Tuesday, November 24, 2015

Những dấu hiệu dễ bị bỏ qua
Một sáng cách đây khoảng 2 năm, ông Lý Kiến Trúc, 65 tuổi, một nhà báo ở tiểu bang California, thức dậy như thường ngày trong tư thế ngủ quen thuộc một tay vắt trên trán và một tay để sau đầu. Nhưng hôm ấy, khác với mọi ngày, ông thấy cánh tay trái của mình tê tê một cách khác thường khi thức giấc. Nghĩ chắc do thói quen để tay sau đầu là nguyên nhân gây ra tê tay, ông vẫn đi làm bình thường và không để ý đến triệu chứng khác thường. 6 tiếng sau, cảm giác tê tăng dần, ông Trúc chóng mặt và ngã xuống sàn bất chợt. Ông được đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Kết quả mà bác sĩ thông báo cho gia đình sau đó là ông bị tai biến nghẽn mạch máu não. Kinh nghiệm này làm ông Trúc không bao giờ quên và theo ông đây là kinh nghiệm quý báu không chỉ đối với riêng ông: “…Cái kinh nghiệm cho mình biết là cảm giác tê dại trong người, từ tay đến chân thì đó là triệu chứng của tai biến mạch máu não. Có thể sự nghẽn mạch máu từ não nó lan truyền đến tay trái hoặc chân trái hoặc là tay phải hoặc chân phải, thì chúng ta phải vào bệnh viện để xét nghiệm ngay… Mọi người nên lấy đó làm kinh nghiệm. Khi có cảm giác như vậy thì bất cứ giá nào cũng phải vào bệnh viện ngay lập tức càng nhanh càng tốt”.
Bác sĩ Ralph Sacco, phát ngôn viên của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ cho biết: “…Tai biến mạch máu não có thể xảy ra với bất cứ người nào và vào bất cứ lúc nào, tuy nhiên chúng thường dễ xảy ra khi người ta lớn tuổi. Có nhiều nhân tố có thể dẫn đến tai biến mạch máu não. Một số có thể điều trị được ví dụ như cao huyết áp, tiểu đường và mỡ máu”.
Trước khi bị tai biến mạch máu não, ông Trúc cũng không biết mình bị huyết áp cao. Ông cũng không nhớ mình có đi khám bác sĩ định kỳ thương xuyên hay không. Ông chỉ cảm thấy rằng cơ thể mình hoàn toàn khỏe mạnh và bình thường cho đến cái ngày ông phải vào bệnh viện. Bây giờ nghĩ lại ông cho rằng mình đã may mắn được cứu chữa kịp thời: “…Nếu hôm  đó chú té xuống mà chỉ cần chậm trễ nửa tiếng và 1 tiếng đồng hồ nữa thôi thì chắc chắn hôm nay đã phải ngồi nói chuyện với Việt Hà bằng xe lăn rồi”.

Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não có hai loại chủ yếu đáng chú ý nhất là tai biến do nghẽn mạch máu não và tai biến do vỡ mạch máu não. Trong đó loại nghẽn mạch máu não xảy ra phổ biến  hơn cả và phần lớn các tài liệu hướng dẫn về cách nhận dạng và điều trị cũng chủ yếu tập trung vào loại này. Ngoài ra cũng có những người bị tai biến mạch máu não thầm lặng tức là loại tai biến nhỏ với triệu chứng chỉ kéo dài không tới 24 giờ đồng hồ rồi tự biến mất. Loại tai biến này cũng thường không gây ra những tổn thương lâu dài cho não.
Tai biến mạch máu não thường xảy ra khi huyết áp của người bệnh lên quá cao. Thông thường, huyết áp của một người khỏe mạnh dao động  trong khoảng 90/60 mm Hg đến 140/90 mm Hg tùy theo sức khỏe, giới tính và thời điểm đo. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, khi huyết áp thường xuyên đến mức 140/90 mm Hg có nghĩa là đã bắt đầu có dấu hiệu cao huyết áp. Khi huyết áp lên đến trên 180/110 thì cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức để tránh tai biến mạch máu não.

 

Phòng tránh và cấp cứu người bị tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não giờ đây xảy ra khá phổ biến và điều quan trọng là mọi người cần phải được trang bị những kiến thức cơ bản khi gặp một trường hợp tai biến đột xuất. Vậy nếu bạn gặp một người bị tai biến mạch máu não, bạn cần phải làm gì và không nên làm gì? Bác sĩ Ralph Sacco nói: “Điều quan trọng nhất là phải đưa người bị tai biến mạch máu não đến bệnh viện ngay lập tức. Khác với nhồi máu cơ tim, khi chúng ta có thể cho bệnh nhân dùng aspirin, với người bị tai biến chúng ta không thể cho họ uống aspirin tại nhà vì có thể là họ bị loại tai biến chảy máu não. Nếu đó là loại chảy máu não, Asprin có thể làm tình hình thêm tồi tệ. Cho nên điều quan trọng là để cho người bệnh thăng bằng và đưa họ đến bệnh viện ngay. Thời gian là hết sức quan trọng, cứ mỗi phút chần chờ thì chúng ta mất đi cơ hội được điều trị kịp thời mà chúng ta cần ngay lúc đó. Điều quan trọng là bạn phải đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất”.
Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến cáo mọi người không nên theo những chỉ dẫn cấp cứu với người bị tai biến mạch máu não tại nhà theo phương pháp châm kim vào 10 đầu ngón tay đến chảy máu hay còn gọi là phương pháp Irene Liu. Theo các bác sĩ thì không có bằng chứng khoa học nào cho thấy đây là cách làm cứu được mạng của bệnh nhân trong khi có thể kéo dài thời gian chờ đợi để bệnh nhân được chăm sóc y tế kịp thời.
Mặc dù nguy hiểm, tai biến mạch máu não là bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh. Theo các bác sĩ, một người muốn tránh bị tai biến mạch máu não, dù trẻ hay già, cũng nên bắt đầu một lối sống khỏe mạnh, đó là giảm ăn muối, giảm đồ béo, ngừng hút thuốc và tăng cường các hoạt động thể chất. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, việc ăn quá nhiều muối và đồ ăn nhanh là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai biến mạch máu não. Bác Suzanne Judd, chuyên gia dịch tễ dinh dưỡng thuộc đại học Alabama, thành viên Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ nói về những nguy cơ trong đồ ăn nhanh: “…Có 3 yếu tố chính trong chế độ ăn này dẫn đến nguy cơ tai biến mạch máu não tăng. Thứ nhất là muối, các đồ rán và chế biến sẵn thường có rất nhiều muối. Chúng ta biết là người Mỹ giờ đây ăn khoảng 3500 mg muỗi mỗi ngày, tức là cao hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo. Chế độ ăn đồ rán có lượng muối từ 3,000 đến 4,000 mg muối. Ăn nhiều muối sẽ khiến bạn phải uống nhiều nước, làm tăng huyết áp, khi tim và não phải chịu huyết áp cao quá lâu, nó sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Yếu tố thứ hai là chất béo bão hòa. Chúng ta đã biết từ nhiều nghiên cứu trước đây là chế độ ăn quá nhiều chất béo bão hòa sẽ gây nghẽn mạch máu não, từ đó dẫn đến ai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Yếu tố cuối cùng trong chế độ ăn này là nước ngọt. Đã có nghiên cứu gần đây từ Bắc Carolina và từ đại học Harvard cho thấy uống nước ngọt là làm tăng thêm năng lượng cho cơ thể không cần thiết vì khi mọi người uống các nước ngọt đó, họ không biết là họ đang có thêm năng lượng cho cơ thể. Chế độ ăn có nước ngọt làm cho bạn ăn quá nhiều, làm tăng cân, dẫn đến béo phì từ đó có thể bị tai biến mạch máu não”.
Một nghiên cứu gần đây được công bố tại Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ trong năm nay cho thấy có khoảng 2 triệu 300 ngàn người trên thế giới bị chết trong năm 2010 vì các bệnh tim mạch do ăn quá nhiều muối. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo mỗi người chỉ nên ăn không quá 1,500 mg muối mỗi ngày, mức này của Tổ chức Y tế thế giới là 2,000mg.
Theo bác sĩ Ralph Sacco, những người bị tiểu đường và hút thuốc đều có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao vì đây là hai yếu tố dẫn đến xơ cứng động mạch và khi động mạch bị xơ cứng thì có thể sẽ dẫn đến nghẽn mạch máu não. Người hút thuốc có từ 2 đến 4 lần nguy cơ tai biến mạch máu não cao hơn so với người không hút thuốc.
Với ông Lý Kiến Trúc, kể từ sau lần bị tai biến mạch máu não, ông đã chú ý hơn tới sức khỏe của mình. Ông uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, theo một chế độ ăn cân đối ít chất béo hơn và cũng năng tập thể dục hơn. Ông cho rằng đây là những yếu tố giúp ông giảm thiểu được nguy cơ bị tai biến mạch máu não trở lại do huyết áp cao.
Tai lieu tham khao neu muon tim hieu them ve stroke link:

No comments:

Post a Comment