Tuesday, February 2, 2016

Giết ta bằng cái ưu sầu

(Trích Chương III - Quẳng gánh lo đi và vui sống)

Dale Carnegie
Nguyễn Hiến Lê dịch


Mấy năm trước, một buổi sáng, một ông hàng xóm gõ cửa nhà tôi bảo phải đi chủng đậu ngay. Ông là một trong số hàng ngàn người tình nguyện đi gõ cửa từng nhà ở khắp châu thành Nữu Ước để nhắc nhở dân chúng. Những người sợ sệt nối đuôi nhau hàng giờ tại nhà thương, sở Chữa lửa, sở Công an và cả trong những xí nghiệp để được chủng đậu. Hơn 2.000 bác sĩ và nữ điều dưỡng làm việc náo nhiệt ngày đêm. Tại sao lại có sự kích thích đó? Là vì khi ấy châu thành Nữu Ước có tám người lên đậu và hai người chết. Hai người chết trong dân số gần tám triệu người!
Tôi đã sống trên 37 năm ở Nữu Ước, vậy mà vẫn chưa có một người nào lại gõ cửa bảo tôi phải để phòng chứng ưu sầu, một chứng do cảm xúc sinh ra mà trong 37 năm qua đã giết người một vạn lần nhiều hơn bệnh đậu!
Không có một người nào lại gõ cửa cho tôi hay rằng hiện trong nước Mỹ, cứ mười người có một người bị chứng thần kinh suy nhược mà đại đa số những kẻ đó đều do ưu tư và cảm xúc bất an mà sinh bệnh. Cho nên tôi phải viết chương này để gõ cửa bạn và xin bạn đề phòng.
Bác sĩ Alexis Carrel, người được giải thưởng Nobel về y học, đã nói: “Những nhà kinh doanh không biết thắng ưu sầu sẽ chết sớm”. Mà các bà nội trợ cũng vậy, các ông thú y cũng vậy, các bác thợ nề cũng vậy.
Mấy năm trước nhân dịp nghỉ, tôi đánh xe dạo vùng Texas và New Mexico với bác sĩ O.F.Gobe, một trong những vị trưởng ban y tế sở Hỏa xa Santa Fé. Chúng tôi bàn về những tai hại của lo lắng và bác sĩ nói: “Bảy chục phần trăm bệnh nhân đi tìm bác sĩ đều có thể tự chữa hết bệnh nếu bỏ được nỗi lo lắng và sợ sệt. Ấy xin đừng nghĩ rằng tôi cho bệnh của họ là bệnh tưởng! Họ có bệnh thiệt như những người đau nặng vậy. Mà có khi bệnh của họ còn nguy hiểm hơn nhiều nữa, chẳng hạn như bị thần kinh suy nhược mà trúng thực, có ung thư trong bao tử, đau tim, mất ngủ, nhức đầu và bị chứng tê liệt. Những bệnh đó không phải là tưởng tượng, tôi biết rõ vậy, vì chính tôi đã bị ung thư bao tử trong 12 năm trời.
Sợ sinh ra lo. Lo làm cho thần kinh căng thẳng, ta cáu kỉnh hại cho những dây thần kinh trong bao tử, làm cho dịch vị biến chất đi và thường sinh chứng vị ung”.
Bác sĩ Joseph F. Montagne, tác giả cuốn: “Bệnh đau bao tử do thần kinh” cũng nói đại khái như vậy. Ông bảo: “không phải thức ăn làm cho tôi có ung thư trong bao tử mà nguyên nhân chính là cái ưu tư nó cắn rứt tôi”.
Bác sĩ W.C.Alvarez ở dưỡng đường Mayo thì nói: “Những ung thư trong bao tử sưng thêm hay tiêu bớt đi là tùy sự mệt nhọc của bộ thần kinh tăng hay giảm”.
Một cuộc nghiên cứu 15.000 người đau bao tử ở nhà thương Mayo đã chứng thực điều ấy. Trong năm người thì bốn người có thể không có gì khác thường hết. Sợ, lo, oán, ghét, tính vô cùng ích kỷ, không biết thích nghi với hoàn cảnh, những cái đó đôi khi là nguyên nhân của bệnh đau bao tử và chứng vị ung. Bệnh thứ hai này có thể giết bạn được. Theo tờ báo Life nó đứng hạng thứ mười trong những bệnh nguy hiểm nhất.
Mới rồi tôi có giao dịch bằng thư từ với bác sĩ Harrlod C.Habien ở dưỡng đường Mayo. Trong kỳ hội họp thường niên của các y sĩ và các nhà giải phẫu, ông được đọc một tờ thông điệp về công cuộc nghiên cứu các chứng bệnh của 176 vị chỉ huy các xí nghiệp. Sau khi cho cử toạ biết rằng tuổi trung bình của họ là 44 năm, ba tháng, ông nói non một phần ba các vị chỉ huy ấy mắc một trong ba chứng bệnh: đau tim, có ung thư trong bao tử và mạch máu căng quá. Những bệnh đó là những bệnh đặc biệt của hạng người luôn luôn sống một đời gay go, ồn ào, rộn rịp. Bạn thử nghĩ coi: một phần ba những nhà chỉ huy các xí nghiệp đã tự huỷ hoại thân thể vì các chứng đau tim, vị ung và mạch máu căng lên khi chưa đầy 45 tuổi. Sự thành công của họ đã phải trả với một giá đắt quá. Mà chưa chắc gì họ đã thành công. Ờ thử hỏi, ta có thể nói được là thành công khi ta làm ăn phát đạt, nhưng lại mắc chứng đau tim hoặc vị ung chăng? Có ích gì cho ta không, nếu ta chiếm được cả tài nguyên của thế giới mà phải mất sức khỏe? Dù ta giàu có đến đâu đi nữa thì mỗi ngày cũng chỉ ăn có ba bữa và đêm ngủ một giường. Nói cho rộng thì người chỉ huy các xí nghiệp quyền hành lớn, nhưng có hơn gì anh đào đất không? Có lẽ còn kém nữa, vì anh đào đất thường được ngủ say hơn họ, ăn ngon miệng hơn họ. Thiệt tình tôi muốn làm anh thợ giặt ở Alabana ôm cây đờn “banjo” mà khảy tưng tưng còn hơn làm chủ một công ty xe lửa hoặc một công ty thuốc hút để tới 45 tuổi, sức khỏe bị hủy hoại đến nỗi tiều tụy thân hình.
Nói tới thuốc hút, tôi lại nhớ tới một nhà sản xuất thuốc nổi danh nhất thế giới, mới chết vì bịnh đau tim trong khi ông ta đi nghỉ vài ngày giữa một khu rừng ở Canada. Ông ta lượm hằng triệu bạc mà chết, chết hồi có 61 tuổi. Chắc chắn ông đã đem cái thời gian khổ hạnh trong đời ông để đổi lấy cái mà ông ta gọi là “thành công trong sự làm ăn” đó.
Theo tôi nhà sản xuất thuốc đó chưa thành công bằng nửa thân phụ tôi, một nông phu ở Missouri, mất hồi 98 tuổi, gia sản không có tới một đồng.
Các y sĩ ở Mayo nói rằng khi dùng kiếng hiển vi để xem xét dây thần kinh của những người chết vì đau bệnh này thì thấy những dây đó bề ngoài cũng lành mạnh như dây thần kinh của Jack Dempsey, một tay quán quân về quyền thuật. Bệnh của họ không do thần kinh suy nhược mà do những cảm xúc như ưu tư, lo lắng, sợ sệt, thất vọng. Platon nói: “Các y sĩ có một lỗi lầm lớn nhất là họ chỉ rán trị thân thể, không nghĩ tới trị tinh thần mà thân thể và tinh thần là một, không thể trị riêng được”.
Phải đợi 23 thế kỷ sau, y học mới chịu xác nhận sự quan trọng ấy. Chúng ta đương phát triển một phương pháp trị liệu mới mẻ là phương pháp trị cả cơ thể lẫn thần kinh. Công việc đó lúc nầy quan trọng vì y học đã trị được nhiều bệnh do vi trùng như bệnh đậu mùa, bệnh dịch tả, bệnh sốt rét và hàng chục bệnh khác đã giết hàng triệu mạng người. Nhưng y học vẫn chưa trị được những bệnh tinh thần, không do vi trùng mà do những cảm xúc như lo lắng, sợ sệt, oán ghét, thất vọng, những bệnh mỗi ngày một tăng với tốc độ rất gớm ghê.
Các bác sĩ nói rằng hiện nay cứ 20 người Mỹ có một người phải nằm nhà thương điên trong một thời gian không kỳ hạn. Và khi tổng động viên, hồi chiến tranh vừa rồi, cứ năm thanh niên thì phải loại đi một vì thần kinh có bệnh hoặc suy nhược.
Vậy nguyên nhân của chứng thần kinh thác loạn là gì? Không ai biết được đủ hết. Nhưng chắc chắn là trong nhiều trường hợp, sợ sệt và lo lắng là hai nguyên nhân chính. Những người lo lắng, mệt mỏi đều không biết thích nghi với những thực sự chua chát của đời, cứ muốn sống cách biệt hẳn với người xung quanh và tự giam mình trong một thế giới tưởng tượng để khỏi phải ưu phiền.
Như tôi đã nói, tôi luôn để trên bàn cuốn “Quẳng gánh lo đi để được khỏe mạnh” của bác sĩ Edward Podalsky. Dưới đây là nhan đề vài chương trong cuốn ấy:
Lo lắng có hại cho tim ra sao?
Mạch máu căng là do lo lắng quá độ
Chứng phong thấp có thể vì lo lắng mà phát sinh.
Hãy thương hại bao tử mà bớt lo đi
Lo lắng quá có thể sinh ra chứng cảm hàn.
Những lo lắng ảnh hưởng tới hạch giáp trạng tuyến ra sao?
Chứng tiểu đường (nước tiểu có nhiều đường) của những người lo lắng quá.
Một cuốn sách trứ danh khác, nghiên cứu về lo lắng là cuốn “Loài người tự hại mình” của bác sĩ Karl Menninget ở dưỡng đường Mayo, trị bệnh thần kinh. Cuốn đó cho biết nếu ta để những cảm xúc phá hoại xâm chiếm đời ta thì sẽ làm hại thân ta đến mức nào. Nếu bạn muốn đừng tự hại bạn nên mua cuốn ấy. Đọc nó đi. Rồi đưa cho người quen đọc. Sách giá bốn Mỹ kim. Tôi dám nói quyết không có số vốn nào bỏ ra mà có thể mang lợi về cho bạn bằng số tiền ấy.
Kẻ mạnh khỏe nhứt mà ưu phiền thì cũng hóa đau được, đại tướng Grant thấy như vậy trong những ngày sắp tàn cuộc Nam Bắc phân tranh. Đây là câu chuyện: Đại tướng bao vây đồn Richsmond đã 9 tháng. Quân đội của đại tướng Lee ở trong đồn, đói, rách, bị đánh bại. Từng bộ đội một đã đào ngũ. Còn những toán binh khác thì họp nhau lại trong trại vải bố mà tụng kinh, la, khóc, mê hoảng, một triệu chứng tan rã hoàn toàn. Sau đó họ đốt những kho bông và thuốc lá ở Richmond, lại đốt cả kho binh khí, rồi trốn khỏi châu thành, trong khi những ngọn lửa giữa đêm bốc ngụt trời. Đại tướng Grant vội vàng hỏa tốc đeo đuổi, bao vây hai bên sườn quân địch, mà kỵ binh do Sheridan cầm đầu thì đón phá đường rầy và cướp những toa xe lương thực của đối phương.
Chỉ huy trận đó, Đại tướng Grant nhức đầu kịch liệt, mắt mờ gần như đui, tới nỗi phải đi sau quân đội rồi té xỉu và đành ngừng lại ở một trại ruộng. Ông chép trong tập ký ức của ông: “Suốt đêm đó tôi ngâm chân trong nước nóng và hột cải, lại đắp hột cải trên cổ tay, trên gáy, mong đến sáng sẽ hết nhức đầu”.
Sáng hôm sau ông tỉnh táo ngay, nhưng không phải nhờ ở hột cải mà nhờ ở bức thư xin đầu hàng của Đại tướng Lee do một kỵ binh phi ngựa mang tới.
Ông viết: “Khi võ quan kia lại gần tôi, tôi còn nhức đầu như búa bổ, nhưng đọc xong bức thư, tôi khỏi liền”.
Như vậy chắc chắn Đại tướng đau chỉ vì lo nghĩ, cảm xúc mạnh quá, thần kinh kích thích quá nên khi hết lo, lại vững bụng, vì công việc đã hoàn thành ông bình phục lại ngay.
Bảy mươi năm sau, Henry Morgenthau, giám đốc quốc khố trong nội các của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, ưu tư tới nỗi đau rồi bất tỉnh. Ông chép trong nhật ký rằng ông lo lắng ghê gớm khi Tổng thống mua trong một ngày 4.400.000 thùng lúa, khiến giá lúa phải tăng lên. Việc đó làm cho ông mê man bất tỉnh, về nhà ăn xong ông nằm bẹp đến hai giờ.
Muốn biết ưu tư làm hại ta ra sao, tôi không cần tra cứu trong thư viện hoặc tìm hỏi y sĩ. Tôi chỉ cần ngồi tại bàn viết, ngó qua cửa sổ là thấy ngay một nhà mà con quỷ ưu tư đã phá phách làm cho người ta bị chứng thần kinh suy nhược, và một nhà khác có người đàn ông bị bệnh tiểu đường vì quá ưu tư. Người đó làm nghề buôn đường. Khi nào giá đường trên thị trường hạ thì ngược lại chất đường trong máu và nước tiểu y cứ tăng lên.
Montaigue, một triết gia Pháp trứ danh, lúc được bầu làm thị trưởng tỉnh Borrdeux là tỉnh ông, đã nói với dân chúng: “Tôi sẽ tận tâm lo công việc cho tỉnh nhà nhưng tôi cũng phải giữ gìn phổi và gan của tôi”.
Còn ông hàng xóm của tôi ở trên kia thì lo lắng về giá đường đến nỗi đường vô cả huyết quản ông và suýt giết ông nữa.
Ngoài ra, ưu tư còn có thẻ sinh chứng phong thấp và sưng khớp xương khiến kẻ mắc bệnh không đi được, phải dùng xe đẩy. Bác sĩ Russel L.Cescil dạy y khoa tại trưởng Đại học Cornell được khắp thế giới nhận là một chuyên môn về chứng sưng khớp xương. Ông đã kể bốn nguyên nhân chính thường sinh ra chứng nầy. Ấy là:
1. Đau khổ trong hôn nhân.
2. Suy bại về tài chánh.
3. Cô độc và ưu phiền.
4. Uất hận.
Tất nhiên là còn nhiều nguyên nhân nữa, vì có nhiều loại sưng khớp do những lẽ rất khác nhau nhưng, tôi nhắc lại, những nguyên nhân thường gặp nhất là bốn nguyên nhân kẻ trên. Chẳng hạn một ông bạn tôi trong thời kinh tế khủng hoảng bị phá sản; bị hãng hơi, định cắt hơi dùng trong nhà và bị ngân hàng dọa bán căn nhà mà ông đã cầm. Còn người vợ ông ta thì bỗng bị chứng sưng khớp xương hành dữ dội, thuốc thang, kiêng cử thế nào cũng không bớt, mãi cho tới khi tài chính trong nhà được phong túc hơn thì bệnh mới tuần tự mà lui.
Ưu tư lại có thể sinh ra chứng sâu rằng nữa. Bác sĩ William nói trong một tờ thông điệp đọc trước hội nha y của Mỹ: “Những cảm xúc khó chịu như khi ta lo lắng, sợ sệt, bàn cãi luôn luôn, rất dễ làm cho chất vôi trong cơ thể phân phát không đều và ta sinh ra sâu răng”. Bác sĩ kể chuyện một thân chủ ông có hai hàm răng rất tốt. Khi vợ y thình lình đau, y lo quá, sinh ngay chứng đau răng. Trong ba tuần vợ nằm nhà thương thì y có chín cái răng sâu.
Bạn đã bao giờ thấy một người có bệnh trong giáp trạng tuyến hoạt động dị thường không? Tôi đã thấy nhiều lần. Họ run cầm cập như những kẻ sợ chết vậy. Mà có lẽ họ cũng sợ quá thiệt. Giáp trạng tuyến, cái hạch điều hòa cơ thể của ta nầy, lúc ấy như nổi đóa lên làm cho tim đập mạnh và toàn cơ thể hoạt động ồ ạt, sôi nổi như một cái lò than đúc thép mở tung các cửa cho hơi và không khí ùa vào. Và nếu không trị ngay, thì người bệnh có thể chết được như tự thiêu vậy.
Mới rồi tôi đưa một người bạn mắc chứng đó lại Philadephie kiếm một bác sĩ chuyên môn nổi danh và đã kinh nghiệm được 38 năm rồi. Bạn có thể biết bác sĩ nầy lời khuyên các bệnh nhân ra sao không? Ông viết lời khuyên bằng sơn trên một tấm gỗ treo trên tường giữa phòng khách để cho người bệnh nào cũng thấy. Dưới đây là lời khuyên ấy mà tôi đã chép vào một bao thư trong khi tôi ngồi chờ được tiếp:
“Nghỉ ngơi và giải trí”
“Không có gì giải trí và làm cho óc ta được nghỉ ngơi bằng lòng tín ngưỡng, giấc ngủ, âm nhạc, vui cười.
Ta phải tin Thượng Đế và tập ngủ cho ngon.
Nên thích những ban nhạc hay và ngó cái bề mặt tức cười của đời.
Như vậy ta sẽ thấy khỏe mạnh và sung sướng”.
Đến lúc khám bệnh, câu đầu tiên bác sĩ hỏi bạn tôi là câu nầy: “Ông ưu tư nỗi gì mà đến tình trạng ấy?” Và ông khuyên: “Nếu ông không quẳng g|ánh lo đi thì ông còn nhiều biến chứng khác như đau tim, vị ung và tiểu đường. Tất cả những chứng đó đều là anh em chú bác với nhau, anh em chú bác ruột”. Thì chắc chắn như vậy rồi vì tất cả đều do ưu tư mà sinh ra!
Khi tôi phỏng vấn cô Merle Oberon, cô tuyên bố rằng cô nhất định quẳng gánh lo đi, vì cô biết cái ưu tư sẽ tàn phá cái nhan sắc của cô, cái bảo vật quý nhất, nhờ nó cô nổi danh trên màn ảnh.
Cô nói: “Khi tôi bắt đầu làm đào hát bóng, tôi lo lắng sợ sệt quá. Mới ở Ấn Độ tới Luân Đôn tìm việc mà không quen ai ở đây hết. Tôi có lại xin việc tại nhiều nhà sản xuất phim nhưng không một ai mướn tôi. Mà tiền giắt lưng thì ít, tiêu gần cạn rồi. Nhưng hai tuần tôi chỉ ăn bánh và uống nước lạnh. Đã lo lại đói nữa.
Tôi tự nhủ: “Có lẽ mình sẽ nguy mất, không bao giờ được làm đào hát bóng đâu. Xét kỹ thì mình không kinh nghiệm, chưa đóng trò lần nào, vậy chắc chỉ có nhan sắc của mình là giúp mình được thôi”.
Tôi đi lại tấm gương, ngó trong đó đã thấy sự lo lắng làm cho dung nhan tôi tiều tụy làm sao! Những nét nhăn đã bắt đầu hiện, do bàn tay tàn phá của ưu tư. Rồi tôi tự nhủ: “Phải thôi ngay đi! Không được ưu tư nữa. Chỉ có cái nhan sắc giúp ta được việc. Vậy đừng tàn phá nó bằng cách chuốc lấy lo phiền”. Ta thấy ít nguyên nhân nào phá hoại nhan sắc một người đàn bà mau chóng bằng ưu tư. Nó làm cho họ già đi, tính tình hóa chua cay. Nó hủy dung nhan họ, làm cho hai hàm răng nghiến chặt lại, làm cho nét nhăn hiện lên mặt. Họ có vẻ luôn luôn cáu kỉnh, tóc họ bạc hoặc rụng, nước da họ sinh ra đủ thứ mụn, nhọt, ghẻ, lác.
Bệnh đau tim là tên sát nhân số một ở Mỹ. Trong chiến tranh vừa rồi, khoảng một phần ba triệu người chết trên trận địa, nhưng cũng trong thời gian đó, bệnh đau tim giết tới hai triệu nhân mạng, trong số đó có một nửa đau vì quá lo lắng và sống một đời ồ ạt, rộn rịp quá. Phải, chứng đau tim là một nguyên nhân chính, khiến bác sĩ Alexis Carrel thốt ra câu nầy: “Những nhà kinh doanh không biết thắng ưu sầu sẽ chết sớm”.
Người da đen ở phương nam và người Trung Hoa ít khi đau tim vì lo lắng, nhờ họ nhìn đời một cách bình tĩnh. Số bác sĩ chết vì đau tim nhiều gấp 20 lần nông phu chết về bệnh đó, vì các bác sĩ sống một đời rộn rịp quá. Đó là cái lẽ nhân nào quả nấy.
William James nói: “Trời có thể tha lỗi cho ta được, nhưng bộ thần kinh của ta thì không khi nào có thể dung thứ cho ta hết”.
Và đây là một điều ngạc nhiên vô cùng, gần như không tin được. Tại Mỹ mỗi năm, số người tự tử lại nhiều hơn số người chết trong năm bệnh truyền nhiễm lan rộng nhất.
Tại sao vậy? Chỉ tại họ “ưu tư” quá đó!
Khi bọn quân phiệt tàn bạo của Trung Quốc muốn hành hạ một tội nhân nào, họ trói kẻ bất hạnh rồi đặt dưới một thùng nước cứ đều đều nhỏ giọt... từ giọt... từ giọt... không ngừng...ngày và đêm trên đầu y. Sau cùng tội nhân thấy khổ sở như búa đập vào đầu và hóa điên. Phương pháp đó được Y-Pha-nho dùng trong những buồng tra tấn và Hitler dùng trong các trại giam.
Ưu tư nào khác những giọt kia? Nó đập, đập, đập, không ngừng vào thần kinh ta, đủ sức làm cho ta điên và tự tử được.
Khi tôi còn là một đứa nhỏ nhà quê ở Misssouri, tôi nghe người ta tả cảnh vạc dầu ở âm phủ mà sợ quá muốn chết ngất. Nhưng thật không ai tả cảnh vạc dầu ở cõi trần này hết, cảnh thê thảm của những kẻ quá ưu tư. Chẳng hạn, nếu bạn ưu tư luôn năm suốt tháng, thì một ngày kia bạn có thể bị một chứng bệnh đau đớn, ghê gớm vô cùng, tức là chứng đau nhói ở ngực (angine de poitrine).
Hỡi bạn thanh niên, nếu bạn bị chứng đó thì bạn sẽ phải kêu trời, một tiếng kêu trời rùng rợn như sắp chết, không có tiếng kêu trời nào so sánh cho ngang. Nếu đem tiếng gào của âm ti so với tiếng kêu trời đó chỉ là tiếng kêu êm ái trong bài “Thằng cuội” của trẻ nhỏ. Bạn sẽ tự than: “Trời hỡi trời!” Nếu tôi hết được bệnh này thì tôi sẽ sung sướng tuyệt trần, thề không giờ còn lo buồn gì nữa”. (Bạn cho tôi nói quá ư? Xin bạn cứ hỏi vị y sĩ thường chữa cho bạn thì biết).
Bạn có thích sống không? Có muốn sống lâu và khỏe mạnh để hưởng cái vui “ăn ngon ngủ kỹ làm tiên trên đời” không?. Thích vậy, muốn vậy bạn cứ theo đúng lời khuyên sau đây, cũng lại của bác sĩ Alexis Carrel nữa. Ông nói: “Kẻ nào giữ được tâm hồn bình tĩnh giữa những đô thị huyên náo thời nay kẻ đó sẽ không bị bệnh thần kinh”.
Bạn có giữ được như vậy chăng? Nếu bạn là một người bình thường, vô bệnh, bạn có thẻ trả lời. “Có”. Chắc chắn ta có những năng lực tiềm tàng mà có lẽ chưa bao giờ dùng tới. Ông Thoreau nói trong cuốn “Walden” bất hủ của ông: “Tôi không thấy cái gì làm tôi phần khởi bằng khả năng nâng cao đời sống của tôi do sự gắng sức có ý thức... Khi ta tự tin, tiến theo con đường đẹp đẽ tự vạch ra và gắng sức sống theo đời sống đã phác họa trong đầu, thì ta có thể thành công một cách rất không ngờ”.
Chắc chắn nhiều độc giả cũng đầy nghị lực và năng lực tiềm tàng như cô Olga K Jarvey ở Coeur d'Alène. Một hôm, trong những trường hợp bi đát nhất, cô nhận thấy cô có thể diệt được ưu tư. Vậy thì tôi tin chắc bạn và tôi, chúng ta có thể diệt được ưu tư được, nếu chúng ta theo những chân lý cổ truyền mà tôi bàn tới trong cuốn này. Câu chuyện của cô Olga K Jarvey chép lại cho tôi như vậy: “Tám năm rưỡi trước tôi bị chứng ung thư, nó suýt làm tôi chết lần mòn, vô cùng đau đớn. Những y sĩ tài giỏi nhất trong nước, tức là các bác sĩ ở dưỡng đường Mayo đều nói rằng cô sẽ chết. Lúc đó tôi dường như ở một con đường cùng, đứng trước cửa Âm ti mở sẵn. Trong cơn thất vọng tôi dùng điện thoại kêu vị bác sĩ đương chữa cho tôi đến để mà rên la, mà kể lể nỗi thất vọng đang chiếm cứ lòng tôi. Song bác sĩ nóng nảy ngắt lời ngay: “Cái gì vậy, cô Olga K Jarvey? Phải can đảm lên chớ! Nếu cứ la hét như vậy thì mau chết lắm. Bệnh của cô rất nguy hiểm thiệt đấy. Nhưng phải can đảm chống với nó... Đừng ưu phiền nữa mà kiếm việc gì làm cho khuây khỏa đi”. Ngay lúc đó, tôi nắm chặt tay, thề một cách quả quyết đến nỗi móng tay đâm sâu vào da thịt, đến nỗi thấy lạnh mình, mồ hôi chảy ròng ròng theo sống lưng. Tôi thề rằng: “Ta không ưu phiền nữa! Ta không rên là nữa! Và nếu tinh thần thắng được thể chất, ta sẽ sống”.
Bệnh nặng không thể dùng quang chất được, phải cho chạy quang tuyến vào ung thư luôn trong 30 ngày, mỗi ngày mười phút rưỡi. Riêng bệnh của tôi các bác sĩ đã cho chạy quang tuyến trong 49 ngày, mỗi ngày 14 phút rưỡi. Nhưng mặc dầu xương tôi gần lòi khỏi da, như những mỏm đá trên sườn đồi, mặc dù chân tôi nặng như chì, tôi cũng chẳng hề ưu phiền! Tôi không khóc một tiếng, tôi cứ mỉm cười! Phải, tôi bắt buộc phải mỉm cười.
“Tôi không điên tới mức tin rằng chỉ mỉm cười thôi mà hết được bệnh nội ung, song tôi quyết tin rằng tinh thần khoan khoái giúp cơ thể thắng được bệnh. Dù sao đi nữa lần đó tôi đã tìm thấy một phép trong những phép mầu nhiệm để trị bệnh nội ung. Mấy năm gần đây, tôi mạnh khỏe khác thường chính là nhờ những lời nhắc nhở của Bác sĩ Mc. Caffery. “Hãy can đảm chống đối với bệnh; đừng ưu phiền nữa; làm việc gì cho khuây khỏa đi!”.
Để kết luận, tôi muốn chép lại câu của bác sĩ Alexis Carrel mà bạn đã đọc ở đầu chương” “Những nhà kinh doanh không biết thắng ưu sầu sẽ chết sớm”.
Bọn tín đồ cuồng nhiệt của giáo chủ Mohammed thường xâm trên ngực những câu thơ trong kinh thánh Koran. Tôi cũng muốn các vị độc giả cuốn này xâm lên ngực câu:
“Những nhà kinh doanh không biết thắng ưu sầu sẽ chết sớm”.
À mà biết đâu được? Bác sĩ Alexis Carrel muốn nói cả tới bạn đó không chừng!

No comments:

Post a Comment