Vương Vi
Tình chòm xóm, sao thương quá vậy
Cùng chia nhau chút hoài niệm ai ơi!
Trải qua nhiều thế hệ mưu sinh với cuộc sống tha hương nơi xứ người, nhưng ở đâu cũng vậy, người Việt ta vẫn luôn thích lối sống trọng tình làng nghĩa xóm như ý nghĩa của câu tục ngữ “bà con xa không bằng láng giềng gần” hay “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn”. Sau này, một số ca khúc nói lên ý nghĩ trách người con gái sao không chịu lấy chồng gần mà lại đi lấy chồng xa. Cái dòng suy nghĩ ấy rất là...Việt Nam!
Cuộc sống vội vã, quay cuồng ở xứ người, đôi khi đã vô tình làm con người ta quên mất đi những thứ quá đỗi thân quen của lối sống hàng ngày nơi quê nhà. Nên lắm lúc cảm thấy buồn tủi cho hoàn cảnh sống của mình ở nơi đây, ở cái xứ mà mạnh ai nấy sống, chẳng mấy ai đoái hoài gì đến cái tình chòm xóm như nơi quê nhà. Được sống ở miền đất tự do, trong xã hội văn minh, vật chất đầy đủ, nhưng tình người ngày càng lạnh nhạt là một nỗi buồn nhức nhối trong lòng mỗi người chúng ta, nhất là những người cao niên, vốn dĩ đã quen với lối sống xóm làng từ bao lâu nay. Dù có phải mưu sinh lưu lạc bất kỳ nơi đâu, ai ai trong chúng ta cũng có hình ảnh của quê hương, một cái tình chòm xóm nằm sâu trong đáy lòng. Và tôi cũng vậy…
Tuổi thơ tôi lớn lên trong một xóm lao động nghèo ở dải đất miền nam trung phần đầy mưa nắng. Cái xóm nghèo chừng hai mươi gia đình ấy là một con hẻm cụt nằm cạnh một bến xe náo nhiệt của phố biển hiền hòa quê tôi. Phía cuối con hẻm cụt là một khoảng sân khá rộng, và hiển nhiên từ trước khi gia đình tôi dọn về đây sống, khoảng sân này được xem là nơi sinh hoạt chung của bà con trong xóm. Khoảng sân được lát bằng xi măng ấy không rộng lắm với một cái giếng nước, vài tán cây mận, cây khế, cây chùm ruột và cây đu đủ như tạo nên một cái “chòm” của xóm lao động nghèo. Từ tờ mờ sáng đến tối mịt, lúc nào cái “chòm” cũng ồn ào rôn rã tiếng sinh hoạt bà con lối xóm, tiếng cười đùa ríu rít của bọn trẻ con trong xóm. Khi mặt trời vừa ló dạng thì đã nghe những người lớn tuổi trong xóm gọi nhau í ới ra sân tập thể dục. Đến độ ban trưa, mấy dì mấy chị lại lũ lượt kéo nhau ra giếng nước rửa rau, rửa chén bát, thức ăn, rồi chuẩn bị quảy gánh hàng ăn của mình lên vai rong ruổi các nẻo đường của phố biển để mưu sinh kiếm sống từ lúc xế chiều đến khi trời tối mịt mới về nhà. Bọn trẻ con trong xóm thì lại xem khoảng sân ấy như ‘vương quốc trò chơi’, nơi mà bọn chúng thỏa thích bày trò đá banh, đánh cầu, nhảy lò cò, bắn bi...
Tôi nhớ vào những năm đầu thập niên 1990, nhà nào có tivi là thuộc loại khá giả lắm cho nên với những gia đình lao động nghèo trong xóm, tivi là một thứ vật chất xa xỉ lúc bấy giờ. Cả xóm gần hai chục hộ gia đình chỉ có mỗi một cái tivi màn hình màu của nhà bà Tư bán bánh canh. Vì vậy mà cứ khoảng 7 giờ tối, bọn trẻ con trong xóm ào ạt kéo nhau sang nhà bà Tư để chờ coi chương trình hoạt hình hay ca nhạc thiếu nhi. Rồi đến nửa tiếng đồng hồ sau đó, đến chương trình thời sự, phim truyện, mọi người trong xóm lại tụ tập nhau sang nhà bà Tư, từ trong nhà đến ngoài cửa, kẻ đứng người ngồi để cùng nhau hướng mắt vào tivi theo dõi rồi bàn tán, cười nói rôn rã khắp cả xóm. Có những đêm cúp điện, trời nóng oi bức, bà con trong xóm người thắp nến, kẻ mang đèn dầu ra khoảng sân cuối hẻm ngồi buôn chuyện, rồi chia nhau ăn vài quả mận vừa hái từ trên cây, hay dăm ba cái bánh tét, bánh giò của gánh hàng bán ế lúc chiều. Ngày ấy, tuy nghèo về vật chất nhưng cái tình cái nghĩa lại đầy ắp trong khu xóm lao động nghèo nơi tôi lớn lên.
Tôi vẫn còn nhớ bà con lối xóm ngày ấy thường nói “Cơm ăn không hết thì treo, việc làm chẳng hết thì kêu xóm giềng”, nhưng đâu cần kêu réo, bà con trong xóm vẫn luôn sẵn sàng giúp nhau không toan tính. Ngày đám tang, đám giỗ, mọi người trong xóm lúc nào cũng có mặt đông đủ để chia sẻ mất mát thương tâm cùng nhau, rồi quây quần bên mâm cỗ để san sẻ chút buồn vui của tình đời, tình người. Đến ngày vui cưới hỏi thì bà con lối xóm cũng rộn ràng phụ giúp nhau sửa nhà cửa, nấu nướng, chuẩn bị trà nước, làm bánh trái để lễ vu quy được tổ chức chu đáo hơn. Vậy đó, không chỉ những lúc buồn đau, mà cả những lúc mừng vui, lối xóm tối lửa tắt đèn đều có nhau.
Sau nhiều năm gắn bó với xóm lao động nghèo ấy, gia đình tôi làm ăn khá giả hơn rồi dọn đi nơi khác sống. Với sự phát triển của nền kinh tế, phố thị ở xung quanh khu nhà mới tôi dọn đến ở là nhà hàng, khách sạn, karaoke, quán nhậu. Dù cư ngụ ở đó cũng khá lâu nhưng gia đình tôi chẳng giao thiệp gì nhiều với hàng xóm xung quanh. Và rồi đến ngày sang Mỹ, tôi cũng chẳng rõ hàng xóm của mình, những người chủ nhà hàng, khách sạn kia là ai, tên gì. Mà có lẽ vì lối sống thực dụng nên với họ, họ cũng chẳng mảy may quan tâm gì đến hàng xóm xung quanh, mà cũng có lẽ họ chỉ dành thời gian để lo việc kinh doanh kiếm tiền.
Thỉnh thoảng, tôi có nghe mẹ tôi kể về khu xóm lao động nghèo ngày xưa ấy, giờ đây hầu như mọi người cũng đã dọn đi nơi khác sinh sống, có người còn ngụ lại ở phố biển quê tôi, cũng có người đã tha phương cầu thực nơi xứ người, nhưng tôi chắc chắn dù ở bất kỳ nơi đâu, những người chòm xóm cũ năm xưa cũng như tôi, cũng mang trong ký ức mình những hoài niệm về tình làng nghĩa xóm ngày nào.
Đôi khi giữa cuộc sống bon chen nơi xứ người, tôi muốn được quay lại những năm tháng sống ở khu xóm lao động nghèo ấy để được sống với tình nghĩa chòm xóm ấm áp lòng người. Điều mong muốn này còn rạo rực hơn, thúc giục hơn khi năm hết tết đến ở xứ người...
Vương Vi (theo Calitoday)
No comments:
Post a Comment