ bé, mẹ tôi cứ như "ông từ giữ đền" ngồi gom góp nhặt nhạnh những kỷ niệm cuả các con, ôm mang chất chồng trong lòng trong khi các con phủi tay mà đi. Tôi còn tìm được dưới đáy rương những tấm ảnh thời đi học, vài lá thư của bạn bè gửi cho nhau, vài tấm thiệp chúc Xuân có cây mai vàng, có bầy én lượn mẹ tôi cũng lượm lặt gói vào cái túi ny lông cột lại cẩn thận, những kỷ niệm dễ thương của một tuổi thanh xuân chúng tôi làm rơi rớt, mẹ tôi cũng nâng niu gìn giữ.
Bắt đầu từ đấy, mẹ tôi giữ cây thập giá trên tay cho tới giây phút cuối cùng của đời người, và khi liệm xác mẹ, nó đã được trở về với tôi sau bao nhiêu năm ròng rã tôi đã quên mất không nghĩ tới. Tôi không nghĩ là mẹ tôi đã chuyển cho tôi nỗi đau khổ cuả cây thập giá mà mẹ tôi đeo mang suốt một đời, nhưng từ đấy tôi xem cây thập giá như một nỗi bình yên khi mỗi lần gặp chuyện buồn phiền, đau khổ. Tôi để cây thập giá mạ vàng trong một chỗ trang trọng nhất, để mỗi lần nhìn thấy là tôi hình dung ra cái tình ấm áp của mẹ tôi và chị tôi, vẫn là điểm tựa tinh thần để tôi vượt qua những nỗi buồn của đời vậy.

*

Khi chôn cất mẹ xong, chị em tôi ở lại vài ngày, vẫn hay hụt hẫng khi nhìn vào chiếc giường nhỏ của mẹ, chỗ mẹ nằm và tưởng như mẹ vẫn còn đó. Thế là hết một kiếp người. Ðêm đầu tiên ngồi cầu kinh cho mẹ, có con bướm đêm bay vào nhà, đậu trên bàn thờ quấn quýt dưới ngọn đèn dầu leo lét. Tôi nói với chị tôi cầu nguyện cho mẹ đi bình yên, đừng nắm nuối cõi trần tạm bợ khổ đau này, ăn bữa sáng lo bữa tối, ốm đau bịnh tật, con người chỉ tìm cách hành hạ nhau. Biết mẹ tôi thích nghe tôi hát, lúc ấy trong căn nhà miền quê giữa khu vườn đầy bóng cây âm u, thỉnh thoảng nghe tiếng chim kêu dưới mảnh trăng khuya vừa nhô lên nền trời đen thẫm, tôi hát say sưa bài " Lòng Mẹ", nghẹn ngào mà hát khi nước mắt tuôn ướt đầm trên mặt gối...
Tình cờ, chị em tôi lục lọi trên chiếc kệ để quần áo cũ, mới mò ra hai chiếc áo cũ của mẹ tôi còn sót lại. Một chiếc áo cánh nâu bằng vải ngắn tay và chiếc áo dài soa Thái Lan màu cánh dán đã cũ, có khi chưa kịp giặt và được xếp vào đấy rồi quên bẵng đi. Nhìn thấy hai cái áo cũ của mẹ tôi, hai đứa con gái mồ côi như bắt được vàng. Chị tôi hiền lành, hay nhường nhịn dành cho tôi chiếc áo dài của mẹ, có lẽ mẹ tôi chỉ mặc khi đi nhà thờ, về lại treo lên đó. Chiếc áo ướt mồ hôi đã bị nhiều chấm thâm kim trên lưng áo, dường như vẫn còn giữ được chút hơi của mẹ ủ trong hai chiếc áo cũ.
Chiếc áo cánh màu nâu đã bạc hai bên vai, tấm thân gầy gò của mẹ tôi như còn in trên lằn vải những nếp nhăn ở hai bên nách áo, cái túi áo còn đầy những dấu kim băng, mẹ tôi vẫn cẩn thận gài vì sợ rơi mất mấy đồng bạc lẻ và chuỗi tràng hạt bằng đá. Chiếc áo dài cũng đã cũ, những đường chỉ luồn trên vạt áo cũng bạc màu, theo năm tháng cuộc đời cái gì cũng tàn phai cả, chẳng giữ lại được gì. Hai chị em vùi mặt vào hai tấm áo cũ của mẹ, thút thít khóc....
Mẹ tôi về với cha tôi ở bên kia thế giới lâu rồi, lâu lắm rồi, chỉ còn để lại trần gian hai tấm áo cũ cho hai đứa con gái, mà mỗi đưá lại ở một phương cách nửa vòng trái đất. Tôi quên hỏi chị tôi ở bên kia về tấm áo cánh nâu của mẹ có còn không, riêng tôi, đi đâu cũng đem theo chiếc áo dài màu cánh dán đã thâm kim vì những giọt mồ hôi của mẹ trên lưng áo. Tôi cắt cho người chị lớn một mảnh nhỏ, chị em chia nhau gia tài cuả mẹ, lòng vẫn bồi hồi thương nhớ.
Nguyên Nhung

 

No comments:

Post a Comment