Friday, April 14, 2017

Quẳng gánh ‘già’ đi mà vui sống!



Đoàn xuân thu
Thưa bà con! Nhật Bổn, nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Trung Cộng, lại là một nước có nhiều ông, bà già nhất trên thế giới.
Cái kỷ lục sống lâu, hơn một thế kỷ, đa phần lọt vào tay mấy ông cụ, bà cụ người Nhựt Bổn, cái đất nước Phù Tang… Phù nên nổi hoài hỏng có chịu chìm! Của đất nước mặt trời mọc… Mọc rồi hỏng có thèm lặn!
Trong 120 triệu dân, số các cụ cao niên từ 60 tuổi trở lên, chiếm tới một phần tư. Cha một gánh nặng quá sức cho mấy đứa nhỏ đó nhe! Tiền ngân sách đâu mà nuôi cho nổi?!
Rồi kinh tế Nhật, hai chục năm nay rơi vào suy thoái! Tiền trợ cấp người già cứ bị cắt đầu cắt đuôi hoài làm sao mà sống? Viện Dưỡng lão thì chật cứng, muốn xin vô để sống cuối đời trai… lại trần ai lai khổ!
(Ngay cả như nước Đức, dẫu rất hùng mạnh trong khối Liên Âu, cũng rầu hết sức. Bèn gởi các cụ ông, cụ bà người Đức qua đất nước láng giềng Ba Lan để ít tốn tiền chăm sóc, ít tốn hao cho ngân quỹ nhà nước! Bằng cái chánh sách lưu đày người già đi biệt xứ!)
Tui cứ tự hỏi tại sao nước Nhựt không chịu bắt chước nước Đức? Tự ái chăng? Nhớ hồi đệ nhị thế chiến, hai đứa thuộc phe Trục, là ní (bạn thân) với nhau mà?)
Hoặc là nước Nhựt còn biết lễ nghĩa, ăn trái nhớ kẻ trồng cây, người Nhựt già thì để người Nhựt trẻ lo!
Hồi xưa các cụ đã cày sâu cuốc bẩm, làm cả đời đóng thuế oằn lưng; giờ già làm hết nổi, thành gánh nặng cho quốc gia thì mình cũng rán mà gánh! Chớ thấy già rồi lưu đày người ta biệt xứ thiệt là hỏng đành lòng ăn cháo đá bát đâu nhe!
Chánh phủ Nhựt ôm gần 30 triệu bô lão vô; nhưng cuối cùng lực cũng bất tòng tâm. Viện Dưỡng lão không đủ, nhân viên không đủ! Không ai chăm sóc; nên nhiều cụ phải sống cu ky ở nhà, rồi một hôm lẳng lặng từ giã cõi đời ô trọc trong lặng lẽ, cô đơn mà đôi khi cả tháng nhà nước mới hay đặng vác đem chôn.
Thế nên các cụ ông, cụ bà Nhựt Bổn bèn nghĩ ra một cái kế rất tuyệt vời, tuy hơi láu cá một chút, là đi ở tù.
Vì tù nhân được ăn ‘sushi’ miễn phí, ốm đau được chữa bệnh không mất tiền, tối ngủ có lính canh gác. Chết là chúng hay liền hè. Chôn cất cũng hỏng tốn tiền luôn! Quá đã!
Mà muốn đi ở tù là phải phạm tội mới được. Nên các cụ rủ nhau đi ăn cắp. Chỉ cần chôm một ổ bánh mì giá 200 yên, tiền Nhựt, (khoảng 2 đô rưỡi Úc), ra Tòa là được tặng hai năm.
Hai năm, ăn có người lo, ngủ có người gác… Thiệt là sướng như tiên vậy đó!
Dần dần giới cao niên Nhựt Bổn biến một số nhà tù thành… Viện Dưỡng lão!
Tuy nhiên làm như vậy thì mất mặt bầu cua hết ráo hè. Suốt cả đời đầu tắt mặt tối, sống một cách lương thiện, từ cây kim sợi chỉ cũng không màng mà giờ đi ăn cắp vặt để được vô tù… Làm như vậy chỉ nhắm tới cái lợi nhỏ mà bỏ cái danh dự của mình vô thùng rác. Tui không chịu vậy đâu!
Cái khó nó ló cái khôn… (Khó đây là nghèo đó). Tui chịu cách ‘binh’ của bà chị người Úc nầy hơn .
“Một cụ bà người Úc, đã 80 cái xuân xanh, vừa đi thêm bước nữa.
Báo chí đài phát thanh, truyền hình rất lấy làm phấn khích. Đúng là một tin ăn khách đây, nên cử phóng viên nườm nượp tới nhà tân giai nhân để mà phỏng vấn.
“Thưa cụ! Chú rể, tân lang, anh yêu của cụ làm nghề gì?”
“À! Ổng làm quản lý nhà lễ tang đó mà!”
“Ủa! Xin cụ cho quý thính giả, bạn nghe đài thân mến của chúng tôi được biết tại sao cụ lại chịu ưng một ông làm nghề quản lý nhà lễ tang? Chớ theo tâm lý nhi nữ thường tình, già người ta sợ chết, sợ luôn cả những gì có liên quan đến cái chết lắm mà?!”
“Chẳng qua là đúng như kế hoạch của tui đề ra đó thôi!
Ông chồng đầu tiên của tui làm Giám đốc Ngân hàng, tui lấy lúc tui mới vừa tuổi đôi mươi! Trẻ, khỏe ai mà hỏng cần tiền chớ!”
“Rồi ông chồng thứ hai, tui lấy năm tôi lên bốn mươi lăm, nhỏ hơn tui hai chục tuổi làm nghề phi công. Vì khi đã giàu có rồi ai mà không muốn phi công trẻ để lái máy bay đầm già phải không?”
“Còn ông chồng thứ ba, tôi lấy năm tôi lên sáu mươi, vừa ăn đáo tuế, vốn làm nghề thầy tụng cho đám ma.”
“Còn ông chồng thứ tư, tôi cho rằng sẽ là người chồng cuối đời của tôi, làm nghề chôn thiên hạ! Chi vậy?
Vì khi tôi chết đi, ông chồng thứ nhất làm ngân hàng vốn có tiền, sẽ lo chi phí mai táng.
Ông chồng thứ hai, phi công trẻ, sẽ đến khóc ròng, tiếc thương hoài những gối chăn xưa!
Ông chồng thứ ba sẽ đến tụng niệm cho tôi siêu thoát.
Và ông chồng cuối cùng sẽ lo cho tôi tươm tất tới ngày tôi ra nghĩa địa”.
Đó là chuyện của các bà cụ đẹp lão, miệng còn dẻo dẹo, ăn nói gió đưa ngọt ngào, tám mươi tuổi rồi, mà vẫn còn người muốn cưới.
Còn trong trường họp má hóp da nhăn, răng rụng móm mém như người xưa của tui, tiền trợ cấp người già của Chính phủ Úc không đủ sống thì phải làm sao?
Thưa có một cái sách dễ ẹt để dụ khị mấy con vịt đẹt như vầy nè:
“Một thanh niên đi siêu thị để mua vài món đồ lặt vặt. Có một cụ bà cứ lẽo đẽo theo sát bên anh hoài. Đến quầy tính tiền thì cụ bà lại giành đứng trước anh.
“Ối kính lão đắc thọ mà! Nhường cho cụ, cụ mua nhiều đồ đến thế kia, mình có chờ hơi lâu một chút… cũng hỏng có sao.”
Trong lúc chờ tới phiên, bà cụ lịch sự xin lỗi là đã nhìn chằm chằm vào mặt anh chắc có lẽ cũng làm anh bực bội?!
“Con tha lỗi cho ta nhé! Chẳng qua vì con giống hệt thằng con trai của ta vừa mới qua đời vì chơi ‘drug’ quá liều!”
“Dạ! Con rất buồn mà nghe cái tin không vui nầy của cụ! Con có thể làm gì để giúp cụ được không?”
“Con thật tốt bụng nhe! Thôi lúc mình chia tay, ta chỉ muốn con nói: “Goodbye Mum” (tạm biệt Má) là ta vui lắm rồi!” Tưởng gì? Chuyện nầy dễ ợt!
Và khi bà cụ nầy đi, chàng thanh niên vẫy tay, nói với theo: “Good bye, Mum!”
Tới phiên chàng tính tiền, hóa đơn vọt lên tới 199 đô 99 xu.
“Sao nhiều như vậy chớ? Tôi chỉ mua có cây kem đánh răng với cái bàn chải thôi mà!”
Cô thâu ngân từ tốn, âu yếm thỏ thẻ như mật rót vào tai: “Má nói với em rằng anh sẽ trả tiền luôn cho Má đó!”
Thưa bà con! Còn dưới đây là chuyện lão niên của chính tui và anh bạn già của tui; vì thú thiệt với độc giả thân mến, tui không còn trẻ nữa.
Mới hôm qua, gởi bài cho tòa soạn, tui được trả lời: “Con xin cám ơn chú!”
Ôi người ta lễ phép xưng con, kêu mình bằng chú mà lại làm tui buồn biết bao trong tấc dạ. “Trời ơi! Đời tui đã tới hoàng hôn bóng xế rồi sao?”
Bấy lâu nay tui cứ tưởng là: phải lú, phải lẫn, phải quên trước, quên sau như anh bạn tui mới gọi là già chớ!
Chẳng qua anh chị bạn nầy lớn hơn vợ chồng tui tới một con giáp, tức 12 tuổi lận. Nhân cuối tuần, ‘weekend’, tui và em yêu được ảnh chỉ mời đến nhà ăn cơm tối và nhậu sương sương thôi… Vì ảnh nói: già rồi uống nhiều sợ đứt bóng bất tử bỏ chỉ lại hỏng ai lo!
Ảnh gọi vợ mình là: “Em yêu! Cục cưng! Hoàng hậu của lòng anh! Con mèo nhỏ của anh!”
Nghe mới mùi, mới tình hết biết; dù hai người đã lấy nhau gần 70 năm rồi mà vẫn còn tha thiết yêu đương ra rít.
Em yêu của tui rất lấy làm cảm động, cứ bắt tui phải học cách ăn nói gió đưa ngọt ngào của anh bạn già nầy mới được.
Bỏ cái tánh gọi bà nầy bà nọ đi nhe. Gọi vậy em tủi thân lắm vì nghĩ mình cũng đã già rồi!
Hai đứa mình mới lấy nhau mới có 50 năm, chưa nhằm nhò gì mà em thấy anh coi bộ muốn keo rã hồ tan rồi đó nhe!
Bữa tiệc tàn, hai bà vợ rủ nhau xuống bếp, rửa chén bát chỉ còn hai cụ ông ngồi trên bàn ăn nhâm nhi chút rượu đỏ rồi nói chuyện Tề Thiên.
“Thiệt anh đúng là một ông chồng tuyệt vời! Từng tuổi nầy mà mở miệng ra một cũng em yêu, hai cũng em yêu!”
“Nói thiệt với chú nhe! Chẳng qua tui đã quên tên bả cách đây gần mươi năm lận!”
“À nè! Tối qua, tui dắt bả đi ăm tiệm. Nó nấu ngon lắm, thiếm nhà lỡ có giận hờn gì, chú chỉ cần dắt thiếm ra đó ăn; là đời sẽ vui trở lại hè.”
“Tiệm ăn anh khen nấu rất ngon tên gì tui mới biết để dắt con vợ tui đi chớ?!”
“À nè chú em à! Cái bông gì mà khi tui muốn tỏ tình, tui mua để tặng em yêu đó?”
“Ý anh muốn nói là ‘Hồng’ phải không?”
Nghe xong, anh chủ nhà quay miệng vào bếp, hét to lên:
“Hồng ơi! Nhà hàng tối qua anh với cục cưng đi ăn, tên của nó là gì vậy?”
Thưa bà con! Anh bạn già của tui bị lẫn; còn em yêu của ảnh thì lại bị lãng tai.
Vậy mà năm rồi ảnh dám xách xe chở chỉ đi du lịch xuyên bang đó.
Giữa đường đói bụng, dừng lại tiệm McDonald’s, ở thị trấn giữa đàng, chuyên bán thức ăn nhanh.
Người phục vụ hỏi: “Thưa hai cụ dùng chi?”
“Cho tôi hai cái hamburgers!”
Em yêu của ảnh: “Thằng nhỏ nói gì vậy anh?”
“À! nó hỏi tụi mình ăn gì và anh nói: cho hai cái hamburgers.”
Người phục vụ: “Hai cụ tính đi đâu?”
“Vợ chồng tôi đi Adelaide để thăm cháu nội!”
Em yêu của ảnh: “Thằng nhỏ nói gì vậy anh?”
“À! Nó hỏi mình đi đâu và để làm gì? Anh nói: Mình đi Adelaide để thăm cháu nội!”
Người phục vụ lại hỏi (Cha cái thằng nhỏ nầy nhiều chuyện nhe! Hỏi hoài hè!)
“Hai cụ từ đâu tới?” “Melbourne!”
Em yêu của ảnh: “Thằng nhỏ nói gì, vậy anh?”
“Nó hỏi mình từ đâu tới; anh trả lời Melbourne!”
Người phục vụ: “Melbourne! À cháu có lần sống thử với một con ghệ ở đó một khoảng thời gian! Chu choa cái miệng nó chét chét suốt ngày, không kịp kéo da non! Lại làm biếng thầy chạy! Không chịu nấu ăn gì hết ráo trừ trường hợp đói bụng gần chết mới chịu lết vào bếp!”
Em yêu của ảnh: “Thằng nhỏ nó nói gì vậy anh!”
Ảnh bèn hét to lên: “Nó nói: nó biết em!”
Thưa bà con! Hãy quẳng gánh ‘già’ đi mà vui sống!
Già không phải là lú lẫn; là lãng tai, rồi cứ ngồi than trời trách đất, lo sợ cho cái tương lai của người già. Già thì còn tương lai gì nữa mà lo chớ?
Mình già là khi mình không còn biết cười nữa. Còn nếu quý ông anh, quý bà chị mình: đi vô cười, đi ra cười, đứng cũng cười, ngồi cũng cười luôn… Cười hoài hè!
Thì tui cho rằng quý anh chị mình còn trẻ hơn cả khối người trong thiên hạ nữa đó!
Đoàn xuân thu

No comments:

Post a Comment