Truyện Thật Ngắn
LỜI CON TRẺ
Sau khi ly hôn, người chồng dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Đứa con gái nhỏ hỏi mẹ:
– Sao mẹ đuổi bố?
– Tại bố hư!
Để nó khỏi vặn vẹo hỏi lôi thôi, người mẹ mua cho cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ của em miếng bánh, bỏ ngay vào mồm.
Con bé khóc ré bắt đền. Người mẹ dỗ dành:– Anh này hư quá! Thôi con nín đi, bỏ qua cho anh một lần.
Đứa con phụng phịu:
– Thế mẹ có bỏ qua cho bố đâu!
Người mẹ nhìn xa xăm:
– Ừ, ra mẹ cũng hư!
BÔNG ĐIÊN ĐIỂN – Nguyễn SanSau khi ly hôn, người chồng dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Đứa con gái nhỏ hỏi mẹ:
– Sao mẹ đuổi bố?
– Tại bố hư!
Để nó khỏi vặn vẹo hỏi lôi thôi, người mẹ mua cho cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ của em miếng bánh, bỏ ngay vào mồm.
Con bé khóc ré bắt đền. Người mẹ dỗ dành:– Anh này hư quá! Thôi con nín đi, bỏ qua cho anh một lần.
Đứa con phụng phịu:
– Thế mẹ có bỏ qua cho bố đâu!
Người mẹ nhìn xa xăm:
– Ừ, ra mẹ cũng hư!
Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển. Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn.
Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh.
Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật quai lăn tõm xuống cống đen ngòm, để lộ đôi chân phèn tứa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa.
Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.
EM TÔI
Bám đất Sài Gòn sau 3 năm ra trường, tôi vẫn không xin được việc. Vài cua dạy kèm cũng chẳng đủ trang trải, lại phải nhờ nguồn “trợ cấp” ở quê. Vừa rồi, đau ruột thừa, nằm viện. Mẹ vượt ngàn cây số vào thăm. Ngày về, dúi vào tay tôi chỉ vàng, bảo: “Của cái Lan, nó dặn con dùng để hồi sức, viện phí và tiền gởi vào cho con trước đây cũng một tay nó cả. Tội nghiệp! Dạy thêm tít mù, còn nuôi thêm cả lợn”.
…Nhớ ngày Lan trượt đại học, thư về tôi mắng chẳng tiếc lời…
Cầm món quà của em, tôi chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong.
Ngày xưa – Huỳnh Văn Dân
Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Mỗi chiều, anh em tôi thường tụ lại bên nồi cơm độn khoai sắn, ríu rít như đàn chim về tổ. Thiếu thốn, nhưng chúng tôi nhường nhau phần thức ăn ngon nhất, mẹ tôi rất vui lòng.Khi chúng tôi khôn lớn, có gia đình riêng, ai cũng khá giả. Hôm giỗ ba, có mặt đông đủ, anh Hai tôi phàn nàn với mẹ cây xoài của anh Ba mọc chồm qua sân nhà anh. Chị Ba trách anh Tư đào ao lấn qua phần đất của chị hai tấc. Mẹ tôi trầm ngâm: “Mẹ ước gì được trở lại thời nghèo khó ngày xưa…”
Chiến tranh ác liệt. Bố ra chiến trường. Mẹ cô độc dắt con lánh nạn khắp nơi.
Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm.
Năm năm sau, mẹ mới quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố.
Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.
Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ òa….
Bức ảnh bố được hạ xuống. Trên bàn thờ… mẹ lại một mình.
MẸ GHẺ
Cô tôi muộn chồng vì quá dữ dằn, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy dượng, đã góa vợ.
6 tuổi, Lộc về với mẹ ghẻ, làm đủ việc mà vết roi mới chồng lên dấu đòn cũ…
Lộc 15 tuổi, dượng chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi, nên ngày mở cửa mả, cô đuổi khéo:
– Có muốn về với bà ngoại mày không?
Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt:
– Con đi rồi, mẹ ở với ai?
Sau câu nói ấy, dường như bà mẹ ghẻ thì ở lại với nấm mồ, còn cô tôi về, đi chùa, ăn chay.
Lộc trở thành cậu ấm – rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con thân thương như một phép màu.
MẸ TÔI!
Mẹ tần tảo cho tôi khôn lớn, vai Mẹ nặng hơn khi tôi vào đại học. Ba năm đại học xa nhà, tuần nào tôi cũng viết thư cho Mẹ. Mẹ cầm thư tôi mà rớt nước mắt, vui thật nhiều nhưng Mẹ tôi có biết tôi nói gì với Mẹ đâu. Mẹ tôi không biết chữ!
LÒNG MẸ
Nhà nghèo, chạy vạy mãi mới được xuất hợp tác lao động, Thanh coi đó như cách duy nhứt để giúp đỡ gia đình.
Nhưng ảo mộng chóng tan. Xứ người chẳng phải là thiên đường. Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có trong mơ.
Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ. Đêm. Chỉ có Mẹ. Hết nắn tay, nắn chân Thanh rồi Mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe Mẹ nói: “Dối Mẹ làm gì! Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con!”
KHÓC
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.
Năm hai mươi tuổi, qua nhiều khó khăn anh mới tìm được Mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa, bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay, 40 tuổi, đọc tin Mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc. Anh nói:
– Tội nghiệp Mẹ, 40 năm qua, chắc Mẹ còn khổ tâm hơn anh…
NGHỀ CỦA MẸ
Mẹ tôi làm nghề bán cá. Mùa nước nổi mẹ bán cá linh. Cá linh đưa lên bờ mau chết dễ sình, nên xuống bến mua cá xong mẹ phải chạy rao bán khắp xóm. Có lần mẹ đội thau cá đồng trước cổng trường tiểu học nơi tôi học, ở ngoài rào mẹ ngoắc tôi đến, cốt đưa cho gói xôi, cái bánh…Mấy năm học xa, tôi không cho ai biết mẹ làm nghề bán cá.
Nay về, giữa mênh mông đồng nước quê mình, tự thấy như chưa bao giờ tròn chữ hiếu cùng mẹ.
NÓI DỐI
Ngày đó nhà nghèo, Cha mất, Mẹ tần tảo nhưng không đủ ăn. Để con có bữa ngon, Mẹ gởi con về giỗ họ. Giữa đám cúng đông vui, chẳng ai đoái hoài, con bơ vơ lạc lõng… Về nhà Mẹ hỏi, con né tránh: “Dạ vui! Cô bác mừng con…!!!”
Lớn lên, con đi làm xa, tạm gọi là thành đạt. Ngày giỗ họ, con về cùng con trẻ, mọi người vui gặp gỡ, chăm sóc đủ điều, từ miếng ăn, chiếc bánh…
Về nhà, nhìn ảnh Mẹ, con thấy lòng rưng rưng…
CÃI NHAU
Bố mẹ cãi nhau. Bố mua con chim sáo, nhốt trong lồng, treo ngoài vườn. Mẹ mua con mèo, thả trong bếp. Trưa, chẳng hiểu thế nào, khi bố về, con sáo không còn trong lồng, con mèo của mẹ đang phơi nắng ngoài sân. Bố đổ cho con mèo. Mẹ bảo không phải. Lại cãi nhau. Bố bỏ đến cơ quan. Mẹ về bà ngoại, mang theo nó đang thút thít khóc. Chiều, người hàng xóm mang con sáo bay lạc sang trả, nhà chỉ còn bà vú già.
NGÀY SINH NHẬT ĐẦU TIÊN
Tối nay bé buồn xo. Mẹ gặng mãi, bé nũng nịu: “Hôm qua, sinh nhật cái Na, nó được tặng nhiều đồ chơi đẹp! Sao con không có sinh nhật, Mẹ nhỉ?” Mẹ lặng thinh, mắt đỏ hoe! Sợ Mẹ khóc, bé vỗ về: “Đừng khóc Mẹ nhỉ! Bé không đòi sinh nhật nữa đâu!” Bỗng nhiên, Mẹ ôm chầm lấy bé nức nở. Bé ngơ ngác rồi khóc òa theo….
Ngày ấy, cái ngày mà tòa án buộc người đàn ông phải đợi cho bé đủ 12 tháng tuổi mới ký quyết định ly hôn. Và ngày sinh nhật đầu tiên của bé đúng vào ngày Mẹ bồng bé chết lặng giữa chốn pháp đình.
HẮT HIU BÓNG MẸ
Gió quật hàng cây nghiêng ngả. Mái lá như sắp bay lên trời. Tôi khóc:
– Trời bão, nhà gần tróc nóc mà ba cũng không về!
Mẹ dỗ dành:
– Mẹ sẽ biến nơi này thành lâu đài cho ba trở lại.
Bây giờ, mưa gió không làm rung chuyển ngôi biệt thự mà mẹ dốc sức tạo nên. Nhưng ba vẫn ít khi về. Ông mê một cô gái trẻ.
Và tôi vẫn sợ bão. Gió sẽ lùa mái tóc bạc phơ của mẹ, sợ bóng mẹ hắt hiu, di động giữa gian phòng mênh mông, trống trải.
NIỀM VUI CŨA MẸ
Mẹ thích làm cô giáo. Nó hứa sẽ làm cô giáo. Mẹ mỉm cười.
Mẹ bị đau bao tử. Nó hứa sẽ làm bác sĩ. Mẹ mỉm cười.
Mẹ làm việc cực khổ. Nó hứa sẽ làm nhiều tiền cho mẹ đi tham quan thế giới. Mẹ mỉm cười.
Bây giờ, Nó nghe con hứa mỗi ngày. Nó tự hỏi; “Nó đã làm gì cho mẹ?”… Nó mỉm cười.
CÁI NỤ
Tôi con một, cái Nụ là con nuôi. Tôi và Nụ cùng đi học. Tôi thì đỏng đảnh, đố kỵ Nụ. Nụ ngoan, vẽ rất đẹp. Những bức vẽ của nó như có hồn hoa lá, biển cả…
Lớn. Tôi du học, lấy chồng sinh con, định cư bên Pháp. Ngày về thăm mẹ, mẹ đã già và mất trí. Mẹ nhìn tôi xa lạ, rồi ôm chầm lấy Nụ, vỗ vào lưng nó:
– Ngoan nào, bé Thảo cưng của mẹ, nín đi… mai mẹ cõng con đi xem hội làng đêm trăng.
Câu nói như hàng vạn mũi kim châm vào tim tôi ứa máu.
MỒ CÔI MẸ
Đêm đông, nằm cạnh Cha, bé Hùng co ro thì thầm:
– Giá như mẹ đừng ‘đi xa,’ thì giờ này con được nằm giữa, ấm biết mấy! Chứ có hai cha con mình, ai cũng lạnh.
Cha bé Hùng vỗ về con, rồi nói:
– Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm sóc con.
Bé Hùng không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người, đỡ vắng lạnh.
Mùa đông năm sau, bé Hùng co ro nằm một mình lại nghĩ:
– Giá như đừng có dì thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên…
XÓT XA
Tần tảo dành dụm những đồng tiền lẻ từ mớ rau, củ khoai, con cá con tôm bắt được để gởi lên cho chị Hai ăn học. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch, chị Hai ở luôn trên Thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay, dễ chừng gần ba năm, chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn:
– Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?
Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra:
– Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc!
Nói xong, chị Hai đứng dậy, nhanh chân bước lên nhà trên.
Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu:
– Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi, má ơi!…
EM BÉ BÁN VÉ SỐ
Mười ba tuổi,cha chết. Mẹ lấy dượng. Bé bỏ học đi bán vé số.
Mẹ bảo :
– Con liệu nuôi lấy thân, mẹ bất lực.
Bé nghĩ :
– Trong cuộc đời này, ai khổ như mình ?Tối nọ, bán trúng độc đắc cặp mười cho một ông bằng tuổi cha. Bé vui mừng chạy tới báo tin.
Nhà vắng. Ông ấy cười cười kiểu dê cụ. Trao một tấm vé trúng thưởng rồi bảo :
– Của em.
Đêm đó bé không về nhà, đau đớn…..
Khuya tỉnh dậy nằm bên ngoài cánh cổng. Bé lần tìm tấm vé. Không còn. Cánh cửa khép chặt…..
TÌM EM
Ngày đó, cùng chung xóm nhỏ, em hay rủ tôi chơi trò “bịt mắt bắt dê”.
Sợ tôi ăn gian, em tự tay gấp khăn thật kỹ.
Vậy mà, chưa hết một vòng sân, tôi đã bắt được em. Em giãy nãy bắt đền, tôi lại chịu thua.
Lớn lên, theo gia đình phiêu bạt kiếm sống khắp nơi, mỗi lần nhìn lũ trẻ chơi trò năm cũ, tôi lại nhớ xóm nhỏ, nhớ em…. da diết ngậm ngùi.
Ngày xưa, chưa giáp một vòng sân… Bây giờ, có ai bịt mắt đâu, sao tôi tìm em, tìm hoài không thấy?
VẾT SẸO
Ngày bé, anh và tôi hay chơi trò cút bắt. Lần nọ tôi té ngã, máu ở đầu gối chảy rất nhiều.
Anh xuýt xoa theo từng giọt nước mắt của tôi, luôn miệng hứa sẽ che chở tôi suốt đời, không bao giờ để tôi đau nữa.
Lớn lên, anh đi du học, bỏ luôn ý định về nước.
Ngày mẹ anh mất, anh dẫn một cô gái da trắng, tóc vàng về chịu tang.
Tôi đứng nép sau bậu cữa, nhìn sang.
Bất chợt, vết sẹo ở chân nhức buốt….
ĐÁNH ĐỖI
Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chất. Chị xa anh cũng vì lẽ đó.
Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.
Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.
Tình cờ anh gặp lại chị, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi:
– Anh còn giữ nó?
Anh nghẹn ngào:
– Anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa.
QUÀ TẶNG CỦATHƯỢNG ĐẾ
Cô đã hơn một lần thủ thỉ với mẹ :
– Anh ấy là món quà quý giá nhất mà Thượng đế đã ban tặng cho con.
Lần nào nghe xong, mẹ cũng mỉm cười.
Cô đã yêu, yêu bằng tất cả những gì mà cô có được.
Cô hồn nhiên và hạnh phúc bên anh, mặc kệ bao thăng trầm của cuộc sống.
Với cô, anh là phần đời quan trọng nhất.
Rồi một ngày kia. Thượng đế đến mang món quà của cô đem tặng cho kẻ khác.
Ðêm nào, cô cũng ôm gối mỏi mòn tự hỏi vì sao….
Mẹ nằm bên khẽ nén tiếng thở dài.
CẠM BẪY Ở QUÊ NHÀ
Hai người lấy nhau sau bao nhiêu bầm giập của cuộc đổi đời xa xứ.
Chị là cô Tú Xương tân-thời, tảo tần mọi việc trong ngoài, giấc mơ một mái ấm gia đình với vài đứa con ngoan. Chị đã toại-nguyện.
Những tưởng dòng đời cứ thế mà êm trôi….
Anh muốn về thăm quê hương, thăm mộ phần của thân phụ vắng người chăm sóc.
Hai tháng dài qua mau, anh về lại, người cứ ngẩn ngơ.
Một buổi nọ điện thoại cầm tay kêu, anh vừa nghe tiếng nói đã ba bước đi vào phòng đóng cửa lại.
Chị buồn lắm, nhưng không hỏi, mà có hỏi chắc gì anh đã nói.
Đúng một năm sau, anh lại khăn gói về quê, chỉ báo cho chị nghe trước có một tuần.
Chị sửng sờ:
– Về làm chi nữa? Mới về năm trước.
Anh ung dung bảo, muốn ly-dị.
Chị khóc, nước mắt tràn như sông như suối.
Giấc mơ bình yên một đời của chị phút chốc tan thành mây khói.
No comments:
Post a Comment