Tôi chưa bao giờ gặp Khổng Tử
HIẾU TÂN
Bạn sẽ cười khi nghe tôi nói câu này; thì đã có ai gặp đâu, người sống cách chúng ta 25 thế kỷ. Nhưng có một sự thật là Khổng Tử vẫn sống, tuy chỉ mờ mờ bàng bạc trong dân gian. Với tôi điều này là quan trọng nhất: tôi chưa bao giờ muốn gặp ngài.
Trong đời mình, tôi đã gặp và muốn gặp nhiều hơn nữa, rất nhiều người. Những người đã đi qua lịch sử nhân loại. Socrates, Plato, Epicure, đến Shakespeare, Dickens, Spinoza; Pascal, Immanuel Kant, Rabelais Voltaire, Moliere, Hugo, Balzac đến Mark Twain, Cervantes, Lý Bạch, Tô Đông Pha, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Einstein, Pushkine, Tchekhov, Dostoiesky, Pasternack rồi Mikenlangelo, Rafael, Da Vinci, Mozart, Beethoven, Debussy.. Còn nữa, nhiều lắm và nhiều lắm. Với những người ấy, tôi đã gặp, đã yêu thích và say mê, và cũng nhận rằng, có những chỗ tôi không thích hay chưa thích. Những người ấy kích thich ở tôi hứng thú hiểu biết và khêu gợi sáng tạo.
Khổng Tử, với tôi, không có gì như thế cả.
Tôi thấy Khổng Tử có ba nhân cách:
Một người thày, học giả.
Một ông quan
Một vị thánh
Tôi đã thấy những hình ảnh các trai thanh gái lịch Hà Nội, ít hay nhiều cũng được biết về thuyết tương đối và bản đồ gene, trước các kỳ thi đại học, chen chúc nhau trong Văn Miếu để dâng hương cầu ngài phù hộ cho thi đỗ. Tôi muốn dùng bức snap-shot này làm một điểm nhấn đánh dấu trình độ văn minh của dân ta lúc này, gửi cho ai đó sau này muốn viết lịch sử văn minh Việt.
Nhớ năm 1994 tôi có dịp sang Anh, đến London. Trong đoàn tôi có hai đảng viên, họ rủ tôi đi thăm mộ Karl Marx. Tôi biết hai anh chưa bao giờ đọc một chữ nào của Marx cả. Còn tôi, tôi đã đọc khá nhiều, thậm chí còn tự tay dịch lại Luận cương về Feuerbach nữa, (dịch để chơi) dù người ta đã dịch rồi. (Thời trẻ tôi cũng đặt Marx trong số các vị kia. Tôi không chú ý lắm đến tư tưởng, nhưng tôi rất thích văn phong của Marx). Tôi từ chối không đi nhưng hứa tìm hộ đường. Tôi nói với Nick de Sarrandy bạn tôi, trong đoàn tôi có hai người cộng sản, họ muốn đến thăm mộ vị lãnh đạo của giai cấp vô sản thế giới. Nick cười, tận tình hỏi giúp. Hai ông bạn tôi cuối cùng cũng tìm được đến nghĩa trang Highgate, đứng trước nấm mộ có tấm bia ghi bằng tiếng Anh “Các nhà triết học từ trước đến giờ chỉ lo giải thích thế giới, nhưng vấn đề là cải tạo nó.” Hai anh bạn cho tôi xem những tấm ảnh đang cúi lạy trước nhà lãnh tụ vĩ đại, lại tiếc rằng ở đó họ chỉ bán hoa, không có hương (nhang). Một anh nói, “Thôi, bây giờ cả thế giới chỉ còn nước mình với mấy nước khác, nay mình cầu để Cụ phù hộ cho…may ra..” Tôi cho rằng tôi (lúc đó) yêu Marx hơn hai ông bạn tôi nhiều lắm, ít ra là yêu văn của ông ta, nhưng tôi không cúi lạy. Tôi chưa, và không bao giờ coi Marx là thánh.
Nếu tôi nói tôi không coi Khổng là thánh, thì tôi sẽ bị rất nhiều người già (không kể tuối) trong nước tôi bây giờ mắng cho là ngỗ nghịch.
Ai cũng biết rằng Trung Hoa, nơi sinh Khổng Tử, có một chế độ phong kiến dài nhất trong lịch sử loài người (có người còn sợ không biết nó còn dài đến bao giờ). Không ai phủ nhận rằng công lao ấy phần lớn ở họ Khổng. Người ta bảo Khổng Tử không phải nhà nho, nhưng tôi thấy ông là nhà Nho tiêu biểu nhất. (Cũng như Marx không tự nhận là marxist, nhưng tôi vẫn thấy ông là người marxist tiêu biểu.) Ít ra nhà Tây Hán (Đổng Trọng Thư và Hán Vũ Đế) đã biết rút ra từ học thuyết của ông những gì làm nền móng cho sự trường tồn của các triều đại. Và họ tôn ông lên làm thánh.
Không ai phủ nhận rằng Khổng là một nhà học giả lớn. Dù ông có trước tác hay không, ông đã mó tay vào san định rất nhiều kinh sách. Phùng Hữu Lan thì bảo rằng “Khổng Tử không phải là người chỉ thuật lại; khi thuật lại, ông đã sáng tạo điều gì mới.”[1] Trần Trọng Kim thì bảo rằng “Chủ ý của Ngài là muốn phát huy cái đạo của thánh hiền đời trước ra và đem mà dạy người, chứ không phải là tạo tác ra cái đạo mới. Ngài nói rằng ‘Thụât nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ..’ thuật lại cái đạo của thánh hiền mà tự mình không tạo tác ra cái gì, tin mà thích đạo đời xưa..”[2]. Theo tôi, dù tạo ra cái gì mới hay không, tinh thần của Khổng giáo là tinh thần không-sáng-tạo; tinh thần nệ cổ bao trùm lên toàn bộ học thuật của ông. HIẾU CỔ, đó chính là Khổng Tử. Phải nhận rằng ông đã thâu tóm, đã giữ lại được những tinh hoa của nền văn hoá Trung Hoa từ nhà Chu trở về trước, những phong tục, những luân lý và lễ giáo của nó. Nhưng cái đạo lý của ông mà các triều đại hoan hỉ lấy làm vũ khí và thành quách của chúng, thì chỉ làm vĩnh cửu hoá nền thống trị kiểu phong kiến và thân phận bầy tôi (của quan lại) và thân phận thần dân (của dân đen), không có gì hơn.
Khi đọc sách Đại học (do đệ tử của Khổng làm ra) tôi thấy nghĩa lý của nó rất sáng, rất khúc chiết. Tôi hiểu cái mong muốn của tác giả mang một trật tự vào cõi hỗn mang không có trật tự. Nó có thể là một điểm sáng trong cõi mông muội. Có thể coi nó là một điểm khai sáng. Nhưng như thế tôi lại nghĩ đến Kant. Có người gọi Kant là ông tổ của triết học khai sáng. Giống như Khổng Tử là ông tổ của đạo Nho. Lại nghĩ về những con đường của lịch sử, và thân phận của các dân tộc. Người ta có Kant thì người ta như thế còn ta có Khổng thì ta thế này. Chẳng phải định mệnh lịch sử ru?
Pascal, Descartes, Kant, tôi không biết các ông có thông thái hay không, nhưng các ông khơi bật dậy sức mạnh trong con người chúng ta: sức mạnh của tư duy. Chính sức mạnh tư duy ấy làm thay đổi mọi cái trong trần thế, và thay đổi cách con người sống với nhau. Khổng Tử là một nhà thông thái, hay ta cứ coi như thế, cái gì cũng biết, và điều quan trọng nhất là: cái gì ông nghĩ, thì ông đem dạy người ta. Tôi rất sợ những chân lý bất di bất dịch. Tiếp thu chân lý ấy, ta không còn là con người tư duy, ta là những phỗng sành. Người ta học ông, người thông minh thì vanh vách, người ngu thì nhai nhải, mà mục tiêu cao nhất là phải đọc lại được như con vẹt, tôi hỏi bạn: còn cần gì hơn nữa? Bao nhiêu ông tiến sĩ ở ta, bia đá bia miệng đầy ra đấy, có ông nào thêm bớt được chữ nào vào đạo nghĩa thánh hiền chưa? Cái uyên bác, tài giỏi của các nhà nho quá lắm chỉ là giảng ra, tán ra những chữ nghĩa của thánh hiền một cái thông minh hay thú vị mà thôi. Đi trật lề là điều cấm kỵ. Chính vì thế ở thời điểm này nếu ta học Khổng là ta đang đứng ở đỉnh cao trí tuệ của văn hoá Trung Hoa thế kỷ 5 trước Công nguyên. Nên lưu ý: cũng khoảng thời gian ấy có Socrates, Plato, Thích Ca. Khác ở chỗ nào, là điều đáng suy ngẫm.
Thời nào cũng vậy, để làm quan thì học như thế là đủ. Bản thân Khổng Tử là một ông quan. Nhưng phải nói thế này cho công bằng: ông là một ông quan đáng trọng, mục đích làm quan của ông là thi hành cái đạo của ông, chứ không phải vinh thân phì gia. Không mấy ai được như vậy. Bao nhiêu thế kỷ, đạo của ông chỉ là để dạy cho người ta làm quan. Những người học mà không làm quan được, như Tú Xương, chỉ là những người thất bại.
Người ta còn thấy ở Khổng Tử một nhà luân lý, tức là đạo của ông có thể dạy luân lý cho nhân dân. Kết tinh đạo của ông có một câu này, mà ông cũng tâm đắc nhất “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Đó là chữ Thứ. Hay lắm, một nguyên lý phổ quát, không có chỗ nào để chê. Nhưng nó chỉ là một điều răn dạy, cũng như mọi lời răn dạy hay ho khác, một lời răn như thế có được bao nhiêu tác dụng trong cuộc sống? Những kẻ có quyền tha hồ đàn áp ức hiếp những người dưới quyền chỉ vì những người này có muốn cũng chẳng làm được ngược lại như thế với họ. Mà học thuyết của ngài thì đã định hình các thân phận như mệnh trời rồi. Vậy lời răn kia tốt nhất hãy dùng cho những người thấp cổ bé miệng thì hợp lý hơn chăng?
Về chính trị, ngài có thuyết Chính danh. Hay lắm: vua ra vua, tôi ra tôi. Vua chư hầu mà dùng lễ của Thiên tử là “tiếm”, là bất đạo (hay là mầm phản nghịch?) Kỹ đến như thế, nhưng cũng không tránh được cái sự thực là, từ khi có thuyết của ngài, người ta mạo danh nhan nhản, mạo danh trên tất cả các phương diện của đời sống, và với không ít trường hợp, mạo danh là con đường thắng lợi, là lẽ sống còn.
Thưa Khổng Phu tử, tôi rất kính trọng ngài. Tôi chưa bao giờ gặp ngài cả.
HIẾU TÂN
No comments:
Post a Comment