Đề phòng cảm lạnh và cúm
Nếu cảm lạnh và cúm kéo dài quá 1 tuần; hoặc người ốm ho ra đờm như mủ, khó thở, thở nhanh, đau ngực thì bệnh có thể đã trở thành viêm phế quản hay viêm phổi. Sự biến đổi này thường xảy ra ở người già, trẻ nhỏ và những người sẵn có bệnh ở phổi.
Cảm lạnh và cúm là những bệnh thông thường do nhiễm virus, có thể gây sổ mũi, ho, đau họng, đôi khi có sốt và đau khớp, có thể bị tiêu chảy nhẹ, nhất là ở trẻ nhỏ.
Cảm lạnh và cúm thường tự khỏi, không cần phải dùng thuốc men gì. Không được dùng kháng sinh vì chúng không có tác dụng mà thậm chí có thể gây hại. Uống nhiều nước và nghỉ ngơi là biện pháp tốt để chữa bệnh. Aspirin có thể giúp hạ sốt, đỡ đau mình mẩy và nhức đầu. Có những “viên cảm” đắt tiền nhưng hiệu quả lại không tốt hơn aspirin (trừ một số bệnh như dạ dày... chống chỉ định phải thay thuốc khác). Không dùng thuốc này cho trẻ em.
Người bị cảm lạnh và cúm không cần thiết phải ăn chế độ đặc biệt, tuy nhiên nên uống nhiều nước, quả đặc biệt nước cam, nước chanh rất tốt.
Viêm họng thường đi đôi với cảm lạnh. Không cần phải dùng thuốc gì đặc biệt nhưng có thể dùng nước muối 9% xúc họng. Tuy nhiên nếu viêm họng xảy ra đột ngột kèm theo sốt cao thì phải chữa bằng thuốc đặc hiệu.
Để đề phòng cảm lạnh, phải có chế độ ngủ nghỉ đầy đủ, đúng giờ, làm việc, tập thể dục điều độ. Ăn cam, cà chua và các loại quả chứa vitamin C rất tốt.
Có nhiều người thường bị cảm lạnh không phải do bị lạnh hoặc vì ẩm ướt mà lây từ người khác đã bị nhiễm lạnh và hắt hơi làm virus bắn ra ngoài không khí. Vì vậy, để tránh lây bệnh cho người khác, người bị cảm lạnh cần ăn, ngủ riêng và cố tránh xa các cháu bé. Khi hắt hơi hay ho, người bệnh cần che miệng và mũi lại.
BS Nguyễn Văn Bôn, Sức Khỏe & Đời Sống
|
No comments:
Post a Comment