Thursday, December 31, 2015

Còn bao nhiêu năm tháng nữa ?
Tuy trong rừng có nhiều cây đại thọ cả ngàn năm, nhưng người sống thọ đến 100 tuổi không nhiều. Bạn thọ lắm cũng chỉ sống đến 100 tuổi (tỉ lệ 1 trên 100.000 người).
Nếu bạn sống đến 70 tuổi, bạn sẽ còn 30 năm. Nếu bạn thọ 80 tuổi, bạn chỉ còn 20 năm. Vì lẽ bạn không còn bao nhiêu năm để sống và bạn không thể mang theo các đồ vật bạn có, bạn đừng có tiết kiệm quá mức (trên 50t mừng từng năm, qua 60t mong hàng tháng, tới 70t đếm mỗi tuần, đến 80t đợi vài ngày, được 90t ...ngơ ngác một mình với giờ phút dài thăm thẳm !)
Bạn nên tiêu những món cần tiêu, thưởng thức những gì nên thưởng thức, tặng cho thiên hạ những gì bạn có thể cho, nhưng đừng để lại tất cả cho con cháu. Bạn chẳng hề muốn chúng trở nên những kẻ ăn bám.
Đừng lo lắng về những gì sẽ xảy ra sau khi bạn ra đi, vì khi bạn đã trở về với cát bụi, bạn sẽ chẳng bị ảnh hưởng bởi lời khen hay tiếng chê bai nữa đâu.
Đừng lo lắng nhiều quá về con cái vì con cái có phần số của chúng và chúng sẽ tự tìm cách sống riêng. Đừng trở thành kẻ nô lệ của chúng.
Đừng mong chờ nhiều ở con cái. Con biết lo cho cha mẹ, dù có lòng vẫn quá bận rộn vì công ăn việc làm và các ràng buộc khác nên không thể giúp gì bạn.
Các con vô tình thì có thể sẽ tranh dành của cải của bạn ngay khi bạn còn sống, và còn muốn bạn chóng chết để chúng có thể thừa hưởng các bất động sản của bạn.
Các con của bạn cho rằng chuyện chúng thừa hưởng tài sản của bạn là chuyện dĩ nhiên nhưng bạn không thể đòi dự phần vào tiền bạc của chúng.
Với những người thuộc lứa tuổi 60 như bạn, đừng đánh đổi sức khoẻ với tài lực nữa. Bởi vì tiền bạc có thể không mua được sức khoẻ. Khi nào thì bạn thôi làm tiền? và có bao nhiêu tiền là đủ (tiền muôn, tiền triệu hay mấy chục triệu)?
Dù bạn có cả ngàn mẫu ruộng tốt, bạn cũng chỉ ăn khoảng 3 lon gạo mỗi ngày; dù bạn có cả ngàn dinh thự, bạn cũng chỉ cần một chỗ rộng 8 mét vuông để ngủ nghỉ ban đêm.
Vậy chừng nào bạn có đủ thức ăn và có đủ tiền tiêu là tốt rồi. Nên bạn hãy sống cho vui vẻ. Mỗi gia đình đều có chuyện buồn phiền riêng.
Đừng so sánh với người khác về danh vọng và địa vị trong xã hội và con ai thành đạt hơn, nhưng bạn hãy so sánh về hạnh phúc, sức khỏe và tuổi thọ... Đừng lo nghĩ về những chuyện mà bạn không thể thay đổi vì chẳng được gì, mà lại còn làm hại cho sức khỏe bạn...
Bạn phải tạo ra sự an lạc và tìm được niềm hạnh phúc của chính mình. Miễn là bạn phấn chấn, nghĩ toàn chuyện vui và làm những việc bạn muốn mỗi ngày một cách thích thú thì bạn thật đã sống hạnh phúc từng ngày.
Một ngày qua là một ngày bạn mất đi, nhưng một ngày trôi qua trong hạnh phúc là một ngày bạn "được". Khi bạn vui thì bệnh tật sẽ lành; khi bạn hạnh phúc thì bệnh sẽ chóng hết. Khi bạn vui và hạnh phúc thì bệnh sẽ chẳng đến bao giờ.
Với tính khí vui vẻ, với thể thao thể dục thích đáng, thừơng xuyên ra ánh sáng mặt trời, thay đổi thực phẩm đa dạng, uống một thuốc bổ vừa phải, hy vọng rằng bạn sẽ sống thêm 20 hay 30 năm tràn trề sức khỏe.
Và nhất là biết trân quý những điều tốt đẹp quanh mình và còn bạn bè nữa.. họ đều làm cho bạn cảm thấy trẻ trung và có người cần đến mình... không có họ chắc chắn bạn sẽ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ.!!!

Tuesday, December 29, 2015

Ơi chòm xóm, đâu rồi?
Vương Vi

Tình chòm xóm, sao thương quá vậy
Cùng chia nhau chút hoài niệm ai ơi!
Trải qua nhiều thế hệ mưu sinh với cuộc sống tha hương nơi xứ người, nhưng ở đâu cũng vậy, người Việt ta vẫn luôn thích lối sống trọng tình làng nghĩa xóm như ý nghĩa của câu tục ngữ “bà con xa không bằng láng giềng gần” hay “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn”. Sau này, một số ca khúc nói lên ý nghĩ trách người con gái sao không chịu lấy chồng gần mà lại đi lấy chồng xa. Cái dòng suy nghĩ ấy rất là...Việt Nam! 
Cuộc sống vội vã, quay cuồng ở xứ người, đôi khi đã vô tình làm con người ta quên mất đi những thứ quá đỗi thân quen của lối sống hàng ngày nơi quê nhà. Nên lắm lúc cảm thấy buồn tủi cho hoàn cảnh sống của mình ở nơi đây, ở cái xứ mà mạnh ai nấy sống, chẳng mấy ai đoái hoài gì đến cái tình chòm xóm như nơi quê nhà. Được sống ở miền đất tự do, trong xã hội văn minh, vật chất đầy đủ, nhưng tình người ngày càng lạnh nhạt là một nỗi buồn nhức nhối trong lòng mỗi người chúng ta, nhất là những người cao niên, vốn dĩ đã quen với lối sống xóm làng từ bao lâu nay. Dù có phải mưu sinh lưu lạc bất kỳ nơi đâu, ai ai trong chúng ta cũng có hình ảnh của quê hương, một cái tình chòm xóm nằm sâu trong đáy lòng. Và tôi cũng vậy…
 Tuổi thơ tôi lớn lên trong một xóm lao động nghèo ở dải đất miền nam trung phần đầy mưa nắng. Cái xóm nghèo chừng hai mươi gia đình ấy là một con hẻm cụt nằm cạnh một bến xe náo nhiệt của phố biển hiền hòa quê tôi. Phía cuối con hẻm cụt là một khoảng sân khá rộng, và hiển nhiên từ trước khi gia đình tôi dọn về đây sống, khoảng sân này được xem là nơi sinh hoạt chung của bà con trong xóm. Khoảng sân được lát bằng xi măng ấy không rộng lắm với một cái giếng nước, vài tán cây mận, cây khế, cây chùm ruột và cây đu đủ như tạo nên một cái “chòm” của xóm lao động nghèo. Từ tờ mờ sáng đến tối mịt, lúc nào cái “chòm” cũng ồn ào rôn rã tiếng sinh hoạt bà con lối xóm, tiếng cười đùa ríu rít của bọn trẻ con trong xóm. Khi mặt trời vừa ló dạng thì đã nghe những người lớn tuổi trong xóm gọi nhau í ới ra sân tập thể dục. Đến độ ban trưa, mấy dì mấy chị lại lũ lượt kéo nhau ra giếng nước rửa rau, rửa chén bát, thức ăn, rồi chuẩn bị quảy gánh hàng ăn của mình lên vai rong ruổi các nẻo đường của phố biển để mưu sinh kiếm sống từ lúc xế chiều đến khi trời tối mịt mới về nhà. Bọn trẻ con trong xóm thì lại xem khoảng sân ấy như ‘vương quốc trò chơi’, nơi mà bọn chúng thỏa thích bày trò đá banh, đánh cầu, nhảy lò cò, bắn bi...
Sau nhiều năm gắn bó với xóm lao động nghèo ấy, gia đình tôi làm ăn khá giả hơn rồi dọn đi nơi khác sống. Với sự phát triển của nền kinh tế, phố thị ở xung quanh khu nhà mới tôi dọn đến ở là nhà hàng, khách sạn, karaoke, quán nhậu. Dù cư ngụ ở đó cũng khá lâu nhưng gia đình tôi chẳng giao thiệp gì nhiều với hàng xóm xung quanh. Và rồi đến ngày sang Mỹ, tôi cũng chẳng rõ hàng xóm của mình, những người chủ nhà hàng, khách sạn kia là ai, tên gì. Mà có lẽ vì lối sống thực dụng nên với họ, họ cũng chẳng mảy may quan tâm gì đến hàng xóm xung quanh, mà cũng có lẽ họ chỉ dành thời gian để lo việc kinh doanh kiếm tiền. 
Thỉnh thoảng, tôi có nghe mẹ tôi kể về khu xóm lao động nghèo ngày xưa ấy, giờ đây hầu như mọi người cũng đã dọn đi nơi khác sinh sống, có người còn ngụ lại ở phố biển quê tôi, cũng có người đã tha phương cầu thực nơi xứ người, nhưng tôi chắc chắn dù ở bất kỳ nơi đâu, những người chòm xóm cũ năm xưa cũng như tôi, cũng mang trong ký ức mình những hoài niệm về tình làng nghĩa xóm ngày nào.
Đôi khi giữa cuộc sống bon chen nơi xứ người, tôi muốn được quay lại những năm tháng sống ở khu xóm lao động nghèo ấy để được sống với tình nghĩa chòm xóm ấm áp lòng người. Điều mong muốn này còn rạo rực hơn, thúc giục hơn khi năm hết tết đến ở xứ người...
Vương Vi (theo Calitoday)

Monday, December 28, 2015


Phỏng vấn người cao niên trường thọ đọc và nghe



Đố ai sống thọ    


                                                   Petrotimes-Tỷ phú người Moldova Dmitry Kaminskiy vừa treo thưởng 1 triệu USD cho người đầu tiên có thể sống đến 123 tuổi. Nếu muốn nhận được phần thưởng này bạn nên nghiên cứu thống kê mới và đầy đủ nhất về bí quyết sống thọ của nhà thám hiểm người Mỹ Dan Buettener.

Theo Báo Điện tử Gazeta.ru (Nga), bản thân triệu phú Kaminskiy luôn mơ được “trường sinh bất lão” nên ông hy vọng món quà “khủng” của mình sẽ khơi mào một thế hệ mới với những người sống trên 110 tuổi. “Xã hội sẽ không suy nghĩ về tuổi thọ, khi chưa có người lập kỷ lục mới. Nếu trở thành đối tượng cạnh tranh, tuổi thọ sẽ được tích cực quan tâm hơn” - ông Kaminsky nói.

Kỷ lục tuổi cao nhất thế giới từ trước đến nay thuộc về một bà cụ người Pháp là Jeanne Calment, đã sống 122 năm 6 tháng. Doanh nhân Kaminsky tin sẽ có người phá kỷ lục này. Jeanne Calment, sinh ngày 21-2-1875 và mất ngày 4-8-1997, được công nhận là người có tuổi thọ được chứng thực cao nhất trong lịch sử. Cả đời bà sống ở Arles, Pháp, sống thọ hơn cả con gái và cháu trai của bà đến vài thập niên. Bà Calment trở nên nổi tiếng đặc biệt từ khi bà bước sang tuổi 113, khi đó có nhiều nhà báo đã đến Arles nhân lễ kỷ niệm 100 năm chuyến thăm của Vincent van Gogh. 
Jeanne Calment, người thọ nhất thế giới từ trước đến nay với 122 năm 6 tháng 

 Nói về bí quyết sống thọ của bà, người ta cho rằng, tiền bạc của chồng (năm 1896, ở tuổi 21, bà cưới người anh họ Fernand Nicolas Calment là một chủ cửa hàng giàu có) giúp cho bà không bao giờ phải lao động. Bà có một cuộc sống nhàn hạ, theo đuổi những sở thích như là quần vợt, đạp xe, bơi lội, trượt patin, piano và opera. Fernand mất năm 1942 ở tuổi 73 sau khi ăn bữa tráng miệng với quả anh đào nấu chín. Họ có một người con duy nhất.
Người ta từng thống kê bí quyết trường thọ của 5 cụ bà già nhất thế giới.
 
Chẳng hạn với trường hợp cụ bà Gertrude Weaver người Mỹ thì bà sống được đến 117 tuổi là nhờ bà sống tử tế. Khái niệm chung chung này được Tạp chí Time dẫn chính lời bà nói rằng, nên “đối xử tốt với mọi người như cách mà bạn muốn họ đối xử lại với bạn”, từ đó bạn sẽ sống lâu. 
 
Còn với bà cụ Jeralean Talley (116 tuổi, người Mỹ gốc Phi) thì bí quyết trường thọ là không làm điều gì mình không muốn cho người khác. “Bạn không nói dối tôi và tôi cũng không nói dối bạn” - bà Talley nói. Tuy nhiên bà cũng nói thêm rằng, sống lâu “không phải là vấn đề của bạn hay của tôi. Điều này đến từ Đấng bề trên”. 
  

 
Đây cũng là “bí quyết” của bà Susannah Mushatt Jones (116 tuổi) tại Alabama, Mỹ. Cháu gái 80 tuổi của bà Jones cho biết: “Bà là một người tốt bụng, chỉn chu trong công việc và rất yêu đời”. Bà Jones không hút thuốc, uống rượu và yêu thích món gà nướng, thịt xông khói. Bí mật sống thọ của bà chỉ là “tin tưởng vào chúa trời. Ngoài ra tôi không có bí mật nào khác” - bà trả lời trên Tạp chí Time.


 
 Một số người khác sống thọ được là nhờ cách ăn uống. Chẳng hạn, bí quyết của cụ bà Emma Morano (116 tuổi, tại Italia) là uống rượu và ăn trứng sống. Bà Morano cho biết một ly rượu mỗi ngày cùng quả trứng sống là nguồn năng lượng dồi dào cho tuổi thọ của bà. 

 
Đây cũng là bí quyết của cụ bà Misao Okawa, 117 tuổi, người Nhật Bản. “Công dân già nhất thế giới” vào năm 2013 cho biết bí quyết sống lâu đến từ những món ăn bổ dưỡng như sushi, mì ramen, thịt bò… Ngoài ra, phải ngủ đủ giấc và biết thư giãn. 
Các nghiên cứu về tuổi thọ của con người cho biết việc ăn nhiều rau quả hoặc ăn chay, không ngồi quá nhiều, luyện tập thể thao và tham gia tình nguyện là những phương pháp để tăng cường tuổi thọ. Ngoài ra, phụ nữ uống một lượng rượu vừa phải mỗi ngày sẽ sống lâu hơn, theo Tạp chí khoa học Live Science. 
   
Tuy nhiên, cũng có những bí quyết sống thọ hết sức “lạ đời”. Chẳng hạn với cụ Bernando LaPallo, 111 tuổi, ở bang Arizona (Mỹ), thì muốn sống lâu phải  thường xuyên “massage bàn chân mình bằng dầu ôliu”. 
      
Hay Duranord Veillard, cụ ông 108 tuổi đến từ Spring Valley, Mỹ, thì nói cụ luôn “thức dậy lúc 5 giờ và chống đẩy 5-7 lần mỗi ngày”.
 
Còn cụ Kimura Jiroemon người Nhật Bản, 115 tuổi, ông cho biết chọn cách “tắm nắng” để sống lâu hơn. 
      
  
Cụ ông Alfred Date, 109 tuổi người Australia cho biết, ông thường “đan móc”, đó là “một cách tốt đẹp để kéo dài cuộc sống”. 
 
Khi cụ bà Adelina Domingues sống tại San Diego bước sang tuổi 114, bà chia sẻ rằng: “Tôi chưa bao giờ đến một cửa hàng làm đẹp và tôi chưa bao giờ sống một giây vô ích”. 
      
Richard Overton, người được coi là cựu chiến binh sống lâu đời nhất, ở tuổi 107 ông đã bật mí rằng, ông thường “thêm rượu whisky vào cà phê buổi sáng” và “hút 12 điếu xì gà mỗi ngày”.

 
Kỳ cục hơn, bà cụ Jessie Gallan, 109 tuổi người Scotland, thì chia sẻ bí quyết trường thọ là  nên “tránh xa người đàn ông và ăn cháo” v.v... và v.v... Cho đến nay, chưa ai nói rằng họ bắt chước những bí quyết trên mà sống lâu hơn. 
Ngoài những trường hợp riêng lẻ như trên, người ta cũng tiến hành thống kê bí quyết sống thọ của người từ vùng đất, thậm chí một quốc gia. Người Nhật sống thọ nhất thế giới. Đặc biệt là phụ nữ Nhật luôn trông trẻ hơn tuổi và sống rất khỏe khoắn. Theo các nhà nghiên cứu về tuổi thọ Nhật thì sở dĩ người dân nước này sống lâu hơn nước khác là nhờ vài nguyên tắc cơ bản như ăn đồ ăn tươi; không uống rượu và dùng các chất kích thích; không phải ăn kiêng; ăn vừa đủ; sống bình lặng; đi bộ; tin tưởng vào cách chữa bệnh tự nhiên; không tạo áp lực lớn cho mình, tức là không tranh đua, không tham vọng, sống bình dị, không tạo áp lực lớn cho mình để điều hòa thần kinh, khiến cho cơ thể không bị “quá tải”. 
Tất cả chỉ là những bí quyết riêng rẽ, mang tính cá thể hoặc vùng miền. Mới đây, nhà thám hiểm người Mỹ Dan Buettener, thuộc Cơ quan National Geographic, đã nghiên cứu 5 vùng có “tiên ông” “tiên bà” trên thế giới là Ikaria ở Hy Lạp, đảo Sardaigne của Italia, Loma Linda ở bang California, Nicoya ở Costa Rica và Okinawa, Nhật Bản, để rút ra một bộ bí quyết chung nhất và có thể áp dụng được tất cả cho mọi người. Ông đã khảo sát và phỏng vấn hàng trăm người trên 100 tuổi trên trái đất và đúc kết bí quyết: Tất cả đều tập luyện thể thao, dành thời giờ để giải trí, nghỉ ngơi, sinh hoạt cộng đồng, có quan hệ gia đình gia tộc vững chắc, ăn trưa và tối thật ít, dùng rau, đậu, trái cây nhiều hơn thịt. 
Nói tóm lại theo Dan Buettener, để sống lâu, cần phải hoạt động, ăn ít và tiêu khiển lành mạnh. Trong bí quyết này không có thuốc lá và rượu. 
S.Phương (tổng hợp) 


http://ndclnh-mytho-usa.org/Audio%20Book/Nhung%20nguoi%20bach%20nien%20truong%20tho_.mp3
Chúc mừng  Năm mới 2016
Xem Thiệp nghe nhạc và truyện đọc





http://ndclnh-mytho-usa.org/Audio%20Book/Bich%20Huyen_Don%20Mung%20Nam%20Moi%202007.mp3


















Tuesday, December 22, 2015

BÙI GIÁNG & TRÒ CHƠI BÁN DÙI

Năm nào cũng vậy, mùa Đông về hắn thường hay nghe ngóng tin tức quê nhà. Bão lụt gần như đã trở thành “người bạn đồng hành” năm nào cũng “ghé thăm” giãi đất miền Trung. Riết rồi tạo nên trong hắn một thói quen hết sức…vô duyên: “… chờ tin bão lụt”.
Dạo này tin tức thiên tai ít nghe hơn trước, thay vào các chương trình radio Việt ngữ người ta thi nhau “bình loạn” chuyện bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Đôi khi rỉ rả một vài câu chuyện văn chương…
Bẵn đi một thời gian khá dài, cái tên Bùi Giáng gần như đã xoá sạch trong bộ nhớ của hắn; hôm nay lại hiện về. Người ta thay nhau ca ngợi Bùi Giáng là cây bút lớn, là thiên tài văn chương, nhà thơ cuối cùng thế kỷ 20, là…

chân dung nhà thơ BÙI GIÁNG

Khác với những gì người ta nói về Bùi Giáng, cái tên Bùi Giáng đến với hắn bằng tất cả những cảm giác rùng rợn và lo sợ… mỗi khi phạm phải một sai lầm. Bùi Giáng trong hắn đích thực là “Ông Ba Bị”, nhân vật đen đủi, gớm ghiếc với chiếc bị lớn trong tay chuyên bắt con nít bỏ bao, trong những câu chuyện răn đe của người lớn…
Năm bảy, tám tuổi gì đó, lần đầu tiên hắn “diện kiến” Bùi Giáng trong một lần tan học. Bùi Giáng mặc áo quần rách tả tơi, gầy đen, tay cầm một cây gậy quấn vải có cột vài chai lọ trên đó, và dĩ nhiên không cầm chiếc bị nào để bắt cóc con nít… Ông Ba Bị Bùi Giáng hiền hơn những gì hắn nghe người ta kể!
…Sau đó, hắn tham gia cùng lũ trẻ trong vùng “chơi trò Bùi Giáng”. Trò chơi vừa thích thú, vừa lo âu sợ hãi lạ lùng. Bọn trẻ thi nhau tìm đến gần Ông rồi bất chợt hô to: “Bùi Giáng…bán dùi, Bùi Giáng…bán dùi…” rồi xô nhau mà chạy… Không biết Ông có đuổi theo phía sau hay không, nhưng “chơi trò Bùi Giáng” quả là một điều thích thú của lũ trẻ ngày đó.
Thời gian sau, bọn trẻ không còn thấy hình bóng Bùi Giáng nữa. Đoạn đường từ cầu Diêu Trì đến Ngã Ba Phú Tài vắng bóng Ông. Người ta thay nhau truyền những “bản tin”, đại loại như: “Bùi Giáng do C.I.A cài lại, và đã được “bốc” đi Mỹ tháng trước…”, hoặc “Bùi Giáng đã được một nhóm người vượt biên “tóm cổ” lên một chiếc tàu ra đi từ cảng Quy Nhơn…để thông dịch”; .v.v. Nói chung, Bùi Giáng đã rời khỏi Quy Nhơn để… đi Mỹ.
Năm hắn khăn gói vào Sài Gòn thi đại học, tờ lịch treo tường trong phòng Thầy hắn có ghi hàng chữ:
“Ta vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ,
… Ai đâu ngờ xó chợ cũng…chơi nhau…”
Hắn bật cười. Ý thơ ngộ nghĩnh thiệt, nhưng suy gẫm kỹ quả là chí lý. Hỏi ra mới biết thơ Bùi Giáng.
Những ngày sau đó, hắn tìm ra một sự thật: Bùi Giáng… không đi Mỹ như người ta đã “thổi tin đồn”. Bùi Giáng vẫn còn sống và sống rất mãnh liệt ngay trên mảnh đất Sài Gòn đầy náo nhiệt. Thỉnh thoảng, hắn nhìn thấy Bùi Giáng "làm cảnh sát giao thông" giữa cầu Trương Minh Giảng; có lúc Ông trú mưa dưới mái hiên Trung Tâm Ngoại Ngữ Đại Học Sư Phạm (Đại Học Vạn Hạnh trước 1975); đôi khi Ông đến thăm chư Tăng ni và các Thiền viện trong những câu chuyện kể của quý Thầy…
Bùi Giáng bụi bặm, gầy gò, nghêu ngao, tự tại giữa đất Sài Gòn!

Sài Gòn những năm cuối thập kỷ 1990, thỉnh thoảng diễn ra một vài “sự kiện báo chí” được ghi nhận “cầu vượt cung”…
Câu chuyện về cái chết của diễn viên Lê Công Tuấn Anh đã khiến giá báo tăng gấp ba bốn lần nhưng vẫn “hiếm hàng”; nhiều người còn “sáng kiến” photocopy những phóng sự điều tra, bản tin liên quan (từ những tờ báo in ra giấy A4) “phát hành” “đáp ứng nhu cầu độc giả”; sinh viên thức dậy thật sớm đến các điểm phát hành mua cho được tờ báo mới để đem vào lớp thay nhau “bình loạn”
Tin Bùi Giáng ra đi lại một lần nữa “chấn động” giới cầm bút. Lần này người ta không những chạy đi tìm mua các tờ báo in, mà gần như hiệu sách nào cũng được khách hàng hỏi: “Ở đây có thơ Bùi Giáng?”. Tin, tuỳ bút, phóng sự, truyện tự kể, bình luận, sách và thư pháp “Bùi Giáng” được người ta thi nhau phát hành, bày bán… Người ta thay nhau kể công, viết lách, phô trương trên những trang viết về những mối “thâm tình” cùng Bùi Giáng… khi nhục thân Ông được đưa từ Chùa Vĩnh Nghiêm đến nghĩa trang Gò Dưa - Thủ Đức; và mộ phần Ông chưa xanh cỏ…
Hắn cũng tìm riêng cho mình một bộ sưu tập Bùi Giáng nho nhỏ. Những lúc rảnh rổi, hắn vừa đọc, vừa giận, vừa thích thú, vừa chua xót… rồi lầm bầm một mình: “Ước gì một phần nhỏ lợi tức thu được từ những cuốn sách, tờ báo này… đủ để cho Bùi Giáng một bữa no, một manh áo mới!”
Mà cũng ngộ thiệt, Bùi Giáng - một người mà người ta cho là “bệnh tâm thần” - có đòi gì đâu? Ông tự tại rong chơi đến “đã đời”… không một xu dính túi.
“…Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi,
Đi lên, đi xuống đã đời du côn…” (Bùi Giáng)
Xét cho cùng Ông chẳng hề "du côn" chút nào! Phần "du côn" Ông đã "khiêm tốn" "nhường lại" kẻ khác...
Bùi Giáng vào cõi vô tận một ngày mùa Đông năm 1998, Sài Gòn lất phất những hạt mưa buồn. Mười năm sau đó, ở một nơi xa xăm, âm thầm thắp nén hương vọng hướng về Ông, hắn lặng lẽ cúi đầu tạ lỗi “trò chơi mất dạy… bán dùi” ngày xưa.
Với hắn, Bùi Giáng tuy rách nát, gầy gò thân xác nhưng tâm hồn của Ông trong sạch, mãnh liệt vô cùng!



 mộ phần Thi sĩ Bùi Giáng tại nghĩa trang Gò Dưa - Thủ Đức

Link và nghe audio mùa Xuân với thơ Bùi Giáng

Monday, December 21, 2015

Lưu ý đối với người mắc bệnh tim mạch khi trời lạnh
Trời lạnh có ảnh hưởng gì đối với bệnh tim mạch ? Làm thế nào để phòng ngừa bệnh tim mạch trong những ngày lạnh ?

Những bệnh nhân bị bệnh tim mạch nên cẩn thận khi ra ngoài trong thời tiết lạnh do:
Cần phải lưu ý bệnh tim mạch vào thời điểm thời tiết lạnh
Cần phải lưu ý bệnh tim mạch vào thời điểm thời tiết lạnh
1. Khi thời tiết lạnh, nhu cầu cơ thể cần giữ được nhiệt độ ấm, tim cần phải làm việc nhiều hơn để đưa oxy tới các mô trong cơ thể, việc này làm cho trái tim đang bị bệnh phải gồng mình làm việc nặng hơn. Mặt khác khi đi ngoài trời lạnh, những cơn gió lạnh càng làm bạn mất nhiệt nhiều hơn, tim bạn càng phải làm việc nhiều hơn, điều này là không tốt cho trái tim của bạn.
2. Thời tiết lạnh và tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong lòng động mạch đối với người mắc bệnh tim mạch.
Giữ ấm giúp giảm nguy cơ tổn thương do bệnh tim mạch gây ra
Giữ ấm giúp giảm nguy cơ tổn thương do bệnh tim mạch gây ra
3. Mặt khác, thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, từ đó làm tăng nguy cơ tổn thương tim mạch.
4. Thời tiết lạnh làm các mạch máu co lại, điều này đặc biệt nguy hiểm ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp, khi đó huyết áp sẽ cao hơn và có thể gây ra biến cố bệnh tim mạch.
Như vậy, khi bạn bị bệnh tim mạch , trong thời tiết lạnh, bạn nên giữ cơ thể ấm áp, tránh ra ngoài trời lạnh. 

10 dấu hiệu cảnh báo


Tình trạng suy giảm trí nhớ làm xáo trộn cuộc sống thường ngày không phải là một giai đoạn điển hình của quá trình lão hóa. Nó có thể là triệu chứng của bệnh Alzheimer’s, một bệnh lý về não có thể dẫn đến tử vong, gây ra sự suy giảm từ từ về trí nhớ, suy nghĩ và kĩ năng suy luận. Mỗi người bệnh có thể trải qua một hoặc nhiều biểu hiện ở các mức độ khác nhau. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào, vui lòng đến gặp bác sĩ. Tìm hiểu về cách thức bệnh Alzheimer’s ảnh hưởng đến não và tiến hành Tham dò não.


Tình trạng suy giảm trí nhớ làm xáo trộn cuộc sống thường ngày
Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh Alzheimer's là suy giảm trí nhớ, đặc biệt là quên đi các thông tin vừa mới tìm hiểu. Các vấn đề khác bao gồm quên các ngày tháng hay sự kiện quan trọng; hỏi đi hỏi lại cùng một thông tin; phụ thuộc vào các công cụ hỗ trợ trí nhớ (như thiết bị điện tử hoặc giấy ghi chú) hoặc các thành viên gia đình trong những việc mà họ thường có thể tự giải quyết.
Đâu là sự thay đổi điển hình liên quan đến tuổi tác? Đôi khi quên tên hoặc cuộc hẹn, nhưng một lúc sau sẽ nhớ lại được.


Gặp khó khăn khi lập kế hoạch hay giải quyết vấn đề
Một vài người có thể biểu hiện những thay đổi trong khả năng phát triển và theo đuổi một kế hoạch hoặc khi làm việc với số liệu. Họ cũng có thể gặp rắc rối trong việc nắm bắt các cách làm quen thuộc hoặc theo dõi hóa đơn hàng tháng. Họ gặp khó khăn trong việc tập trung và tốn nhiều thời gian hơn để thực hiện các công việc họ đã làm trước đây.
Đâu là sự thay đổi điển hình liên quan đến tuổi tác? Thỉnh thoảng phạm một số lỗi khi quyết toán chi phiếu.


Gặp khó khăn khi hoàn thành các công việc quen thuộc ở nhà, tại nơi làm việc hay khi vui chơi
Người bệnh Alzheimer’s thường gặp khó khăn khi hoàn thành các công việc thường ngày. Đôi khi, họ cũng gặp rắc rối khi lái xe đến một địa điểm quen thuộc, quản lý ngân sách ở công ty hay ghi nhớ luật lệ của trò chơi yêu thích.
Đâu là sự thay đổi điển hình liên quan đến tuổi tác? Thỉnh thoảng cần giúp đỡ để thiết lập các chế độ của lò vi sóng hay thu lại chương trình TV.


Lú lẫn về thời gian hoặc nơi chốn
Người bệnh Alzheimer’s có thể không nhớ được ngày tháng, các mùa trong năm và mốc thời gian. Họ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu một điều gì đó khi điều đó không xảy ra ngay lập tức. Đôi khi, họ quên mất mình đang ở đâu hay làm sao họ đến được nơi đó.
Đâu là sự thay đổi điển hình liên quan đến tuổi tác? Cảm thấy mơ hồ về các ngày trong tuần nhưng sẽ nhớ ra sau đó.


Gặp khó khăn trong việc hiểu các hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian
Với vài người, gặp vấn đề về thị giác chính là dấu hiệu của bệnh Alzheimer’s. Họ gặp khó khăn khi đọc, phán đoán khoảng cách, xác định màu sắc hay sự tương phản. Trong nhận thức, họ nhìn xuyên qua gương và nghĩ rằng có ai khác đang ở trong phòng. Họ có thể không nhận ra mình trong gương.
Đâu là sự thay đổi điển hình liên quan đến tuổi tác? Sự thay đổi về thị giác liên quan đến bệnh đục thủy tinh thể (cườm mắt).


Phát sinh những khó khăn mới về từ ngữ khi nói hoặc viết
Người bệnh Alzheimer’s có thể gặp vấn đề khi theo dõi hay tham gia trò chuyện. Họ có thể dừng lại giữa cuộc nói chuyện và không biết cách nào để tiếp tục hoặc cứ lặp đi lặp lại. Họ vật lộn với từ vựng, gặp khó khăn trong việc tìm đúng từ hay gọi sai tên vật dụng (như gọi "đồng hồ treo tường" là "đồng hồ đeo tay").
Đâu là sự thay đổi điển hình liên quan đến tuổi tác? Đôi khi gặp khó khăn trong việc tìm đúng từ.


Đặt đồ vật nhầm chỗ và mất khả năng hồi tưởng lại các bước
Người bệnh Alzheimer’s có thể đặt đồ vật ở những nơi không quen thuộc. Họ có thể làm mất đồ vật và không thể nhớ các bước để tìm lại chúng. Đôi khi, họ buộc tội người khác ăn cắp. Việc này có thể xảy ra thường xuyên hơn theo thời gian.
Đâu là sự thay đổi điển hình liên quan đến tuổi tác? Thỉnh thoảng đặt đồ vật nhầm chỗ, ví dụ như kính hoặc điều khiển từ xa (remote control).


Giảm khả năng phán đoán hay đánh giá kém
Người bệnh Alzheimer’s có thể gặp những thay đổi trong việc phán đoán và ra quyết định. Ví dụ, họ có thể đánh giá kém khi giải quyết vấn đề liên quan đến tiền, như trao khoản tiền lớn cho người tiếp thị qua điện thoại. Họ cũng ít chú ý đến việc ăn mặc chỉnh tề hay giữ cho mình sạch sẽ.
Đâu là sự thay đổi điển hình liên quan đến tuổi tác? Đôi khi đưa ra quyết định tồi.


Rút lui khỏi công việc hay các hoạt động xã hội
Người bệnh Alzheimer’s có thể bắt đầu tự rút lui khỏi các sở thích, hoạt động xã hội, dự án công việc hay các môn thể thao. Họ gặp không theo kịp đội thể thao yêu thích hay không nhớ được cách thức hoàn thành sở thích riêng của mình. Họ cũng tránh tham gia hoạt động xã hội do những thay đổi họ gặp phải.
Đâu là sự thay đổi điển hình liên quan đến tuổi tác? Đôi khi cảm thấy chán nản với công việc, gia đình hay các nghĩa vụ xã hội.


Tâm trạng và tính cách thay đổi
Tâm trạng và tính cách của người bệnh Alzheimer’s có thể thay đổi. Họ trở nên bối rối, đa nghi, chán nản, sợ hãi hay lo lắng. Họ có thể dễ dàng bực tức khi ở nhà, tại nơi làm việc, với bạn bè hay ở những nơi mà họ không cảm thấy thoải mái.
Đâu là sự thay đổi điển hình liên quan đến tuổi tác? Thực hiện công việc theo cách thức rất khác biệt và trở nên cáu kỉnh khi thói quen bị phá vỡ.

NHỮNG NGÀY Ở ‘NURSING HOME’
Nguyên Thúy


        Sau ba tháng du lịch ở Mỹ về, những người quen hỏi tôi điều gì làm tôi tâm đắc nhất. Không chút do dự hay suy nghĩ, tôi trả lời: “…đó là cái Nursing Home (viện dưỡng lão)”. Họ ngạc nhiên khi thấy tôi không đề cập đến những địa danh nổi tiếng: như Las Vegas, Hollywood, Disney-land, những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới hoặc những cái Mall rộng lớn đi cả ngày chưa hết, những viện bảo tàng, những đại lộ thênh thang, chồng chéo lên nhau như những sợi mì… Tôi đã hưởng một chuỗi ngày dài thật tuyệt vời,với biết bao điều mới lạ, hiện đại, tối tân mà từ trước đến giờ tôi chưa hình dung hay tưởng tượng ra nổi. Thế mà khi trở về Việt Nam, tâm trí tôi chỉ còn lắng đọng một điều làm tôi ưu tư, trăn trở, ray rức: - Cái ‘Nursing Home’ mà mẹ chồng tôi đang sống.
Chặng cuối cùng của chuyến du lịch, chúng tôi đã ở Los Angeles mười lăm ngày để thăm viếng mẹ chồng. Hằng ngày, chúng tôi phải chuyển hai chuyến xe bus, đi qua Garden Grove - Westminster, Bolsa và bao nhiêu đại lộ nữa mà tôi không nhớ hết tên, đưa chúng tôi gần trạm cuối cùng của lộ trình. Chúng tôi phải đi bộ khoảng năm trăm mét để đến khu dưỡng lão của một tổ chức tư nhân. Đó là một khoảng đất rộng, nằm khuất sau đại lộ Hungtington hai con đường, cách bờ biển Hungtington chưa tới hai cây số. Một nơi yên tĩnh,vắng vẻ, với hai hàng cây sồi đưa vào cái ngõ cụt. Gồm ba dãy nhà trệt, ghép thành hình chữ U, nó êm dịu với những cánh cửa sơn màu xanh da trời, nổi bật màu sơn trắng của những bức tường, với những khung kính to trong suốt, lịch sự và trang nhã, bằng những tấm màn voan trắng che rũ. Những khóm hoa hồng, cẩm tú cầu được trồng một cách mỹ thuật trước hàng hiên, dưới cửa sổ, tạo cảm giác vui tươi, hưng phấn khi ngồi trên bộ bàn ghế để phơi nắng hoặc hóng mát duới tàng cây.
Khi vợ chồng tôi đến nơi, kim đồng hồ của phòng trực chỉ 8 giờ 30 phút, bác sĩ và y tá đang đi từng phòng kiểm tra sức khoẻ cho các cụ già. Mẹ chồng tôi tươm tất, sạch sẽ trong bộ quần áo mới thay, nét mặt tươi tỉnh. Họ đã làm vệ sinh cá nhân cho bà từ sáng sớm, trước khi dùng điểm tâm. Mâm thức ăn sáng chưa dọn, còn để trên bàn. Cô y tá người Việt vào kiểm tra huyết áp, đo lượng đường trong máu, rồi rót nuớc, bỏ thuốc vào miệng bà, ân cần thăm hỏi.
Mẹ chồng tôi không còn nhiều trí nhớ để trò chuyện. Bà hờ hững trả lời những câu hỏi không chính xác, mạch lạc. Những ngày đằng đẳng ở đây đã làm bà trở nên câm lặng. Trái ngược với thuở sinh thời, bà nổi tiếng là người nói nhiều. Ánh mắt vô hồn, lúc nào cũng nhìn lên trần nhà và tách biệt với cảnh vật chung quanh. Thời gian đầu cách đây mười bảy năm, cô em chồng đã bảo lãnh bà sang Mỹ. Bà đã sống một mình trong một căn phòng mà chính phủ ưu tiên cho người già thuê. Ban ngày bà ở đó, chiều đến con cháu thay phiên đón về nhà ăn, ngủ, tắm rửa. Sáng hôm sau lại tiếp tục, như một em bé đi nhà trẻ, đều đặn từ tháng nọ sang năm kia.
Gần đây, do tuổi tác quá cao (93 tuổi), bà bị té gãy xương đùi, không thể đi lại được,và không thể tự lo vệ sinh cá nhân, nên cô em chồng sau khi bàn tính với các anh chị đã quyết định đưa bà vào đây. Anh em chúng tôi như bị dồn vào ngõ cụt, tiến thoái đều lưỡng nan. Khó tìm một giải pháp vẹn toàn, con đường nào cũng trắc trở, chông gai. Phải chăng là do số phận, do định mệnh hay do nghiệp lực? Cuối cùng phải tự an ủi và chấp nhận, đó là quy luật đời thường mà xã hội đặt ra để giải quyết.
Những tấm gương hiếu thảo của thầy Mẫn Tử Khiên trong Nhị Thập Tứ Hiếu: "thờ cha sớm viếng khuya hầu" sẽ không có chỗ đứng trong thời khóa biểu của các người con ở thời hiện đại này. Chỉ có những viện dưỡng lão mới đáp ứng những lỗ hổng mà người con không thể lấp đầy được. Ở đây, chỉ cần một cái nhấn chuông là có bác sĩ, y tá, điều dưỡng, sẳn sàng đáp ứng, giải quyết điều mình yêu cầu. Mẹ chồng tôi kêu đau bụng, là có ngay hai cô điều dưỡng người Mễ cao to, khỏe mạnh bồng bà đặt lên cái ghế dành cho người khuyết tật, đẩy vào nhà vệ sinh. Tiểu tiện thì tự do thải vào tả lót, đến giờ họ đi thay.
10 giờ sáng và 3giờ 30 phút chiều, các cụ được tập trung ở phòng giải trí. Những chiếc xe lăn được đẩy tới, xếp thứ tự quanh chiếc bàn dài. Họ tham gia những trò chơi đố chữ, chuyền banh, những trò chơi vận động tay chân, nghe nhạc, xem tivi, và kết thúc bằng bánh ngọt hay trái cây với nước giải khát.
11 giờ 30 và 5 giờ chiều các cụ tập trung ở phòng ăn. Những mâm thức ăn dư thừa năng lượng. Ai không thích ngồi tại đây, thì yêu cầu mang vào phòng. Những chiếc xe lăn được đẩy tới, xếp quanh cái bàn tròn. Bàn này có tám người, ba người đàn ông và năm người đàn bà. Chỉ có mẹ chồng tôi là người Việt. Ông Mỹ đen trên bốn mươi tuổi, bị tai biến mạch máu não, tay không cử động được, nên người điều dưỡng phải đút cho ông và hai bà kế bên. Tôi đặc biệt chú ý đến một bà Mỹ trắng, tuổi trên độ "thất thập cổ lai hy", nét mặt thanh tú, dáng người thon nhỏ, mãnh mai. Thời con gái chắc bà được xếp vào hàng mỹ nhân. Đôi mắt to và buồn… đôi mắt như biết nói, khi đối diện với một người nào. Ngày đầu tiên, bà nhìn tôi cười và chỉ mẹ chồng tôi hỏi "tôi là gì". Tôi trả lời là “con dâu”. Câu chuyện giữa tôi và bà chỉ dừng lại ở những câu xã giao thông thường. Vốn liếng Anh ngữ nghèo nàn của tôi, không cho phép tôi tìm hiểu sâu hơn nữa. Hoặc nếu bà có tâm sự, tôi cũng không thể hiểu hết được. Một bữa, tôi thấy bà không chịu ăn, bà ngồi trầm ngâm, rồi những giọt nước mắt liên tục tuôn trào trên gò má xanh xao… Bà khóc nức nở. Những người bạn cùng bàn an ủi, làm bà càng khóc to hơn. Tôi nắm tay bà, lau nước mắt và đút cho bà ăn. Bà vẫn khóc như một đứa trẻ. Liên tiếp ba ngày như vậy. Tôi được biết qua cô y tá người Việt, là lâu rồi con bà không đến thăm. Hình ảnh tôi đút cơm cho mẹ chồng, làm bà nhớ con và chạnh lòng buồn tủi. Những ngày sau cùng, tôi không dám đưa mẹ chồng ra phòng ăn. Tôi không dám nhìn bà khóc thêm nữa. Lòng tôi cũng xao động, nước mắt tôi cũng chảy dài. Bởi tôi là người rất nhạy cảm và dễ xúc động. Tôi rón rén ra nhìn. Bà ngồi đó, đôi mắt xa xăm, tư lự. Chắc chắn bà đang nghĩ về con bà. Biết bao câu hỏi, đang quay cuồng trong tâm trí: sao lâu rồi con không đến, bận rộn hay có sự bất trắc gì đã xảy ra? Bà vừa lo, vừa buồn, rồi giận, rồi thương, nhớ, làm bà không tự chủ, đè nén những cảm xúc của mình. Chắc chắn, không biết bao nhiêu lần, cuốn phim dĩ vãng của một thời vàng son đã lần lượt, thường xuyên quay lại trong ký ức của bà. Bà nhớ đến người chồng quá cố, nhớ những đứa con bà hết lòng thương yêu, nhớ những ngày đầm ấm hạnh phúc, nhớ những lo toan, thăng trầm trong cuộc sống. Giờ này con bà có biết bà đang mõi mòn trông đợi hay không?
Ở đây, cái viện dưỡng lão này chỉ giúp người già cải thiện, bù đắp những thiếu sót về vật chất, mà con cái không thể hoàn thiện được. Bác sĩ, y tá, thức ăn, thuốc men, máy móc, chỉ giúp họ hết đau đớn về thể xác. Cái tensionmètre chỉ đo được chỉ số huyết áp giao động trong ngày, các máy móc kỹ thuật cao phát hiện những tổn thương sâu trong cơ thể… Tất cả những thứ đó không giải quyết, chữa trị được những đau đớn tinh thần, những giao động tâm lý, những khắc khoải triền miên của lòng khát khao yêu thương. Đó là căn bệnh trầm kha mà không máy móc, bác sĩ, y tá nào chữa trị được. Đó là thứ thức ăn linh nghiệm và hiệu quả mà con người đã mỏi mòn tìm kiếm và chưa bao giờ thấy no đủ.
Mẹ chồng tôi có sáu người con: bốn trai hai gái. Một mình bà nuôi nấng sáu người con khôn lớn trưởng thành. Giờ đây khi tuổi tác chồng chất, sáu người con không chăm sóc được một mẹ già. Dù rất thương mẹ, dù biết công đức sinh thành dưỡng dục, sâu rộng như trời biển; nhưng không thể nào làm tròn bổn phận, bởi những tất bật, căng thẳng và đa đoan của cuộc sống.
Bên Mỹ có ngày ‘Mother's day’ và ‘Father's day’. Việt Nam có ngày Vu Lan - Bông hồng cài áo. Ai còn cha mẹ thì cài một đoá hoa cẩm chướng đỏ hay hoa hồng đỏ. Ai mất mẹ thì cái một bông cẩm chướng trắng hay hoa hồng trắng. Một hình ảnh biểu trưng, chọn một ngày để nhắc nhở những ai diễm phúc còn có mẹ, để mà yêu thương và trân quý. Với tôi một ngày trong một năm như thế là quá ít ỏi. Chẳng khác nào hạt muối trong đại dương. Mỗi ngày, ít lắm mỗi tuần, tệ lắm mỗi tháng, ta phải tự cài lên áo một hoa hồng đỏ, qua một món quà mà mẹ yêu thích: cái bánh, củ khoai, trái chuối, ly sữa… một lời thăm hỏi ân cần, một câu nói ngọt ngào, một ánh mắt ấm áp chan chứa yêu thương, một cử chỉ âu yếm, quan tâm, lo lắng. Đó là đóa hoa hồng đỏ, đã tự nở trên áo của ta, không đợi đến ngày Vu Lan được mọi người nhắc nhở. Em chồng tôi, đều đặn mỗi ngày ghé thăm mẹ,với những món quà mà bà mẹ Việt Nam yêu thích. Mỗi tuần cô cài đủ bảy hoa hồng đỏ thắm. Bảy ngày hạnh phúc và luôn thầm cảm ơn cái đặc ân còn có mẹ để mà tự nguyện và hiến dâng. Thế mà mẹ chồng tôi vẫn không chịu đựng được sự trống vắng, cô đơn khi không có sự đồng cảm giữa những người xa lạ và ngôn ngữ bất đồng. Lúc nào bà cũng muốn về nhà, khẩn khoản muốn về nhà.
Cùng phòng với mẹ chồng tôi là một bà cụ người Bắc 1954, mới đưa vào ba hôm. Người con gái lấy chồng lính Mỹ, đã bảo lãnh bà sang đây mười mấy năm về trước. Bà chỉ còn da bọc xương, lưng còng gần 90 độ. Bà nằm co quắp như con tôm luộc chín. Bà không còn đủ sức để ngồi lâu. Bà chỉ ăn cháo và uống sữa. Buổi trưa, người con gái đem cháo đến đút cho bà, phát hiện đầu bà không ngẩng lên được. Cô ta hốt hoảng la toáng lên: "tại sao bà không ngẩng đầu lên được, tụi nó đã làm gì bà? Có phải tụi nó giật đầu, giật tóc bà không? Để tôi đi hỏi cho ra lẽ?".Bà không còn hơi sức mà trả lời. Từ khi bà đến nằm trên cái giường này, tôi chưa nghe bà nói gì ngoài tiếng thều thào yếu ớt: "…cho con về nhà, con muốn về nhà". Bà nhìn tôi cầu cứu, tôi nắm bàn tay khô đét, lạnh ngắt và hỏi bà cần gì. Bà chỉ nói một câu đó, lập đi, lập lại không biết bao nhiêu lần. Bà tới đây từ một cái viện dưỡng lão khác, mà cô con gái chê là tệ quá. Cô ta sốt ruột vì thấy mẹ mình suy sụp nhanh chóng. Cô phản ứng lồng lộn. Lòng thương mẹ mù quáng làm cô thốt ra những câu nói không tế nhị. Bác sĩ và xe cấp cứu đến, người ta đưa bà vào bệnh viện lớn để rà soát lại cơ thể. Căn phòng chỉ còn lại một mình mẹ chồng tôi.
Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình. . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Sáng khuya trưa tối, nhìn quanh một mình
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Đó là những câu hát não nùng, thật chua chát và đắng cay mà nhạc sĩ Lam Phương đã viết cho số phận của mình vào cuối đời, với những dư chứng của bệnh tai biến mạch máu não.
Chúng tôi về lại Việt Nam, với linh tính biết đây là lần cuối cùng chúng tôi còn thấy mẹ. Buổi chia tay đẫm nước mắt và đau buồn trĩu nặng tâm tư. Mười ngày sau, vào một đêm cuối mùa hạ 2006, mẹ chồng tôi đã vĩnh viễn không mở mắt nhìn cái trần nhà, mà mấy tháng ròng rã bà ít khi rời nó. Bà ra đi trong sự an giấc của mọi người, âm thầm lặng lẽ không một ai hay biết. Còn biết bao bà mẹ khác cũng đã và sẽ ra đi trong cô đơn tẻ lạnh như thế này.
Tại ai? Tại con người? Tại xã hội hay tại ta sinh lầm thế kỷ?
Nguyên Thúy


Sunday, December 20, 2015


Nhớ Dalat
Nghe audio
http://ndclnh-mytho-usa.org/Audio%20Book/Bich%20Huyen_Dalat-voa.mp3
Xem video
https://www.youtube.com/watch?v=gGWhyBEA_B0
Bệnh quên
Nước Tống có người tự nhiên mắc phải bệnh quên : buổi sáng lấy gì của ai , buổi chiều đã quên ; ngày nay cho ai cái gì , ngày mai đã quên ; ra đường quên cả đi ; ở nhà quên cả ngồi ; trước có làm những gì , bây giờ quên hết ; bây giờ đang làm gì , sau nay cũng quên hết .
Cả nhà anh lấy làm lo . Xem bói không tốt , đi cúng không đỡ . Ðón thầy chữa thuốc cũng không khỏi .
Sau có Ông đồ người nước Lỗ nói sẽ chữa được . Vợ người có bệnh hứa với Ông hễ chữa khỏi thì chia cho nửa cơ nghiệp .
Ông đồ nói :
-Bệnh nầy bói không ra được , cúng không khỏi được , thuốc không chữa được . Nay tôi thử hóa cái làm tinh , biến cái trí lự của anh ta , may mà khỏi chăng ?
Nói đoạn Ông đồ liền sai lột áo để cho rét , thì thấy anh ta xin áo , sai cấm ăn , để cho đói , thì thấy anh ta xin ăn , sai đem vào chỗ tối , thì thấy anh ta xin ra chỗ sáng .
Ông đồ hớn hở bảo con anh ta rằng :
-Bệnh chữa được , song môn thuốc của tôi bí truyền không thể nói cho ai biết . Rồi Ông đuổi cả người chung quanh đi , chỉ một mình Ông ở với người có bệnh trong 7 ngày . Chẳng biết Ông đồ chữa chạy thế nào mà bệnh lâu năm như thế nhất đáng khỏi phăng .
Khi anh bệnh đã tỉnh như thường , anh liền nổi cơn giận , chửi vợ đánh con , cầm giáo đuổi Ông đồ .
Người ta bắt anh và hỏi vì cớ gì mà anh giận như vậy . Anh nói :
-Lúc trước ta có bệnh quên , thì trong lòng ta thản nhiên khoan khoái , trời đất có hay không , ta cũng chẳng biết . Nay ta hết bệnh , ta nhớ lại cả những việc vài mươi năm về trước , việc còn , việc mất , việc được , việc hỏng , việc thương , việc yêu , việc vui , việc ghét , trong lòng lại muôn mối ngỗn ngang bời bời nổi lên . Ta e sau nầy , những việc còn, mất, được , hỏng , thương , vui , yêu , ghét ấy cứ vướng vít trong lòng ta mãi mãi thì bấy giờ dù muốn quên cả đi một phút , một lát , liệu còn có được nữa chăng ?

Wednesday, December 16, 2015

Vài bài hát quen thuộc mùa giáng sinh

http://ndclnh-mytho-usa.org/Audio%20Book/Bich%20Huyen_Giang%20Sinh%202006.mp3

Khi Mùa Giáng Sinh Đến

Nguyễn Thị Thanh Dương


Đã tới giờ đi ngủ, tôi dắt cu Bí lên giường. Tôi nằm cạnh nó, vỗ nhẹ vào lưng và kể một câu chuyện thần tiên giản dị, nhưng mãi nó vẫn chưa ngủ, còn quay ra hỏi tôi:
- Bố sắp về chưa mẹ?
- Lúc chiều bố đã nói chuyện phone với con là một tuần nữa bố sẽ về rồi mà.
Trong ánh sáng mờ của ngọn đèn ngủ, cu Bí giơ cả hai bàn tay lên, xòe đủ muời ngón nhỏ xíu ra truớc mặt tôi rồi hỏi:
- Một tuần nữa là mấy ngày? Mẹ đếm đi
Tôi đếm từng ngón tay của Bí:
- Đây này, 1,2,3,4,5,6,7. Tới ngày này bố sẽ về.
Cu Bí reo lên:
- Con thích qúa, Bố về với mẹ, với con để đi mua Christmas tree nhé?
- Đúng vậy, mùa lễ Giáng Sinh này chúng ta sẽ có một cây Christmas tree đẹp ơi là đẹp như những năm truớc.Bây giờ con hãy ngủ đi nhé
Thằng bé sung suớng mỉm cuời và khép mắt lại. Tôi tin rằng một giấc mơ đẹp đang đến với nó. Nhưng ngay
trong giây phút này một giấc mơ buồn của tuổi thơ tôi hiện ra, khi vừa rồi tôi nhìn thấy con tôi xòe những
ngón tay để đếm từng ngày đợi mong bố về sau một chuyến công tác xa nhà...
°
Tôi chỉ còn nhớ những hình ảnh mơ hồ, không theo thứ tự, kể từ khi tôi lên 4 tuổi, tôi thấy bố mẹ tôi thường xuyên cãi nhau và có khi đánh nhau, mẹ ném một cái gì đó vào bố và bố cũng ném lại vào mẹ. Những lúc đó tôi sợ hãi khóc ré lên, nhưng mặc cho tôi gào khóc bố mẹ vẫn tiếp tục cãi nhau. Một lần, khi thấy tôi khóc mẹ đã tức giận tát túi bụi vào mặt tôi, làm tôi sợ hãi thêm và nín khóc ngay, từ đó trở đi tôi không dám khóc nữa, mỗi lần bố mẹ bắt đầu to tiếng thì tôi len lén chui vào closet, đóng cửa lại, tôi tìm thấy nơi đó một sự trú ẩn bình an. Có hôm tôi ngủ quên trong đó, có hôm tôi chờ đợi sự im ắng thì chui ra, hoặc bố hoặc mẹ đã ra khỏi nhà. Tôi đã biết tự lo cho chính mình, mở tủ lạnh tìm đồ ăn, là một vài miếng cheese khô hay cái hotdog đã mở bọc nằm lăn lóc trong góc tủ. Vì sau trận cãi nhau chẳng ai ngó ngàng đến tôi, tôi cũng biết thân phận chẳng dám kêu réo hay đòi hỏi gì.
Rồi một ngày tôi thức dậy thì biết mình mất mẹ, bố tôi ngồi thừ người ở ghế. Mẹ tôi đã ra đi và bỏ tôi ở lại như một trong các món đồ cũ mẹ không cần dùng. Bố tôi nói dửng dưng như thông báo một chuyện vừa xảy ra ở nhà hàng xóm:
- Mẹ đi rồi, từ nay con ở với bố.
Tôi oà lên khóc, có lẽ vì sợ hãi cô đơn hơn là thương nhớ mẹ, tôi rất it khi nhận được sự chiều chuộng âu yếm nơi mẹ, thì giờ chính của mẹ ở nhà là uống bia, uống rượu như bố, rồi mẹ ngủ vùi. Những bữa ăn của
tôi thường là những lát bánh mì, gà chiên sẵn mua ở tiệm hay hotdog. Đôi khi bố mẹ vui vẻ tôi được dẫn đi
ăn nhà hàng, đó là những ngày hạnh phúc nhất đời tôi, vì được thấy bố mẹ thân thiện và được ăn đồ nóng sốt ngon lành. Tôi từng cầu mong những giây phút hạnh phúc đó kéo dài vô tận, nhưng thực tế thì quá ngắn ngủi, tôi không hiểu sao mới hôm qua họ còn cười nói, ôm hôn nhau, hôm sau họ đã cãi nhau, chửi nhau đầy vẻ hận thù. Tôi đã mong tôi lớn mau để hỏi bố hỏi mẹ điều này.
Bố để mặc tôi khóc một lúc rồi gắt:
- Thôi nín đi, đừng làm bố sốt ruột lên đây.
- Tại sao mẹ bỏ đỉ rồi mẹ ở nhà ai?
- Bố không biết! bố tôi trả lời cụt ngủn và lạnh lùng.
Tôi tưởng mẹ đi mấy ngày rồi trở về như vài lần
trước, nhưng bố đã nói:
- Mẹ không bao giờ trở về đâu, bố sẽ gởi con cho baby sit để bố còn đi làm. Từ ngày mẹ đi, không còn ai để cãi nhau nên thì giờ của bố chỉ để uống rượu bia, hết uống với bạn bè ngoài đường về đến nhà lại uống. Tôi không chui vào closet để trốn nữa mà chỉ ngồi ru rú trong phòng coi ti vi một mình.
Bố gởi tôi cho một gia đình Việt nam, sáng trước khi đi làm bố mang tôi đến, chiều về làm ghé vào đón tôi. Bác Kha trai làm việc cùng hãng với bố, bác Kha gái ở nhà trông con, họ có một đứa con gái bằng tuổi tôi
tên Linh. Chính ở nơi đây tôi được ăn những bữa cơm ngon lành, được hưởng lây không khí gia đình ấm cúng, hai vợ chồng bác Kha không cãi nhau như bố mẹ tôi nên cái Linh ngạc nhiên khi nghe tôi kể phải trốn vào closet. Vài tháng trôi qua, tôi thực sự yêu thích ngôi nhà êm ấm của bác Kha, nhưng một đôi lần bố không đón tôi đúng hẹn, bác Kha trai đã về đến nhà ăn xong bữa cơm chiều mà bố vẫn chưa đến, tôi đã thấy khi bác Kha trai về, nhà vui vẻ, rộn ràng hẳn lên, khi ấy Linh quên tôi, nó nhảy nhót lên lòng bố, kể chuỵện nọ kia, bác Kha gái vừa dọn cơm vừa nói chuyện vói chồng. Tôi như người thừa, bị bỏ rơi, cảm thấy tủi thân và ganh tị với Linh, chỉ mong mau chóng rời khỏi đây, dù chỉ là về nhà với bố ăn một cái bánh mì nguội kẹp hotdog và uống một ly sữa là xong bữa ăn chiều thường lệ. Bố thường xuyên đón tôi trễ, tôi càng ngày càng mặc cảm, tủi thân với gia đình bác Kha, mỗi buổi chiều tôi đều ngó ra cửa sổ mong đợi bóng dáng bố đang từ ngoài sân bước vào, tôi vui khi thấy bố, tôi thất vọng khi bóng chiều ngả màu tối mà bố chưa đến. Thế là tôi lỉnh vào phòng trong vờ coi tivi để khỏi trông thấy cảnh Linh đang hưởng hạnh phúc bên bố mẹ nó.
Bác Kha gái hay nói với tôi:
- Bố cháu có bồ rồi, bố quên đón cháu rồi.
Tôi đã nhìn bác Kha với vẻ tức giận, bố có bồ chỉ là một ý nghĩ bố đang gần gũi một người nào đó, chứ tôi chẳng hiểu "bồ" là gì cả. Tôi không muốn tin điều bác Kha nói là sự thật.
Tôi hay khóc thút thít mỗi khi bố đón tôi trễ, đó là một sự phản đối, sự trách móc duy nhất tôi có thể làm, vì nếu tôi nói lên một điều gì đó sẽ bị cắt ngang ngay bằng lời gắt gỏng của bố, cho đến khi ăn xong bữa tối với bố ai về phòng nấy tôi lại khóc tiếp trong đống chăn gối quấn quanh tôi và ngủ thiếp đi.
Dù nhà bác Kha vẫn có những bữa cơm trưa ngon lành, vẫn là cảnh gia đình ấm cúng, nhưng tôi biết những cảnh đó không thuộc về tôi, tôi vẫn chỉ là đứa trẻ đứng bên ngoài, tôi càng ngày càng ganh ghét với Linh, tôi không thích đến nhà bác Kha nữa, dù ở nhà tôi cũng có gì vui đâu!
Một chiều đi làm về, bố sửa soạn quần áo của bố và tôi vào hai cái valy. Tôi lẩn quẩn bên chân bố và luôn
miệng hỏi:
- Chúng ta sẽ đi xa hở bố?
- Ừ, chúng ta sẽ về Texas thăm bà nội và cô Nga.
Tôi ngạc nhiên lẫn tò mò:
- Con không biết là mình có bà nội và cô Nga, con tưởng rằng trên cõi đời này nhà mình chỉ có bố, mẹ và con.
Bố tôi cười buồn:
- Ai cũng có họ hàng gần xa chứ, con có cả ông bà ngoại, nhưng họ đã từ bỏ mẹ con, nên họ chẳng bao giờ biết đến con đâu, còn bên nội con có bà nội và cô Nga, nhưng bố ít khi về thăm họ. Thôi, mai bố sẽ đưa con về.
Đêm ấy tôi đã ngủ với một giấc mơ thật đẹp, hai bố con tôi về một vùng đất xa xôi nào đó bên Texas, tôi
sẽ có bà nội có cô Nga, mọi người sẽ sống gần nhau chắc là vui lắm. Dù tôi đã mơ thế, nhưng lần đầu gặp bà nội và cô Nga tôi vẫn rụt rè xa lạ.Tôi luôn nắm lấy áo bố hay bàn tay bố trong khi bà và cô quấn quýt hỏi han bố đủ thứ, rồi bà và cô đều khóc, không biết họ hờn trách hay sung sướng khi gặp bố? Xong bà
nội ôm tôi vào lòng, bà ngắm nghía, vuốt ve từng lọn tóc, từng bàn tay tôi, bà bảo tôi con gái mà giống cha cao ráo. Bà hôn lên má tôi, tôi cảm nhận được tình thương bà dành cho tôi, cả cô Nga cũng thế, cô trìu mến chăm sóc tôi, nên tôi bớt thấy xa lạ và quen dần với họ.
Hai ngày sau, tôi thấy bố sắp quần áo vào valy, tôi lo âu hỏi:
- Chúng ta lại về chốn cũ hở bố?
- Chỉ mình bố về thôi, con ở lại đây.
Tôi càng lo sợ hơn, tôi nói mà sắp khóc:
- Bố đừng đi, con muốn ở với bố.
- Bà nội và cô Nga thương con, con đừng sợ. Bố khuyên tôi thế.
- Nhưng con không muốn xa bố. Tại sao chúng ta không sống
như thế này mãi?
- Bố phải về đi làm để có tiền nuôi con chứ.
Bà nội tôi nước mắt ràn rụa cầm lấy tay bố tôi:
- Con cuả con mới 6 tuổi còn bé bỏng, nó đã không có mẹ chỉ còn cha thôi, hãy vì nó mà ở lại, công việc lao
động của con ở đâu mà chẳng có, mấy năm nay mẹ cũng không được gần con, đừng đi đâu nữa.
Cô Nga cũng khóc theo và nói:
- Anh hãy ở lại đây, mẹ và em sẽ đỡ đần anh để cùng
lo cho cháu.
Nhưng những giọt nước mắt chẳng làm bố tôi thay đổi. Mới 2 ngày ở với bà và cô, dù tôi đang cảm thấy thân
thương, nhưng bố vẫn là người gần tôi nhất.Tôi đã quen thuộc với bố từng lúc vui buồn, những lần giận
dữ, từng câu nói giọng cười, từng bữa ăn ngon, từng ngày bị bỏ đói. Tôi vui khi ở với bà nội, cô Nga, nhưng
tôi vẫn không muốn xa bố, hình như tình máu mủ ruột thịt làm tôi hiểu bố là người thân nhất, là nơi tôi
cần nương tựa nhất. Tôi ôm chầm lấy bố gào lên:
- Con không cho bố đi! Con không cho bố đi!
Bố hất mạnh tay tôi ra, tôi ngã lăn quay trên nền nhà.
Bố thương hại đỡ tôi dậy, giọng dịu lại:
- Rồi bố sẽ về thăm con, bố hứa sẽ về thăm con.
Tôi nghẹn ngào hỏi:
- Bao giờ bố về?
Bố nhìn lên tờ lịch trên tường:
- Bây giờ là tháng Mười, hai tháng nữa bố sẽ về, vào ngày Christmas, con chịu không?
Tôi đã xoè tất cả những ngón tay của mình ra và hỏi:
- Hai tháng là bao nhiêu ngày? Có lâu không?
- Là 60 ngày, mau lắm con. Bố sẽ mang về một Christmas tree để trang hoàng cho con xem, con thích Christmas tree lắm mà.
Mỗi mùa Giáng Sinh đã qua tôi đều say mê thích thú khi được ngắm những cây thông trang hoàng rực rỡ trong những cửa tiệm hay trên đường phố, đôi mắt trẻ thơ của tôi đã mở to ra như muốn mang tất cả những hình ảnh lung linh huyền diệu đó vào trong tâm hồn. Lúc một vài tuổi thì tôi không biết, nhưng từ khi 4-5 tuổi, tôi chưa bao giờ có một cây Giáng Sinh trong nhà khi mùa lễ
đến. Tôi vừa chùi nước mắt vừa nói:
- Bố nhớ nhé, rồi chúng ta sẽ có một cây Christmas, con sẽ phụ bố để treo đèn. Bố ơi, có phải là đêm Giáng
Sinh, ông già Noen sẽ chui từ ống khói để vào nhà và cho quà trẻ con, để dưới gốc cây thông không?
- Có đấy, nhưng bây giờ con phải ngoan để cho bố đi.
Tôi lại chùi nước mắt lần nữa để cho bố vui lòng, vì lời hứa hẹn trở về của bố vào mùa lễ Giáng Sinh
với cây thông xinh đẹp.
- Vâng, bố xem này, con không khóc nữa đâu.
Vậy mà chỉ mười phút sau, khi bố vừa xách valy đi ra cửa, tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng và sợ hãi trở lại,
tôi chạy theo bố, nước mắt lại rơi ra:
- Bố ơi!
- Vào nhà với bà nội đi. Bố tôi gắt
- 60 ngày nữa bố về nhé?
- Ừ, bố hứa rồi mà.
Tôi vẫn không muốn rời bố:
- Nhưng....nhưng....nếu bố quên, làm sao con nhắc bố
được? Bố cho con số điện thoại của bố đi....
Bố tôi bực mình đặt valy xuống đất, rút túi xé một mảnh giấy trắng nhỏ bằng bàn tay, viết vội vài con số
rồi đưa cho tôi:
- Số điện thoại đây, thôi để bố đi.
Tôi nắm chặt tờ giấy như nắm chặt một báu vật, làm như tờ giấy mất thì tôi mất luôn cả bố. Bà nội đã
ôm tôi, cả hai bà cháu đều khóc.
Tối hôm ấy tôi hỏi bà nội: Bây giờ bố về đến nhà chưa? Bà nói rồi, là tôi len lén vào phòng, đóng cửa
lại. Cầm phone lên tôi bấm đủ các số bố đã ghi trên mảnh giấy, với lòng rạo rực được nghe thấy bố nói,
nhưng không ai trả lời, cõi lòng mơ hồ thất vọng, tôi nghĩ là bố đang trên đường trở về nhà hay bố đang
ngủ nên không biết là tôi đã gọi.
Ngày mỗi ngày tôi đều lén vào phòng gọi phone cho bố, nhưng chẳng lần nào được gặp bố, tôi xấu hổ, sợ
bà nội và vợ chồng cô Nga đọc thấy nỗi lòng mong đợi của tôi, tôi là đứa trẻ mỏng manh, yếu đuối, không đủ kiên nhẫn chờ đợi 60 ngày sau bố sẽ trở về.
Ngày nào tôi cũng hỏi bà nội còn bao nhiêu ngày nữa là Christmas, hình ảnh bố về với cây thông làm tôi náo nức. Cho đến ngày cuối cùng thì cõi lòng tôi tan nát như một cái ly thuỷ tinh vừa bị đánh rơi trên nền gạch. Bố không về như đã hứa, chỉ có cây thông của vợ chồng cô Nga, cây thông to đẹp, được trang hoàng đủ màu sắc nhưng vẫn không làm tôi vui, tôi cảm thấy bị tổn thương, bị bỏ rơi.Tôi vẫn muốn liên lạc được với bố, để nghe bố nói hay giải thích tại sao, miễn là tôi vẫn cảm thấy bố đang ở bên cạnh tôi. Tôi sợ mình đã không biết cách gọi phone, cuối cùng tôi đưa mảnh giấy ra nhờ bà nội và vợ chồng cô Nga gọi giùm, vẫn biệt tăm biệt tích, không biết bố ở đâu!
Bà nội thở dài:
- Cháu ơi, chắc bố cháu bận làm việc đấy. Thôi đừng gọi nữa, không Christmas này thì Christmas sau bố sẽ về.
Lòng tôi đã bớt náo nức chờ mong vì mùa sau xa xôi quá, 60 ngày qua tôi đã chờ đợi biết bao lâu! Tôi cũng không xoè cả hai bàn tay ra để đếm nữa, dù trong lòng vẫn hi vọng vào lời ước đoán của bà, nhưng mảnh giấy mà bố tôi xé vội để ghi số điện thoại, tôi vẫn giữ kỹ, vẫn tin đó là nhịp cầu duy nhất để nối liền tôi với bố, để tôi có thể gặp bố.
Chẳng phải chỉ mình tôi mong bố về mà bà nội và cô Nga cũng mong. Nhưng đứa con hư của bà nội chẳng bao giờ trở về, mấy năm trời biệt tăm biệt tích, bà nội mới nhận được tin bố từ một người khác, họ báo tin
bố tôi đã chết vì trúng gió, họ chỉ nói đơn giản thế. Năm ấy tôi mới 10 tuổi, về sau tôi càng lớn càng
biết nhiều về bố do bà nội và cô Nga kể lại.
Bà nội chỉ có hai người con là bố và cô Nga, vì bố là con trai nên bà nội rất cưng chiều, bố chẳng lo học
hành, chỉ rong chơi cho tới lớn, rượu chè, cờ bạc và bồ bịch với đủ hạng người. Bố ăn ở với một cô gái dân chơi bụi đời, bà nội ngăn cản không được, đành chịu thua số mệnh, bố mang người yêu đi sống ở một phương trời khác và từ đó chẳng hề liên lạc với bà nội cho tới ngày mang tôi về.
Tôi quả là một đứa trẻ bất hạnh khi có cả cha lẫn mẹ đều hư hỏng, nhưng tôi may mắn có bà nội và vợ chồng cô Nga. Tôi đã xé nát mảnh giấy năm xưa có ghi số điện thoại của bố, mảnh giấy tôi đã giữ kỹ suốt 4
năm trời. Đó chỉ là một sự lừa dối khủng khiếp, những con số đó không có thật, do bố bịa đặt ra, những lời hứa hẹn ngon ngọt chỉ để làm xiêu lòng một đứa trẻ lên 6, để bố được thoải mái ra đi, sống
theo con đường của mình.
Theo lời chỉ dạy của bà nội, của vợ chồng cô Nga, tôi đã chăm chỉ học hành. Tôi nhận thấy đây là mái ấm gia đình của tôi, vợ chồng cô Nga đã liên tiếp có 2 đứa con, dù chúng cách tuổi tôi khá xa, nhưng chúng tôi vẫn thương yêu gắn bó nhau như chị em ruột. Mỗi khi rảnh tôi hay ôm bà nội, thủ thỉ:
- Bà ơi, sau này cháu sẽ đi làm nuôi bà, cháu sẽ làm ra nhiều tiền để cho bà sung sướng.
Bà nội vuốt đầu tôi, âu yếm:
- Bà chỉ mong mỗi một điều được thấy cháu ăn học nên người, không hư hỏng như bố cháu, thì chết bà cũng
vui.
Bà đã đạt được ước nguyện đó và còn chứng kiến ngày tôi lên xe hoa với một người chồng hiền lành tử tế, anh đến với tôi bằng tình yêu và được cả gia đình tôi hài lòng tin tưởng, Bà nội tôi từ trần khi con tôi vừa một tuổi, trên gương mặt bà giây phút cuối còn hiện lên vẻ thanh thản mãn nguyện.
°
Cây thông tươi xanh được trang hoàng thật đẹp, những đèn đủ màu sắc, những sợi dây kim tuyến lấp lánh, và những tấm thiệp hớn hở treo đầy cành. Vợ chồng tôi đều thích chưng cây thông tươi vào mỗi mùa lễ Giáng Sinh, như mang cả thiên nhiên vào căn nhà ấm cúng khi ngoài trời gió lạnh đầy. Có lẽ đây là cây Christmas mà thuở lên 6 tôi đã mong mỏi đợi chờ nơi bố, thì bây giờ tôi mang niềm vui và hạnh phúc đó cho con tôi, những gì mà khi xưa tôi không có, tôi đều bù đắp cho con nhiều lên, con tôi đâu hiểu rằng nó đang sống giùm tôi một quãng đời tuổi thơ mơ ước khát khaọ
Đêm Chúa Giáng Sinh, hai vợ chồng và con tôi quây quần bên gốc cây thông để mở những gói quà xinh đẹp, Tôi đọc thấy trong mắt con tôi cả một khoảng trời xanh ngây thơ và hạnh phúc, lòng tôi rạt rào niềm vui, niềm hãnh diện, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên quá khứ của tôi, không phải để oán trách bố mẹ, mà để thương cho những cảnh ngộ trẻ thơ như tôi. Có biết bao đứa trẻ đã bị ghẻ lạnh, bị bỏ rơi trong những ngày lễ tết cuối năm đầy màu sắc tươi vui và nhộn nhịp này!!
Khi treo những cánh thiệp mang đầy lời cầu chúc, lời ước nguyện tốt lành trên cành cây Christmas, tôi đã
nghĩ đến chúng..!.
Hết