Lễ Tạ Ơn
Đoàn Xuân Thu
Thưa không phải tới sau nầy người miền Nam chúng ta mới lìa quê hương cố thổ để đến một vùng đất mới! Mà cách đây vài trăm năm ông bà ta đã dắt díu, dìu nhau vào vùng đất phương Nam để lập nghiệp.
Sau khi xóa sổ nước Chiêm Thành thì tổ tiên ta tiến mãi, tiến mãi… đến cuối đất cùng trời, tức tới Mũi Cà Mau mới dừng lại… Vì đi nữa là bị… ướt!
Vùng đất tân bồi đó, là Nam Kỳ ngày nay, khi những di dân ngoài Trung tràn vào vẫn còn là một vùng đầm lầy nê địa, rừng hoang cỏ rậm, thú dữ tràn đầy… ‘Dưới sông sấu lội… Mà trên rừng cọp đua!’
“Tới đây xứ sở lạ lùng / Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng ghê”
Rồi bà con ta hợp quần lại thành làng xã! Đất cũ đãi người mới! Làm chơi ăn thiệt, no ấm dần lên, tạo nên cái tánh hào phóng: chơi mát trời ông Địa luôn của người dân Lục Tỉnh Nam Kỳ.
Thưa ông Địa, là ông thần coi sóc đất đai (giống như ông Trưởng Ty Điền Địa của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa mình khi xưa vậy), là một người trung niên chuyên ở trần, mập mạp, ‘ví’ xệ, miệng cười hể hả, tay cầm quạt, tay cầm điếu thuốc lá… Vẻ no đủ, phương phi, hào sảng!
Thế nên phàm việc gì có đụng chạm đến đất đai như đào ao, đào giếng, xây cất, mở vườn, mở ruộng, đào huyệt… tất cả đều phải cúng ông Địa.
Ngay cả ngày Tết, múa Lân mừng năm mới, ta cũng thấy ông Địa, mang chút hơi hướm hài hước của người dân dễ chịu, dễ chơi, chín bỏ làm mười, phe phẩy quạt vì cái khí hậu miền đất mới nầy vừa nóng vừa ẩm ướt, nhảy cà tưng theo nhịp phèng la và tiếng trống!
Những cửa tiệm buôn bán, bà con mình cũng thờ ông Địa! Tượng nhỏ đặt dưới đất! (Địa là đất mà đặt trên cao hỏng đất ổng đâu có chịu nà!)
Sáng mời ông Địa một ly cà phê sữa, một điếu thuốc ba số 555 hẳn hoi, gắn trên tay! Đôi khi mua may bán đắt, ông Địa còn được hối lộ cả thịt heo quay và bánh bao nữa đó!
Trước là cúng ông Địa sau là đợi tới chiều, hú thằng cha chủ tiệm kế bên qua, hai đứa mình nhậu.
Còn lỡ bán ế, (bán cái gì cũng mắc gấp rưỡi, gấp đôi thiên hạ thì làm sao bán đắt cho được chớ?), bèn đổ thừa ông Địa, đem ổng vụt tuốt xuống sông; rồi thỉnh ông Địa khác về mà cúng!
Do đó, khi phải tha phương cầu thực bất cứ phương Trời nào, bà con mình tới vùng đất mới, ngày nào cũng đều tạ ơn Trời và Đất. Tạ ơn Trời mình lập bàn Thiên trước sân nhà. Tạ ơn đất mình thờ ông Địa!
Người Mỹ cũng vậy thôi, chỉ khác cái là người Mỹ một năm Tạ ơn chỉ một lần! Lễ Tạ Ơn hằng năm, rơi vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư tháng Mười Một. (Chớ không phải luôn luôn là thứ Năm cuối cùng vì đôi khi trong một tháng Mười Một, có tới 5 thứ Năm lận đó!)
Lễ Tạ Ơn được những di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ tổ chức cách đây khoảng 400 năm.
Tháng Chín năm 1620, tàu Mayflower gồm 121 người rời Âu Châu! Sau hai tháng vượt biển, ngày 9 tháng Mười Một năm 1620, tàu Mayflower cập bến Mỹ Châu.
Mùa Đông ở Bắc Mỹ thật khắc nghiệt, kéo dài từ cuối tháng Chạp đến hết tháng Ba năm sau. Sau mùa Đông đầu tiên đó, lạnh giá đã quật ngã nhiều di dân. Trong số 102 người đến nơi bình an giờ đây chỉ còn 55 người sống sót.
Mùa Thu năm 1621, những di dân thu hoạch vụ mùa đầu tiên thật sung túc. Họ có đủ lương thực dự trữ cho mùa Đông và đủ sống cho đến vụ mùa năm sau. Nên một bữa tiệc linh đình kéo dài trong ba ngày được tổ chức. Đó là Lễ Tạ Ơn Thượng Đế và Đất đai (Trời và Đất) đã giúp cho những người chạy trốn sự bách hại về tôn giáo ở quê nhà Anh Cát Lợi được tồn sinh trên vùng đất mới!
Thời gian dần trôi, di dân đổ xô đến Bắc Mỹ càng đông. Họ xây dựng vùng đất này thành một khu vực trù phú. Lễ Tạ Ơn tổ chức có đều đặn hơn nhưng vẫn còn tánh cách địa phương, mạnh ai nấy ‘tạ’!
Năm 1774, dân Mỹ quyết đòi độc lập. Họ bất mãn trước sưu cao thuế nặng do mẫu quốc Anh áp đặt trên thuộc địa và các sắc thuế này cứ tiếp tục gia tăng.
Cuộc chiến tranh giành độc lập kéo dài từ năm 1773 đến năm 1783 kết thúc thành công. Năm 1793, tại Paris, chính phủ Anh ký hòa ước và công nhận nền độc lập của Hoa Kỳ.
Cuối cùng, năm 1863, Tổng Thống Abraham Lincoln quyết định công bố Lễ Tạ Ơn là một ngày quốc lễ!
Kỳ lễ kéo dài từ thứ Năm đến hết cuối tuần, tới 4 ngày, nên cả nước Mỹ lên xe, tàu, xe lửa hoặc máy bay, dọc ngang như mắc cửi để mọi người trong gia đình gặp lại nhau, dù ở xa cả ngàn cây số cũng về.
Về gặp để cùng nhau đi Nhà Thờ tạ ơn Chúa; rồi cả gia đình về nhà cùng nhau ăn bữa tối.
Trên bàn tiệc Lễ Tạ Ơn, luôn luôn có bắp, khoai tây nghiền, các loại bánh pie, rau, thịt heo muối, ngỗng hoặc vịt quay và dĩ nhiên không thể thiếu món Gà Tây quay để nhắc lại bốn chú gà tây rừng đã có mặt trong buổi Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại nước Mỹ.
Trong niềm vui của sự bình an, sung túc và đoàn tụ của Lễ Tạ Ơn, người Mỹ luôn nhớ tới những kẻ không may mắn như mình, nhớ lại 47 người đã chết trong mùa Đông đầu tiên, dùng dịp này để giúp những người nghèo khó.
Những người di dân đầu tiên đã từng được những người Da Đỏ (mà Christopher Columbus, (vì dốt Sử Địa), đã từng gọi họ là Indian, tức người Ấn Độ) cứu giúp, do đó một trong những truyền thống của Lễ Tạ Ơn là giúp đỡ những người mới đến.
Hằng năm, Hoa Kỳ đón nhận hàng triệu người trên thế giới đến định cư, với nhiều lý do, đoàn tụ gia đình hay là người tỵ nạn.
Đoàn tụ gia đình thì thường có người trong gia đình bảo trợ, giúp đỡ bước đầu. Còn đối với những người tỵ nạn cô đơn, người dân Mỹ cũng không hề quên họ.
Cộng đồng Việt Nam mình đã liều mình, vượt biên, vượt biển, vượt thoát chế độ Cộng Sản ở quê nhà để tìm kiếm tự do trên nước Mỹ, bây giờ số người đã lên tới vài triệu, trong lòng họ luôn nhớ những ngày đầu đặt chân tới, nước Mỹ đã mở rộng vòng tay chào đón họ!
Một người Việt tỵ nạn mình đã nói: “Tôi cám ơn nước Mỹ, vì nước Mỹ đã cho tôi sự bình yên trong tâm hồn. Đối với tôi, nước Mỹ không phải là thiên đường, nước Mỹ là một cuộc sống đời thường, và tôi cám ơn nước Mỹ đã cho gia đình tôi cuộc sống đời thường, đã cưu mang cho gia đình tôi, cho tôi được sống và hưởng những gì mà chính trên ‘quê hương thứ nhất’ chúng tôi chưa hề được có.”
Thưa anh bạn văn của người viết cách đây hơn 30 năm có em xưa ở đảo Kuku, Indonesia, sau mỗi người đi mỗi ngã. Em lên phương Bắc, về Mỹ; anh xuôi Nam về Úc, dưới chùm sao thập tự. Vậy là đôi ngã đôi ta; đã bao năm nước chảy qua cầu mà em vẫn nhớ cái tình sầu năm cũ!
Em hỏi: “Úc có Lễ Tạ Ơn không anh?”
“Lễ gì Úc cũng có nhưng Lễ Tạ Ơn thì không!” “Vì Úc tới đây người dân bản địa thấy cái bản mặt là ghét… nên vác cái boomerang ra phang vài đứa bị lỗ đầu nên nó giận nó không Tạ Ơn đứa nào hết ráo! (Boomerang là cái vũ khí bằng cây, hình chữ V, phang đi hỏng trúng ai thì nó quay trở lại, do thổ dân Úc chế ra đó đa).
Không như người Mỹ lúc đầu tạ ơn dân da đỏ đã giúp mình… Rồi sau đó, lại cỡi ngựa, móc súng bằn bùm bùm làm mấy tù trưởng giắt lông chim, vẻ mặt vằn mặt vện chạy chí chết vào trong núi!
Anh bạn văn bèn hỏi lại người xưa: “Em có Tạ ơn Mỹ hay không?”
Thì em ỏn ẻn trả lời rằng: “Người Việt mình, một dân tộc nhơn nghĩa mà anh. Uống nước là nhớ nguồn. Ai giúp mình dù ít dù nhiều là mình phải tạ ơn chớ!”
“Thế nên, ngày Thanksgiving năm nay, 26 tháng Mười Một, em sẽ làm một cái tiệc Tạ Ơn theo truyền thống Mỹ Việt đề huề, đi mua một con Gà Tây chừng 15, 20 pounds, về nhồi ruột bằng nếp xào với hành tím, tôm khô và lạp xưởng, làm nước xốt cũng chế biến từ ‘gravy’ của Mỹ nhưng pha thêm ‘maggi’ vào cho đậm đà và có ‘mùi Việt Nam’.”
“Xong em đút lò. Nó vàng ươm, em sẽ mang ra, đặt trên bàn, lấy I-phone 6 chụp vài cái hình rồi gởi qua bên Úc để anh… ‘xơi’!”
Thưa người viết có một thằng bạn thân đi du học hồi trước năm 75 lận, kể cho nghe một chuyện vui về Lễ Tạ Ơn đầu tiên của nó trên nước Mỹ như vầy: “Theo truyền thống, Lễ Tạ Ơn của Mỹ là phải có Gà Tây, tức Turkey nên có đứa gọi đó là ‘Turkey Day’! Để san sẻ bớt tội lỗi của dân Mỹ mình vì giết Gà Tây quá xá, nên năm nào Tổng Thống Mỹ cũng phóng sinh, tha chết cho một con trong buổi lễ tại Tòa Bạch Ốc.
Cái truyền thống nầy thấy cũng hay hay đấy chớ! Vì con Gà Tây nó cũng dễ thương lắm. Giữ nhà là khỏi chê, không thua gì ngỗng mà sợ còn hay hơn mấy chú chó cò của mình nữa kìa. Thấy người lạ là nó kêu ‘lót lót’. Còn thấy con nít là nó nhảy lên nó đá làm thằng nhỏ khóc mò!
Hồi xưa tui đã từng bị Gà Tây đá rồi đó nhen bồ nhưng tui không hề giận nó, không thích ăn thịt Gà Tây dù đút lò hay quay gì chăng nữa. Thịt nó dở òm hà! Ăn thịt gà ta sướng hơn!
Năm đầu qua Mỹ học, năm đó không hiểu sao tuyết rơi nhiều hơn mọi năm, bao nhiêu cây cành cảnh vật đều bị tuyết ôm trắng xóa, con bạn Mỹ cùng trường Đại học, đẹp như Beyonce vậy! Tui e rằng con nhỏ nầy khoái mùi nước mắm của tui hay sao đó mà em dẫn tui về nhà em ăn cái Lễ Tạ Ơn đầu tiên ở trong đời tui.
Hôm sau, em còn trao tặng kỷ vật tình em là con Turkey còn sống để tui đem về nuôi cho đỡ nhớ nhà. Mà quan trọng hơn là nhìn gà để nhớ tới em ‘‘yêu’’… vì năm tới em sẽ đổi qua trường Đại học khác. Em nói: “Mỗi lần anh nghe con Turkey nó kêu ‘lót lót’ là anh nhớ tới em nha!” Tui nói: “I will!”
Ôm con Turkey của em (ôi hình bóng người thương!) trên đường về, tui bị một thằng Mỹ đen, bự gấp đôi tui, chận lại.
“Ê! Mầy ôm con Turkey của Beyonce đi đâu đó?”
“Turkey nào?”
“Thì con Turkey mầy cặp dưới nách mầy đó, thằng nhóc Chinese!”
“Tao không phải là Chinese! Tao là Vietnamese! Nhưng không phải chuyện của mầy! (It’s none of your business!)” Ỷ lớn con, nó tính ‘bú li’ tui chớ!
Nó nói: “Lễ Tạ Ơn đã hết! Turkey Day is over! Thế nên những gì mầy làm với con Turkey nầy thì tao sẽ làm giống hịt như vậy đối với mầy nhe thằng nhóc!”
“Nếu mầy bẻ giò con Turkey nầy, tao sẽ bẻ giò mầy! Nếu mầy bẻ cánh nó; tao sẽ bẻ tay mầy!”
“Sao giờ thì nghe rõ rồi; mầy sẽ làm gì với con Turkey nầy đây hả?”
Tui trả lời: “Ờ! Tao sẽ hun cái ‘đít’ của con Turkey nầy rồi thả cho nó đi!”
“Còn mầy! Nói là phải giữ lời đó nha!”
Xong tui dông như gió! Vì tui vẫn còn muốn gặp lại em Mỹ yêu của tui mùa Lễ Tạ Ơn năm sau!
Đoàn Xuân Thu
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete