Saturday, February 18, 2017

BỤI CHUỐI SAU HÈ



NGUYỄN THI
Sau hơn mười năm xa quê hương, lần đầu tiên tôi gặp lại cây chuối. Trên bãi cỏ xanh mướt bên cạnh hồ tắm, trong sân khách sạn, một bụi chuối đứng lẻ loi. Tôi ngẩn ngơ nhìn nó, lòng rưng rưng cảm động như gặp lại người thân. Hồn tôi như bay bổng về quê nhà, về mảnh vườn xưa. Tai tôi không còn nghe tiếng sóng biển vỗ rì rào ngoài kia, tiếng trẻ con cười đùa trong hồ tắm; mắt tôi không còn thấy những hình người đang nằm ngồi ngổn ngang phơi nắng bên thành hồ. Bụi chuối, một cây mẹ với ba cây con. Cây mẹ đang trổ buồng. Một bắp chuối nhỏ màu nâu tím nằm lủng lẳng dưới buồng chuối non xanh mơn mởn. Lá chuối màu xanh đậm, nhiều tàu lá rách tả tơi vì gió biển. Thân cây không cao lắm, ốm hơn những cây chuối bên nhà. Có lẽ đây chỉ là một loại chuối kiểng. Nhưng dù sao cũng là một bụi chuối mà tôi được nhìn tận mắt, sờ tận tay. Tôi vuốt nhẹ lên thân chuối mát rượi, tưởng như đang được chạm tay vào một mảnh quê hương. Sáng sớm hôm sau, tôi cũng vừa được nghe lại tiếng gà gáy. Trong lúc mơ màng nửa thức nửa ngủ, tôi đang nghe văng vẳng tiếng ò…ó…o… Mơ hồ, tôi không phân định được đó là tiếng gà gáy thực hay chỉ là âm thanh vang vọng từ một quá khứ xa xăm thời thơ ấu, lúc tôi còn nhỏ nơi quê nhà mà mấy chục năm dâu bể vừa qua chỉ là giấc mộng dài. Chiều hôm trước, trên đường từ phi trường về khách sạn, tôi cũng đã được nhìn thấy lại những hàng trúc đào, những giàn bông giấy đang trổ hoa rực rỡ, những vườn cam, vườn bưởi trái sai oằn, vàng mộng. Đây là một hòn đảo nằm trong vùng Đại trung hải, nơi nghỉ hè rất được ưa chuộng của dân Bắc Âu. Tôi lạc loài tới đây để tìm chút nắng ấm mùa hè. Tôi đã cảm động đến nghẹn ngào nhìn ngắm từng hình ảnh quê hương mà tôi tình cờ bắt gặp trên bước đường lưu lạc. Một mùi hương, một cánh lá, một bụi cây nơi quê nhà cũng trở thành những hình ảnh ngọc ngà long lanh trong ký ức. Bây giờ, đứng ở một nơi xa xôi mà tôi tưởng như đang nghe lại được tiếng gió tha thiết trong khu vườn tuổi nhỏ. Ở đó có những tàu cau, tàu dừa lả ngọn phất phơ, tàu chuối vung vẩy… Những hình ảnh đơn sơ đó đã đi vào tâm hồn tôi và ở lại tự bao giờ, có lẽ cũng với tiếng võng đưa kẽo kẹt những buổi trưa êm đềm và tiếng ru ầu ơ của mẹ hiền… Gió đưa bụi chuối sau hè… Gần như nhà nào ở vùng quê miền Nam cũng trồng chuối. Chuối rất dễ trồng, không phải bỏ công chăm sóc và thời gian thu hoạch rất ngắn. Chỉ cần đào một cái hố sâu vừa phải, đặt một cây con xuống, lấp đất lại, vài tháng sau đã có một cây chuối xanh um, trổ buồng. Lúc sắp trổ buồng, cây chuối tươi mướt như một cô gái đến thì, tràn trề nhựa sống. Một ngày, trên đọt cây chuối, thay vì nhú ra một cuống lá dài như thường lệ lại ra một búp lá ngắn, tiếp theo là một bắp chuối mập tròn, màu phơn phớt tím. Cuống bắp chuối dài ra và ngọn xoay dần xuống đất. Những bẹ bên ngoài của bắp chuối mở ra từ từ, để lộ những trái chuối xanh non nhuốc nằm xếp lớp, đầu mỗi trái còn những cánh hoa màu vàng ngà. Buồng chuối dài dần ra với nhiều nải, cho đến khi những nải chót nhỏ dần, đèo đẹt rồi không thành trái xanh nữa mà vàng ủng rồi khô rụng đi. Lúc này buồng chuối non đã hoàn tất và bắp chuối trở thành mầu nâu tím. Người ta dùng câu liêm cắt bắp chuối, đem về xắt nhuyễn ăn sống hoặc nấu canh. Lúc cây chuối mẹ sắp trổ buồng thì xung quanh gốc chuối đã nhú ra một hoặc vài ba cây chuối con. Muốn buồng chuối nhiều nải, to trái, thường nên chặt bớt cây con. Khi buồng chuối đã già, sắp chín, người ta chặt buồng và luôn cả cây chuối mẹ. Chuối con lúc đó cũng đã lớn, trổ buồng và đời sống bụi chuối cứ thế tiếp diễn. Việc thu hoạch chuối cũng rất đơn giản. Ở những vườn chuối lớn nhiều mẫu, bạn hàng thường canh đúng lứa chuối, vào vườn chặt những buồng chuối đã già, đem xếp theo loại trước sân để chủ vườn đếm theo nải. Những nải chót hoặc có ít trái thường không tính. Đôi khi một vài buồng chuối bị bỏ sót và chín dần trên cây. Đây là dịp để chim chóc kéo đến mở tiệc. Nếu cây chuối không cao lắm mà buồng chuối chưa bị chim ăn hết, trẻ con thường tự ra hái ăn dần trong nhiều ngày. Vì được trồng nhiều nên chuối ở nước ta không được xem là một loại trái cây quý dù nó rất bổ dưỡng. Việt Nam có rất nhiều loại chuối, có thể kể chuối lá, chuối cơm, chuối nàng tiên, chuối chà, chuối cau, chuối xiêm, chuối già, chuốt hột… Nhưng được ưa chuộng hơn cả là chuối xiêm, chuối già và chuối cau. Chuối xiêm còn được gọi là chuối sứ, người Bắc gọi là chuối tây. Theo như tên gọi của miền Nam thì đây là loại chuối từ Thái Lan đưa sang, do Xiêm La cống sứ. Loại chuối nầy được chuộng nhất vì bổ, ngon, rẻ và có thể biến chế thành nhiều món. Khi chuối xiêm vừa bắt đầu chín, để nguyên trái đem nấu với chút muối, ta có món chuối nấu ngọt, dẻo, thơm, ruột chuối vàng óng nằm trong lớp vỏ màu hồng đậm đà. Trái chuối nấu xắt miếng mỏng vừa phải, xào lên với nước cốt dừa, thêm chút bột báng, đậu phộng rang giã nhỏ là có món chuối xào dừa tuyệt hảo. Nếu dùng chuối chín hơn, để nguyên trái đem nấu, cũng với nước dừa, bột báng thì thành món chuối chưng hoặc chè chuối, ngon không kém. Chuối chín đem đập nhuyễn, trộn với bột gạo, nước cốt dừa, hấp lên thành bánh chuối. Cầu kỳ hơn một chút, xẻ trái chuối chín theo chiều dọc, tẩm đường, ngâm rượu rhum, sau đó xếp vào khuôn có xếp sẵn lớp bột gồm ruột bánh mì ngâm nước dừa, đường, đem nướng nhỏ lửa, màu chuối trở nên đỏ đẹp vào thơm ngon không kém một loại bánh Tây phương nào. Dùng chuối vừa chín tới ép dẹp, nướng trên than hồng, hoặc trước khi nướng, bọc quanh trái chuối một lớp xôi nếp, ngoài cùng bọc lá, ta sẽ có món chuối nướng thật thơm, thật bùi. Chuối chín ép dẹp, tẩm bột chiên dầu là món tráng miệng vừa dòn vừa béo. Ngoài ra, chuối xiêm chín còn được dùng làm kem chuối, làm nhân bánh tét, làm rượu, làm giấm. Đặc biệt chuối xiêm ép dẹp, phơi khô, ngào đường là món mứt chuối hay kẹo chuối có thể để giành lâu được. Chuối già, miền Bắc gọi là chuối tiêu, có hai loại: già hương và già lùn. Chuối già lùn trái to, cây thấp; không ngon bằng chuối già hương trái nhỏ, thanh tú như ngón tay của một cô gái đẹp, dẻo và thơm hơn. Chuối già được bàn bán khắp thế giới, ngay cả những nơi gần Bắc cực giữa mùa đông tuyết phủ. Chuối cau trái nhỏ hơn chuối xiêm, tròn trịa, ruột vàng ửng, thịt dẻo và thơm, miền Bắc gọi là chuối ngự vì dùng để dâng vua. Chuối cau lửa vỏ màu đỏ tía, ruột ửng sắc tím là thứ ngon và hiếm nhất nên cũng được gọi là chuối ngự tiến. Chuốt hột, như tên gọi, ruột có rất nhiều hột nên không thể ăn chín. Tuy nhiên đây lại là loại chuối đa dụng nhất. Trái chuối xanh xắt mỏng có vị chan chát nhưng hòa hợp tuyệt vời với các món ăn chơi như nem nướng, bò bảy món, các món mắm, cá nướng… Mặc dù các loại thân chuối non đều có thể xắt mỏng ăn thay rau; bắp chuối làm gỏi, nấu canh; lá chuối dùng gói bánh; bẹ chuối chẻ nhỏ, phơi khô làm dây buộc; củ chuối nấu ăn thay cơm… nhưng chỉ loại chuối hột là cho những sản phẩm trên ngon và tốt hơn cả. Lá chuối già gói bánh bị đen; bẹ các loại chuối khác không bền bằng; và thân cũng như bắp chuối hột ngon hơn cả. So với vô số loại trái cây của miền Nam trù phú, mùa nào thức nấy, thì chuối không được kể là loại trân quí. Nhưng từ khi ra hải ngoại, chuối gần như có mặt hằng ngày trên bàn ăn của nhiều gia đình, có lẽ vì mùi vị thân quen của nó. Và bụi chuối sau hè, một hình ảnh đơn sơ bên nhà cũng trở nên thơ mộng, đậm đà trong trí nhớ của những kẻ mất quê hương.

No comments:

Post a Comment